Nguyễn Văn Tuấn - Đèn cù Tập II: Tư duy, đối xử với kiều bào và quan hệ với Tàu

Đèn Cù Tập II có dành vài chương để viết về sự sụp đổ
của các chế độ XHCN bên Đông Âu, và một số suy nghĩ của
giới lãnh đạo chóp bu. Qua đó, chúng ta cũng có thể có vài ý
niệm về suy nghĩ của các vị đang nắm quyền lèo lái con
thuyền đất nước thời đó. Không nói ra thì chắc nhiều
người cũng có thể đoán được là tư duy của họ còn rất
nhiều hạn chế.

<h2>Chuyện tư duy</h2>

Chúng ta biết rằng ông Lý Quang Diệu được đánh giá cao ở
Việt Nam và trên thế giới. Dù người ta không mặn mà với
kỉ luật sắt của Singapore, nhưng ai cũng phải công nhận ông
là một người có tài chiến lược. Có người tặng cho ông
danh hiệu nhà độc tài tốt bụng (benevolent dictator). Nhưng có
thời ở Việt Nam, ông Lý Quang Điệu là một đối tượng bị
báo chí Nhà nước chửi như tát nước. Tay sai đế quốc.
Chống cộng. Chống nhân dân Việt Nam. Ông Diệu được giới
lãnh đạo VN tặng cho rất nhiều cái nón.

Nhưng đùng một cái, VN "mặn nồng" với ông Lý Quang Diệu.
Ông Võ Văn Kiệt từng mời ông Diệu làm cố vấn và cộng
tác. Nhưng ông Diệu từ chối, và nói rằng nếu không có Mĩ
gật đầu thì VN vô phương phát triển. Ông Diệu nói rằng Mĩ
là chìa khoá, Mĩ là động cơ để phát triển. Ngay cả Tàu
cũng phải ôm lấy Mĩ mà phát triển, thì VN không nên xem
thường Mĩ.

Sau 1975, một nhóm chuyên gia kinh tế báo cáo cho ông Lê Duẩn
rằng các nước như Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore tiến mạnh
là nhờ làm gia công cho các nước giàu có. Nghe xong, Lê Duẩn
nạt lại: Lại muốn học chúng làm nô lệ ư? Mà, chẳng phải
ông Lê Duẩn mới có tư duy bảo thủ và ngạo mạn đó, ông
Tố Hữu cũng thế. Khi một thứ trưởng Bộ Y tế trình rằng
các hãng dược phẩm ở miền Nam lúc đó đang thất nghiệp, và
ông đề nghị làm thuốc kháng sinh cho khối Comecon. Tố Hữu
quát: Trẻ con! Độc lập mà đi gia công?! Anh tưởng Comecon mà
không ngoạm nhau à? (Trang 282). Tư duy kinh tế của giới lãnh
đạo VN thời mới thắng cuộc là như thế.

Mãi đến 1999, khi VN kí hiệp định thương mại với Mĩ, mà
vẫn có vài người có tư duy chống Mĩ! Trong Đèn Cù, tác giả
Trần Đĩnh kể rằng sau khi hiệp thương được kí 2 ngày thì
Đỗ Mười chỉ thị phải nhớ rằng Mĩ vẫn là kẻ thù của
VN và của thế giới. Đỗ Mười còn nói ai thò tay kí vào
hiệp thương thì đáng tội "bán nước". Bộ trưởng Trương
Đình Tuyển, người tích cực vận động cho hiệp định, sau
đó phải "ra đi", nói đúng hơn là bị truất phế khỏi chức
bộ trưởng.

<h2>Đối xử với Việt kiều và người ngoại quốc</h2>

Có thể nói rằng "thành tích" đối xử với Việt kiều và
người ngoại quốc của VN không có gì đáng khoe. Nói đúng ra
là họ có thái độ hai mặt, ngoài mặt thì nói hay, đằng sau
lưng thì nói xấu. Có thể xem đó là thái độ xảo trá và
tiểu nhân. Trong Đèn Cù tập II, Trần Đĩnh kể nhiều chuyện
cho thấy thái độ xảo trá như thế.

Đặng Chấn Liêu là một quan chức của Liên Hiệp Quốc, theo
tiếng gọi của cụ Hồ về Việt Nam đóng góp xây dựng XHCN.
Ông trở thành chủ nhiệm bộ môn tiếng Anh của Đại học Sư
phạm Hà Nội. Tuy nhiên, ông lại là nạn nhân của Hoàng Văn
Hoan, người nghi ngờ ông Liêu là tình báo của Anh. Ông Liêu
còn dính dáng vào vụ "án xét lại", nên lao đao ở Hà Nội
một thời gian dài. Những người đau khổ thường có khả năng
đúc kết triết lí cuộc đời rất hay. Trong một cuộc trò
chuyện cùng Trần Đĩnh và Gs Tôn Thất Tùng, ông Đặng Chấn
Liêu tổng kết quan sát về qui luật hành xử của chế độ
như sau:

"Chúng mình nhìn người bằng con mắt thân thiện vì chúng mình
cảnh giác trước tiên với cái xấu ở trong bản thân; còn
họ, tự nhận là cách mạng cao quí, họ luôn cảnh giác với
người khác để kịp thời giáo dục, uốn nắn. Họ với chúng
ta cơ bản ngược giò nhau, họ bắt buộc phải tự khẳng
định vai trò lãnh đạo, dạy dỗ chúng ta. Cái mặc cảm ưu
việt này dẫn tới đòi dân phải có mặc cảm tự ti với họ.
Mặc cảm tự ti này là dấu hiệu dân tin tưởng đảng, yếu
tố hàng đầu của thắng lợi, khốn nạn là thế đấy." (Trang
297).

Một Việt kiều khác là Mỹ Điền, từ Anh về miền Bắc Việt
Nam, cũng với ý đồ xây dựng XHCN. Ông là con của một địa
chủ ở miền Nam. Ông được phân công đi làm cán bộ Cải
cách ruộng đất ở Thái Bình. Người trong đoàn nói với ông
rằng từ nay trở đi, ông phải gọi mẹ là "Con địa chủ". Là
người miền Nam rất thẳng thắn, ông dứt khoát phản đối và
không chấp nhận cách gọi mất dạy đó. Ngày hôm sau, ông
được cho về Hà Nội. Về Hà Nội, ông trở thành một giáo
viên dạy tiếng Anh, và một trong những học trò của ông là
Nguyễn Dy Niên, người sau này trở thành Bộ trưởng Bộ ngoại
giao. Mỹ Điền nói với tác giả Trần Đĩnh rằng "Tôi đã ở
trong quân đội Bình Xuyên sau Cách mạng tháng 8. Tôi cũng đã
ở nội phủ cộng sản. Tôi thấy sao? Nội phủ phần lớn là
hoạn quan. Bình Xuyên phần lớn là dân anh chị. Phải công
bằng mà nói là dân anh chị lại quân tử, nói là giữ lời.
Hoạn quan thì không à nha." (Trang 304).

Một trí thức miền Nam khác là Phạm Trung Tương cũng bị đối
xử không tốt. Ông Tương từng làm cò cảnh sát, nhưng lại là
người có cảm tình với Việt Minh. Ông giúp Việt Minh trong
cuộc tổng khởi nghĩa và được ghi nhận công trạng. Sau đó,
ông được tập kết ra Bắc, rồi thất nghiệp do lí lịch đen.
Mỹ Điền thấy thương nên "tâu" với Ung Văn Khiêm về tình
trạng của Phạm Trung Tương, ông Khiêm giới thiệu cho ông
Tương về làm ở nhà xuất bản Ngoại văn, chuyên dịch sách
báo.

Sau 1975, ông Tương quay về quê Trà Vinh. Tỉnh uỷ Trà Vinh "đì"
ông rất tận tình. Nhà ông bị cắt điện, sống tối om. Bệnh
viện từ chối không điều trị cho ông. Một hôm, Lê Duẩn
xuống Trà Vinh nói chuyện cùng giới trí thức. Duẩn đứng
trên bục nhìn xuống thấy một người quen quen, ông bèn đi
xuống gặp ông Tương, rồi nói trước hội trường: Người con
ưu tú của miền Nam đây! Tối hôm đó, nhà ông Tương lập
tức có điện, và bệnh viện đến nói với ông rằng từ nay
luôn có một phòng cho ông đến điều trị bất cứ lúc nào.

Frida Cook là đảng viên Đảng cộng sản Anh, bà tình nguyện
sang Bắc VN làm giáo viên dạy tiếng Anh. Sau 1975, bà lại sang
VN, và nhờ Mỹ Điền dẫn đi thăm các trại cải tạo, đó là
thứ hiếm mà bà nói thế giới không có được. Đến cổng
trại, bà gặp một ông cụ, và hỏi sao ông vào đây. Ông cụ
trả lời rằng ông là viên chức chế độ VNCH. Bà Cook kêu
lên: "Ôi, tôi nghe giới thiệu thì toàn là những ác ôn!"

Khi VN sang chiếm Campuchea, bà Cook gửi trả VN những huy chương,
bằng khen mà VN đã từng trao cho bà trong thời chiến. Bà nói
"tôi từ lâu đã ngửi thấy ở họ một cái gì …". Nhưng bà
Cook không biết rằng cả chục năm trước, an ninh Việt Nam đã
cho rằng bà ấy là một gián điệp Anh được gửi sang VN để
phá hoại. Nhà nước VN gắn huy chương cho mụ ấy cốt để che
mắt và mò phá tuyến của mụ ấy (trang 303).

Đèn Cù còn đề cập đến Gs Trịnh Xuân Thuận, một nhà vật
lí thiên văn có tiếng qua những tác phẩm khoa học phổ thông.
Thân phụ ông Thuận là Trịnh Xuân Ngạn, từng làm việc trong
toà án dưới thời VNCH. Sau 1975, ông Ngạn bị chính quyền mới
bắt đi tù cải tạo. Ông Thuận nhờ chính phủ Pháp can thiệp
để cứu ông bố ra tù (Tran 315). Năm 2005, VN vinh danh ông Thuận
cùng 14 nhà khoa học Việt kiều khác ở nước ngoài. Nhưng
những người trong giới cầm quyền có lẽ chưa đọc cuốn
"Hỗn độn và hài hoà" mà trong đó ông Thuận viết rằng "Tôi
thông báo cái chết của chủ nghĩa duy vật biện chứng".

<h2>Quan hệ với Tàu</h2>

Tháng 2/1999, ông Lê Khả Phiêu (lúc đó là tổng bí thư) đi
thăm Tàu. Người ta ngạc nhiên vì sự chậm trễ này. Thường
thì sau khi ai đó nhậm chức tổng bí thư Tàu mời sang thăm nay,
còn đằng này, ông Phiêu nhậm chức từ năm 1997 mà mãi đến
1999 mới được mời sang thăm Tàu. Buổi tiếp đón không có
diễn văn, chỉ có hội đàm, rồi chiêu đãi, và hạ màn. Trong
buổi chiêu đãi, Giang Trạch Dân ca bài "Bông hồng nhỏ của
tôi", còn Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm thì hát bài
"Cây trúc xinh", có lẽ ý nói trúc mọc một mình, không cần
đến "bạn".

Tiền Kỳ Tham từng là phó thủ tướng Tàu có viết hồi kí,
và ông dành 2 chương để viết về VN. Trong đó có nói về
chuyến thăm của Lê Khả Phiêu. Theo hồi kí này, đoàn của ông
Phiêu chờ mãi chẳng thấy phía chủ nhà Tàu nói gì cả. Xem
lịch thì thấy 2 giờ chiều Giang Trạch Dân có lịch đón đoàn
VN, ông Phiêu bèn dẫn đoàn đến nơi, nhưng thật ra giờ đó
thì Giang tiếp thống đốc Hồng Kong, nên Tiền Kỳ Tham nói
đoàn ông Phiêu phải chờ đến 5 giờ chiều! Ông Phiêu đưa cho
họ Tiền một tờ giấy gồm một số chữ, và đề nghị Tiền
đưa cho Giang. Giang Trạch Dân mở ra đọc, đọc xong, lẳng
lặng vo lại và ném vào sọt rác. Giang lấy tờ giấy khác và
viết theo ý của y (Trang 354). Nghe nói Giang viết 16 chữ: "Sơn
thuỷ tương liên, lí tưởng tương thông, văn hoá tương đồng,
vận mệnh tương quan."

Nhận được giấy của Giang viết, ông Phiêu hỏi Tiền Kỳ Tham
tại sao không có chữ "bình đẳng" hợp tác như ông Phiêu nêu
ra. Tiền Kỳ Tham viết: "Tôi không trả lời Phiêu mà chỉ
cười và nghĩ thầm rằng, người lãnh đạo cao nhất như Phiêu
mà không hiểu nổi rằng xưa nay có bao giờ Việt Nam được
bình đẳng với Trung Quốc!" Nhưng khi về đến VN, đoàn ông
Phiêu mở cuộc họp báo và tuyên bố chuyến đi thăm Tàu là
"thành công tốt đẹp"!

Hồi kí của Tiền Kỳ Tham còn quan tâm đến văn học VN. Trong
hồi kí, họ Tiền nhắc đến các tác phẩm văn học VN bị
cấm lưu hành, trong đó có tập thơ của Nguyễn Duy. Họ Tiền
dẫn câu thơ của Nguyễn Duy:

<em>Điếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng;
Điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn.</em>

Nói chung đọc qua những trang trong Đèn Cù Tập II, chúng ta dễ
nhận ra rằng giới cầm quyền chẳng tin tưởng vào ai, kể cả
chính người của họ, còn kiều bào và người nước ngoài thì
chỉ là "hoa lá cành" cho họ mà thôi. Một điều cũng thể
hiện khá rõ nét là những gì mà giới lãnh đạo Tàu và Mĩ hay
nói về giới cầm quyền VN: đó là không đáng tin cậy, vì nói
một đằng làm một nẻo.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141217/nguyen-van-tuan-den-cu-tap-ii-tu-duy-doi-xu-voi-kieu-bao-va-quan-he-voi-tau),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét