Sẽ là một tổn thất lớn cho mối quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ nói chung, và mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ nói riêng, nếu tổng thống Barack Obama quyết định không lên đường tham dự Hội nghị thượng đỉnh khối ASEAN sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10 năm nay, theo lời mời của Việt Nam với tư cách chủ nhà và tân chủ tịch ASEAN. Hiện tại, ASEAN vẫn mong muốn xây dựng một sự hợp tác chặt chẽ - tin cậy với Hoa Kỳ, một phần vì lý do kinh tế, một phần khác vì an ninh trong khu vực. Trung Quốc đang không dấu diếm dã tâm của họ là khống chế biển Đông, nơi được cho là chứa đựng nhiều nguồn tài nguyên quý giá, và có những con đường vận tải biển quan trọng chạy qua, và đồng thời là bàn đạp ra Thái Bình Dương. Một số nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, có tranh chấp quyền lợi trực tiếp với Trung Quốc trong vùng biển này. Nếu xét về tiềm lực quân sự, ASEAN không phải là đối thủ của Trung Quốc. Vì thế, ASEAN (trong đó có Việt Nam) cần sự hiện diện của Hoa Kỳ như một đối trọng với Trung Quốc. Đương nhiên, Trung Quốc không thích thú với ý tưởng này, bởi theo lời ông Carl Thayer, một giáo sư chuyên nghiên cứu về tình hình Châu Á - Thái Bình Dương, thì nếu "Hoa Kỳ hiện diện, Trung Quốc không thể múa gậy vườn hoang".
Người Việt chúng ta đọc / xem nhiều cổ sử Trung Quốc, chắc không lạ gì "kế ly gián" mà người Trung Quốc đã sử dụng một cách khéo léo và đa dạng trong suốt chiều dài lịch sử đầy tranh chấp của họ. Một ví dụ điển hình về ly gián là câu chuyện Nhạc Phi - Tần Cối: Quân Kim đã mua chuộc thừa tướng nước Tống là Tần Cối để hãm hại Nhạc Phi, một dũng tướng của Tống đã gây nhiều thiệt hại cho quân Kim. Tần Cối đã thuyết phục vua Tống triệu hồi Nhạc Phi về kinh đô, để rồi giết cả gia đình Nhạc Phi tại đình Phong Ba. Truyền thuyết kể rằng, khi Nguyên soái Hàn Thế Trung chất vấn Tần Cối rằng "xử tội Nhạc Phi, thế bằng chứng đâu?", thì Tần Cối trả lời: "Không có, nhưng cũng không cần có". Kể từ đó, ba chữ "không cần có" (mạc tu hữu 莫須有) đã gắn liền với tên Nhạc Phi và đi vào tiếng Trung để chỉ những lời buộc tội ngụy tạo. [2]
Câu chuyện Nhạc Phi - Tần Cối khiến chúng ta không thể không đặt câu hỏi: Liệu có bàn tay của Trung Quốc trong những vụ đàn áp bất đồng chính kiến đang diễn ra ở Việt Nam không? Rõ ràng Trung Quốc biết Hoa Kỳ đặc biệt khó chịu với vấn đề tự do tôn giáo - tự do ngôn luận bị đàn áp: Dù chính quyền Obama có muốn siết chặt quan hệ với Việt Nam, thì những người dân Mỹ - sau khi đọc những bài báo trên các tờ báo nổi tiếng như Wall Street Journal, Time, The Economist v.v.. về các vụ đàn áp tôn giáo và blogger ở Việt Nam - cũng sẽ không tán đồng quyết định của chính phủ là giao thương với một quốc gia độc tài. "Việc liên tiếp truy tố các nhà hoạt động nhân quyền đã làm Quốc Hội [Hoa Kỳ] giảm bớt thiện chí của mình đối với Việt Nam. Cơ hội để có cuộc gặp mặt thượng đỉnh lãnh đạo ASEAN - Hoa Kỳ lần thứ hai ở Việt Nam là GẦN NHƯ KHÔNG THỂ ở thời điểm này". Chẳng phải đó chính là điều mà Trung Quốc muốn đạt tới hay sao?
Nhiều người đã ngạc nhiên trước thái độ cứng rắn của chính quyền trong những vụ việc gần đây: Tại sao phải xua đuổi tăng nhân Bát Nhã đến cùng, dù họ vốn yên ổn tu tập ở đó từ trước? Tại sao phải cưỡng chế dỡ bỏ thánh giá tại Đồng Chiêm một cách gấp rút, trong khi chính quyền đã để mặc họ xây dựng mà không can thiệp? Tại sao phải đưa hàng loạt các nhà bất đồng chính kiến ra xử trong mấy ngày liên tiếp, với những bản án nặng nề đến bất ngờ? Tại sao phải xử tù Nguyễn Tiến Trung và Lê Công Định, trong khi đây là những nhân vật được phương Tây quan tâm, mà chính quyền hoàn toàn có thể áp dụng những biện pháp "trừng phạt" khác yên ắng hơn (như cô lập tại gia, bao vây về kinh tế, v.v...)? Ngay cả phe bảo thủ cũng không có lợi gì khi những sự việc ầm ỹ đó xảy ra, ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế của những tập đoàn trong tay họ với phương Tây, vào thời điểm khủng hoảng này.
Có lẽ một vài nhân vật cấp cao đã nhận được những lợi ích cá nhân lớn hơn lợi ích của đất nước và lợi ích của phe phái, và đã để cho Trung Quốc điều khiển từ xa cuộc đàn áp tai hại, nhằm chia rẽ sự hợp tác của Việt Nam và Hoa Kỳ. Cách lý giải này tuy chỉ là những suy đoán không bằng chứng, nhưng không phải không có khả năng xảy ra, phải không các bạn?
________________
Ghi chú:
[1] http://viet-studies.info/kinhte/kinhte.htm
[2] Theo Wikipedia: http://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BA%A7n_C%E1%BB%91i
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét