Phạm Thị Hoài - Một con thuyền

Năm ngoái, anh Lập đề nghị tôi đứng tên phụ trách <em>Quê
Choa</em>. Đó là thời điểm <a
href="http://www.moj.gov.vn/vbpq/Lists/Vn%20bn%20php%20lut/View_Detail.aspx?ItemID=28618">Nghị
định 72</a> chuẩn bị có hiệu lực. <em>Quê Choa</em> đã tự
điều chỉnh, như nhiều lần trước đó. Lúc chỉ đăng bài
của chính Bọ. Lúc tạm đóng phần bình luận của độc giả,
rồi mở lại, rồi đóng hẳn. Lúc thêm chế độ đánh giá
bài, rồi lại bỏ. Lúc tạm dừng đăng bài, chỉ điểm tin từ
báo chí nhà nước và một số hãng tin lớn quốc tế. Lần
này, chủ trang thận trọng kèm lời ghi xuất xứ: "Bài của
tác giả gửi <em>Quê Choa</em>" và tin cậy vào sự ủng hộ
của bạn bè. Trang của anh, ngoài nội dung thông tin, còn có
thể coi là một hàn thử biểu đo thời tiết chính trị ở
Việt Nam. Thời tiết thoáng đãng hơn, không khí cởi mở hơn,
<em>Quê Choa</em> xông pha hơn, đăng lại cả bài của những tác
giả bị nhà nước Việt Nam khóa chặt trong danh sách đen. Mây
mù bắt đầu kéo lên, <em>Quê Choa</em> nhẹ nhàng lui lại một
bước, hai bước, có khi cả ba bước. Anh Lập là tất cả,
chỉ trừ cực đoan.

Tôi thật sự thấy vinh dự, nhưng đã từ chối. <em>Quê
Choa</em> sẽ không còn là nó, nếu do một người khác điều
hành, nhất là điều hành từ hải ngoại, dù chỉ trên danh
nghĩa. Thành công của trang tin này gắn với chủ nhân của nó,
một nhà văn nổi tiếng, sống trong nước, có một sự nghiệp
sáng tác thuộc hàng đầu trong văn chương đương đại nước
nhà. Tác phẩm của anh đứng trong dòng chính. Sách của anh bán
chạy. Kịch của anh đắt hàng. Anh viết sinh động, hóm hỉnh,
thiên về hướng dân dã mộc mạc, gần đây pha đậm chất
khẩu văn tếu táo, vốn không phải sở thích lâu dài của tôi,
song ở những trang xuất sắc nhất tôi có cảm giác rằng các
mẩu kí ức vụn của anh về những mảnh đời đen trắng trong
cái thời màu xám của chúng ta có thể diễn đạt nhiều hơn
bao nhiêu nhận định, phân tích, nghiên cứu, tuyên ngôn hùng
biện… Nếu tôi không nhầm, anh cũng là đảng viên và giao du
thân mật với một số nhân vật trong chính quyền. Một chức
quan văn kha khá trong vô số các hiệp hội văn học nghệ thuật
ở Việt Nam là chuyện trong tầm tay, ở đó anh hoàn toàn có
thể trở thành một <a href="http://www.procontra.asia/?p=1306">Mạc
Ngôn</a> trừ đi phần huyễn giác huyền ảo thêm vào phần hài
hước, một lúc nào đó cũng trúng cơ cấu Giải thưởng Nhà
nước rồi bước vào sách giáo khoa, thêm vài giải thưởng
trong khu vực nữa là mãn nguyện một sự nghiệp. Nhưng ngay từ
đầu, trong những buổi trò chuyện đầy cảm hứng ở thời
Đổi Mới hai mươi lăm năm trước, tôi đã nhận ra không lầm
rằng anh sẽ chẳng bao giờ trở thành một quan chức văn nghệ,
dù chỉ quan chức hờ chờ phát biểu lấy lệ và sổ hưu. Anh
trở thành một blogger.

Chuyển <em>Quê Choa</em> sang Berlin thì vô nghĩa, dù hai phần ba
người Việt ở đây nói giọng bọ, tôi đùa. Chuyển Ba Đình
sang Boston hợp lí hơn, giới quý tộc đỏ – hoặc đã chuyển
màu huyết dụ – nhập hộ khẩu ở duyên hải miền Đông Hoa
Kỳ ngày càng đông đảo. Nhưng giọng người bạn cách nửa
vòng trái đất thì đầy lo ngại. Chỉ cần nó phạt hành
chính, hôm nay vài chục triệu, ngày mai vài chục triệu, mình
viết văn chứ có buôn cổ phiếu đâu. Rồi nó gọi lên gọi
xuống, mình chân tay người ngợm thế này, đứng lên ngồi
xuống còn vất vả, rồi làm khổ cả gia đình… Tôi gợi ý,
thuê máy chủ bên này, kĩ thuật viên bên này, lỡ có sự cố
gì thì <em>Quê Choa</em> vẫn tồn tại. Song lại nhận ra rằng
đề nghị đó cũng vô nghĩa nốt. <em>Quê Choa</em> gắn với bọ
Lập. Không có tác nhân hội tụ là anh, <em>Quê Choa</em> chỉ
còn là cái xác trên một <em>server</em> an toàn. Tôi bảo, trăm
triệu thì không có ngay, chứ chục triệu chẳng lẽ mấy trăm
ngàn độc giả của anh không góp được để trả tiền phạt?
Rồi cũng lại nhận ra, đó là chuyện không tưởng. Chúng ta có
thể chờ đợi tất cả ở người Việt – và ở đây đang
nói đến những người còn quan tâm đến thế sự thời cuộc
-, chỉ trừ sự đóng góp cụ thể và bền bỉ về tài chính.
Tất cả, dù chia rẽ trong mọi quan điểm, đều đồng thuận
trong tinh thần hưởng thụ miễn phí. Tự do, dân chủ, nhà
nước duy pháp quyền là những thứ rất tốn kém. Vấn đề
đầu tiên của một nền báo chí độc lập cho Việt Nam là
tiền đâu. Chừng nào còn né tránh nó, chúng ta còn giầm chân
trong giới hạn cuối cùng mà những thành tựu thiện nguyện và
tài tử có thể đạt tới. <em>talawas</em> trước kia đã đi
hết giới hạn đó.

Phương án này, phương án kia. Song chúng tôi biết rằng cuối
cùng vẫn không có gì khác. Anh biết rằng tôi không thể nhận
lời. Tôi biết rằng anh không thể không tiếp tục. Ừ, để
mình tính, dám làm thì dám chịu, hi vọng tình hình khá lên, anh
Lập kết thúc vụ âm mưu xuyên biên giới, giọng thì cười
nhưng người thì không.

Tình hình có vẻ khá lên, với sự ra đời liên tiếp trong
một thời gian ngắn của Ban Vận động thành lập Văn đoàn
Độc lập Việt Nam và trang <em><a href="http://www.vanviet.info/">Văn
Việt</a></em>, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam và trang <em><a
href="http://www.ijavn.org/">Việt Nam Thời báo</a></em>. Cũng liên
tiếp trong một thời gian ngắn, các nhà báo và nhà hoạt động
dân chủ nổi tiếng Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Tiến Trung, Vi Đức
Hồi, Đỗ Thị Minh Hạnh, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải và một
số người khác được trả tự do trước thời hạn. <em>Quê
Choa</em> dường như bình an. Anh Lập còn tuyên bố rút hẳn
khỏi tất cả các hội văn nghệ mà anh là thành viên, để
tập trung vào trang blog đã trở thành địa chỉ truy cập hàng
đầu của báo chí tự do, làm một cá nhân độc lập, một
"người lái đò nhỏ chở con thuyền sự thật", vẫn ôn hòa
và thận trọng như xưa.

Gần hai tháng nay, tôi để ý thấy <em>Quê Choa</em> chủ yếu
đăng lại tin từ báo chí nhà nước và các hãng tin quốc tế,
thỉnh thoảng có bài từ các blogger và Facebooker danh tiếng, song
là những người không hề bị coi là <em>persona non grata</em>
đối với chính quyền. Từ khi blogger Hồng Lê Thọ bị bắt,
<em>Quê Choa</em> càng kiềm chế hơn. Song điều duy nhất có thể
đoán trước ở một chế độ chuyên chế là sự không thể
đoán trước của nó, kể cả sự sụp đổ. Và điểm tích
cực duy nhất, nếu có thể dùng từ này, trong sự kiện anh
Lập bị bắt, là nhận thức – vâng, nhận thức miễn phí cho
tất cả, chỉ rất đắt cho anh và gia đình – rằng mọi bí
quyết để an toàn tương đối trong một nhà nước chuyên chế
là tuyệt đối vô nghĩa.

Chúng ta lại đoán già đoán non vì sao người này bị bắt,
người kia không. Chúng ta lại lần mò ranh giới an toàn giữa
một bãi mìn. Chúng ta lại đi tìm tín hiệu từ những hộp
đen. Chúng ta lại nghe ngóng thế cuộc trên thượng tầng quyền
lực. Chúng ta lại đổ tất cả lên đầu Trung Quốc và đặt
tất cả hi vọng vào Hoa Kỳ. Chúng ta lại cảm thán, bằng cả
văn vần, về một con người đầy khí phách vừa lâm nạn. Và
tất nhiên chúng ta cầu cho anh bình an. Vâng, bình an, nghe mà
phát điên, nhưng chúng ta vẫn không thôi nói như thế. Điều
duy nhất chúng ta không làm là những hành động cụ thể, ở
quy mô đủ rộng để có một tác động thực. Hàng trăm nghìn
độc giả của anh sẽ quen rất nhanh khoảng trống anh để lại
trên không gian ảo, như hàng trăm nghìn độc giả của Anh Ba
Sàm.

Con thuyền của anh Lập, dập dìu sóng vỗ khi nào, là một con
thuyền lẻ loi. Lật bởi sự tồi tệ của thể chế chính
trị. Chìm bởi sự đơn độc của chính nó giữa vài ba con
thuyền đơn độc khác. Đắm bởi sự bạc bẽo của phần lớn
chúng ta.

© 2014 pro&contra

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141209/pham-thi-hoai-mot-con-thuyen),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét