Tuần kí số 42 - Chấm giải văn học nghệ thuật hàng năm, việc làm... liều của những kẻ... húp lửa

<em>"Họ Trần, họ Đỗ, họ Tô(*),
Vừa thi, vừa chấm, vừa… vồ giải luôn"</em>

Đó là hai câu vè đuợc Nguyễn Hòa phổ biến trên báo Công An
Nhân dân qua bài viết về tình trạng "lobby" trong việc trao
giải thưởng hàng năm của các Hội Văn Nghệ xứ ta… Điều
đáng mừng là bài viết lại được đăng trên một tờ báo
chuyên… theo dõi những "sơ xảy" của anh em văn nghệ sỹ
để… "uốn nắn" thì nay đã, lần đầu dám chạm vào cái
điểm ung nhọt của cách tổ chức đánh giá tác phẩm của
những nhà "cầm đầu văn nghệ" cả nước. Chỉ tiếc rằng
cái nguyên nhân sâu xa của việc làm liều lĩnh và "thối
không chịu được" này cũng như những tên tuổi, tác phẩm
nào được trao giải một cách "liều mạng" thì tác giả
còn né tránh… Cho nên, là một người từng có trên nửa thế
kỷ đã từng làm Ban Tổ Chức, thường trực Ban Giám Khảo các
cuộc thi này nọ, từng được đủ loại giải A, B, khuyến
khích của nhiều cuộc "thi sáng tác" chẳng giống ai của
xứ ta nó ra sao, tớ xin nói thẳng nói thật một lần cuối,…
một vấn đề tớ đã "rải trình", tham luận nhiều lần
trước nhiều hội thảo, hội nghị, đã gửi đăng báo và bị
góp ý là "cực đoan" là "thiếu quan điểm… Việt nam",
thậm chí là không chấp nhận "nghị quyết của Đảng"…
May ra… cái thời lý luận tù mù, rối canh hẹ này, các cuộc
thi và chấm thi có "đổi mới", có "hòa nhập" được
chút đỉnh nào không?

<h2>Nhớ lại vài cuộc thi ngày xưa</h2>

Thôi thì bỏ qua những cuộc "thi sáng tác" mà có kể lại
thì ngay đến những người chấm giải cũng như người được
giải cũng chẳng muốn nhớ lại vì nó chỉ đạt cái mục
đích tối thượng là tuyên truyền cổ động nhất thời đã
bị "thời cuộc" hoặc chính đường lối chính sách thay
đổi (như sáng tác trong cải cách ruộng đất, như sáng tác ca
ngợi tình hữu nghị Việt-Trung–Sô, ca ngợi Xít-ta-Lin, "bác
Mao nào ở đâu xa,bác Hồ ta đó chính là bác… Mao" hoặc
những giải nhất về âm nhạc như "Thời cơ đã đến"(sáng
tác tập thể!?) vì động đến những sáng tác này là động
đến nỗi đau của không ít người mà hầu hết đã chết cả
người lẫn tác phẩm… Tớ chỉ động đến vài trường hợp
thi sáng tác từ những năm 60 mà tớ có tham gia như đã nói ở
trên thôi:

A-/ Cuộc thi sáng tác đơn ca những năm 60 - Đây là cuộc thi
sáng tác lớn nhất và lần đầu tiên có giải thưởng bằng
tiền mặt hẳn hoi. Nó ra đời do:

1-/ Sau 4, 5 năm Hòa Bình trên nửa nước… Đúng như Lương
ngọc Trác đã nói "Hết La-ghe (la guerre=chiến tranh) hết nghề
ăng-na-văng, mác xờ (en avant marche = Tiến lên đi đều
bước!"). Và quả là như thế thiệt! Một nhà xuất bản
nhạc in và đĩa hát duy nhất, một đài phát thanh Tiếng Nói
Việt Nam duy nhất bắt đầu… bi sắc bí bài sau khi đã xử
dụng hết cỡ các thứ ca ngợi chiến công đánh thắng giặc
Pháp mà 99% đều là những loại hùng ca sặc khí thế oai hùng
đến rách màng nhĩ của lỗ tai người nghe và rách luôn ba cái
loa giấy mới được viện trợ từ Ba-Lan, Hungary… (loa sắt
của Tầu treo ở các đầu phố cũng đã bắt đầu gây khó
chịu cho người dân)

2-/ Yêu cầu tình cảm và sự đòi hỏi về thưởng thức văn
nghệ của nhân dân đã thay đổi theo thời thế…

3-/ Được phép của Bộ Văn Hóa mà người trực tiếp lúc ấy
là Thứ Trưởng Nguyễn Đức Quỳ.

Một cuôc thi quy mô lớn về đơn ca được tiến hành
gần 2 năm trời với các đơn vị Phát Thanh và Xuất bản chủ
trì. Sở dĩ chỉ khoanh vùng ở hình thúc đơn ca chính là để
"nhẹ hóa", "du dương hóa", bớt "khẩu hiệu hóa" âm
nhạc nên đã gãi đúng chỗ ngứa của cả người viết lẫn
người nghe. Đã thế được giải lại CÓ TIỀN nữa chứ…
Thế là chỉ trong có một tháng cơ quan xuất bản của tớ đã
nhận cả trăm bài đơn ca đủ mọi mầu sắc của hầu hết
các hội viên Hội Nhạc Sỹ V N (lúc này chưa tới 100) và hàng
trăm bài… thơ, văn ,vè… gửi đến yêu cầu… phổ nhạc
vì… chỉ biết làm nhời chứ không biết viết nhạc! Khổ
thân tớ, vì là "thường trực" (cùng với Lê Lôi bên đài
phát thanh TNVN) nên phải đọc và cùng Hoàng Mãnh pianist cùng
vài ca sỹ giỏi son - phe hát thử lên xem sao để lựa chọn 50
bài cho một Ban Giám Khảo gồm toàn các vị "tai to mặt lớn
của nghành âm nhạc lựa chọn, cho điểm với ý kiến, nhận
xét bằng giấy tờ đàng hoàng… Để thật sự vô tư,... không
một vị giám khảo nào dự thi… Tất cả đều chỉ nghe qua
băng đã được thu đàng hoàng và không cho biết tên tác giả.
Ấy vậy mà… Khi mở các "nhận xét và đề nghị xếp
hạng" ra thì tớ thấy hết hồn vì

a-/ Ý kiến khác biệt nhau đến như Nước với Lửa…

b-/ Không ít những ý kiến xếp hạng nhất một số bài hoặc
loại bỏ một số bài thì thực tế cuộc sống đã trả lời
hoàn toàn ngược lại. Tớ đố ai tìm được những bài "Cô
thợ hàn", "Bài ca ông lão xã viên", "Mai đây con lại lên
tầng"…(được giải) bây giờ nó ở đâu? là cái giống
gì?Trái lại nhiều bài bị loại bỏ, tác giả
"được"chuyển về địa phương để có thực tế hơn, bớt
mơ mộng,bớt" ca ngợi bác Hồ như kẻ thất tình" thì, tới
nay lại được phục hồi hoặc xử dụng dài dài! Tớ xin phép
không kể tên mấy vị giám khảo mà tớ hoàn toàn tin tưởng
là hết sức trung thực này vì cả cái Ban Giám Khảo đầy uy
tín đó nay đã qua đời, mà chỉ kể tên một vài cái tên bị
"xét oan" nay còn sống để nếu cần, làm nhân chứng. Đó
là Nguyễn tài Tuệ, là Trần Tất Toại, là Bùi Đúc Hạnh, là
Hồng Thao,…

Thì ra: CÁI HAY TRONG NGHỆ THUẬT, không thể nào cân, đong, đo
đếm, bấm giờ.. như trong các cuộc thi nhaỷ cao, nhảy xa
được! Hay hay không là tùy vào cái thước đo của từng ông
giám khảo, mà cái thước đo này thì quả là phức tạp đến
nỗi Fellini khi được mời vào giám khảo Giải oscar đã… sợ
mà phải từ chối và trả lời thẳng thừng: "Làm sao tôi
giám đánh giá một tác phẩm này của Kurosawa "hơn" tác
phẩm kia của Vadim, hoặc không hay bằng của Polansky, những tác
phẩm của những người mà tôi hết sức tôn trọng về tài
năng sáng tạo? Rồi nhà đạo diễn lừng danh Fellini cũng từ
chối đến nhận giải Oscar với phim "Tám rưỡi" của ông
luôn!

Tuy nhiên ý kiến của tớ (lúc ấy mới hơn 30 tuổi) đã bị
thuyết phục bởi các nhà có nhiệm vụ lãnh đạo đường lối
âm nhạc của Đảng là "TA có cách làm của TA". Cái hay của
ta khác cái hay của thế giới chính là ở cái nội dung đi
đúng đường lối của Đảng. "Cô thợ hàn", và "Bài ca
ông lão xã viên" đã đề cập đến những vấn đề công
nghiệp và nông nghiệp, hai đề tài trọng tâm của miền Bắc
"xây dựng chủ nghĩa xã hội và chiếu cố Miền Nam" trong
lúc này (Thời điểm chưa xảy ra chiến tranh Nam Bắc). Cái hay
của Ta là cái hay có lãnh đạo "không thể là cái hay chung
chung. Người ta còn đưa ra những cuộc trao giải Nobel nọ kia
về văn học chỉ nhằm mục đích... "chống cộng" (Bác sỹ
Dzivago" của Pasternak được đưa ra làm ví dụ điển hình).
Hơn nữa, giải thưởng của TA còn nhằm khuyến khích phong trào
sáng tác(?), phát động đông đảo quần chúng tham gia phong trào
sáng tác văn nghệ nên không thể bắt chước cái kiểu chỉ
mỗi năm đề cử dăm ba tác phẩm để các bậc "trưởng
lão" bầu phiếu kín lấy có một tác phẩm mà thôi như các
giải Concourt, Bookers, Femina, Cannes, Venice… được.Vả lại,Nhà
Nước đã chi thì vạ gì không để anh em mỗi người được"
mát mặt" chút ít…! Tất cả những lý do của tớ và một
số anh em nêu ra để "tạnh" ngay cái chuyện một số người
(gồm cả những vị chả biết cái chuyện sáng tác là gì nhưng
rất nặng kí khi phát biểu!) đọc, nghe, hay xem qua các tác
phẩm" chưa ai biết, chưa được phổ biến ở đâu (quy định
thường gặp của các cuộc thi) "rồi kết luận là bài này
hay bài kia dở, bức tranh lụa thiếu nữ kía không bằng bức
sơn mài "gang thép ra lò"… cứ thế mà tiếp tục tồn tại
và phát triển tới mức Tỉnh, Huyện, Quận, Phường, Bộ,
Ngành, từ Ngân Hàng đến Khách Sạn, thậm chí đến cả Công
ty vệ sinh (Hố xí hai ngăn),… cứ phát động thi sáng tác tùm
lum và các Ban Giám Khảo cứ trao giải… lấy được…cho đến
cả hơn nửa thế kỷ sau, đến tận cái năm 2010 này!


B-/ CUỘC THI QUỐC CA - Phải nói ngay rằng đây là một cuộc thi
ĐẠI THẤT BẠI nhưng công bằng, dân chủ và vô tư nhất trong
lịch sử các cuộc thi sáng tác ở nước ta. Nó công bằng vì:

1-/ Nó khoanh vùng cho tài năng và trí tuệ cũng như cảm xúc
vào có một thể tài, một hình thức (ca khúc). Mà ngay trong ca
khúc nó cũng khoanh vùng chỉ cho phép viết hành khúc trang nghiêm
ngắn gọn, không có chỗ cho các thứ múa may kỹ thuật, uốn
éo về tình cảm…

2-/ Nó mở rộng cho mọi công dân với mong muốn" trăm bó
đuốc sẽ bắt được một con ếch", sẽ có một Rouget de
Lisle Việt Nam, thay thế cái ông tác giả Quốc ca mà lại…
"Nhân văn" đi!

3-/ Nó thận trọng và nghiêm túc tới mức có cả một ban
Thường Trực toàn là các nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ nổi
tiếng nhất Việt Nam vì nó đã huy động được toàn thể hội
viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam không ai không tham gia (tớ là
người có bài với tốp cuối cùng vì đã phải ký nhận
"tạm ứng"một số tiền bằng 100 bát phở không người
lái). Chỉ trong vòng có hai tháng Ban Thường Trực đã nhận
được… 5ooo bài, trong đó rất nhiều" tác giả" chỉ gửi
trần xì những lời ca trùng nhau cả đến cái tên bài và các
ý tứ đến… phát bật cười! Điều này xảy ra tương tự
trong các sáng tác của các nhạc sỹ chuyên nghiệp… Riêng cái
cụm từ "Vinh quang Tổ Quốc Việt Nam" hoặc "Truyền thống
Việt Nam anh hùng"thì được các đồng chí ta xài đi xài lại
của nhau đến phát… ngán. Vậy mà cuối cùng,dưới sự chỉ
đạo trực tiếp của thứ trưởng Cù Huy Cận, gần 100 diễn
viên hợp xướng và giao hưởng cũng phải dàn dựng ngày đêm
12 (hay 15 tớ không còn nhớ chính xác?) "quốc ca mới" dưới
hai hình thức nhạc không lời (tức là quốc thiều) và có lời
(là quốc ca) để Quốc Hội nghe và biểu quyết chọn lựa!
Chính nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát Ủy Viên Ban thường Trực sau
đó nói lại cho anh em nghe như sau: "Dù có một cái" máy đo
chất lượng bài hát" thì cũng… chịu nghe cả hai tiếng
đồng hồ nhạc ùng oàng giống nhau như anh em ruột như thế
chứ! Thôi! Xin cứ để "các cụ" quyết định"… Và… sau
hai buổi vất vả và ù tai… quốc hội biểu quyết: Lấy bài
quốc ca cũ của Văn Cao! Lần đầu tiên, Quốc Hội đã làm
được một việc bác bỏ một chủ trương không hợp lòng dân
như thế! Cuộc thi quốc ca cực kỳ hoàng tráng và tốn kém
tiền bạc của dân (chả ai biết là bao nhiêu?) đã thất bại
hoàn toàn! Nhưng chẳng chết ai, chẳng Ban Giám Khảo nào bị
đả kích! Không ai kiện ai rắc rối, bôi xấu nhau và mất
đoàn kết như bây giờ! Vậy thì tại sao đến nay,ở cái
nước Việt Nam này, người ta vẫn cứ tiếp tục chấm thi sáng
tác? Tớ lại phải đánh liều lên tiếng lần nữa như sau:

a-/ Các tổ chức văn nghệ hiện nay chưa hề có một thay đổi
gì trong cái nửa Kinh tế Thị Trường mà vẫn nằm ỳ trong cái
nửa định hướng XHCN cũ mốc. Nói trắng ra là vẫn được bao
cấp như xưa thậm chí hơn nhiều lần xưa. Tiền vẫn được
Đảng và Nhà Nước đổ cho hàng năm cả trăm tỉ đồng, nhà
cửa xe cộ, lương bổng,… đều là của… Chúa thì phải Múa
tối ngày! Thế thôi! Tiền đầu tư sáng tác, tiền giải
thưởng hàng năm, tiền tổ chức trại sáng tác, đi thực tế
đã được "cho" thì phải lo mà hoàn thành nhiệm vụ. Miễn
là trên được vui lòng! Miễn là cuối năm phải kết toán cho
hết! Thế là bắt buộc phải có Ban Giám Khảo để xét giải
hàng năm, mặc cho các tác phẩm được giải mấy năm trời sau
đó chẳng thấy trên sân khấu, trên Tivi, mặc cho có người
rút lui khỏi các cuộc trao giải, mặc dầu bị vạch trần là
trao giải điên khùng cho tác giả khùng điên. Hãy đọc một
bài giải nhất sau đây của một tiến sỹ - Mác Lê Nin - nhà
thơ đã sáng tác những câu "Thơ" như sau:

"Một sớm mai trong thanh bình/Cây cối tốt tươi đang mùa đơm
hoa kết trái/ Tôi thấy những thiếu nữ ngoại quốc đứng
khóc ở chứng tích Sơn Mĩ/ Nước mắt ròng ròng tội nghiệp/
Họ níu díu ôm nhau… Mấy thiếu nữ ngoại quốc ôm nhau thắm
thiết/ Nơi đây một buổi sáng lính Mĩ đã tàn sát 504 người
dân vô tội/ Xác của họ vẫn nằm rải rác quanh đây…!!!"

Rõ ràng là thần kinh của các vị giám khảo đã có vấn đề.
Không thể vì một lí do "đi theo đường lối chính sách"
nào đó mà cho một tên khùng viết văn này giải thưởng
được. Con tớ nó cũng kết luận như thế đấy!

Đây là trích một "bài thơ" được giải nhất của cuộc
thi "Văn nghệ quân đội". Thử hỏi một em bé lớp 5 xem nó
có công nhận đó là thơ hay không? Vậy mà ban giám khảo không
những đã đưa nó lên giải nhất mà còn cho" tác rả" đến
nơi nhận phần thưởng phát biểu huênh hoang là: "Tôi là một
thi sĩ chuyên nghiệp..., tôi là người đi đầu trong cách tân
thơ..., phần thưởng này đối với tôi là xứng đáng vì
những ai đã đến những nơi đổ máu mà không làm được thơ
hay là đồ vô phúc" (???) Chuyện nghe như bịa mà mới xảy ra
năm nay 100%!


Trái lại, những tác giả có tác phẩm hay mà có người viết
rằng "Nhà nước có đầu tư nhiều tỉ đồng cũng không mấy
ai viết được bài thơ hay như thế" thì mới chỉ có xếp
loại B thôi đã tự động xin rút lui khỏi giải vì có nhiều
ý kiến ra vào, vì" thơ anh có vấn đề". Đó là trường
hợp bài thơ sau đây của Nguyễn Việt Chiến:

<div class="special_quote"><h2>Nguyễn Việt Chiến - Thời đất
nước gian lao </h2>

Chúng đã ngủ cả rồi
những con hươu bị bóng đêm săn đuổi
chúng đang gác cặp sừng lên vầng trăng cuối tháng
rồi nằm mơ về một cánh rừng
không có thuốc đạn và súng săn

Họ đã ngủ cả rồi
những người lính bị chiến tranh săn đuổi
họ nằm mơ gặp lại bầy hươu
gác sừng lên người bạn vô danh
trên cánh rừng đã chết

Chỉ còn lại vầng trăng và giấc ngủ
chỉ còn lại dấu vết cuối cùng của bầy hươu bị săn
đuổi
chỉ còn lại câu thơ thầm lặng
về những người đã ra đi

Chỉ còn lại những gì không còn lại
bởi người đau đớn nhất sau chiến tranh
không ai khác ngoài mẹ của chúng ta
những đứa con không trở về
hoà bình dưới mưa phùn
được đắp bằng cỏ non và nước mắt

* * *

Đêm đêm
những người con ngỡ đã đi thật xa
đang lặng lẽ trở về
họ lẫn vào gió vào sương đêm
không cần an ủi
họ chẳng ồn ào như lời ca sôi sục ngày ra đi

Họ còn nguyên tuổi trẻ
những người lính chưa tiêu phí một xu mơ ước
chưa tiêu hoài một đồng thanh xuân


Họ trở về tìm lại
trang sách học trò đêm đêm còn thao thức
trên cánh đồng tiếng Việt ngàn năm

Mẹ lại thấy chúng con về
như cánh cò tuổi thơ lưu lạc
đã bao ngày phải xa rời thôn ổ yêu thương
chúng con trở về tìm lại
giọt nước mắt xót xa và đắng cay của mẹ

Một bên là núi sông ngăn cách
còn bên kia là bóng đêm chiến tranh
vẫn biết đạn bom không có mắt
vẫn biết hận thù không thể phân biệt nổi
đâu là hoa sen và đâu là bùn tối
nhưng các anh vẫn phải ra đi

Các anh phải ra đi
lời ru chùa Tây Phương
những La Hán mặt buồn
người thợ mộc xứ Đoài
lấy thân xác hom hem của mình làm mẫu vẽ
ba mươi sáu dẻo xường sườn
réo rắt tấu lên bản đàn tam thập lục
người gẩy đàn thì đau đớn
mà bản nhạc viết cho đàn lại reo vui

* * *

Mẹ đã sống dưới mưa phùn ảm đạm
những ngày dài nghèo đói quắt quay
Mẹ thiếu sữa sinh đứa con thiếu tháng
Tổ quốc xanh xaoTổ quốc hao gầy

Mẹ có mặt trong dòng người nhẫn nại
lặng lẽ xếp hàng từ mờ sớm tới đêm hôm
Mẹ lần hồi thời cơm tem gạo phiếu
nuôi lớn những người con
rồi gửi tới chiến trường

Mẹ đã khóc lúc rời ga Hàng Cỏ
những đoàn tầu hun hút tuổi hai mươi
một thế hệ hồn nhiên không biết chết
chưa từng yêu khi gục ngã cuối trời

Mẹ ở lại với sông Hồng tần tảo
áo phù sa lam lũ tháng ngày
câu quan họ cất trong bồ thóc cũ
sông Cầu trôi như một tiếng thở dài…

* * *

Tàu xuyên đêm
tiếng gió xé bánh xe lăn quần quật
đêm nay họ trở lại một thời gian lao
đường vào Nam hun hút những chuyến tầu
máu rất đỏ tuổi hai mươi nằm lại
câu hát bảo:
tuổi hai mươi những người đi trẻ mãi
câu thơ bảo:
đất nước hình cánh võng mẹ ru ta

Và ở hai đầu đêm võng mắc dọc rừng già
trăng cũng sốt rét rừng như ta sốt
trăng mất máu như bạn ta thủa trước
dọc cánh rừng na-pan

Sông Thạch Hãn
nước mùa này còn ấm
và các anh trong suốt
những người hy sinh thời gian lao

Mây Quảng Trị
mùa này vẫn một mầu huệ trắng
trên Cổ Thành
như ngày các anh ngã xuống
những người hy sinh thời gian lao

Và mưa gió Trường Sơn
mùa này vẫn tắm gội
những người con nằm lại
thời đất nước gian lao


Những cánh rừngcuối thu ngủ dưới mưa phùn
đất nước tôi những người nằm trong đất
chất phác như bùn hồn nhiên như cỏ
buồn đau không còn thở than

Những ngọn sóng đất đai lưu giữ mọi thăng trầm
người chép sử ngàn năm là bùn đất
kiên trì và nhẫn nại
máu của người là mực viết thời gian. </div>

Với các mặt nghệ thuật khác thì cũng đang xảy ra
tình trạng "mỗi người một mẩu bánh ngọt"," mưa đều
mát mặt" cho đủ mọi người hoặc dàn dựng tác phẩm đoạt
giải xong rồi thì xếp xó, đi kiếm ăn bằng những tác phẩm
"dù rẻ tiền nhưng đắt khách" khác.

b-/ Các ban giám khảo đã "lỡ bị cơ cấu" thì phải… mị
hội viên mỗi người tí chút," Của ít lòng nhiều", ban
phát mỗi người một lần, dù ban phát không đều mà điển
hình là giải thưởng về bài hát, về ca khúc nghệ thuật(?)
năm 2009 này lại toàn rơi vào các nhạc sĩ Hà Nội! (Có lẽ do
sơ xuất?) Chuyện có Lobby trong các lần ban phát này không mà
báo CAND đã nêu lên thì đã được chứng mình qua rất nhiều
năm phát giải.

c-/Các cơ cấu chấm giải, ban phát giải có lẽ không biết (hay
giả vờ không biết?)là các cuộc thi (concours) chỉ giành cho
biểu diễn như Concours Chopin, Tchaikovsky, Magueite Long &
Thibault..và các cuộc thi tốt nghiệp của các học viện nghệ
thuật? Còn các giải được trao hàng năm như Nobel, Concourt
Books, Pulitzer… đều có tính chất" vinh danh" (couronner) một
tác phẩm hay nhất, được đề cử trong một số tác phẩm
trong năm đã được phổ biến trong quần chúng và giới chuyên
môn,sau đó qua một hội đồng toàn những lão trượng trong
nghành bỏ phiếu kín và chỉ có MỘT TÁC PHẨM DUY NHẤT được
tặng giải mà thôi!Mấy ai dám tự mình" ngồi trên" mà
đọc,mà xem những sáng tác mới toe của đồng nghiệp có khi
hơn mình cả MẤY CÁI ĐẦU VỀ TÀI VÀ VỀ TIẾNG TĂM rồi tự
cho phép mình cho anh này được giải này dược giải khác…

d-/ Những văn nghệ sĩ có tên tuổi gần đây không tham gia vào
các cuộc thi hoặc rút lui khi được chọn trao giải đã làm cho
các ban giảm khảo không những bị chồn chân mà trái lại càng
tạo điều kiện cho các vị này tha hồ tung hòanh quyết định
liều mạng chẳng sợ ai ý kiến ý cỏ, trừ ý kiến của…
Tuyên huấn, mà ở tuyên huấn, những người có quyền thì lại
chẳng có ma nào làm văn nghệ cả.Vậy là cứ việc thẳng
đường đi tới, tránh xa cái dớp của thời trao giải cho
những "Nỗi buồn chiến tranh", nhữmg "Mảnh đất lắm
người nhiều ma"mà toàn Ban Giám Khảo kẻ kiểm điểm, kẻ
mất chức là… "xong ngay"!


Xem ra cái chuyện giải giếc trong sáng tác hàng năm này khi Báo
công an đá động tới thì đã "có chuyện". Mong rằng công
an" vào cuộc" điều tra thẳng thừng về các sự Lobby phi
pháp nếu có!

Còn với các vị lãnh đạo cao nhất của đảng và chính phủ,
tôi xin mạnh dạn có ý kiến:

a-) Muốn cho nền văn nghệ của nước này được phát triền,
các giải thưởng nào cũng "ra giải thưởng" thì hãy ngừng ngay
việc bao cấp cho các tổ chức "văn nghệ nhà nước", để họ
tự do sáng tác trong luật pháp quy định. Không nuôi "báo cô"...
Một số người làm láo báo cáo hay rồi cuối cùng năm nào
cũng tổng kết chưa có tác phẩm "xứng tầm thời đại"

b-/ Cần có ngay một bộ luật kiểm soát mọi hoạt động văn
nghệ bất hợp pháp như: Mang tính chất khiêu dâm, quảng bá,
phổ biến mọi nếp sống vô văn hóa, kích động mọi hoạt
động vô chính phủ... tránh tình trạng hiện nay đang xảy ra
là nền văn nghệ quá tự do đang lấn áp một nền văn nghệ
được bao cấp

Hãy để cho những văn nghệ sĩ có thực tài sống bằng chính
tài của mình! Không cho bọn ăn bám, lừa bịp tiếp tục giở
những trò "ma mãnh" trong văn nghệ!

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4320), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét