Thư gửi "bạn" ta

"Bạn" thân mến,

Vậy là tụi mình lại vừa có một cuộc "nói chuyện" khá
thẳng thắn về giới hạn kiến thức - độ tuổi - và cách
bày tỏ quan điểm của một cá nhân.

Câu chuyện của tụi mình mở đầu bằng bài viết "Tin và
không tin" của Joyce Anne Nguyễn mà mình bắn link qua cho "bạn".
Và như thường lệ, chúng ta lại chia thành hai lề theo thói
quen: lề trái vs lề phải.

Mình sẽ note lại cuộc nói chuyện bằng lá thư này, để nhắc
mình nhớ rằng, những gì thuộc về bản chất không phải là
không thể thay đổi, vấn đề chỉ là con người ta có dám làm
một cuộc thay đổi thực sự hay không mà thôi.

Bạn cho rằng, giới hạn kiến thức xã hội là trở ngại
đầu tiên của Joyce Anne Nguyễn. Mình hiểu những lời bạn
phân tích theo nghĩa "chừng ấy tuổi thì biết được bao nhiêu
mà luận bàn đến chính trị". Mình không đồng ý với bạn khi
cho rằng, quan điểm của Anne Nguyễn trong bài viết thuần túy
là quan điểm chính trị. Bởi với góc nhìn của mình, đó là
một quan điểm nhân sinh của một người trẻ - đã từng
được giáo dục cùng một hệ thống với tụi mình. Suy nghĩ
và bày tỏ những điều mình nghĩ là lẽ thường hết sức tự
nhiên, đó còn là quyền cơ bản của con người nữa bạn à.
Kiến thức xã hội mà bạn đề cập đến, với mình, đó chỉ
là phần kinh nghiệm dàn trải cần thiết cho một bài viết,
điều này hẳn quan trọng với phóng viên - những người chọn
nghề viết (ở Việt Nam mình thì phải thêm chữ "lách" vào
nữa mới chuẩn) làm nghiệp. Xã hội nào muốn tồn tại mà
chẳng cần đến thể chế chính trị?? Người có quan điểm
nhân sinh xã hội đúng đắn phải là người quan tâm đến tình
hình chính trị của đất nước mình. Bạn có đồng ý mới
mình điều này không???

Bạn cho rằng, "chỉ chừng đó tuổi thì biết được những gì
mà hô hào kêu gọi lòng yêu nước". Bạn quên rồi sao, cách
đây bảy thế kỷ, Trần Quốc Toản - một người trẻ cũng
chừng đó tuổi - đã là biểu tượng cho tinh thần ái quốc
của dân Việt mình hay sao??

Chuyện cách đây 700 năm, nếu bạn không nhớ, thì mình sẽ
nhắc lại vài cái tên mà tụi mình đã được học trong
chương trình lịch sử như Kim Đồng, Phạm Ngọc Đa, Vừ A
Dính... (Mình tránh không nhắc Lê Văn Tám - để bạn khỏi
ngại ngùng với mình cái vụ "anh hùng thực hư" này nhé bạn).
Phần lớn lịch sử mà tụi mình được học, là thứ lịch
sử được viết lại sau năm 1975, và phần lớn tụi mình đã
từng ngu ngơ mà tin vào đó, tin vào những thứ không có thật
mà người ta nhồi nhét vào đầu mình.

Bạn quên rằng, tụi mình đang sống, và từng phút giây mình
trải qua rồi sẽ thành lịch sử. Có bao nhiêu người trẻ
biết được sự thật về ải Nam Quan, thác Bản Giốc??? Có bao
nhiêu người trong số bạn bè mình quan tâm và biết được sự
thật về cái gọi là chủ quyền đối với hai quần đảo
Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam mình? Có bao nhiêu người
trẻ được biết rằng chỉ vì bày tỏ lòng yêu nước đối
với Hoàng Sa - Trường Sa mà nhiều người đã phải đánh đổi
cả tương lai học vấn, cả sự nghiệp và đau xót nhất là
cả sự tự do của bản thân???Bạn trả lời mình đi.

Lòng yêu nước không phải là một khái niệm chỉ nằm trong
giáo trình lịch sử, nó là thứ tình yêu bản năng, là máu
thịt của mỗi con người, bạn à. Vì lẽ đó, hà cớ gì phải
quy định độ tuổi và giới hạn kiến thức xã hội để bày
tỏ lòng yêu nước của mỗi cá nhân??

Bạn thân mến, con người tự do nó khác với con người có
định hướng. Tự do suy nghĩ, tự do trăn trở khi đối diện
với vấn đề nó khiến con người ta chân thật và giàu cảm
xúc hơn rất nhiều so với sự định hướng trong tư duy.

Mình hay hỏi đùa bạn, mỗi lần bạn nói bạn thật tự hào
mình là người Việt Nam, thực ra là bạn đang tự hào về cái
gì đó?? Chưa lần nào bạn trả lời được cho mình sau cái
lần bạn bảo "tôi tự hào vì dân tộc mình là một dân tộc
anh hùng", và mình đã chỉnh lại "là một dân tộc đã từng
anh hùng".

Tự hào gì khi nhìn lại lịch sử, đất nước mình đã quá
tụt hậu so với bạn bè xung quanh?

Nếu chỉ nhìn lại lịch sử và ngây ngất với lòng tự hào???
thì nên chăng hoán đổi hai chữ tự hào thành "tự sướng" thì
mới hợp thời bạn ạ.

Mình đã từng hy vọng rằng, khi đọc được link bài viết
mình gửi, hẳn bạn sẽ thấy phấn khởi khi có một người
trẻ như Anne Nguyễn, giữa một thế hệ tuổi teen đang mê mẩn
với các loại tạp chí thời trang, say sưa thác loạn ở vũ
trường...
Mình đã từng hy vọng như thế.

Và mình cũng không thất vọng lắm khi bạn có phản ứng theo
kiểu "lề phải" thông thường. (Nói thật lòng đấy). Bởi
bản chất thường khó thay đổi, vấn đề chỉ là thời gian,
và quan trọng hơn là người ta dám hay không dám mà thôi.

Mình để bạn đọc bài viết, không phải kêu gọi hay lôi kéo
bạn phải lựa chọn, mà mình muốn bạn biết rằng, đó mới
chính là quan điểm sống tử tế, của những con người tử
tế thực sự mong muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn ngay
chính trên quê hương mình.

Trân trọng!

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4323), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét