Đào Tuấn - Vắt khăn lên vai lừa

<em>Thị trường chưa biến dạng nhưng đồng tiền trong túi
người dân thì đã méo mó...</em>

Chỉ một ngày sau khi giá xăng tăng, giá điện cũng được
quyết định tăng thêm 8,92% kể từ 1-3, trong bối cảnh chỉ
số giá tiêu dùng tại TP HCM đã tăng 1,68% và Hà Nội tăng tới
2,61%, chỉ với nguyên nhân là... do Tết. Cho dù việc tăng giá
là theo lộ trình, nhưng chưa năm nào giá xăng, giá điện,
những loại giá mang tính chất "đầu vào" của hàng loạt các
ngành sản xuất lại đồng loạt tăng dữ dội như năm nay.

Giá xăng đã chính thức được thực hiện theo cơ chế thị
trường từ 15-12-2009, có nghĩa là giá trong nước phụ thuộc
hoàn toàn vào giá thế giới, cho dù Quỹ bình ổn xăng dầu đã
được trích. Tuy nhiên, việc giá xăng tăng 2 lần, với mức
tăng hơn 1 ngàn đồng/lít trong chỉ 1 tháng của quý I-2010 đã
làm đảo lộn mọi tính toán của các ngành sản xuất và báo
trước cho một năm có nhiều biến động về giá cả. Nhưng có
thực là giá xăng trong nước đã theo đúng quy luật của thị
trường? Thực tế cho thấy giá xăng trong nước đã tăng nhanh
hơn đà tăng của giá xăng thế giới làm nảy sinh câu hỏi
liệu thời điểm tăng đã hợp lý!? Bởi trong tháng mà giá
xăng dầu trong nước tăng tới 1 ngàn đồng/lít đó thì tại
Singapore, thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam, giá xăng
dầu chỉ tăng khoảng 400 đồng/lít.

Các DN đầu mối giải thích việc tăng giá bán là do vấn đề
tỷ giá tăng và quan trọng hơn là họ cho rằng chưa có lãi.
Như vậy, người dân phải chịu một thứ giá gánh cả những
hậu quả từ sự biến đổi tỷ giá, vẫn liên tục diễn ra,
cả những bất hợp lý trong chính sách tỷ giá, thậm chí cả
những yếu kém trong quản lý của các DN khi giá nhập chỉ là
một trong nhiều yếu tố làm phát sinh lợi nhận (lãi). Ngay sau
khi giá xăng tăng, Cục Quản lý giá Bộ Tài chính đã có ý
kiến chính thức: "Không thể giảm thuế để tránh tăng giá",
cũng "Chưa thể dùng quỹ bình ổn". Không thể giảm thuế là do
chưa cần thiết phải kìm giá. Chưa thể dùng Quỹ là do giá
xăng dầu chưa tăng tới mức 7% theo quy định. Và như vậy,
bắt đầu từ năm 2010 này, người dân có nhiều khả năng
phải chịu liên tiếp các đợt tăng giá dưới 7% mà việc giá
xăng tăng 2 lần trong chỉ một tháng, mật độ tăng tối đa
được phép, cũng sẽ liên tục tiếp diễn

Giá xăng cần phải được điều chỉnh để theo kịp giá thị
trường thế giới, để tránh gánh nặng bù lỗ, vào khoảng 6-7
ngàn tỷ mỗi năm cho NSNN. Giá điện cũng đã có lộ trình
điều chỉnh để giá bán điện tại Việt Nam không thấp đến
mức bất hợp lý so với giá thế giới. Bởi theo Thứ trưởng
Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào, cách đây 15 năm, Việt Nam đã
bán điện với giá 5,7 cent/kWh. Hiện nay, cho đến trước thời
điểm 22-2, giá điện Việt Nam là gần 1.000đồng/kWh nhưng quy
USD, lại cũng chỉ có hơn 5,2 cent/kWh. Tuy nhiên, vấn đề đặt
ra là liệu nền kinh tế, chưa thực sự thoát hẳn khỏi khủng
hoảng, suy giảm và dân chúng vẫn còn đang ngập chìm trong khó
khăn đã sẵn sàng, đã có đủ khả năng đón nhận việc tăng
giá hàng loạt, với những mặt bằng giá mới sẽ liên tiếp
được hình thành, khi giá đầu vào của hàng trăm ngành sản
xuất, hàng ngàn mặt hàng liên tục tăng trong thời gian ngắn?
Giá xăng và giá điện cần tăng để không làm biến dạng thị
trường nhưng thực tế, thị trường chưa biến dạng nhưng
đồng tiền trong túi người dân đã méo mó

Mặt bằng giá mới được hình thành với 3 đợt tăng giá hàng
thiết yếu trước và sau Tết, minh chứng rõ nét là CPI tại TP
HCM đã tăng tới mức kỷ lục trong 17 tháng qua, mức 1,68%. Ngay
sau đó, ngày mùng 9 Tết, giá xăng tăng. Chỉ 1 ngày sau, giá
điện được quyết định tăng ở mức 8,92%.

Bộ Tài chính, tác giả của mức 8,92% tính toán, với mức tăng
này, CPI dự kiến tăng khoảng 0,23%. Giá thành sản phẩm một
số lĩnh vực, dịch vụ dự kiến tăng khoảng 0,09%-2,28%. Còn
các hộ tiêu dùng điện bị đội chi phí mỗi tháng khoảng từ
5.000 đồng đến 8.600 đồng. Lập luận của Bộ Tài chính là
giá điện tăng thấp nhất phải bằng giá thành của than
(<em>Căn cứ vào số liệu của kiểm toán Nhà nước năm
2008</em>) để làm không méo mó nốt cả giá than. Và "Không thể
lấy cái lỗ của ngành than để làm lãi cho ngành điện". Bộ
Công thương thì lại tính ra rằng ngành than không lỗ. Thứ
trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào khẳng định: "<em>Năm
2009, than còn lời mấy nghìn tỷ đồng. Vì thế, nếu than bán
cho điện chỉ tăng 15%, mặc dù thấp dưới giá thành chúng tôi
thấy, than vẫn chịu đựng được</em>". Tính toán của Bộ
Công thương cho thấy, nếu giá điện tăng 5,68% (tức chưa tới
mức 8,92%), tiền điện sẽ tăng thêm 4.500 tỷ đồng, GDP giảm
0,28%, CPI tăng từ 0,1-0,2%, tiền điện cho sản xuất tăng thêm
2.000 tỷ đồng, và tiền điện cho sinh hoạt tăng 2.100 tỷ
đồng.

Giá điện tăng 8,92%, mỗi gia đình sẽ chi phí thêm một khoảng
đáng chỉ để tặc lưỡi là 5-6 ngàn đồng (như tính toán
của Bộ Tài chính). Tuy nhiên, giá điện tăng không phải chỉ
là 5-6 ngàn đồng cho mỗi gia đình mà đồng nghĩa với CPI
tăng, GDP giảm, đồng nghĩa với việc đồng tiền trong túi
người dân, vốn đã méo, nay càng thêm méo. Phải tăng giá để
không làm biến dạng thị trường- Điều đó hoàn toàn đúng.
Nhưng cũng cần phải tính toán thời điểm để sức dân có
thể thích ứng dần với việc tăng giá chứ không thể để
giá cả cứ tăng cấp tập trong chỉ 20-30 ngày, nhất là đối
với những loại giá chiến lược có thể kéo lùi nền kinh
tế, vắt thêm khăn lên vai lừa của người dân như giá xăng,
giá điện.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4313), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét