Trần văn Đức - Mỹ Lai và những đứa trẻ mồ côi (phần I)

Đầu năm 1959 gia đình tôi chuyển vùng từ Sơn Hội xuống Sơn
Mỹ, để làm ăn, sinh sống. Vì sau khi Ba tôi ở tù ngoài Côn
Đảo về, cuộc sống của gia đình ở Sơn Hội gặp nhiều
trắc trở khó khăn, chính quyền luôn dòm ngó, và nhiều lần
bắt xuống hội đồng xã để tra khảo.
Dù trong thời chiến, nhưng gia đình tôi ở Sơn Mỹ gặp nhiều
thuận lợi trong vấn đề làm ăn, buôn bán.

Ba tôi may vá và làm nghề thuốc tây, còn mẹ tôi tạo rất
nhanh được quày hàng tạp hoá ở chợ Sơn Mỹ, sạp hàng có
tất cả vải, thuốc tây và quần áo... tên tuổi ông bà Chín
Tẩu, dường như khá thân quen với người dân Sơn Mỹ thời
bấy giờ.

Cuối năm 1959 mẹ tôi sinh đứa con thứ 2, chị Trần thị Mỹ
của tôi, được sự hỗ trợ của 2 Dì từ Sơn Hội xuống
giúp đỡ trong thời gian Mẹ tôi ở cữ, nên vấn đề buôn bán
của gia đình có phần thuận lợi hơn.
Đầu năm 1960 gia đình tôi đã tạo được một căn nhà rất
khang trang gần chợ Sơn Mỹ, bên cạnh nhà ông Bốn Tương,
trước sân sẵn có hàng dừa cao tít, trĩu quả bóng dừa tỏa
mát cả sân nhà, bên kia đường là ao đầm người ta nuôi tôm
cá, xa hơn là những rặng dừa nước mênh mông xanh thẳm, thật
vui tai bao tiếng lá xì xào qua cơn gió nhẹ, trước nhà hơn 300
mét là biển Mỹ khê với bờ cát trắng chạy dài tít tắp, và
mặt nước trong veo một màu xanh biết, bao la bất tận...

Năm 1962 tôi ra đời, Trần văn Đức tên tôi,lúc bé tí các Dì
gọi tôi là Trọng Hiền. Là đứa con trai đầu tiên cho nên,
cả gia đình tôi vui lắm, nhất là Ba Má tôi. Hai năm sau 1964
đứa con thứ tư ra đời, em Trần thị Huệ của tôi.

Thời gian nầy chiến tranh ác liệt lắm, dân Sơn Mỹ chết rất
nhiều dưới bao làn bom đạn quân thù, những lần oanh tạc
của máy bay Mỹ, và những đợt đột kích từ những hạm
đội ngoài biển tấn công vào. Gia đình tôi và dân nơi đây
có hôm cả ngày phải núp dưới hầm,... nhiều gia đình bị bom
dội trúng sụp hầm chết cả nhà, do vậy dân Sơn Mỹ thời
gian nầy tản cư đi nơi khác nhiều lắm, để tránh đạn, kẻ
đi Lý Sơn, người xuống Bình Đức, nhiều người phải lìa
quê xa xứ.... Bao gia đình phải ly tan,những đứa trẻ mất cha
mẹ, bao cụ già không còn nơi nương tựa, nhà cửa, ruộng
vườn tan hoang... cùng một số gia đình, Ba Mẹ tôi dẫn các con
tản cư xuống Bình Đức, ở tạm nhà người quen gần chợ
Bình Đức, gần nhà ông Đổng, bà Huệ... gần 2 năm gia đình
tôi sinh sống nơi này, ba mẹ tôi vẫn làm nghề cũ may vá và
buôn bán, thỉnh thoảng củng có những trận càn quét, những
trận pháo kích, nhưng không liên tục như ở Sơn Mỹ.

Dân Bình Đức phần lớn là ngư dân và làm muối, còn lại số
ít làm nông và buôn bán. Bình Đức là một vùng quê duyên hải
khá đẹp, nơi đây không xô bồ tấp nập nhưng cũng không kém
phần rộn ràng với nhịp sống vươn lên, bao ngư dân vạm vỡ
lúc nào trên mặt họ cũng nở nụ cười thân thiện, với
những chiếc thuyền tô màu xanh đỏ, họ đua nhau ra khơi đánh
cá trong những buổi sáng tinh mơ ... Đám trẻ con chúng tôi
đợi trời bớt nắng gần xế chiều tập trung đông lắm ở
khu đầu bờ đập, để câu cá, câu cua hoặc đá banh nhựa
trên đường, đôi khi còn kéo nhau lên đồi sau chợ dùng mo cau
tuột xuống...

Bình Đức không yên bình lâu như gia đình tôi tưởng, rồi bom
đạn Mỹ cũng dội xuống nơi này liên tục, máu dân lành lại
nhuộm đỏ mảnh đất thân thương của họ.

Chợ Bình Đức, máy xay gạo bên chợ và bao căn nhà tranh làm
mồi cho bom xăng cùng rocket.

Năm 1967 Mẹ tôi sinh đứa con thứ 5, em Trần thị Hà, và cùng
thời gian này gia đình lại một lần nữa phải tản cư lên
xóm Thuận Yên, Tư Cung, gia đình tôi dựng một căn nhà tranh
nhỏ ở tạm trong khu vườn nhà bà Bộ xóm Thuận Yên... và
cũng năm này Ba tôi phải lên Tịnh Hiệp để công tác. Ông là
Y Sỹ của C 12 huyện Sơn Tịnh. Nhờ có các Dì từ Sơn Hội hay
xuống giúp đỡ, nên Mẹ tôi phần nào cũng đỡ vất vã trong
khoảng thời gian em Hà còn nhỏ.

Hơn một năm sống ở xóm Thuận Yên, Tư Cung là quãng đời
hạnh phúc nhất của tôi, của gia đình tôi, dù lúc ấy chiến
tranh có phần khốc liệt hơn, bao trận bom, những cuộc càn
quét mảnh liệt hơn, dân quê tôi gánh chịu đau thương. Từng
ngày, từng giờ, không ít thì nhiều, tôi chưa thưởng thức
được ngày nào không có tiếng súng của quân thù. Nhưng lớn
lên tôi hiểu hơn, thấy được nhiều hơn.

Ngoại tôi sinh sống ở Sơn Hội, những đứa con của bà đã
có gia đình và ra sống riêng, Dì út của tôi làm ăn xa quê,
nên Ba Mẹ tôi phải thường xuyên chăm lo cuộc sống của bà.

Chị Hồng, chị Mỹ thường được Mẹ tôi sai đem tiền gạo
về Ngoại, những lần đó tôi đều đòi đi theo, tôi vui mừng
tung tăng chạy theo 2 chị tôi, tất nhiên là không lâu, sau đó
tôi bắt cõng.... màu xanh của ruộng mì, ruộng lúa, huỳnh tinh,
rau lang, còn đọng trong tôi vẻ đẹp rất nên thơ của làng
quê qua mấy chiều hiếm hoi yên bình.
Không biết từ đâu, tôi rất yêu Ngoại tôi, có thể do Mẹ
tôi giống Bà,không chỉ về hình dáng mà cả tính cách, đến
nay tôi còn cảm nhận được hơi ấm thuở nào của những lần
về thăm được Bà ôm vào lòng...
Làng Thuận Yên quê tôi đáng yêu sao, bên đường quốc lộ 24B
là hai dãy núi tiếp nhau, um tùm những rặng liễu và tranh, bên
này đường là xóm Thuận Yên, Tư Cung, xen lẫn với các xóm
dân cư là những thửa ruộng màu mỡ. Nơi bà con chân lấm tay
bùn,cố đổi lấy những giọt mồ hôi bằng những bát cơm
ngon, những manh áo lành... tôi có cảm tưởng rằng, dân Mỹ Lai
quê tôi rất siêng năng cần cù, vì phải luôn đương đầu
với bom đạn, với những trận càn quét, với những làn rocket,
cho nên dân quê tôi phải tranh thủ từng giờ phút, khi sáng
sớm hoặc chiều tối là khoảng thời gian im tiếng súng nhất
họ đồng loạt ra đồng để trồng trọt, đổ nước cho lúa,
tưới nước cho huỳnh tinh, rau lang, mì, bón phân và làm sạch
cỏ cho hoa màu... những người buôn bán họ cũng thức dậy
sớm lắm, để lo cơm nước cho gia đình, con cái, trước khi ra
chợ.

(Còn tiếp)

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4345), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét