Bình Lê - Chúng ta đã làm gì để giúp Việt Nam thoát thế kẹt?

Kết thúc bộ phim "Theo dòng sông băng – Chasing ice", nhà
hoạt động môi trường James Balog đã nói "25, 30 năm nữa, khi
Simone và Emily nhìn tôi và hỏi: Lúc biến đổi khí hậu xảy ra
thì bố đang làm gì, khi mà bố biết rõ điều gì sẽ xảy ra?
Tôi muốn mình có thể nói: Các con ạ, bố đã làm tất cả
những gì bố có thể làm". Chứng kiến những khó khăn về kinh
tế, suy thoái về đạo đức, và nguy cơ tụt hậu của quốc
gia, mỗi người dân Việt Nam cần hỏi: chúng ta đã làm gì?


<div class="boxcenter550"><img
src="http://dienngon.vn/Content/Blog/Articles/1424/vietnamnet2014.jpg" /><div
class="textholder">Ảnh: hoạt động "Tử Tế Là" do các nhóm sinh
viên và NGO tổ chức (nguồn: iSEE)</div></div>
<strong>
Từ bài học tự do hóa kinh tế</strong>

Năm 2014, kinh tế tuy đã có dấu hiệu hồi phục, nhưng những
nền tảng cơ bản để quay trở lại mức tăng trưởng 7-8% như
thời kỳ 2005-2006 chưa xuất hiện. Trình độ người lao động
chưa được cải thiện do nền giáo dục vẫn loanh quanh trong tư
duy áp đặt, cứng nhắc, giáo điều. Hệ thống ngân hàng chưa
minh bạch, nợ xấu, nợ công, nợ nước ngoài vẫn ở mức báo
động. Các doanh nghiệp tư nhân, cho dù có tạo ra 90% công ăn
việc làm và góp 60% GDP, vẫn lép vế so với người anh lớn
"kinh tế nhà nước" trong việc tiếp cận vốn, đất đai,
và đặc biệt là "hành là chính của bộ máy nhà nước".
Doanh nghiệp nhà nước vẫn đang ì ạch, tiêu tốn phần lớn
nguồn lực quốc gia nhưng không đảm nhận tốt vai trò chủ
lực. Nét sáng duy nhất là đầu tư nước ngoài, nhưng họ như
ốc đảo trong nền kinh tế Việt Nam, ngoại trừ việc tranh
thủ chính sách ưu đãi và nhân công giá rẻ để thu lợi
nhuận.

Những vấn đề này không phải bây giờ chúng ta mới biết, mà
thực ra đã được cảnh báo cách đây 10 năm khi kinh tế vẫn
đang trong thời kỳ tăng trưởng cao. Các chuyên gia trong và
ngoài nước đã chỉ ra những cải cách thể chế kinh tế theo
hướng kinh tế thị trường tự do hiện đại cần có nếu
Việt Nam muốn tiếp tục tăng trưởng bền vững. Tiếc rằng,
khi đó chúng ta vẫn hy vọng doanh nghiệp nhà nước đóng vai
trò chủ đạo cho dù kinh nghiệm thế giới cho thấy mọi quốc
gia muốn phát triển năng động và hiệu quả, doanh nghiệp tư
nhân mới là chủ đạo. Vai trò của nhà nước là kiến tạo
và quản lý vĩ mô, bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng
và thuận lợi hơn là can thiệp và điều hành trực tiếp.

Cuối năm 2014, Quốc hội thông qua Luật doanh nghiệp sửa đổi
như một sự khởi đầu mới cho nền kinh tế, đặc biệt
quyền tự do kinh doanh của người dân được bảo vệ và vai
trò của kinh tế tư nhân được coi trọng. Triết lý "người
dân được kinh doanh những gì pháp luật không cấm", nghe đơn
giản nhưng mất 25 năm từ ngày có Luật doanh nghiệp tư nhân
để biến điều đó thành hiện thực. Rõ ràng sức mạnh kinh
tế của Việt Nam là sức mạnh tổng thể chứ không phải của
riêng doanh nghiệp nhà nước. Ai tạo ra công ăn việc làm tốt,
ai sử dụng công nghệ và năng lượng sạch, ai bảo vệ môi
trường và cung cấp dịch vụ công tốt, thì đều xứng đáng
được khuyên khích phát triển.

<b>Áp dụng bài học kinh tế cho lĩnh vực xã hội </b>

Vụ nuôi trẻ ở chùa Bồ Đề, Hà Nội như một nhát dao cứa
vào hệ thống chăm sóc những người neo đơn, cơ nhỡ, mồ côi
ở Việt Nam. Chúng ta có một hệ thống các tổ chức quần
chúng hùng mạnh, nhưng sao người dân vẫn phải mang con để
vào cửa chùa? Chúng ta có hàng trăm Hội chuyên ngành nhưng sao
vấn đề đạo đức, môi trường và bạo lực vẫn diễn ra
hàng ngày? Chúng ta có công đoàn nhưng người công nhân vẫn
phải đình công "trái luật", và biểu tình tự phát đập
phá ở Vũng Áng và Bình Dương? Dường như có một khoảng
trống trong mô hình tổ chức xã hội hiện tại khiến chúng ta
cần một mô hình tổ chức xã hội mới năng động hơn, thực
chất hơn, và gần gũi với nhu cầu thiết thực của người
dân hơn.

Những năm gần đây có nhiều sáng kiến của thanh niên trong
việc bảo vệ môi trường, giúp bệnh nhân nghèo, hay quyên góp
quần áo và sách vở cho trẻ em dân tộc thiểu số vùng cao.
Nhiều tổ chức Phi chính phủ đang triển khai các hoạt động
chăm sóc người có HIV, chống bạo lực với phụ nữ, bảo vệ
quyền của người đồng tính, hay giúp trẻ em đường phố.
Đã đến lúc, chúng ta không cần phân biệt đâu là tổ chức
của nhà nước, đâu là tổ chức của tư nhân, và đâu là tổ
chức phi chính phủ nữa miễn là họ đóng góp cho sự phát
triển của xã hội. Chúng ta đã học được bài học "kinh
tế nhà nước, kinh tế tư nhân" thì chúng ta cũng nên học
bài học "tổ chức chính phủ, tổ chức phi chính phủ".
Đây cũng là kinh nghiệm quốc tế vì khi xã hội phát triển
nhà nước không thể giải quyết tất cả các vấn đề cho
người dân thì các tổ chức phi nhà nước sẽ chung tay làm.

<b>Và nền tảng khoa học cho đất nước phát triển</b>

Vụ ông Trần Quốc Hải được trọng dụng ở Campuchia thực
sự thách thức giới khoa học trí thức Việt Nam. Dù bất cứ
ở đâu, những người hoạt động trong lĩnh vực khoa học công
nghệ và xã hội nhân văn đều là những người khát khao tạo
ra cái mới, cái có ích cho xã hội. Họ cần một không gian tự
do để phát triển. Tiếc rằng, các trường đại học đang là
"công xưởng" cho ra lò các sinh viên mà các công ty tuyển
dụng luôn luôn phải đào tạo lại. Các viện nghiên cứu cả
khoa học tự nhiên, công nghệ lẫn khoa học xã hội và nhân
văn đang là những nơi "chạy dự án nghiên cứu" hơn là nơi
ấp ủ những ước mơ sáng chế. Không thể tạo ra cái mới,
cái có ích nếu không có một không gian tranh luận học thuật
tự do, nghiêm túc, nơi mà phần "khoa học" phải lớn hơn
phần "cán bộ".

Nhưng quan trọng hơn vụ ông Trần Quốc Hải đã đặt câu hỏi
lớn về văn hóa tôn trọng sáng tạo và cơ chế trọng dụng
nhân tài của đất nước. Một quốc gia, một công ty, hay một
tổ chức muốn phát triển phải huy động được sự góp sức
của người tài. Mà người tài có đóng góp hiệu quả hay
không phụ thuộc vào việc có hay không môi trường tự do, tôn
trọng và bình đẳng. Khoa học luôn luôn tạo ra cái mới, thách
thức cái cũ từ kỹ thuật, công nghệ, cho đến tư tưởng và
triết lý phát triển. Nếu không có văn hóa khoan dung, coi trọng
cái mới, các khác thì rất khó bứt phá tiến lên. Đây chính
là rào cản lớn nhất mà chúng ta cần gỡ, bắt đầu từ các
trường đại học, các cơ quan nghiên cứu, và các tổ chức
khoa học công nghệ tư nhân và độc lập. Nếu không chúng ta
sẽ thiếu nền tảng khoa học công nghệ, triết lý đúng đắn
để phát triển.

<b>Thay cho lời kết</b>

Chúng ta đã mất 25 năm để cho phép người dân kinh doanh những
gì nhà nước không cấm. Tuy có muộn nhưng những nỗ lực của
doanh nhân, của Bộ kế hoạch đầu tư, và của Chính phủ đã
biến điều đó thành hiện thực. Giờ đây, chúng ta biết
việc giải quyết các vấn đề môi trường, văn hóa, và xã
hội sẽ không xuể nếu tiếp tục duy trì hệ thống xã hội
như hiện tại. Chúng ta biết nếu không đẩy mạnh tự do học
thuật và phát triển cơ chế tuyển chọn và trọng dụng
người tài, chúng ta không thể phát triển nhanh và bền vững.
Hiến pháp 2013 được thông qua với điểm nhấn bảo vệ quyền
con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do hiệp
hội, quyền tiếp cận thông tin. Đây là cơ sở để chúng ta
đổi mới, tạo môi trường phát triển một xã hội năng
động bên cạnh một nền kinh tế thị trường hiện đại.
Nhưng quan trọng hơn, mỗi người dân Việt Nam cần hành động
tạo ra thay đổi để sau này con cháu có hỏi mình đã làm gì
trước khó khăn của đất nước, có thể không xấu hổ trả
lời: bố/mẹ đã làm hết sức mình các con ạ.




***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141223/binh-le-chung-ta-da-lam-gi-de-giup-viet-nam-thoat-the-ket),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét