Nguyễn Huỳnh Thái - Đạo làm quan của Khổng Tử

Ngẫm nghĩ, "cái duyên" giữa quan với dân như câu chuyện
con cá và người câu cá. Người câu vì muốn bắt được cá
nên chịu mất ít mồi, cá thấy mồi nên đớp, đớp xong từ
từ thưởng thức, thưởng thức xong mới biết mình mắc câu.
Có người thương cá nên dạy "đạo của người câu cá",
người câu cá vì sợ không bắt được cá nên chê là "không
tưởng", không dùng được. Có dạo cá khinh nhờn không mắc
câu, người câu cá dạy lại "bổn phận của cá đối với
người câu cá". Từ đó, người ta quen dùng cái đạo ấy và
quên hẵn "đạo của người câu cá", thế nên xã hội loạn
luôn.

Vì sao? Quan lại vì có quyền ảnh hưởng đến nhiều người
nên mong họ có quyết định đúng thì dân được nhờ, bằng
không số đông gánh chịu hậu quả, cho nên họ cần phải có
đạo, đạo của kẻ "cầm cân nảy mực". Dân thì đơn
giản hơn, họ mong muốn bình đẳng, yên lành và mưu cầu hạnh
phúc. Tiếc rằng quyền lực, quyền lợi của quan và dân hay đi
ngược nhau và quan lúc nào cũng khôn hơn dân cho nên đã hơn hai
nghìn năm nay "cá" luôn mắc câu.

Khổng cho rằng người làm quan phải có nhân, biết tu thân, có
kiến thức và lời nói phải đi với hành động. Quan có đạo
đức mới biết yêu dân, biết đặt quyền lợi của dân ở
trên hết, không vì quyền lợi riêng tư mà làm thiệt hại
quyền lợi của số đông. Bao giờ cũng vậy, có quyền lực mà
thiếu đạo đức sẽ gây tai hoạ cho dân. Nông dân nước Anh
thế kỷ thứ 17 bị Nhà nước tước ruộng đất giao lại cho
các doanh nghịêp làm đồng cỏ chăn nuôi, khiến họ từ chủ
đất trở thành nhân công, họ phải làm nhiều hơn trước
nhưng thu nhập ít đi và đến khi doanh nghiệp không sử dụng
họ thì họ phải đi ăn xin. Với quyền lực trong tay, quan lại
thừa khả trưng thu ruộng đất của nhiều người giao lại cho
một người với mục đích phát triển kinh tế nhưng sự thiếu
nhân dễ có câu kết mờ ám, không tôn trọng pháp luật và
đưa dân vào chổ bần cùng. Người ta đặt câu hỏi, tại sao
phải chuyển quyền lợi của số đông vào tay một người
(hoặc nhóm người) để sau đó số đông này phải trở thành
đầy tớ, Nhà nước thu lợi gì từ sự chuyển đổi này, đây
có phải là sự phát triển bền vững hay là cách bần cùng hoá
tinh vi? Đôi khi họ nói rằng đó là vì dân phải hi sinh cho
quyền lợi quốc gia, quyền lợi quốc gia là tối thượng và
vì sự phát triển một ngành nghề vô cùng hấp dẫn nào đấy
– một sự biện minh cho sự thiếu đạo đức vô cùng thô
thiển. Cuối cùng, đám nông dân này cũng tụ tập lại và trở
thành lực lượng chính cuộc khởi nghĩa vũ trang của Cromwell.

Quan có lời nói đi đôi với hành động thì không mị dân,
không nói những lời nói khoa trương, đạo đức giả kiểu như
mượn "cái khó" bó "cái khôn". Hành vi mượn "cái
khó" bó "cái khôn" là cách lừa dối dân tinh vi của hạng
quan lại thiếu đạo đức, vì dân không bao giờ khôn bằng
quan, những vấn đề "khó" dân cũng không được biết đến
và cuối cùng thì dân cũng phải "bó tay" với cái "khó"
đó.

Bề trên bất nhân thì dân bỏ, dân bỏ thì nước sẽ loạn.
Vì vậy ông khuyên quan lại phải biết sửa mình, "Sửa mình
để cho trăm họ được yên trị. Sửa mình mà trăm họ được
yên trị, dẫu Nghiêu, Thuấn e cũng khó làm được thay!".
Nhưng việc "sửa mình" thì không dành cho hạng thiếu đạo
đức vì họ bị che phủ bởi lớp màn vô minh của quyền lực,
địa vị và vật chất. Bọn này sẽ lừa dối dân chúng, lừa
dối thất bại sẽ chuyển sang dụ dỗ, dụ dỗ thất bại sẽ
chuyển sang đe doạ, đe doạ thất bại sẽ chuyển sang đàn áp,
cuối cùng là sự đấu tranh và đổ vỡ cấu trúc xã hội cũ.

Nhiều người cho rằng cái xã hội theo quan điểm của Khổng
là không tưởng, vì tiêu chuẩn làm quân tử khó quá, chỉ ít
người đạt được cho nên không thể xây dựng một xã hội
trên mô hình đó. Để thực tế sau này người ta lại xây
dựng xã hội đầy đạo đức, họ gọi đó là xã hội vì dân
với dụng ý dùng thượng tôn pháp luật để duy trì sự công
bằng. Nhà nước được điều hành dựa trên bọn quan lại là
những những kẻ bất nhân, vì vậy pháp luật chỉ thể hiện
công bằng trên sách vỡ còn thực tế luôn là giấc mơ đối
với quần chúng. Những kẻ thiếu đạo đức sẽ không bao giờ
tôn trọng pháp luật nếu điều đó có lợi cho họ, nó dẫn
đến xã hội đầy những bất công, quan hệ giữa người với
người bắt đầu hỗn loạn hay ta gọi đó là sự xuống cấp
đạo đức.

Đâu đó người ta đặt câu hỏi, đạo đức xã hội xuống
cấp do dâu? Do kẻ bề trên thiếu đạo đức, thiếu đạo
đức họ sẽ làm những chuyện phi lí mà không bị trừng trị,
dân chúng bất mãn noi theo. Sự trừng trị trong dân chúng cũng
không công bằng, mọi thứ được sắp đặt theo tiền bạc và
mối quan hệ kiểu "con ông cháu cha", thật giả đảo lộn.
Dân chúng bắt đầu "điên tiết" tìm cách phỉ nhổ vào xã
hội, mọi hành vi của bề trên đều bị chế giễu, bỡn cợt;
các hành động trái luân lý dễ làm quần chúng phẩn nộ, họ
hả hê khi các quan lại thiếu đạo đức bị trừng trị.
Điều đó bắt đầu đặt dấu chấm hết cho trật tự xã hội
cũ, vấn đề còn lại là thời gian.

Nhiều người cho rằng những bất công xã hội thường nằm ở
thể chế, điều đó không đúng, tất cả thể chế đều có
những điểm hay và khuyết tật của nó cho dù là quân chủ hay
tư bản…thay vào đó bất công xã hội được bắt đầu từ
những con người bên trong nó. Sự thay đổi về cấu trúc của
thể chế là giả tạo, nếu những con người thiếu đạo đức
bên trong nó vẫn còn thì bất công sẽ "đội mồ" sống
dậy và dân chúng sẽ sớm nhận ra điều đó. Những cuộc
đấu tranh đòi thay đổi cấu trúc thể chế sẽ được quần
chúng hiểu là muốn tiếp cận cơ hội tham gia quyền lực,
điều đó không được mong đợi. Khổng Tử chưa bao giờ nhắc
tới một cuộc cách mạng để thay đổi về chính trị nhưng
ông tích cực đào tạo những học sĩ có đạo đức, nhân cách
với hi vọng những người này sẽ thay đổi cách trị dân trong
tầng lớp quý tộc. Chỉ tiếc rằng Khổng Tử chỉ là một
nhà tư tưởng chứ không phải là một nhà cách mạng như
Trương Lương, nếu không xã hội được gọi là không tưởng
kia đã trở thành sự thật.

04-03-10
Nguyễn Huỳnh Thái


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4347), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét