Trường Lâm - Con Gà, Quả Trứng, Và Con Mèo Đen

<h2><center>Con Gà, Quả Trứng, Và Con Mèo Đen</center></h2>
<br>

Nhiều người đã nghe qua câu nói so sánh triết học với việc
đi tìm kiếm con mèo đen trong căn phòng tối không có mèo, và
không ai không biết cái nghịch lý về con gà và quả trứng, mà
các triết gia đã tìm cách giải thích từ cả ngàn năm nay. Tôi
xin báo cho bạn hay một tin buồn: không thể xác định được
cái nào có trước, và cả cái tin vui này: không còn nghịch lý
nữa. Nếu có ai yêu cầu bạn "xin cho nghe thử xem một cái thí
dụ về chuyện người mù tìm kiếm con mèo đen tưởng tượng
trong bóng tối", bạn hãy đưa ra cái nghịch lý "con gà và quả
trứng, cái nào có trước?".

Ai cũng biết các triết gia là những người có trí tuệ phi
thường, nhưng có nhiều trường hợp họ đã bị sai lầm, đề
xuất nhiều ý niệm, trường phái trái ngược nhau, hay thậm
chí chỉ tạo thêm ra những vấn đề nan giải, đấy chẳng qua
vì họ chỉ lý luận mà không nắm được các dữ kiện trong
tay. Ngày xưa các câu hỏi hóc búa của Zeno (thí dụ như nghịch
lý về cuộc chay đua giữa Achilles và con rùa) đã từng làm các
nhà triết gia phải nhức đầu, nhưng chúng không còn là nghịch
lý nữa một khi người ta phát triển môn toán giải tích
(calculus) và tính ra được công thức tính các chuỗi hình học
bất tận (thí dụ: 1 + 1/2 + 1/4+ 1/8.... = 2).

Giống như vậy, "con gà và quả trứng, cái nào có trước?"
không còn là nghịch lý nữa nếu người ta hiểu biết phương
thức mà các sinh vật tiến hóa để trở thành các loài khác
nhau. Nhưng trước tiên, chúng ta cần làm sáng tỏ câu hỏi về
con gà và quả trứng ấy: trứng ở đây có nghĩa là "trứng
gà", chứ không phải là trứng nói chung. Nếu không nhất thiết
phải là trứng gà thì câu trả lời rất dễ: trứng có
trước, vì gà (và các loài chim) xuất phát từ một loài khủng
long, và khủng long đẻ trứng. Đây cũng là câu trả lời mà
một số nhà khoa học như Stephen Hawking đã cung cấp. Chỉ có
câu hỏi "Con Gà Và Trứng Gà, Cái Nào Có Trước?" mới có vẻ
như là một nghịch lý nan giải mà thôi, và tôi sẽ lập luận
rằng không có cái nào có trước cả, vì không có con gà đầu
tiên, và cũng chẳng có cái trứng gà đầu tiên. Thuyết tiến
hóa giúp chúng ta hiểu được cách thức hình thành các loài,
và mặc dù không có con gà đầu tiên (hay quả trứng gà đầu
tiên) loài gà vẫn được tạo ra từ các loài đi trước.

Điều này không có gì khó hiểu cả, nếu ta nắm được cái
nguyên tắc này: nếu một sự vật gì đó mà thay đổi hay
biến thể rất chậm để trở thành một sự vật khác thì
người ta sẽ không phân định được cái ranh giới xác định
sự ngăn cách giữa hai vật đó. Tôi sẽ đưa ra ba cái thí dụ
dễ hiểu này:

- Giả sử ta bỏ cát xuống đất từng hột một, câu hỏi là
"đến hạt cát thứ bao nhiêu thì ta sẽ tạo ra được một
đống cát?" Vì chữ "đống" có tính cách mơ hồ nên chẳng có
hạt cát nào là "hạt cát đầu tiên tạo ra cái đống cát"
cả.

<center><img
src="http://i1141.photobucket.com/albums/n586/shindigagain/Heap_zpsc9727ab2.jpg"
width="432" height="403" /></center>

- Ai cũng biết tuổi già khác với tuổi trung niên, nhưng không
có một ngày đẹp trời (hay xấu trời) nào trong cuộc đời mà
bạn bỗng nhiên trở thành "già".

- Sự hình thành của ngôn ngữ dân tộc: tiếng Việt xuất phát
từ sự biến dạng của một loại ngôn ngữ Việt-Mường cách
đây hai ngàn năm để hòa nhập với các loại ngôn ngữ khác
trong vùng và luôn cả Hoa ngữ (theo A. G. Haudricourt). Vậy ai là
người đầu tiên nói tiếng Việt? Vấn đề ở đây không
phải là ta không có sử sách ghi lại tên của người ấy, mà
chỉ đơn giản là không có người đầu tiên nói "tiếng Việt"
nào hết. Thí dụ này cũng có thể được dùng trong trường
hợp thành lập bộ tộc hay dân tộc: không có ai là "người
Việt" đầu tiên cả.

Nếu một hiện tượng thay đổi dần dần, xảy ra trong vòng
vài ngày (sự hình thành đống cát) hay vài trăm năm (sự hình
thành ngôn ngữ) mà không tạo ra được "cái đầu tiên" thì
làm sao sự tiến hóa của một loài sinh vật để trở thành
một loài khác, một hiện tượng kéo dài cả trăm ngàn năm hay
cả triệu năm, có thể tạo ra được con thú đầu tiên của
loài mới? Trong trường hợp loài người, loài Homo sapiens bắt
đầu tách ra khỏi Homo neanderthalensis cách đây 660,000 năm; dĩ
nhiên, chẳng có ai là Adam hay là Eva cả.

Nhà sinh vật học nổi tiếng Richard Dawkins đã từng minh họa
tính chất tiến hóa chậm chạp của loài người từ một loài
linh trưởng khác với cái hình ảnh sau đây:

Giả sử bạn đứng tại chỗ, dùng tay trái nắm lấy tay phải
của mẹ mình, mẹ cũng dùng tay trái để nắm tay bà ngoại, và
các người tiển bối khác cứ tiếp tục như thế mãi. Nếu
mỗi người đứng chiếm một khoảng đất cỡ 1 thước thì
đứng cách bạn khoảng 300 dặm Anh sẽ là "cụ tổ tiên chung"
của loài người và loài tinh tinh (chimpanzee). Người con gái
nắm tay phải của cụ tổ là "người" đầu tiên, tổ mẫu
của loài người. Bên tay trái của cụ tổ là "người con gái"
tổ mẫu của loài tinh tinh. Chi nhánh của loài người bao gồm
các nhóm Australopithecus afarensis, Homo erectus, Homo habilis vv cho
đến Homo sapiens. Và đây là điểm then chốt để hiểu tính
chất phân loài dần dần: trong suốt cái dây chuyền dài 300
dặm ấy chúng ta sẽ không tìm thấy biên giới ngăn cách rõ
rệt các loài người khác nhau nói trên ấy, bất cứ người con
gái nào cũng giống mẹ của mình cả, và người mẹ thì lại
giống bà ngoại, tổ mẫu của loài người giống cụ tổ tiên
chung, và cụ này giống con gái mình, tức là tổ mẫu của loài
tinh tinh. Nói cách khác, không có ai là người đầu tiên hay là
con tinh tinh đầu tiên. Chỉ sau khi làm ngơ không chú ý đến
những "vùng trung gian không phân định", người ta mới phân
biệt được sự khác nhau về hình hài giữa các dạng người
(Homo) ấy. Chỉ sau khi nhìn lại từng thập niên một, chứ
không phải từng ngày, mà bạn sẽ thấy khi nào mình thành
người già. Cách thức thay đổi hình dạng với nhịp độ
thật chậm này cũng xảy ra cho các loài sinh vật khác, kể cả
khủng long hay chim, gà vv.

Như vậy, quả thật có "tổ mẫu" của con gà, nhưng nó không
phải là con gà đầu tiên, vì "tổ mẫu" của các loài chim khác
cũng giống y hệt như nó, cũng là "gà" cả, chỉ khác là hai con
đi hai đường khác nhau, và ngay cả tổ tiên chung của chúng
cũng là con "gà" luôn. Hơn thế nữa, ta có thể thay thế chữ
"gà" bằng chữ "X", với X là tên của loài chim có cùng tổ
tiên chung với loài gà.

Nếu sự kiện kỳ lạ về việc hình thành các loài này mà làm
bạn lẫn lộn thêm thì bạn chỉ cần nhớ cái thí dụ của
hạt cát "đầu tiên" tạo ra đống cát, hay là của người
"đầu tiên" nói tiếng Việt, và bạn sẽ hiểu được tại sao
chẳng có nghịch lý gì cả, tất cả chỉ là việc dùng từ
ngữ mơ hồ trong một tình huống thay đổi thật chậm. Tìm
kiếm một đường ranh giới phân định trong một đoạn chuyển
tiếp liên tục chính là đi tìm con mèo đen tưởng tượng trong
bóng tối.


<strong>Trường Lâm</strong>

Họa sĩ vẽ hí họa, biếm họa

Trang web comic:

<a href="http://comic4today.blogspot.ca/?view=snapshot">Con Kéc Biết
Nói</a>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141223/con-ga-qua-trung-va-con-meo-den),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét