Nguyễn Văn Tuấn - Đèn cù tập II

Hôm nay, tôi mới mua được cuốn "Đèn cù tập II" của Trần
Đĩnh. Sách dày đến hơn 650 trang, và tôi chỉ mới đọc đến
trang 200. Đèn cù tập I có tiêu đề là "Số phận Việt Nam
dưới chế độ cộng sản", còn Đèn cù tập II có tiêu đề
là "Vém mây giữa trời", nghe rất … thơ. Đèn cù tập II có
vẻ hấp dẫn hơn, mạnh mẽ hơn, và trực diện hơn tập I.
Tại sao vén mây? Vì theo cách nghĩ của tác giả, mặt trời là
những cái tên xa lạ như Lenin, Stalin, và Mao, còn ông Hồ Chí
Minh và đảng chỉ là những vì sao, và vén mây lên, tác giả
muốn làm rơi rụng cả mặt trời và những vì sao. Ở đây,
tôi sẽ đọc và ghi chép những sự kiện và câu chuyện đáng
chú ý. Đọc đến đâu ghi đến đó …

Trong Đèn Cù Tập II, Trần Đĩnh thuật lại cuộc đời ông bị
nhóm Lê Duẩn – Lê Đức Thọ đày đoạ vì tội "xét lại
chống đảng". Ông chịu cùng số phận với những người nổi
danh như Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Chính, Lê Liêm, Đặng Kim
Giang, Vũ Đình Huỳnh, Vũ Thư Hiên, v.v. Vì có liên hệ với
nhiều người trong vai trò một nhà văn và một kí giả, nên
Trần Đĩnh có tiếp xúc với rất nhiều người từ nhiều
thành phần. Do đó, câu chuyện của ông rất ư thú vị và hấp
dẫn. Đèn Cù Tập II vẫn giữ được một văn phong lôi cuốn
người đọc từ đầu đến cuối qua những câu chuyện có khi
đắng lòng nhưng cũng có khi hài hước.

<strong>Nguyễn Cơ Thạch và tướng Giáp</strong>

Một trong những chuyện tôi thấy thú vị có liên quan đến ông
Phạm Văn Cương (người sau này là Nguyễn Cơ Thạch, Bộ
trưởng Ngoại giao từ 1981-1991). Dĩ nhiên, ông Thạch là thân
phụ của đương kim Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ông
Thạch từng là thư kí của tướng Võ Nguyên Giáp, và ông rất
tự hào với vai trò đó. Là thư kí cho tướng Giáp, nhưng trong
thời chiến, ông cũng kim luôn giặt quần áo cho vị đại
tướng! Ông hay khoe với anh em rằng ông giặt quần áo cho
tướng Giáp đến nhợt tay.

Thế nhưng tình thế đổi thay, cậu thư kí giặt đồ ngày nào
nay là Bộ trưởng Ngoại giao, Uỷ viên Bộ Chính Trị và lúc
đó thì tướng Giáp chẳng còn vai trò gì trong đảng. Trong
Đại hội 7 (1991), khi tướng Giáp xin phát biểu về xây dựng
đảng, ông Thạch lúc đó ngồi ghế chủ toạ đã cắt ngang
vị tướng sếp của mình ngày nào: "Đồng chí nói quá mất
mấy phút rồi, xin thôi. Đồng chí hãy chú ý cho là đảng ta
rất chú ý phát huy dân chủ." (Trang 37). Lúc đó, Lê Duẩn xem
Nguyễn Cơ Thạch như là anh hùng vì dám sửa lưng vị đại
tướng lừng danh. Dĩ nhiên, ông Duẩn không ưa tướng Giáp.

<strong>Những nhếch nhác và Hồng vệ binh</strong>

Trần Đĩnh còn kể những chuyện nhếch nhác của giới lãnh
đạo cao cấp thời đó. Một trong những người được nhắc
đến là ông Hoàng Tùng, từng làm Tổng biên tập báo Nhân Dân.
Chuyện kể rằng Hoàng Tùng từng xâm phạm và hại đời con
gái của Cung Kim Châu, người mà sau này là phu nhân của Nhà
báo nổi tiếng Thép Mới. Cung Kim Châu từng tự tử vài lần
nhưng không thành. Cung Kim Châu cũng từng đệ đơn kiện chồng
đến Trường Chinh và Tố Hữu.

Ngoài ra, tác giả còn phác hoạ những bức tranh rất hài hước
ở miền Bắc thời Bao cấp. Đợt đổi tiền 1977, báo chí phát
hiện những tên tư sản giàu một cách… động trời. Một bài
báo viết như sau: "Đời sống của bọn chúng [nhà giàu] là có
toa lét lát đá hoa, nuôi chó béc-gê, có Honda, tivi, v.v." Thời
nay, các bạn trẻ đọc tin này giống như đọc truyện cổ
tích, và các ông như Hoàng Văn Nghiên hay Trần Văn Truyền phải
cười khẩy.

Việt Nam thời đó cũng có bọn "Hồng Vệ Binh" (HVB) và họ
cũng gieo rắc nhiều kinh hoàng trong xã hội. Một trong những
gieo rắc của họ là kiểm tra thuần phong mĩ tục, cắt quần
những ai mắc quần ống loe. Hai trí thức Việt kiều suýt nữa
là nạn nhân của chúng. Bà Tạ Thị Thuỷ, một trí thức Việt
kiều Pháp, về Hà Nội theo lời mời của Chính phủ. Một hôm
bà đi dạo bờ hồ Hoàn Kiếm, hai thanh niên HVB nham nhở đến
nói "Cô em, giơ chân lên, cô em …", bà còn đang tần ngần
chẳng biết việc gì xảy ra, thì họ quát "Ngoan cố hả? Nào
giơ chân lên cho anh cắt hay là để mất quần". Liền ngay lúc
đó hai thanh niên khác xuất hiện can thiệp, nhưng bị hai HVB đe
doạ. Tuy nhiên, hai thanh niên này xuất trình một thẻ bìa đỏ,
thì hai HVB rút lui ngay. Hoá ra, hai thanh niên này là an ninh có
trách nhiệm theo dõi bà Thuỷ, mà bà không hề hay biết!

Một trường hợp thứ hai là ông Nguyễn Thế Học, con trai út
của Nhà thơ Thế Lữ, là một giáo viên toán ở Pháp về thăm
Hà Nội. Khi ông và vợ đi xem hát ở Nhà hát lớn thì bị
người soát vé đuổi về vì mặc quần loe, tư sản! Người ta
còn phân biệt kì thị kinh khủng. Khi lên máy bay, hai vợ chồng
ông Học ngồi ở khoang gần phi công, có bình hoa, còn gia đình
Nhà thơ Thế Lữ thì ngồi ở khoang hành khách bình dân, nhưng
ông Học phản đối vì ông nói ông chỉ là giáo viên, chứ ông
Thế Lữ mới là quan trọng. Nhưng người ta nhất định không
nghe. Ông Học có nhận xét chí lí: Có hai cái mà người Mĩ
trọng nhất là con người và tự do, nhưng cả hai cái này thì
người Việt Nam khinh thường nhất (trang 61).

<strong>Nỗi sợ</strong>

Xuyên suốt những trang mà tôi đã đọc, Trần Đĩnh vẽ lên
một bức tranh xã hội được thống trị bởi nỗi sợ. Ông
viết rằng thời chiến tranh, tiêu chuẩn hàng đầu của công
dân là "Không sợ chiến tranh và không sợ Mĩ đã thành chuẩn
đầu bảng của đạo đức cách mạng." Nhưng trớ trêu thay
"thay vào đó có cái sợ thiêng liêng được đảng ra sức bồi
dưỡng, phát triển: sợ đảng trừng trị." Đọc những dòng
này chúng ta nhớ đến câu nói nổi tiếng của Nhà văn Nguyễn
Tuân rằng ông còn tồn tại là vì biết sợ.

Nhưng tại sao sợ? Chẳng ai biết. Trần Đĩnh đề nghị "Cần
bàn sâu hơn về cái sợ mà đảng cộng sản đã hun đúc nên
ở đảng viên, cán bộ, nhân dân. Sức mạnh của đảng dựa
trên cái sợ phi nhân này. Vì nó phủ đen ngòm lên cả lãnh
tụ."

<strong>Vụ án xét lại</strong>

Trong Đèn Cù Tập II, Trần Đĩnh còn tiết lộ sự tàn ác của
nhà tù. Ông Hoàng Minh Chính (nguyện viện trưởng Viện Triết
học Mác Lê), người có lẽ nổi tiếng nhất vì bị dính dáng
vào "Vụ án xét lại", từng viết đơn tố cáo rằng khi ông
bị giam trong tù, đêm đêm công an vào đè ông xuống giường
và bóp cổ.

Tàu cộng rất ghét tướng Võ Nguyên Giáp. Trần Đĩnh tiết lộ
rằng năm 1979 (?) sau khi tướng Giáp viết bài tố cáo tội ác
xâm lược của Tàu cộng, thì bên Bắc Kinh chúng cho căng biểu
ngữ đả đảo Võ Nguyên Giáp "phần tử xét lại tay sai Liên
Xô, phản bội Hồ Chí Minh" ngay tại Thiên An Môn và trước
mặt đoàn đại biểu do Lê Thanh Nghị dẫn đầu sang thăm Tàu.

Còn ở Việt Nam, như là một cách dằn mặt tướng Giáp,
người ta còn đày đoạ tướng Đặng Kim Giang và Đại tá Lê
Trọng Nghĩa (những phụ tá của tướng Giáp) một cách dã man,.
Trần Đĩnh kể rằng khi đại tá Lê Trọng Nghĩa (chánh văn
phòng Bộ Quốc Phòng) bị bệnh lao phổi, tướng Văn Tiến Dũng
đưa vào điều trị ở Bệnh viện 354. Mới nhập viện buổi
sáng thì buổi chiều có nhân viên an ninh đến hoạnh hoẹ ban
giám đốc bệnh viện là ai cho ông Nghĩa vào đây. Bệnh viện
phải chuyển đại tá Nghĩa xuống một cái buồng chật hẹp và
hẻo lánh dùng để chổi.

Một điều thú vị là ông Sáu Búa Lê Đức Thọ không ưa ông
Trường Chinh. Khi bàn về nhân sự và đoàn kết trong đảng,
Sáu Búa từng nói "Trung ương cái đéo gì. Trung ương thằng Khu!
Cộng sản mà lại đoàn kết với tư sản và địa chủ?" (Trang
88). Chả thế mà ông cụ (có lẽ nói ông Hồ Chí Minh) từng
chơi chữ về cái tên Lê Đức Thọ là "Le Duc" (tiếng Pháp là
Quận công), hàm ý nói Sáu Búa lộng hành chẳng xem ai ra gì
(trang 87).

<strong>Cụ Đào Duy Anh</strong>

Lê Đức Thọ còn "đì" cả cụ Giáo sư Đào Duy Anh! Trần Đĩnh
kể lại rằng cụ Đào Duy Anh từng rầu rầu tâm sự với ông
rằng "Cả nhà năm em nhà họ Đào chúng tôi, mà tôi là cả,
khổ vì một tay Lê Đức Thọ." (Page 137). Sở dĩ cụ Đào Duy
Anh bị "chiếu tướng" là vì khi ông còn hoạt động cho đảng
Tân Việt và bị Pháp bắt, vợ ông đem cho ông chiếc gối để
ngủ trong nhà tù. Nhưng không ngờ trong đó có một số tài
liệu, bị Pháp phát hiện, và người cộng sản làm ầm lên
rằng Đào Duy Anh đầu hàng khai báo với Pháp. Khi làm xong cuốn
Từ điển Pháp Việt, ông Thọ mạt sát Gs Đào Duy Anh thậm tệ
vì ông cho rằng từ điển đó chỉ phục vụ cho đám quan lại,
sinh viên đỗ đạt ra làm quan đốc tờ, quan huyện!

Làm sao một học giả như Đào Duy Anh có thể tồn tại trong
không khí như thế? Ông cho biết rằng "Vũ khí duy nhất của
tôi để chống lại cái xấu bao la sầu này là lòng tự trọng.
Là ranh giới không thoả hiệp về chính trị."

<strong>"Nạn nhân viết hoa của đảng"</strong>

Chuyện kể thú vị trong ngày tang của cụ Đào Duy Anh, khi Tố
Hữu dẫn đoàn học sinh Quốc học Huế đến viếng. Đào Phan
là em của Đào Duy Anh giữ Tố Hữu lại hỏi tại sao ông dẫn
đoàn đó vào đây, mà trước đây ông từng viết hai câu thơ:

Tôi dạo gót trên đường phố Huế
Dửng dưng không một chút tình chi

Tướng Giáp cũng đến viếng đám tang của cụ Đào Duy Anh. Ai
cũng râm ran vì sự có mặt của tướng Giáp, vì ai cũng nghĩ
ông chính là "Nạn nhân viết hoa của đảng"!

<strong>Bs Nguyễn Khắc Viện</strong>

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, một học giả tôi rất ngưỡng
phục, cũng có một thời… ngây thơ và mông muội. Giáo sư
Trần Đức Thảo cho Trần Đĩnh xem một bài báo của Bs Viện
viết vào năm 1942 ở Paris ca ngợi chủ nghĩa Quốc Xã của
Hitler! Chưa hết, Bs Viện còn giúp sinh viên Việt Nam đi học ở
Đức (vì lúc đó Pháp đầu hàng Đức), nhưng chẳng biết có
sinh viên nào đi theo "diện" đó không. Ít ai biết rằng chính Bs
Viện từng đệ trình lên Lê Duẩn đề cương diệt tư bản ở
miền Nam Việt Nam.

<strong>Cướp bóc</strong>

Viết về thời bao cấp cực khổ và cướp tài sản, Trần
Đĩnh có đề cập đến một người tên Vấn, nhưng tôi không
rõ là ai vì tác giả không nói rõ. Trần Đĩnh kể rằng năm
1955, ông bố của Vấn cho 2 cán bộ trí thức thuê 2 phòng ở
tầng trệt biệt thư làm văn phòng, có hợp đồng và chữ kí
của chính quyền hẳn hoi. Thế mà sau này sau này hai người
thuê đó chiếm luôn biệt thự. Khi bố Vấn đâm đơn kiện,
toà án cách mạng cho ông đi tù 3 tháng vì tội phản ứng lại
cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản!

Trần Đĩnh có viết về một người mà tôi quen biết: Gs Mai
Thế Trạch (Trach Mai). Đoạn đó viết như sau: "Vấn có bạn là
Bác sĩ Mai Thế Trạch, con bà Lợi Quyền tư sản lớn từng
lẫy lừng chuyên quyên góp rất nhiều vàng cùng nhà cửa trong
Tuần lễ Vàng. Còn lại một ngôi nhà, sau được Ban tuyên
huấn trung ương đến hỏi. Chê đắt. Đùng một hôm, xe tuyên
huấn chở mấy bao tải tiền đến mua, đắt cũng được. Ba
ngày sau đổi tiền. Tố Hữu, nguyên trưởng ban tuyên huấn,
đã hạ thời cơ tuyệt hảo chấm dứt cơ nghiệp đại gia tư
sản Lợi Quyền có tiếng ở Hà Nội. Bằng giấy lộn. Ai cứ
bảo nhà thơ trên gió trên mây. Còn Thế Trạch với số tiền
bán nhà kia mua không nổi căn hộ con ở Sài Gòn. "Quốc tế ca"
hát bài Bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình. Quá giỏi!" (Trang
112)

<strong>Thời mông muội</strong>

Đọc Đèn Cù Tập II những người thế hệ tôi (tức từng
sống qua sau năm 1975) bắt gặp nhiều… kỉ niệm. Sau 1975,
Trần Đĩnh có dịp vào Sài Gòn và có vài nhận xét thú vị.
Ông la cà với các văn nghệ sĩ trước 1975 như Trịnh Công Sơn
và văn nghệ sĩ cách mạng như Nguyễn Quang Sáng. Tôi khen chế
độ VNCH cho phép văn nghệ sĩ tương đối tự do để sáng tác,
nói lên nỗi niềm của họ trước thời cuộc. Ông đặc biệt
xúc động khi đọc bài thơ của Tô Thuỳ Yên viết về trận
hải chiến Hoàng Sa mà hải quân VNCH đã đụng độ với hải
quan Tàu cộng. Trần Đĩnh nhận xét rằng VNCH không có thần
tượng và thần thánh hoá lãnh tụ như ngoài Bắc. Ông viết
"Nên biết Sài Gòn không có bài hát nào ca muôn năm Nguyễn Văn
Thiệu và Johnson. Mà Việt có khen thì Mĩ nó cũng cóc thiết"
(Trang 119).

Đọc Đèn cù Tập II, tôi bắt gặp những câu vè quen quen sau
1975 ở miền Nam:

Đôi dép râu dẫm nát tâm hồn trẻ
Nón tai bèo che khuất tương lai

Hay những câu tếu táo như:

Hôm qua em mơ thấy bác Hồ
Chân bác dài, bác đạp xích lô
Em thấy bác em kêu xe khác
Mắt trợn trừng bác mắng đồ ngu …

Hay:

Đả đảo Thiệu – Kỳ mua gì cũng có
Hoan hô Hồ Chí Minh mua cái đinh ranh con cũng xếp hàng

Ông nhận xét rằng từ 1975 có sự biến đổi tâm lí. Trước
kia, gặp nhau câu hỏi thường xuyên là "Vào đảng chưa?" Còn
sau 1975 thì câu hỏi là "có tivi, tủ lạnh, Honda chưa?" Họ quên
hết những lời đanh thép của thủ tướng Phạm Văn Đồng:
"Phương Tây là vật chất, vật chất, vật chất khốn nạn.
Phương Đông là tinh thần, tinh thần, tinh thần cao quí."

Phụ nữ miền Bắc bắt đầu biết trưng diện. Tác giả viết
một câu đọc vui vui khi phụ nữ miền Bắc khoác lên cái quần
jean Sài Gòn: "Nhờ jean Sài Gòn, đàn bà con gái trưng lên nguy
nga tấm quốc huy của vùng sinh nở. Còn nhờ cặp kính màu,
người con gái lại bổng thành nàng công chúa giấu mặt nhìn ra
ngoài qua một cửa cao sang gắn mã não của chiếc kiệu hoa"
(Trang 124).

Hoá ra, nói như Trần Đức Thảo, cách mạng cũng đam mê vật
chất và họ hi sinh cũng chỉ vì vật chất.

(Còn tiếp)

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141214/nguyen-van-tuan-den-cu-tap-ii),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét