Khi đó, Việt Nam có hai nhà cung cấp mạng di động là Vinaphone
và Mobifone. Theo tôi nhớ, không có sự khác biệt gì về giá
giữa hai nhà cung cấp này. Hồi đó, tôi sử dụng dịch vụ
trả trước. Một thẻ cào trị giá 300.000 đồng được Mobifone
cho phép sử dụng trong vòng 45 ngày và nhận cuộc gọi thêm 15
ngày nữa. Một cuộc gọi hồi đó được tính trọn 2 phút và
có giá là 7.000 đồng. Nếu gọi sang vùng khác, chẳng hạn gọi
từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội, giá còn đắt nữa, hình như là
7.000 đồng một phút. Nhín lắm, một tháng tôi vẫn phải trả
ít nhất 200.000 đồng trong tình trạng hầu như không dám gọi
gì. Giá của Mobifone và Vinaphone cứ như thế kéo dài nhiều năm
liền, những năm sau có giảm chút ít nhưng không đáng kể, cho
đến khoảng năm 2004.
Tôi không nhớ chính xác thời điểm, nhưng hình như Sphone và
Viettel cùng ra đời năm 2004. Sự có mặt của Sphone và đặc
biệt là Viettel trong thị trường viễn thông di động tạo
điều kiện cho một cuộc chạy đua về giá ngoạn mục mà
người có lợi là người tiêu dùng. Lấy tôi ra làm ví dụ,
thời điểm hiện tại tôi sử dụng dịch vụ trả sau của
Mobifone. Hàng tháng, tôi gọi không tính toán và gần như dùng
đi dộng thay cho cho điện thoại cố định, thì cước trung
bình hàng tháng độ 400.000 đồng, trừ tháng nào đi nước
ngoài thì cước đội lên do dịch vụ roaming nhưng đó là
trường hợp ngoại lệ.
Cuộc chạy đua giữa các nhà mạng hiện giờ đã đến một
giai đoạn, mà Sài Gòn Tiếp Thị gọi một cách rất ý nhị là
<a href="http://sgtt.com.vn/Kinh-te/121364/Cuoc-dua-bo-mang.html">cuộc đua
bỏ mạng</a>. Bỏ mạng có thể có nghĩa bỏ mạng này sang
mạng khác, mà cũng có thể là có nhà mạng phải trút hơi thở
cuối cùng. Trước sự cạnh tranh khốc liệt đặc biệt từ
phía các đại gia, liệu các mạng di động nhỏ hơn, ra đời
sau có thể sống được bao lâu? Sẽ không có gì để nói, nếu
sự cạnh tranh đó diễn ra một cách hoàn toàn lành mạnh và
không có đòn dưới thắt lưng nào được sử dụng.
Theo quan sát của tôi, sự cạnh tranh giữa các công ty viễn
thông di động ở Việt Nam buổi đầu có vẻ là cạnh tranh
lành mạnh. Đến thời gian gần đây, dường như đã có những
dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh.
Nói nôm na, cạnh tranh lành mạnh là cạnh tranh để tạo ra
cạnh tranh, còn cạnh tranh không lành mạnh là cạnh tranh để
giết chết cạnh tranh. Cạnh tranh lành mạnh thì có lợi cho
người tiêu dùng, còn cạnh tranh không lành mạnh thì đến một
lúc nào đó sẽ có hại cho người tiêu dùng.
Để đảm bảo sự cạnh tranh diễn ra lành mạnh, bất cứ
quốc gia nào theo đuổi kinh tế thị trường đều ban hành
luật lệ về cạnh tranh. Tên gọi có thể khác nhau theo từng
quốc gia/vùng lãnh thổ: ví dụ, có nơi gọi là Luật chống
đôc quyền (Mỹ), có nơi gọi là Luật cạnh tranh (EU, Việt
Nam), có nơi gọi là Luật thương mại công bằng (Úc), nhưng
mục đích đều giống nhau.
Tựu trung, pháp luật về cạnh tranh điều chỉnh ba nhóm hành vi
chính: (i) các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; (ii) các hành vi
lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường; và (iii) tập trung
kinh tế. Trong nhóm các hành vi về thỏa thuận hạn chế cạnh
tranh, một số ví dụ bao gồm thỏa thuận về ấn định giá,
thỏa thuận phân chia thị trường, thỏa thuận về hạn chế
sản lượng, hoặc thỏa thuận về hạn chế không cho doanh
nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh. Theo
luật Việt Nam, các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh sẽ bị
cấm nếu các bên tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp
trên thị trường liên quan trên 30%.
Trong link đã dẫn trên, thỏa thuận giữa Vinaphone và Mobifone
cùng nhau thực hiện khuyến mãi khiến người ta không thể
không đặt câu hỏi liệu đó có phải là một thỏa thuận
hạn chế cạnh tranh hay không khi hai nhà mạng này có tới tổng
cộng 80 triệu thuê bao? Tôi dĩ nhiên có ý kiến riêng của
mình, nhưng trả lời có hay không thì phải chờ Cục Quản lý
Cạnh tranh vào cuộc, tất nhiên là chỉ khi Cục có ý định
vào cuộc!
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4794), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét