phê duyệt kế hoạch mới, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đặt ra
các mục tiêu của cuộc tấn công: Ở Quân khu 5 và Tây Nguyên,
sử dụng ba sư đoàn chủ lực tấn công Tây Nguyên, mở ra một
hành lang nối kết phần phía nam của Tây Nguyên với phía đông
của Nam Bộ, và tạo điều kiện cho quân chủ lực di chuyển
nhanh vào đông Nam Bộ, hợp tác với quân chủ lực của Trung
ương Cục Miền Nam tấn công Sài Gòn. Các trận giao tranh mở
màn sẽ nhằm chiếm Buôn Mê Thuột, đánh thông sang Tuy Hòa và
Phú Yên, cắt đôi vùng hạ du ở Quân khu 5 (và miền Nam Việt
Nam), và tạo ra một hướng khác để từ đó mau chóng tiến
về phía nam, uy hiếp Sài Gòn.
Các triển vọng đầy hứa hẹn đến mức Bộ Chính trị, theo
một đề xuất của Tướng Giáp, đã ra lệnh cho Bộ Tổng Tham
mưu chuẩn bị kế hoạch mới để chiếm toàn bộ Miền Nam
Việt Nam trong năm 1975.
Hai ngày sau, Quân ủy Trung ương họp và đặt ra các mục tiêu
cụ thể cho chiến dịch Tây Nguyên 1975:
- Tiêu diệt từ 4 đến 5 sư đoàn bộ binh địch, 1 đến 2
chiến đoàn thiết giáp, gây tổn thất nặng nề cho các đơn
vị thuộc Quân đoàn 2 VNCH.
- Giải phóng các tỉnh Đắc Lắc, Phú Bổn, Quảng Đức, đặt
thành phố Buôn Mê Thuột làm mục tiêu chính.
- Nếu thời cơ phát sinh, mở rộng cuộc tấn công lên phía
bắc để giải phóng Pleiku và Kontum, hoặc sang phía đông để
chiếm Phú Yên, Khánh Hòa.
Để thể hiện tầm quan trọng mà các nhà lãnh đạo đánh giá
đối với chiến dịch, Tổng Tham mưu trưởng, Thượng tướng
Văn Tiến Dũng nhận lệnh vào Buôn Mê Thuột ngay lập tức với
tư cách phái viên của Bộ Chính trị và Bộ Tổng Tham mưu trong
Chiến dịch Tây Nguyên.
Kế hoạch mới này của QĐNDVN đầy táo bạo và sáng tạo. Sau
này, khi Sài Gòn đã sụp đổ, một vị tướng cao cấp của
Miền Nam Việt Nam phát biểu rằng ông đã nhìn thấy ở chiến
lược của QĐNDVN sự phản ánh thuật "tiếp cận gián
tiếp" của B.H. Liddell Hart (***). Đòn đánh quyết định của
QĐNDVN sẽ không nhằm vào quân đội chính của kẻ thù, mà vào
những điểm chiến lược được phòng thủ yếu nhất mà đối
phương lại không thể để mất được. Kế hoạch nhấn mạnh
vào các nguyên tắc: tập trung binh lực, tốc độ, bất ngờ,
nghi binh. Cuối cùng, việc chiếm Buôn Mê Thuột sẽ cho phép
QĐNDVN lựa chọn bất kỳ nơi nào trong nhiều phương án để
làm mục tiêu tấn công tiếp theo, do đó buộc VNCH vốn đã bị
dàn mỏng phải vắt óc cố đoán xem QĐNDVN sẽ tấn công ở
đâu tiếp theo. Việc triển khai kế hoạch này sẽ đặt Miền
Nam Việt Nam vào một tình thế mà Liddell Hart rất thích bẫy
kẻ thù của mình vào: "Lưỡng nan giữa muôn trùng gai". Nó
buộc các chỉ huy của VNCH phải phạm sai lầm và đảm bảo cho
QĐNDVN chuẩn bị khai thác mọi thời cơ có thể.
Từ đây, mọi sự bắt đầu diễn tiến nhanh. Các đơn vị tham
gia cuộc tấn công (gồm Sư đoàn số 10 và 320 của Mặt trận
Tây Nguyên; Sư đoàn 968 từ Lào; Sư đoàn 316 tiến từ miền
Bắc xuống phía nam; bốn trung đoàn bộ binh độc lập; các
đơn vị tăng, pháo, và kỹ thuật; và 8.000 quân nhân tuyển mộ
từ miền Bắc Việt Nam) bắt đầu tiến về điểm hẹn của
họ. Mạng lưới tình báo tuyệt vời cho những người cộng
sản biết rằng Miền Nam Việt Nam không hề hay biết gì về
dự định thật của họ, cũng như họ đã giữ bí mật tuyệt
đối lượng cung cấp hậu cần khổng lồ. Được đảm bảo
như vậy, quân đội miền Bắc đã thực hiện một chiến dịch
nghi binh vô cùng tinh xảo nhằm trực tiếp vào điểm mạnh
nhất trong hệ thống tình báo của đối phương: hệ thống
thiết bị điện tử và thám không của miền Nam Việt Nam và
đồng minh Hoa Kỳ. Tại tất cả các đơn vị tham gia chiến
dịch Tổng Tiến công, sóng vô tuyến đều im lặng tuyệt
đối. Nhân viên tình báo của QĐNDVN gửi đi hàng trăm tín
hiệu vô tuyến giả, tổ chức những đoàn xe tải di chuyển
lộ liễu, và tiến hành các hoạt động làm đường – những
con đường ma – tất cả đều nhằm làm Miền Nam Việt Nam tin
rằng Sư đoàn số 10 và 320 của QĐNDVN đang tập trung về Pleiku
và Kontum và hai thành phố ở phía bắc Tây Nguyên này là mục
tiêu thật sự của Việt Cộng. Chiến dịch nghi binh hiệu quả
đến nỗi các chỉ huy quân đội Miền Nam Việt Nam đã bỏ qua
một số báo cáo từ các điệp viên và bản khai của tù binh
cho thấy QĐNDVN thật ra đang sắp tấn công Buôn Mê Thuột.
Đến cuối tháng 2, tất cả các đơn vị QĐNDVN đều đã sẵn
sàng. Ngày 1 tháng 3, Sư đoàn 968 tấn công vài đồn nhỏ ở
phía tây Pleiku, thu hút sự chú ý của VNCH vào mối đe dọa
đối với thành phố Pleiku. Ngày 4/3, chiến dịch của QĐNDVN
bắt đầu với một cuộc tấn công của Sư đoàn 95A, phá tan
vài đồn nhỏ của VNCH canh Đường 19 trên Đèo Mang Yang, do đó
cắt đứt đường tiếp tế chính cho các lực lượng VNCH ở
Tây Nguyên. Xa hơn ở phía đông, trên Đường 19, Sư đoàn số 3
QĐNDVN tổ chức tấn công cắt đứt tuyến đường huyết mạch
này và uy hiếp Sư đoàn số 22 VNCH. Ngày tiếp theo, Trung đoàn
số 25 của QĐNDVN cắt Đường 21 - con đường duy nhất còn
lại nối từ bờ biển vào Tây Nguyên, nối Buôn Mê Thuột và
Nha Trang. Các lực lượng VNCH ở Tây Nguyên giờ đây bị cô
lập và hoàn toàn phụ thuộc vào tiếp tế từ trên không. Tuy
nhiên, phương tiện vận tải hàng không nghèo nàn của không
quân VNCH hoàn toàn không thích ứng với việc tiếp tế khẩn
cấp ở quy mô này. Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu và Bộ
Chỉ huy của ông nhận ra rằng nếu Đường 19 và 21 không
được mở lại sớm, các lực lượng VNCH ở Tây Nguyên sẽ
nhanh chóng cạn kiệt lương thực, hết nhiên liệu và đạn
dược. Ngày 8 tháng 3, Sư đoàn 320 của QĐNDVN tràn ngập một
huyện lỵ trên Đường 14 ở phía bắc Buôn Mê Thuột, cắt
đường đi Pleiku và hoàn tất việc cô lập Buôn Mê Thuột. Sân
khấu đã sẵn sàng cho cuộc tấn công cuối cùng của QĐNDVN,
mà VNCH thì vẫn không đoán được Buôn Mê Thuột là mục tiêu.
Theo dõi các diễn biến từ Sài Gòn, Tổng thống Thiệu và Bộ
Chỉ huy của ông không thể nào biết được đòn tiếp theo
của cộng sản sẽ đánh vào đâu. Tiếp tục chiến dịch nghi
binh của QĐNDVN và nhằm ngăn chặn lực lượng dự trữ của
VNCH được chuyển lên để củng cố Tây Nguyên, trong những
ngày trước khi đánh Buôn Mê Thuột, QĐNDVN tổ chức một đợt
sóng các cuộc tấn công trên toàn Miền Nam Việt Nam. Ở phía
bắc, vào ngày 5 tháng 3, công binh và du kích tấn công vùng hạ
du Quảng Trị và Thừa Thiên, và ngày 8 tháng 3, Sư đoàn 324
của QĐNDVN đánh mạnh vào tuyến phòng thủ chính của VNCH ở
tây nam Huế. Về phía nam, ngày 7 tháng 3, quân đội cộng sản
tiến hành một loạt vụ tấn công vào khu vực Sài Gòn và
Đồng bằng Sông Cửu Long, mà đỉnh cao là chiếm một huyện
lỵ chính ở phía tây bắc Sài Gòn. Tổng thống Thiệu và các
tướng nghĩ nát óc. Rõ ràng là một cuộc tổng tiến công
tổng lực của phe cộng sản diễn ra đến nơi rồi, nhưng đâu
là mục tiêu chính? Đâu là nơi nguy hiểm nhất? Với Thiệu và
các tướng, câu trả lời đã hiển nhiên: thủ đô Sài Gòn.
Kế hoạch nghi binh của QĐNDVN đã diễn ra một cách hoàn hảo.
Ngày 9 tháng 3, Sư đoàn 10 của QĐNDVN, với hai trung đoàn bộ
binh (số 26 và 66) và được yểm trợ chỉ với hai khẩu lựu
pháo 105mm, 50 viên đạn, tấn công và đánh chiếm Đức Lập
cùng toàn bộ các vị trí phòng thủ ở đó trong vòng 24 tiếng.
VNCH mất ở đây tổng cộng ba tiểu đoàn, 14 khẩu pháo và 20
xe tăng. Sau khi củng cố chiến thắng, Sư đoàn 10 tiến theo
hướng bắc, lên Buôn Mê Thuột.
Rạng sáng 10 tháng 3, 12 trung đoàn QĐNDVN tổ chức tiến công
bất ngờ mãnh liệt vào Buôn Mê Thuột. Sư đoàn công binh 198
và hai tiểu đoàn bộ binh đã bí mật lọt vào thành phố từ
trước, sau đó tấn công hai sân bay của Buôn Mê Thuột, kho
chứa hàng tiếp tế Mai Hắc Đế, và đầu não của Sư đoàn
số 23 VNCH. 5 trung đoàn bộ binh (ba từ Sư đoàn 316, Trung đoàn
số 24 thuộc Sư đoàn 10, và các chiến binh lão luyện của Trung
đoàn 95B thuộc Sư đoàn 325) tiến vào thành phố từ ba hướng,
dẫn đường là xe tăng và xe chở thiết giáp của Trung đoàn
Thiết giáp số 273, và dưới một lưới lửa tạo bởi 78 súng
hạng nặng của Trung đoàn pháo số 40 và 675. Trung đoàn chống
máy bay 232 và 234 đi kèm các mũi tấn công, tạo ra một chiếc
ô hỏa lực chắn máy bay rát đến mức các đợt tấn công
bằng bom của không quân VNCH hầu như đều vô hiệu và gây
hại cho chính quân đội họ ngang với cho đối phương. Sau 32
giờ giao tranh, các lực lượng QĐNDVN phá tan đầu não của Sư
đoàn 23, bắt sống Phó tư lệnh Sư đoàn. Tướng Dũng báo về
Hà Nội rằng quân của ông đã thu được 12 khẩu pháo và 100
tấn đạn pháo ở Buôn Mê Thuột. Điều này đảm bảo với
Bộ Tổng Tham mưu rằng chiến dịch sẽ tiến triển mà không
bị cản trở bởi nỗi lo thiếu đạn. Các nhà lãnh đạo Bắc
Việt ngay lập tức nhận ra tầm quan trọng của chiến thắng
này. Trong suốt cuộc họp Bộ Chính trị vào 11/3, Lê Duẩn
thảo luận về khả năng thời cơ chiến lược - thời điểm
để tiến hành cuộc tổng tiến công cuối cùng - sắp đến.
Chiến thắng trong chiến tranh sẽ đến với bên nào sẵn sàng
đón lấy nó. Miền Bắc Việt Nam đã sẵn sàng.
Hồi trống trận tiến công lúc đầu dường như nhằm vào
Pleiku, sau là vào Sài Gòn và Huế, và bây giờ, thật bất ngờ,
lại là cuộc tấn công Buôn Mê Thuột. Đó là những đòn tâm
lý làm choáng váng các nhà lãnh đạo phía VNCH. Bối rối,
tuyệt vọng, và hẳn là trong trạng thái sốc thực sự, Tổng
thống Nguyễn Văn Thiệu ra hai quyết định trọng yếu vào ngày
10 và 11 tháng 3, đánh dấu chấm hết cho số phận của Miền
Nam Việt Nam. Việc đầu tiên là Thiệu ra lệnh rút lập tức
Sư đoàn Kỵ binh bay VNCH, vốn là nền tảng phòng thủ của
Quân đoàn 1, để về chống đỡ cho Sài Gòn. Khi các chỉ huy
của VNCH cố gắng rút những đơn vị này về và tái triển
khai để lấp đầy lỗ hổng để lại sau khi Sư đoàn Kỵ binh
bay đã rút đi, hệ thống phòng thủ của Quân đoàn 2 bắt
đầu nghiêng ngả như một căn nhà xây bằng các lá bài.
Tiếp theo, đúng như Miền Bắc Việt Nam đã đoán trước,
Thiệu ra lệnh phản công lập tức để chiếm lại Buôn Mê
Thuột "bằng mọi giá". Do đường lên Buôn Mê Thuột đã
bị cắt, viên chỉ huy Quân đoàn II của VNCH, Tướng Phạm Văn
Phú, buộc phải dùng trực thăng đưa hai trung đoàn còn lại
trong Sư đoàn 23 của ông lên trận địa, thả 5 tiểu đoàn vào
một khu đất ở phía đông Buôn Mê Thuột trong thời gian từ
ngày 12 tới 14 tháng 3 mà không có xe tăng và chỉ có sự trợ
lực giới hạn của pháo binh. Trung đoàn đã hạ cánh vào chính
giữa "vùng chết" (quyết chiến điểm) mà QĐNDVN giăng ra.
Sư đoàn 10 của QĐNDVN, vừa trở về từ Đức Lập, có xe tăng
và pháo binh hùng mạnh yểm trợ, đã chờ sẵn. Trong một cuộc
tấn công chớp choáng bốn ngày, Sư đoàn 10 tràn lên và đánh
tan hoang phần còn lại của Sư đoàn 23 và Chiến đoàn Biệt
động quân số 21. Trong lúc đó thì với những kẻ hấp hối
trong đội quân một thời hùng mạnh của VNCH ở Tây Nguyên, khi
đường tiếp viện đã bị cắt và không còn hy vọng được
cung ứng thêm hay cứu trợ, số phận của họ đã được
định đoạt. Mệnh lệnh ngày 14 tháng 3 của Thiệu rút các
lực lượng khỏi Pleiku xuống theo Đường 7B ra biển là một
hành động tuyệt vọng nhằm cứu vãn những gì còn lại của
lực lượng VNCH ở Tây Nguyên. Mệnh lệnh ngu ngốc, thực hiện
kém cỏi, nhưng trong tình hình ấy thì đó là điều có thể
hiểu được.
Khi các đoàn quân của Tướng Dũng hoàn tất việc tiêu diệt
mũi rút lui của VNCH khỏi Pleiku, Tướng Giáp ra lệnh cho các
lực lượng của ông xung quanh Huế đi vòng qua tuyến phòng thủ
của VNCH – những dãy núi đã cản trở các cuộc tấn công
trước kia của QĐNDVN. Ông Giáp ra lệnh cho Quân đoàn 2 QĐNDVN
phái Sư đoàn 324 và 325 đánh trực tiếp vào vùng hạ du ở
duyên hải, cắt đứt Đường 1 - đường rút lui chính của VNCH
- và phá tan các đoàn quân tháo chạy trước khi họ có thể
tập hợp và củng cố lại. Bị kẹt giữa đồng không mông
quạnh, bị cô lập và cắt mọi đường tiếp tế, các đơn
vị VNCH trên đường rút lui trong hoảng loạn đã bị quét
sạch. Tới ngày 29 tháng 4, Huế, Đà Nẵng, và toàn bộ Quân
đoàn 1 của VNCH đã nằm trong tay những người cộng sản.
<center><img src="/files/u1/sub01/3708578_n.jpg" width="578" height="720"
alt="3708578_n.jpg" /></center>
<h2>Hồi kết</h2>
Trong khi đó, trong một phiên họp lịch sử của Bộ Chính trị
vào ngày 18 tháng 3, Tướng Giáp đã đóng nhát búa cuối cùng
vào cỗ quan tài của chế độ Miền Nam Việt Nam với một
quyết định chiến lược lớn cuối cùng trong sự nghiệp quân
sự chói sáng của ông. Giáp tuyên bố rằng cơ hội chiến
lược chờ đợi từ bao lâu nay đã đến. Ông lệnh cho QĐNDVN
ngay lập tức tổ chức một cuộc tổng tiến công trên toàn
chiến trường để kiểm soát hoàn toàn Miền Nam Việt Nam ngay
trong năm 1975. Lực lượng dự bị chiến lược cuối cùng của
Miền Bắc Việt Nam - Quân đoàn số 1 tinh hoa - bây giờ đã
đến lúc xung trận. Bộ Chính trị tức tốc phê chuẩn đề
nghị của Tướng Giáp và ra lệnh tổng tiến công Sài Gòn từ
mọi hướng.
Với quyết định này, kết cục của cuộc chiến không còn gì
phải nghi ngờ nữa. Giấy báo tử coi 30 tháng 4 năm 1975 là ngày
giỗ, nhưng phát súng hạ gục VNCH đã được bắn từ ngày 18
tháng 3 bởi Tướng Võ Nguyên Giáp. Trái ngược với việc ông
từ lâu đã có tiếng là một con người tàn nhẫn, chiến
thắng cuối cùng này của Tướng Giáp đồng thời cũng là
chiến thắng ít đổ máu nhất.
(Hết)
______________________
<strong><em>Đoan Trang</em></strong> dịch từ nguyên tác North
Vietnam's Final Offensive: Strategic Endgame Nonpareil - "Tổng Tiến
công Mùa Xuân 1975: đấu pháp chiến lược kết thúc chiến tranh
có một không hai". Tác giả Merle L. Pribbenow tốt nghiệp Đại
học Washington năm 1968, chuyên ngành khoa học chính trị. Ông là
nhân viên Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) ở Đông Dương,
có 27 năm kinh nghiệm nghiên cứu về Việt Nam, trong đó có 5
năm làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn tính đến
ngày 29/4/1975. Kể từ khi về hưu (năm 1995), ông đã viết ba
bài nghiên cứu lịch sử chiến tranh ở Việt Nam, và dịch một
cuốn sách của Bộ Quốc phòng Việt Nam sang tiếng Anh, xuất
bản tháng 5/2002 tại Mỹ.
<h2>Ghi chú của người dịch:</h2>
(***) Liddel Hart (1895-1970), nhà tư tưởng quân sự người Anh,
đưa ra khái niệm chiến lược "tiếp cận gián tiếp", nghĩa
là thay vì tấn công trực tiếp thì đánh vào chỗ đối phương
không ngờ tới (ví dụ tập hậu, tạt sườn…).
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4741), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét