Bùi Tín - Giao ban báo chí đầu năm

Sáng 23-2, mồng 9 đầu năm âm lịch, sau kỳ nghỉ Tết dài,
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự cuộc <a
href="http://www.nhandan.org.vn/tinbaidadang/noidung/?top=37&sub=130&article=168579">"giao
ban báo chí"</a> đầu năm.

"Giao ban báo chí" là một cuộc họp do Ban Tuyên giáo trung ương
Ðảng triệu tập hàng tuần, thường vào sáng thứ ba, để
chỉ đạo cho các tổng biên tập báo, đài ở trung ương.

Đây là một kiểu gò ép các báo phải đi vào lề bên phải,
chỉ được nêu, bàn và đưa tin những gì đảng cho phép. Đây
là một kiểu lãnh đạo, kiểm soát, chăn dắt chặt chẽ hơn 13
ngàn nhà báo viết, báo nói, báo ảnh, báo điện tử ở trong
nước."Giao ban báo chí" là một sản phẩm đặc thù, riêng của
chế độ độc đoán phi dân chủ, của những người lãnh đạo
luôn muốn khống chế dư luận xã hội, thực hiện kiểu thông
tin một chiều, thông tin từ trên xuống, coi nhà nước và
đảng của mình là luôn đúng đắn, sáng suốt, có chức năng
giáo dục, dạy bảo, khuyên răn, uốn nắn toàn xã hội.

"Giao ban báo chí" ở Việt Nam lẽ ra phải bị chấm dứt từ khi
"đổi mới", từ khi có luật báo chí, công nhận quyền của xã
hội được hưởng một nền thông tin tự do, kịp thời và
chính xác, nhất là sau khi hoà nhập với thế giới dân chủ
văn minh, tại đó báo chí hầu hết là của tư nhân, của
những người công dân tự do, cạnh tranh nhau để phục vụ
tốt toàn xã hội về mặt thông tin, chính xác, nhanh nhạy.

Trong một xã hội dân chủ, văn minh, nhân dân là chủ thể
quyền lực cao nhất. Các đảng chính trị phải ganh đua nhau
phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội để từng kỳ một - 3
năm, 4 năm hay 5 năm - các cử tri lại xem xét và lựa chọn kỹ
người lãnh đạo của mình ở các cấp bằng lá phiếu tự do
của mỗi công dân.

Trong một xã hội công dân như thế, công luận tức là dư
luận xã hội của công chúng, của đông đảo nhân dân, được
nâng lên thành một quyền lực xã hội.

Người ta thường gọi đó là đệ tứ quyền, quyền lực thứ
tư, sau ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Hệ thống truyền thông, báo chí, đài phát thanh, vô tuyến
truyền hình là biểu hiện tập trung của đệ tứ quyền, là
công cụ truyền thông của xã hội, qua đó hình thành công
luận xã hội, do nhận thức của đông đảo công dân tạo nên.

Đã có tranh luận rằng gọi quyền lực của công luận là đệ
tứ quyền chỉ vì theo quan điểm lịch sử, còn thật ra nó là
quyền lực cơ bản nhất, vì xét cho cùng công luận xã hội,
nhận thức xã hội quyết định sự hình thành và sự thực thi
các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Về cuộc họp "giao ban báo chí " đầu Xuân Canh Dần sáng 23-2
ở Hà Nội, ta có thể nhận ra điều gì?

Trước hết là theo tin trên các báo đài trong nước như Nhân
Dân, Quân Ðội Nhân Dân, Tuổi Trẻ, Vietnam Net, VNExpress..." Thủ
tướng chính phủ đến dự và phát biểu chỉ đạo tại bưổi
giao ban báo chí đầu Xuân Canh Dần..." Và trong cuộc họp chỉ
có một mình ông thủ tướng nói, vì bản tin chỉ có vậy rồi
chấm dứt. Tất cả các quan chức có mặt được kể ra trong
bản tin là ông Tô Huy Rứa, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương;
Nguyễn Xuân Phúc, chủ nhiệm văn phòng chính phủ; Đinh Thế
Huynh, chủ tịch Hội nhà báo; cùng các tổng biên tập của
báo, đài ở trung ương đều đến chỉ để nhận sự chỉ
đạo của ông thủ tướng.

Ở một nước dân chủ văn minh, có nền chính trị trưởng
thành, không bao giờ có thể có chuyện các ông chủ báo được
triệu tập để nghe ông thủ tướng chỉ đạo, dạy bảo,
phải làm điều này điều nọ trong năm mới vừa bắt đầu.

Ngược lại trong một nước dân chủ văn minh, những ngày đầu
năm, hay nhân dịp quốc khánh, thường có những cuộc họp báo
lý thú, sôi nổi, nhiều khi sôi động, khi tổng thống, thủ
tướng mở cuộc họp báo không phải để răn dạy các nhà báo
mà để tường trình những việc mình đã làm, rồi sau đó
trả lời các câu hỏi của nhà báo. Phần sau bao giờ cũng là
phần quan trọng, hấp dẫn nhất, cũng thường là thú vị và
bổ ích nhất của cuộc họp báo.

Công luận coi những cuộc họp báo ấy là cuộc sát hạch sinh
động của dư luận xã hội - mà các nhà báo là đại diện -
đối với chính quyền, đó cũng là sự thực hiện quyền giám
sát, quyền kiểm tra rõ ràng, công khai của nhân dân, của công
luận đối với người cầm quyền mà họ bầu ra.

Thường sau mỗi cuộc họp báo, cơ quan điều tra dư luận tổ
chức thăm dò tỷ số tín nhiệm của tổng thống, thủ tướng
hay của đảng cầm quyền lên hay xuống, là tỷ lệ bao nhiêu
phần trăm, cứ như là thày giáo cho điểm học sinh sau một
cuộc sát hạch. Thế mới thật là dân chủ, dân làm chủ rõ
rệt trong cuộc sống.

Để xem trong cuộc "giao ban báo chí" đầu Xuân, thủ tướng
Dũng "chỉ đạo" những điều gì cho báo chí. Ông khen ngợi các
báo đã "bám sát thực tiễn của đời sống xã hội", "đáp
ứng tốt quyền được thông tin của nhân dân, góp phần quan
trọng trong việc dân chủ hóa đời sống xã hội". Cuối cùng
ông "đề nghị các bộ, ngành chức năng xem xét, sửa đổi các
khuôn khổ pháp lý để tạo điều kiện cho báo chí Việt Nam
phát triển mạnh hơn nữa".

Ai cũng biết cả làng báo đang ngóng trông Luật báo chí mới,
hay còn gọi là Luật báo chí sửa đổi, đã đặt trong chương
trình làm luật của quốc hội, nhưng cứ bị hoãn đi hoãn lại
mãi, sao không thấy ông thủ tướng nói đến?

Ai cũng biết thủ tướng Dũng từng tuyên bố công khai "cấm tư
nhân làm báo", và còn ra quyết định cấm phản biện công khai,
dẫn đến sự bức tử cái cái think-tank (túi khôn) tự do duy
nhất của trí thức Việt Nam là Viện Nghiên cứu Phát triển
IDS. Ông ngang nhiên 2 lần vi phạm Hiến pháp hiện hành, trong
đó quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận của mọi công
dân được khẳng định.

Vậy thì quan chức này tự cho phép chỉ đạo, ra chỉ thị, ra
mệnh lệnh cho toàn thể làng báo Việt Nam gồm hơn 700 cơ quan
báo chí, phát thanh, truyền hình, với hơn 13 ngàn nhà báo đủ
loại, bất chấp hiến pháp, pháp luật hiện hành, cũng là
chuyện dễ hiểu.

Theo đúng quyền hạn, thủ tướng chỉ có quyền ra chỉ thị
cho bộ trưởng thông tin truyền thông và các cơ quan truyền
thông chính thức của chính phủ mà thôi.

Đây là một sự lạm quyền, rất thô bạo và vô duyên, chỉ
phơi bày một cố tật của mọi chính quyền độc đoán độc
đảng, quen thói "mục hạ vô nhân", coi thường nhân dân, coi
thường mọi công dân trong xã hội, khinh thường công luận,
khinh thường dư luận xã hội, khinh thị toàn bộ 13 ngàn nhà
báo nước mình.

Đầu Xuân Canh Dần, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có những
lời khen trịch thượng kiểu xoa đầu các nhà báo, nhưng thực
tế đây là thêm một sự khiêu khích thô bạo đối với đông
đảo những nhà báo chân chính.

Năm 2009 là một năm đen tối đối với làng báo Việt nam, 17
nhà dân chủ vừa bị kết án tù hầu hết cũng là những nhà
báo; nhà báo Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên), Nguyễn Văn
Hải (báo Tuổi Trẻ) từng ở tù chỉ vì đưa tin về vụ PMU 18
đụng đến "người nhà", "người tin cẩn" của ông Tổng bí
thư Nông Ðức Mạnh; những nhà báo vốn tin cẩn của chế độ
như tổng biên tập báo Lao Động Nguyễn Công Khế và tổng
biên tập báo ViêtNam Net Nguyễn Anh Tuấn đều bị mất chức
hoặc bị đặt trong thế hữu danh vô thực, chỉ vì không chịu
nổi cảnh chăn dắt thô bạo như trên đây. Việc Liên Hợp
Quốc vẫn xếp Việt Nam vào gần cuối sổ về tự do báo chí
(thứ 164/176) là một sỉ nhục quốc gia.

Do đó cuộc xung đột, đối lập, đấu tranh giữa quyền hành
pháp đảng trị và đệ tứ quyền - quyền tự do truyền thông
- ở Việt Nam trong thời hội nhập chắc chắn còn âm ỉ ngấm
ngầm và sẽ có lúc bộc phát trong năm con Hổ hứa hẹn nhiều
biến động.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4309), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét