Tương Lai - Ánh mắt dân cày

<h2>Cái đầu dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm</h2>

" Dưới đồng ông lão đi bừa
hệt như cụ cố ngày xưa đi cày "

Câu ca dao mới rất hài hước ấy là của đồng chí bí thư
huyện ủy một huyện ở Thái Bình đọc cho tôi nghe trong
chuyến về thăm lại nơi chúng tôi tiến hành cuộc <em><strong><a
href="http://www.x-cafevn.org/forum/showthread.php?p=2004">Khảo sát xã
hội học tại Thái Bình năm 1997</a></strong></em> theo yêu cầu
của Thủ tướng Chính phủ khi nơi đây xảy ra sự kiện. Trong
hơn mười năm nghỉ hưu, mỗi năm một lần, chúng tôi vẫn cố
bố trí thời gian để về lại địa điểm khảo sát nhằm đo
đếm và " hâm lại " cảm nhận về diễn tiến của sự
kiện theo con mắt và trái tim của người đeo đuổi cái "
nghiệp " xã hội học. Đúng là cần cả trái tim và con mắt,
vì nếu trái tim mệt mỏi hay lơ là thì đôi mắt sẽ chẳng
thấy rõ điều cần nhìn thấy !

Quãng 37 tuổi, bí thư huyện uỷ say sưa trình bày những ý
tưởng táo bạo trong việc đưa nông nghiệp, nông thôn đi lên
trên con đường công nghiệp hoá và hiện đại hoá. Kết luận
anh rút ra là : nếu được chấp nhận những ý tưởng đó,
chỉ trong vòng một nhiệm kỳ, huyện của anh sẽ có chuyển
biến thật sự.

Trong những ý tưởng táo bạo của anh có vấn đề làm thế
nào để xoá bỏ tình trạng manh mún, tản mạn của ruộng
đất hiện nay. " <em>Không tập trung được ruộng đất, không
sao chuyển đổi được cơ cấu lao động, ngành nghề, áp dụng
khoa học và kỹ thuật mới</em> ".

Trả lời cho câu hỏi làm sao tập trung ruộng đất, anh cười
dí dỏm : « <em>Trước hết là phải thay đổi cách nghĩ quen
thuộc về " người cày có ruộng" như là một cứu cánh
của lập trường cách mạng. Có lẽ phải biết và dám " tập
trung ruộng đất để đưa nông thôn vào sản xuất hiện đại
ở trong đầu " đã, rồi từ đó mới thực thi được trên
đồng ruộng. Mà chúng tôi ở huyện, nếu không được cái
đầu của tỉnh gật thì chỉ mới đưa ra ý tưởng đã bị "
phạt đền 11 mét " rồi, làm sao dám thực thi? Mà cái đầu
của tỉnh thì lại phải chờ đợi từ cái đầu của trung
ương có thuận không đã. Và cứ thế, sự chờ đợi kéo dài,
và nông thôn cũng mòn mỏi kéo dài ì ạch theo bước chân
trâu</em> ».

Đương nhiên, tập trung ruộng đất để có điều kiện chuyển
đổi cơ cấu kinh tế, vận dụng thành tựu của khoa học công
nghệ vào sản xuất nông nghiệp và các hoạt động sản xuất
ở nông thôn, nâng cao năng suất lao động nông nghiệp, thực
hiện từng bước quá trình công nghiệp hoá hiện đại hoá
nông nghiệp và nông thôn không đơn giản chút nào. Mâu thuẫn
giữa tập trung ruộng đất để phát triển sản xuất hàng hoá
và sự làm ăn, kiếm sống của các hộ nông dân nghèo đang
vất vả trên chính mảnh ruộng năng suất thấp của mình, cần
phải có sự xem xét thoả đáng.

Cũng đừng quên rằng, không phải không có tình huống là bản
thân việc " dồn điền, đổi thửa " chưa thuyết phục
được từng hộ nông dân thấy được nhu cầu của chính họ,
thay vì sự hăng hái của không ít những cán bộ một số nơi
nhắm vào động cơ việc " dồn điền, đổi thửa " sẽ
tạo ra những lô đất lớn để " đấu thầu ", tăng thu cho
ngân sách, đồng thời cũng tiện cho chuyện " quy hoạch "
đất công nghiệp. Đấy là chưa nói những động cơ vụ lợi
riêng tư mà người dân cảnh giác. Những nghịch lý của phát
triển luôn là bài toán hóc búa.

Song để phát triển, cần phải tìm ra những lời giải thoả
đáng. Lời giải đó cũng không thể tìm ở đâu khác từ
những cái đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về
những tư tưởng và hành động của mình trên chính mảnh đất
dưới chân mình. Mảnh đất quê hương thấm đẫm mồ hôi và
máu cùng với mơ ước cháy bỏng ngàn đời của người nông
dân.

Khi dẫn ra câu ca dao hài hước kia, người bí thư huyện ủy
trầm ngâm trước con số mà chúng tôi cung cấp Khảo sát của
Viện Chính sách & Chiến lược Phát triển Nông thôn năm 2006
ở 8 xã thuộc đồng bằng Sông Hồng, Đông Nam bộ và
đồng bằng Sông Cửu Long cho thấy hầu hết các vùng
nông thôn gần như không còn lao động dưới 40 tuổi. Ở
tỉnh Thái Bình, khoảng 45% lao động đã chuyển khỏi nông
nghiệp, 20 vạn người đi làm ăn xa.

Anh đưa ra một loạt những con số về những người lao động
còn ở lại làm nông nghiệp để bình luận trong cái cười
ướt đẫm nước mắt về hình ảnh " ông lão đi bừa " và
" cụ cố đi cày " mà anh đang cố tìm cách tháo gỡ !

Anh buồn rầu nói thêm, « đúng ra, cần thêm một câu ca dao
nữa nói về phụ nữ đi cày, đi bừa.. vì rằng phụ nữ nông
thôn trên 35 tuổi khó có cơ hội tìm việc làm ở đô thị, ở
các khu công nghiệp. Vì vậy, họ buộc phải " đảm đang "
công việc đồng áng nặng nhọc đó. Cái xu thế " nữ hoá
nông nghiệp " này góp phần giảm sút phương thức thâm canh.
Năng suất giảm sút sẽ làm cho cái nghèo tăng lên ». Giọng anh
trầm hẳn xuống, ánh mắt đăm chiêu.

Những cán bộ cỡ bí thư Huyện uỷ như vậy không nhiều song
không là quá hiếm trên cả nước ta, từ khắp nông thôn đồng
bằng Sông Hồng, suốt dọc Duyên hải Miền Trung, vượt lên
vùng núi phía Bắc, quành về Tây Nguyên, cho đến ngút ngàn
nông thôn Đồng bằng Sông Cửu Long noi chúng tôi từng đến.
Những cái đầu biết suy nghĩ, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng
vào cuộc, bứt lên.

Hiện nay, những cái đầu dám nghĩ và dám làm, dám chịu trách
nhiệm về việc làm của mình để xây dựng nông thôn mới ấy
đang cần được cổ vũ. Để cổ vũ những nhân tố mới có ý
nghĩa khai phá ấy, đương nhiên, phải quyết liệt chống trả
lại " những cái cũ hư hỏng nhưng đã được tập quán thần
thánh hoá ", điều mà Hegel đã từng phân tích rất sâu sắc
và Engels nhiều lần nhắc lại.

<h2>"Chuyện làng Nhô" ở Thái Bình</h2>

Về chuyện này, xin kể lại một kỷ niệm. Về bản báo cáo
Khảo sát xã hội học tại Thái Bình cũng lắm gian truân, nhưng
xin chỉ kể một chuyện.

Hôm ấy, đồng chí Phạm Văn Đồng cho gọi tôi lên để trình
bày về bản báo cáo ây. Cố gắng hết sức kiệm lời, vì
biết người nghe sẽ hết sức chăm chú song không có nhiều
thời gian. "<em>Thưa anh, theo chúng tôi, chẳng có địch phá
hoại nào trong chuyện này cả, đây chỉ là mâu thuẫn trong
nội bộ nhân dân</em>".

Đang trong "trớn" trình bày, cứ nghĩ là như vậy cũng đã
đủ "thẳng thắn", vì với đồng chí Phạm Văn Đồng, trong
câu chuyện giữa hai thầy trò, chúng tôi trao đổi rất thoải
mái không phải kiêng dè bất cứ điều gì, bỗng tôi thấy ông
khe khẽ gõ tay trên mặt bàn: "Nào anh bạn, anh nói lại câu
vừa rồi đi".

Tôi dừng lại, liếc vội về phía anh Nguyễn Tiến Năng ngồi
ghi chép ở đầu chiếc bàn dài đặt khá xa bàn uống nước mà
đồng chí Phạm Văn Đồng và tôi ngồi, anh Năng cười hất
đầu ra hiệu "nói đi".

"Vâng thưa anh, theo tôi nghĩ, trong chuyện Thái Bình, chẳng có
địch phá hoại nào cả, mà chỉ là mâu thuẫn trong nội bộ
nhân dân".

Phạm Văn Đồng cười sảng khoái rồi bất thần hỏi tôi:
"Này, anh Tương Lai, với tôi mà anh vẫn còn phải sợ à?".
Biết ông định nói gì, tôi cũng "cà chớn": "Dạ, cũng
sợ chứ ạ. Vì đâu chỉ mình anh nghe, và rồi người khác thì
đâu có nghĩ như anh".

Ông thôi không cười nữa và dằn giọng: "<em>Không có mâu
thuẫn nội bộ nhân dân nào cả. Phải nói rõ đây là mâu
thuẫn giữa một bên là những người cầm quyền hư hỏng,
thoái hoá, biến chất và một bên là nhân dân dân chống lại
sự hư hỏng đó. Phải nói như vậy, phân tích như vậy thì
mới tìm ra giải pháp đúng được</em>".

Tôi hiểu ý của ông, hiểu sự xót xa, giằng xé trong tư
tưởng của ông khi ông nói lên những điều đó. Bởi vì rồi
sau đó không lâu, trong bài viết cuối cùng trên báo Nhân Dân,
ông nghiêm khắc cảnh báo: "Nhiều người có chức có quyền
trong hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể
quần chúng hư hỏng quá, thoái hoá, biến chất, chạy theo chức
quyền, tiền, danh và lợi, những người ấy đang làm cho một
bộ phận không nhỏ trong nhân dân ta ngày càng giảm lòng tin
vào Đảng, đưa đến tình hình nguy kịch không thể coi
thường".

<h2>"Vấn đề dân cày"</h2>

Cũng về báo cáo Thái Bình ấy, tôi có dịp được trình bày
với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi thưa với ông về câu
chuyện cảm động và lý thú với đồng chí Phạm Văn Đồng
và bổ sung bằng những bức ảnh sống động mà chúng tôi
chụp tại Thái Bình dạo ấy, những bức ảnh không thể trình
ra với Phạm Văn Đồng vì mắt ông không thể nhận ra được.
Trong ấy có một bức mà tôi thưa với Đại tướng là bức
ảnh có ý nghĩa nhất trong đời làm xã hội học của chúng
tôi.

Duyên do là, khi được báo cáo là tại xã An Ninh huyện Quỳnh
Phụ, " bọn phản động " đã đập tượng Bác Hồ trong
đêm đập phá trụ sở Uỷ ban Nhân dân xã, có đồng chí lãnh
đạo đã tỏ ra rất bức xúc. Khi đến tại hiện trường,
chúng tôi thấy một tượng Bác bằng thạch cao bị vỡ đặt
nằm dưới gầm bàn làm việc tại trụ sở Uỷ ban xã, nhưng
ngay sát mặt bàn, lại có cái bục cao, trên đó vẫn có một
tượng Bác được đặt nghiêm chỉnh. Hỏi vị chủ tịch Uỷ
ban xã thì được trả lời là: "chỉ tượng Bác đặt trên
mặt bàn bị đập vỡ thôi, còn tượng đặt trên bệ cao thì
"chúng" chưa kịp đập".

Thế một phòng họp lại có đến hai tượng Bác Hồ cơ à, câu
hỏi ấy được trả lời là "Vâng, để cho nó thêm trang
trọng ạ!". Chúng tôi chụp ảnh cả bức tượng vỡ nằm
dưới gầm bàn và toàn cảnh phòng họp đang có bức tượng
Bác đặt trên bệ trang trọng.

Đại tướng mỉm cười độ lượng "họ vụng về quá, dàn
cảnh thế này thì ai mà chẳng biết". Tôi thưa với ông:
"Thưa anh, đúng vậy. Khi chúng tôi tìm hỏi dân thì người ta
cho biết, bức tượng thạch cao bị vỡ từ lâu để trong kho.
Nay muốn "dựng hiện trường giả", họ đưa bức tượng
vỡ ấy từ trong kho ra đặt vào đó".

Đại tướng hiền từ nhắc nhở: "Đề tài nông dân vẫn là
một chủ đề nóng bỏng, các anh cần cố gắng tập trung thời
gian nghiên cứu".

"Vâng, thưa anh, nó vẫn nóng bỏng như từ khi Vấn đề dân
cày của Qua Ninh và Vân Đình đặt ra". Ánh mắt của con
người huyền thoại ấy như vui lên : " À, thế ra cậu cũng
đã đọc cuốn sách ấy à. Hiện có cuốn ấy ở nhà không,
gửi cho mình xem lại. Trong tủ sách của tôi không có cuốn ấy
".

Tôi hứa chắc với ông thế nào tôi cũng tìm được cuốn sách
ấy để gửi tặng ông. Nhưng quả thật gay go để tìm được
nguyên bản, đành phải đến Viện Thông tin Khoa học Xã hội
năn nỉ với Viện trưởng vốn là chỗ thân tình, nhưng anh
cũng chỉ cho phép chụp lại để gửi tặng Đại tướng.

Ra thế, trước khi cầm quân đánh giặc cứu nước, đội quân
chủ lực là những người nông dân " gặp nhau hồi chưa biết
chữ, quen nhau từ thuở một hai " đã phải " lột sắt
đường tàu rèn thêm đao kiếm, áo vải chân không đi tìm giặc
đánh " [Hồng Nguyên] để rồi làm nên kỳ tích đánh thắng
những đạo quân của những siêu cường, vị đại tướng
huyền thoại ấy đã từng cầm bút viết sách về chủ đề
nông dân.

Những chuyện đặt ra trong Vấn đề dân cày như " hàng năm
nhà thợ cày phải ăn đói đến bảy, tám tháng, bần nông năm
sáu tháng, một số trung nông thiếu ba bốn tháng " có thể
đã cơ bản lùi về dĩ vãng, song những khát vọng nông dân thì
vẫn còn nguyên vẹn. Đại tướng nhắc cần đặc biệt chú
trọng đến đời sống tinh thần của nông dân , chú ý nâng cao
văn hoá nông thôn, gìn giữ và phát huy tinh hoa của nền văn
hoá làng.

Lời nhắc nhở của Đại tướng khiến tôi nhớ đế một kỷ
niệm ấm lòng. Trong chuyến đi Hà Giang dạo ấy, chúng tôi
bất chợt gặp các cháu nhỏ ngồi sưởi bên ngọn lửa
được nhóm lên cuối chân đèo khi xe tôi vượt qua cổng
trời từ Mèo Vạc về Đồng Văn vào buổi chiều mù
sương mà ánh nắng chỉ còn vẽ nên một đường viền
mờ nhạt bên sườn núi phía trước nơi có con sông Nho
Quế huyền ảo uốn lượn bên dưới. Dừng xe hỏi
chuyện, biết các cháu là học trò lớp ba, lớp bốn,
đi học vào buổ̉i sáng để buổi chiều đi chăn bò, các
cháu ngồi sưởi, đợi cho bò gậm nố́́t ít cỏ trước
khi lùa bò về. " Nó học giỏi nhất ở đây đấy, mình
nó lớp bốn thôi ", chỉ vào một bé gái trùm chiếc
khăn xanh đã bạc mầu, một bé trai đội chiếc mũ nồi
đen có mấy lỗ thủng vừa cười vừa nói.

"Thế chừng nào mới lùa bò về, nhà cháu ở tận
đâu?" tôi hỏi cháu. "Đấy, kia kìa ", bé gái trả
lời.

Theo hướng tay và ánh mắt của cháu, tôi nhìn xuống
những mái nhà lờ mờ trong sương chiều dưới thung lũng
thấp thoáng ánh đèn khi mờ khi tỏ, trong đó chắc có ánh đèn
của cô giáo của các cháu bé ngồi sưởi ấm bên ngọn lửa
nhóm lên cuối chân đèo kia. Con sông Nho Quế thơ mộng chỉ
còn là một vệt uốn lượn thấp thoáng mà ráng
chiều chẳng rọi tới được. Ngọn lửa sưởi của các
cháu nhóm giữa đưòng đèo sao mà xao xuyến. Không nói
nổi lời từ biệt các cháu, tôi rút vội chiếc bút
máy cài trên túi áo rồi đặt nhẹ vào tay bé gái.

"Không lấy đâu, không lấy đâu", bước vội về phía
tiếng còi xe đang giục vì đoạn đường về huyện
Đồng Văn còn xa, tôi chỉ kịp nghe tiếng vọng của bé
gái. Xe chạy, ngoái nhìn lại, các cháu đã đứng chụm
lại cả giữa đường nhìn theo trong mù sương của núi
rừng Hà Giang.

Hình ảnh các cháu bé ngồi sưởi bên chân đèo và ánh mắt
của bé gái theo đuổi tôi suốt quãng đường còn lại của
một người làm khoa học mà chủ đề nông dân luôn là một ám
ảnh dai dẳng và giằng xé. Ngọn lửa ấy ấy, ánh mắt ấy
chính là ngọn lửa trí tuệ giải đáp cho những khát vọng
nông dân bao đời.

TƯƠNG LAI

<em>NGUỒN: bản do tác giả gửi tới Diễn Đàn<br />
(có đăng trên số Xuân SÀIGÒN TIẾP THỊ)</em>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/3517), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét