Hồ Bất Khuất - Giáo dục: Tư duy và hành động như vậy, không khá lên được!

Cách đây ít lâu, dự thảo quy chế quản lý lưu học sinh của
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thể hiện nhận thức và tư duy
lạc hậu so với tình hình. Nay lại đến việc cấm các
trường đại học ngoài công lập mở ngành báo chí, luật, sư
phạm. Có vẻ như tư duy kiểu này có nguồn gốc sâu xa và có
tính hệ thống. Hơn nữa, thái độ và những lý do người ta
đưa ra lại không trung thực, cách giấu dốt cũng rất… dở

<h2>Nếu không thành thật, sự trao đổi là vô ích!</h2>

Khi chúng ta trao đổi về điều gì, điều cần thiết nhất là
phải nói cho chính xác. Nếu ai đó cố tình nói sai lệch đi,
những trao đổi của chúng ta chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Việc
Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý định cấm các trường ngoài
công lập đào tạo ngành luật, báo chí và sư phạm, có hay
không. Tôi xin thưa là có, không phải chỉ bây giờ, mà xẩy ra
hàng chục năm trước.

Tôi rất ngạc nhiên khi bà Vụ trưởng Trần Thị Hà nói:
"<em>Còn quy định trường ngoài công lập không được mở
các ngành sư phạm, luật và báo chí không phải là "cấm".
Thực tế, từ trước đến nay, chưa có trường ngoài công lập
nào mở ba ngành đào tạo này</em>".

Chưa hết, thấy vụ trưởng nói chưa đủ sức nặng, Thứ
trưởng thường trực Bộ GD-ĐT còn lớn tiếng khẳng định:
<em>"Cấm dạy luật, báo..." là lỗi kỹ thuật!</em> Trao
đổi với VietNamNet chiều 26/2, Thứ trưởng Thường trực Bộ
GD-ĐT Phạm Vũ Luận và Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trần Thị Hà
khẳng định: <em>Bộ GD-ĐT chưa bao giờ có chủ trương cấm
trường tư mở các ngành đào tạo luật, sư phạm và báo
chí</em>.

Thứ trưởng Luận cho rằng, bản dự thảo lần 1 của thông
tư quy định cụ thể một số điều kiện, hồ sơ mở ngành
đào tạo trình độ CĐ, ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ đưa lên mạng
lấy ý kiến ngày 23/2 có sơ suất về lỗi kỹ thuật. Do đó,
mới để sót ý "các trường ngoài công lập không mở các
ngành sư phạm, luật và báo chí" ở khoản 3, điều 2.

Thực tế, Bộ GD-ĐT "chưa bao giờ có chủ trương như vậy",
Thứ trưởng nói.

Chiều cùng ngày, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Trần Thị Hà
cũng cho biết, có sơ suất nêu trên là do lỗi kỹ thuật trong
việc soạn thảo văn bản chứ không phải là chủ trương của
Bộ.

Đây là cách bào chữa rất vụng về và xem thường những
người thành lập các trường đại học dân lập đầu tiên,
những người có trí nhớ bình thường như chúng tôi.

<h2>Thực tế là đã có trường ngoài công lập mở ngành báo
chí và bị cấm.</h2>

Khi những trường đại học dân lập đầu tiên xin được mở
và đi vào hoạt động (vào giữa những năm chín mươi của
thế kỷ trước), trường nào cũng nhăm nhăm xin mở luật và
báo chí. Đơn giản, đây là hai ngành mốt nhất vào lúc bấy
giờ. Hơn nữa, đã có tính quy luật, những trường đại học
dân lập mới mở, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, họ chỉ né
những ngành khoa học cơ bản và những ngành yêu cầu những
phòng thí nghiệm phức tạp.

Khi cấp giấy phép, người ta rất hạn chế cho các trường dân
lập mở ngành luật và báo chí. Nhưng trên thực tế, đã có
những trường xin phép mở được ngành báo chí. Đó là
trường Đại học dân lập Đông Đô (trường được thành
lập năm 1994). Trường đã mời PGS-TS Đỗ Xuân Hà về phụ
trách chuyên ngành này và đã tuyển hàng trăm sinh viên. Tôi và
một số giảng viên của Phân viện Báo chí và Tuyên truyền
(ngày đó tên như vậy) đã tham gia giảng dạy ở đây. Riêng
tôi đã dạy hàng trăm tiết môn Cở sở Lý luận truyền thông
cho sinh viên Báo chí Đại học dân lập Đông Đô. Chỉ có
điều, sau đó có chủ trương của cấp trên (vào lúc bấy
giờ, có thể là chỉ truyền đạt bằng miệng) là không cho
các trường ngoài công lập đào tạo báo chí. Tôi nhớ hàng
trăm sinh viên đã thất vọng như thế nào. Trường "chữa
cháy" bằng cách chuyển họ sang học ngành thư viện - tư
liệu, thông tin đối ngoại, quan hệ quốc tế...

Nói lại như vậy để thấy bà Vụ trưởng Trần Thị Hà và
ông Thứ trưởng Phạm Vũ Luận đã phản ánh không đúng thực
tế, đồng thời khẳng định tư tưởng cấm các ngoài công
lập đào tạo báo chí, luật, sư phạm đã có từ lâu. Nếu
ông Thứ trưởng và bà Vụ trưởng vẫn khẳng định là Bộ
GD-ĐT chưa bao giờ có chủ trương cấm thì rõ ràng là cấp
trên của Bộ đã có chủ trương và đã cấm.

<h2>Cấm là biểu hiện của thái độ cửa quyền, tư duy lạc
hậu và đi ngược lại xu thế phát triển</h2>

Đành rằng các trường đại học ngoài công lập của chúng ta
hiện nay chưa chiếm được niềm tin của xã hội. Nhưng với
việc không tiêu tiền ngân sách mà đã đào tạo được hàng
trăm ngàn người tốt nghiệp đại học, đấy là điều đáng
ghi nhận. Và điều quan trọng là trong tương lai, các trường
ngoài công lập sẽ có điều kiện phát triển tốt và trở
thành những cơ sở đào tạo có chất lượng. Đừng quên
rằng, trên thế giới nhiều trường đại học nổi tiếng là
trường tư thục. Đại học Harvard của Mỹ là một ví dụ.

Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không cho phép các trường ngoài
công lập mở các ngành báo chí, luật, sư phạm; trái luật,
phân biệt đối xử đã đành, nó còn là biểu hiện của thái
độ cửa quyền, tư duy lạc hậu và đi ngược lại xu thế
phát triển.

Về nguyên tắc, bất cứ trường nào có đủ điều kiện để
đào tạo ngành nào (chủ yếu là số giảng viên cơ hữu có
học hàm, học vị) thì đều được phép tuyển sinh và đào
tạo. Đấy là biểu hiện của một xã hội dân chủ, bình
đẳng và tiến bộ. Nếu thực hiện nghiêm chỉnh các quy
định, hiện nay ở Việt Nam không có nhiều trường ngoài công
lập có thể mở ngành báo chí. Người ta không đủ điều
kiện mở là một chuyện, còn cấm người ta mở lại là
chuyện khác! Cứ tưởng cấm là thể hiện quyền lực, nhưng
thực ra cấm là một trong những biểu hiện của sự bất lực.

Nghiên cứu các nền giáo dục đại học phát triển trên thế
giới, các trường ngoài công lập khi nào cũng sử dụng đồng
tiền cũng có hiệu quả hơn trường công lập; nhanh nhạy hơn
trong việc cập nhật tri thức mới. Vì vậy, không ai ngăn cấm
các trường này hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học
trong bất cứ lãnh vực gì. Việc ở Việt Nam , Bộ Giáo dục
và Đào tạo nhăm nhe cấm các trường ngoài công lập mở ba
ngành nói trên có ảnh hưởng rất xấu tới giáo dục nói
riêng và toàn xã hội nói chung.

Chuyện Bộ GD-ĐT tư duy lạc hậu là đáng buồn, nhưng đáng
buồn hơn là họ không trung thực. Nếu làm giáo dục mà không
trung thực thì làm sao hy vọng khá lên được?!

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4314), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét