<div class="boxcenter500"><img
src="http://www.worldaffairsjournal.org/sites/default/files/Old%20Quarter%20Smart%20Shoes%20Hanoi_0.JPG"
/></div>
Có một điều không thể chối cãi: các đồng nghiệp của tôi
làm trong ngành truyền thông ở Việt Nam không thể viết về
bất cứ điều gì họ muốn.
Tôi đã hỏi một nhà báo địa phương về việc hệ thống
kiểm duyệt hoạt động như thế nào và xem chừng cô ấy trả
lời tôi khá thành thật. Tôi sẽ không đề tên cô ấy ở đây
để tránh cho cô gặp những rắc rối. Việt Nam không phải là
Bắc Triều Tiên, nhưng nó cũng chưa đến mức được như
Canada.
"Chính phủ sở hữu mọi thứ về mặt kỹ thuật nhưng từ
lâu rồi không còn quản lý trực tiếp nữa," cô trả lời.
"Thực sự tôi không chắc liệu tôi có tự do báo chí nhiều
đến đâu, hay tôi tự kiểm duyệt mình quá mức ra sao bởi tôi
đã quá quen với nó rồi."
Đúng là cá không gặp nước rồi.
"Không ai nói cho tôi biết xem tôi có thể và không thể viết
về cái gì. Tôi chỉ tự nhận biết theo bản năng về những
thứ tôi không nên viết bởi tôi sinh ra và lớn lên ở đây.
Các quy định không được viết hẳn ra, nhưng nó có sự thay
đổi. Ví dụ, trước đây, chúng tôi không thể in từ <em>dân
chủ</em> trong bất kỳ nội dung văn bản nào, nhưng giờ thì
có. Việc chỉ trích Trung Quốc cũng vậy, nhưng giờ thì hoàn
toàn bình thường."
"Điều gì sẽ xảy ra nếu cô phá luật?" Tôi hỏi.
"Thì biên tập viên sẽ không duyệt nó chứ sao." Tất nhiên
là thế rồi. Những biên tập viên mới đảm nhiệm vị trí
phải gặp Ban Tuyên giáo mỗi tuần một lần để nghe xem cái
gì có thể và không thể viết về. "Nếu như có bài nào đó
được duyệt, thì ngay sau đó họ sẽ nhận được cuộc gọi
từ phía chính quyền và họ sẽ phải sửa nó."
Nạn tham nhũng hiện đã được đưa tin tràn làn trên các
phương tiện truyền thông, nhưng chỉ có những người ở cấp
thấp bị điểm mặt chỉ tên, chẳng bao giờ thủ tướng hay
quan chức cấp cao bị nhắc đến. "Khi báo chí nhắc đến
nạn tham nhũng ở các cấp lãnh đạo cao, thì cả chính quyền
nói chung sẽ bị đổ lỗi chứ không nhắc đến một ai cụ
thể cả."
Các trang mạng truyền thông xã hội không còn bị cấm nữa,
nhưng vẫn bị theo dõi chặt chẽ. Nếu bạn phàn nàn về chính
phủ trên Facebook thì cũng được thôi, dù chính phủ vẫn theo
dõi. Nếu bạn phê phán chính phủ trong các nhóm trên Facebook,
mọi chuyện có thể rắc rối hơn một chút. Và nếu bạn thực
hiện nó ở ngoài đời thực và xuống đường biểu tình, thì
mọi chuyện sẽ trở nên cực kỳ nghiêm trọng.
Cho dù có những hạn chế như thế, tôi vẫn cảm thấy Việt
Nam thoải mái hơn so với bất kỳ quốc gia độc đảng nào mà
tôi từng ghé thăm. Nó thoải mái <em>hơn rất nhiều</em> so với
Cuba, anh em XHCN của Việt Nam. Chế độ nhà Castro bóp nghẹt
mọi thứ trong khi chính quyền Việt Nam chỉ làm điều nó buộc
phải làm để duy trì quyền lực, và có vẻ nghịch lý là
điều này đã dẫn tới việc nới lỏng quyền kiểm soát của
nó đối với đời sống của nhân dân, thay vì thắt chặt hơn.
Tunisia cũng có dáng dấp và cảm giác tương tự khi Ben Ali vẫn
nắm quyền trước khi Mùa xuân Ả-rập khởi động, khi
Christopher Hitchens đã láu lỉnh chỉ ra rằng "hệ thống chính
quyền Tunisia kém thông minh và không dám chịu rủi ro hơn nhiều
lần so với đại đa số người dân của nó". Nếu không kể
đến thể chế chính trị, thì mọi thứ đều tương đối ổn
thỏa ở Tunisia khi tôi ghé thăm đất nước này lần đầu năm
2004. Nhà nước thì đúng là thối nát, nhưng xã hội tự nó
cởi mở, khoan dung, thịnh vượng và phức tạp. Không có gì
đáng ngạc nhiên – ít nhất là với tôi – rằng Tunisia đã
chuyển đổi từ độc tài sang dân chủ một cách êm thấm và
không bị rơi vào tình trạng nội chiến hay sự phản ứng
mạnh mẽ của chế độ độc tài như ở Syria, Libya hay Ai Cập.
Tôi có thể nhầm lẫn, nhưng tôi cảm nhận một cách mạnh mẽ
rằng Việt Nam sẽ chuyển đổi êm thấm tương tự khi điểm
kích hoạt được đạt đến. Nó đã trở nên thịnh vượng và
tự do hơn bất kỳ thời điểm nào trong quá khứ. Mọi thứ
đều tốt đẹp hơn, và đó là điều thường tạo ra sự
chuyển đổi dân chủ thành công. Khi một lực lượng đáng kể
những người trung lưu vừa vượt lên khỏi đói nghèo, họ có
xu hướng thở dài nhẹ nhõm và chấp nhận với những gì đã
đạt được. Nhưng khi một thế hệ mới ra đời không hề có
trải nghiệm cá nhân về một quá khứ khó khăn, sự thiếu
vắng tự do chính trị sẽ nặng nề hơn nhiều. Sau một thời
gian dài sống trong an toàn thì ngay cả những người trung lưu
lớn tuổi cũng đã bắt đầu lên tiếng đòi hỏi.
Cho dù điều gì xảy ra sau này, thì bây giờ người ta vẫn
thấy rõ những điều đang xảy ra. Công dân Việt Nam và chính
quyền đã đạt được một thỏa ước tạm thời: <em>Nếu mày
không động đến chúng tao, thì chúng tao sẽ không động tới
mày</em>. Đó là một tình trạng đáng buồn cho những ai có
đầu óc chính trị tích cực, và nó đặc biệt đáng buồn cho
những người như tôi, viết về chính trị để kiếm sống,
nhưng đa số người Việt Nam trung thành với chủ nghĩa phi
chính trị - tôi cho là một phần nào đó là vì họ buộc
phải sống như thế, nhưng cũng bởi vì văn hóa hiện nay là
quan tâm chủ yếu tới thương mại và phát triển kinh tế.
Tranh luận chính trị là trò tiêu khiển quốc gia ở phần lớn
các nước Trung Đông bất chấp thực tế là rất ít người có
tự do chính trị. Công dân không phải lúc nào cũng được nói
về chính quyền của họ, nhưng rõ ràng họ có thể và đã nói
về chính trị trong khu vực, cũng như về chính trị trong
nước. Ở Trung Đông tôi cảm thấy như mình đang ở giữa một
cuốn sách lịch sử đang mở ra. Ở Việt Nam cảm giác này ít
hơn. Hiện tại là thời gian cho sự thay đổi, nhưng có rất ít
những câu chuyện hàng ngày, ít thứ xảy ra công khai. Không có
chiến tranh, không có cách mạng, và không có chủ nghĩa khủng
bố.
Nhưng lịch sử còn lâu mới kết thúc ở Đông Nam Á. Trung
Quốc đang gây hấn với cả khu vực. Quân đội Thái Lan lật
đổ một chính quyền dân cử. Miến Điện cuối cùng đã
chuyển hướng khỏi quá khứ đàn áp khốc liệt. Còn bao lâu
nữa thì một điều tương tự sẽ xảy ra ở Việt Nam? Đáng
ngạc nhiên là Miến Điện lại đi trước vì điểm khởi đầu
của nó phải nói là thấp hơn nhiều, nhưng nếu nó có thể
xảy ra ở Miến Điện thì cũng sẽ có thể xảy ra ở Hà Nội
hoặc Sài Gòn.
Sự thiếu vắng những biến cố tồi tệ xảy ra và tạo ra sự
thay đổi ở Việt Nam khiến công việc của tôi khó khăn hơn,
nhưng một phần trong tôi không phải là phóng viên, mà là một
con người bình thường, cảm thấy nó thật dễ chịu. Trung
Đông có lẽ cần một khoảng thời gian nghỉ ngơi như Việt Nam
đang có hiện nay. Nhưng khoảng thời gian nghỉ ngơi chắc chắn
rồi sẽ qua đi. Bạn có thể cá đồng đô-la cuối cùng của
mình vào điểm này.
<center>* * *</center>
Washington gây áp lực cho Hà Nội để đạt được những tiến
bộ cụ thế thay vì nhắc đi nhắc lại về nhân quyền nói
chung, điều này có lẽ sẽ mang lại hiệu quả. Các than phiền
chung chúng có thể dễ dàng chối bỏ, nhưng sẽ khó hơn để
bỏ qua những chỉ trích có định hướng từ những người
bạn. Tiến bộ gần đây thì vẫn khiêm tốn, nhưng nếu so với
thời kỳ 1970 và 1980 thì đã có thay đổi rất lớn.
<div class="boxcenter400"><img
src="http://www.worldaffairsjournal.org/sites/default/files/Propaganda%20Hanoi%20Museum_0.jpg"
/></div>
"Gia đình tôi đã cố gắng rời đi những năm 1970 và không
thành công", Tuong Vi Lam nói với tôi. Cô lớn lên tại Sài Gòn
trong chiến tranh, và gia đình của cô đã phải đối mặt với
địa ngục khi phe cộng sản dành thắng lợi. "Bố và ông tôi
làm việc cho chính quyền cũ, và tôi không có cơ hội nào khi
chính quyền cộng sản tới. Bố tôi phải vô trại cải tạo.
Ông bị buộc phải lao động nặng nhọc trên cánh đồng. Trại
được lập ra nhằm mục đích cải tạo, nhưng thực tế nó là
trại lao động. Ông không bị đánh đập, nhưng nhiều người
khác bị và một số còn bị giết".
"Lý do duy nhất ông bị gửi đi vào trại là vì ông đã làm
việc cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Ông không phạm một
tội ác nào. Chính quyền cộng sản có danh sách với tên tất
cả mọi người trong đó. Ông nhận được một thông báo qua
bưu điện nói ông phải đến trình diện vào một ngày nhất
định"
"Họ không bắt giữ ông ta?" Tôi hỏi.
"Họ bắt giữ một số người khi những người được lệnh
phải trình diện không quay trở lại nhà," she said.
"Tình hình miền Nam tồi tệ ra sao khi miền Bắc tiếp
quản?" Tôi hỏi.
"Cực kỳ tồi tệ," cô trả lời. "Tất cả trường học
đều phải đóng cửa. Dì và chú của tôi đang học đại học
cũng phải bỏ dở. Họ chỉ đơn giản là không thể đến
trường được nữa. Tài sản bị tịch thu và chia cho những
người ở miền Bắc. Đảng Cộng sản thậm chí còn tuyên
truyền trong cả sách giáo khoa toán. Họ cho đề bài kiểu như:
'Hôm qua một chú bộ đội đã giết 3 tên lính Mỹ và hôm nay
giết được 5 tên. Tổng cộng chú bộ đội đã tiêu diệt
được bao nhiêu lính Mỹ?' Hiện tại thì trong sách không còn
những câu hỏi kiểu như thế nữa, nhưng họ đã làm như vậy
suốt khoảng năm đến mười năm gì đó."
Bố của cô cuối cùng cũng thoát khỏi trại cải tạo và gia
đình cô đã cố lên trốn lên một chiếc thuyền nhỏ rồi
chuyển sang một chiếc thuyền to hơn. Thuyền to thì người
đông nên mọi người phải tự nhồi nhau vào trong khoang. Và
rồi họ bị bắt.
"Thế gia đình cô định đi đâu?" Tôi hỏi.
"Philippines hoặc Thái Lan. Họ có các trại dành cho người
tị nạn ở đó. Nhưng Mỹ mới là điểm đến cuối cùng."
Cuối cùng cô cũng làm được điều đó và hiện cô đang sống
ở Oregon.
"Tại sao chính quyền lại quan tâm đến cả việc mọi
người rời khỏi Việt Nam?" Tôi thắc mắc.
"Bởi vì chúng tôi đang cố bỏ nước mà đi chứ sao," cô
trả lời.
"Tôi biết, nhưng tại sao họ phải <em>quan tâm</em> đến
chuyện đó? Họ có nói lý do là gì không?"
"Họ chỉ nói là chúng tôi đang cố bỏ nước ra đi," cô
đáp.
Hóa ra là vậy. Bị bỏ tù chỉ vì cố trốn thoát. Cả đất
nước này vô hình trung đã biến thành một nhà tù lớn. Nhà
tù thực sự chỉ là tù trong tù mà thôi.
"Họ không đưa ra bất kỳ lý do nào khác ư," tôi tiếp
tục, "ví dụ như buộc tội cô buôn lậu chẳng hạn? Họ
chỉ nói rằng rời khỏi đất nước là phạm pháp à?"
"Nếu anh cố rời khỏi đất nước, anh sẽ bị bắt, thậm
chí là cả trẻ con. Một tháng một lần người thân được
phép lên thăm để tiếp tế thức ăn và thuốc. Bố tôi đã
bị chuyển đến trại cải tạo và bị kết án giam giữ vô
thời hạn. Nhưng ông đã trốn được."
"Trốn bằng cách nào?"
"Tất cả tù nhân đều phải làm việc trên cánh đồng vào
ngày và quay lại nhà tù vào buổi đêm," cô trả lời. "Một
hôm khi họ đang làm việc gần một con sông, mà bố tôi thì
bơi cực giỏi. Khi lính gác không chú ý, ông đã ném một tảng
đá lớn xuống nước và trốn sau bụi rậm. Họ cứ nghĩ rằng
bố tôi đã nhảy xuống sông nhưng thực ra ông vẫn đang nấp
đi và họ thì cứ quát tháo và xả súng liên tục. Khi màn đêm
buông xuống, chẳng còn ai ở đó nữa thì bố tôi mới nhảy
xuống sông, bơi một mạch khoảng 7 dặm và chạy đến nhà
người thân của mẹ tôi. Họ cho bố tôi ít tiền và ông đã
đi xe bus về Sài Gòn. Mặc dù không thể trở về nhà nhưng ông
vẫn có thể lẩn trốn giữa hàng triệu người ở thành phố
này. Cuối cùng chúng tôi thoát được sang Mỹ và bố tôi đã
không quay lại Việt Nam suốt 20 năm qua."
<center>* * *</center>
Thành tích tôn trọng quyền con người của chính phủ Việt Nam
khó có thể coi là lý tưởng, và thậm chí là không thể dung
thứ nếu xét theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, nhưng chính phủ đang
cải thiện dần và rõ ràng là hiện tại đã tốt hơn trước
rất nhiều. Ít nhất đó cũng là điều đáng để công nhận.
Việt Nam không có nhiều tự do báo chí, nhưng sách báo và tạp
chí nước ngoài vẫn bán nhan nhản. Internet cũng vậy, có đầy
đủ thông tin từ mọi nơi về mọi thứ. Tất nhiên là vẫn
chưa đủ - báo chí nước ngoài và các websites hiếm khi bao trùm
đầy đủ các vấn đề nội địa của Việt Nam – nhưng vậy
còn hơn không. Ít nhất mọi người đã có ý niệm về những
gì đang diễn ra bên ngoài biên giới nước họ, không như
những thân phận nô lệ tội nghiệp ở Bắc Triều Tiên.
Dù biểu tình là phạm pháp nhưng một số người vẫn xuống
đường và tiến hành biểu tình theo cách nào đó. Đến lúc –
không thể tránh được – sẽ có rất nhiều người lên tiếng
yêu cầu sự thay đổi cùng một lúc khiến nỗi sợ hãi bị
đàn áp hoàn toàn biến mất.
Không thể nói chắc, nhưng Việt Nam có lẽ chỉ cần một sự
kiện, một cuộc cải cách, hay một cuộc biểu tình đông đảo
để chuyển đổi sang tự do dân chủ. Khoảnh khắc then chốt
của lịch sự luôn luôn không đoán trước được. Không ai có
thể tiên đoán rằng công dân Mohammad Bouazizi của Tunisia sẽ
tự thiêu và chính điều đó đã châm ngòi cho sự kiện Mùa
Xuân Ả Rập. Chế độ độc tài có thể giữ vững sự ổn
định cho đến khi nó không thể giữ nữa. Cuối cùng thì nó
sẽ phải thất bại.
Thành tích nhân quyền của mỗi quốc gia trên thế giới đều
được đánh giá dựa trên tiêu chuẩn như nhau. Đồng thời,
việc tăng điểm cho một quốc gia vì đã có cải thiện trong
vấn đề nhân quyền chỉ thực sự công bằng nếu như việc
cải thiện đó là thành thật. Người ta không nên trông đợi
một chế độ độc tài tự thu bàn tay quyền lực của mình
lại và chuyển giao sang chế độ dân chủ kiểu Jefferson. Đấy
không phải là cái cách mà lịch sử diễn ra.
Peter Peterson – cựu tù binh trong chiến tranh Việt Nam, cựu
nghị sĩ đảng dân chủ của bang Florida, đại sứ Hoa Kỳ đầu
tiên đến Việt Nam kể từ sau chiến tranh – cũng nghĩ tương
tự.
"Khi còn là đại sứ," ông ấy kể, "tôi thực sự muốn
xác định được quá trình tiến bộ hơn là so sánh Việt Nam
với lý tưởng một trăm phần trăm. Việt Nam đã làm tốt, và
sẽ còn tốt hơn nữa. Nếu bạn vẽ đồ thị thể hiện điều
đó, chắc chắn bạn sẽ thấy được sự tiến bộ."
Hàng triệu công dân không còn chạy trốn khỏi đất nước
nữa. Trại cải tạo cũng không tồn tại. Địa chủ đã hết
bị hành quyết. Facebook không bị cấm. Những người bản địa
giờ đã được phép nói chuyện với du khách nước ngoài.
Những trang web và báo chí nước ngoài từng bị kiểm duyệt
thì giờ người dân đã có thể đọc.
"Tuy nhiên, hiện tại vẫn có những vi phạm," Peterson nói.
"Chính phủ vẫn không chấp nhận sự phản đối và những
người bất đồng chính kiến vẫn phải ẩn mình. Có quá
nhiều sự kiểm duyệt, bao gồm cả việc tự kiểm duyệt.
Chẳng ai muốn mình là kẻ đi đầu để bị đàn áp đầu tiên
cả."
Tuy nhiên, giờ Hoa Kỳ đã có mối quan hệ tốt đẹp với Việt
Nam, như nó đáng phải như vậy. Chiến tranh đã qua lâu rồi.
Cả hai nước đều chia sẻ chung một tầm nhìn chiến lược vì
Đông Nam Á, và người dân hai nước, dù đã có một khoảng
thời gian trong quá khứ khá tồi tệ, vẫn quý mến nhau.
Tôi đã hỏi Peterson xem ông nghĩ quan niệm sai lầm nhất của
người Mỹ về Việt Nam là gì, và tôi toàn hoàn đồng ý với
câu trả lời của ông ấy.
"Không chỉ người dân Mỹ mà tất cả mọi người trên thế
giới đều không hề biết Việt Nam to lớn đến mức nào. Nó
không chỉ là cái ổ gà trên đường mà chúng ta có thể làm
ngơ. Đó là đất nước đông dân thứ 13 trên thế giới với
nền kinh tế, quân sự và năng lực chiến lược cực kỳ hùng
hậu. Việt Nam không đáng để bị làm ngơ nhưng thực tế nó
đang bị như vậy. Nếu không cẩn thận, điểm mù của chúng ta
sẽ tạo ra một khoảng trống bị lấp đầy bởi những người
hoặc những thứ mà chúng ta không hề thích."
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141207/michael-j-totten-nhung-ngay-cuoi-cung-cua-dang-csvn-2),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét