Điếu Cày: Hãy xếp lại quá khứ, xếp sự khác biệt, để cùng đấu tranh

<strong>Trường quay của đài SBTN trưa Thứ Sáu chật ních
người, bởi sự có mặt của đông đảo đồng hương, cùng
các hội đoàn, và hầu hết dân cử từ cấp địa phương
đến tiểu bang, liên bang đến tham dự buổi hội luận với
nhà báo blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, người vừa bị nhà
cầm quyền Cộng Sản Việt Nam áp giải khỏi nhà tù và đẩy
ra phi trường, đến thẳng Hoa Kỳ cách đây 10 ngày.</strong>

Sự xuất hiện lần đầu tiên này của Blogger Điếu Cày
trước công chúng Orange County ở miền Nam California do đài
truyền hình SBTN và Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do phối hợp tổ
chức thật sự thu hút sự theo dõi của những người có mặt
bởi những vấn đề, câu hỏi được đặt ra cùng cách trả
lời thẳng thắn, thông minh và không kém phần tinh tế, nhiều
cảm xúc của Điếu Cày.



<center><img
src="http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/articlefiles/197515-Dieu-Cay-SBTN-01-400.jpg"
width="560" /></center> <center><em>Nhà báo, blogger Điếu Cày Nguyễn
Văn Hải tại buổi hội luận cùng </em><em>đồng hương và
giới truyền thông tại đài SBTN. (Hình: Ngọc Lan/Người
Việt)</em></center>


<center><strong>***</strong></center>

Trong dáng vẻ tự tin, bằng giọng nói rõ ràng và nụ cười
dễ mến, lời chào đầu tiên của Blogger Điếu Cày gửi đến
đồng hương đã gây nhiều xúc động.

Ông nói, "Tôi đã trải qua 6 năm 6 tháng 2 ngày trong 11 nhà tù
cộng sản. Suốt thời gian ấy, tôi mơ ước giây phút được
ngồi quây quần với gia đình, với những món ăn gia đình thanh
đạm, quen thuộc và nghe thấy giọng cười tiếng nói của vợ
và các con tôi. Nhưng từ trại tù ra thẳng phi trường, tôi đã
không đạt được giấc mơ ấy. Tuy nhiên, bữa cơm tự do đầu
tiên của tôi tại vùng đất này là do đứa con gái yêu thương
của tôi nấu, cháu rất ít nói nhưng trong những ngày tới tôi
biết tôi không đơn độc."

Cũng trong những lời chân tình này, ông nhắc đến kỷ niệm
về một đồng hương nhận ra ông trên phố, "ái ngại dúi
vào tay tôi món quà nhỏ bé đầy tình người. Tôi xúc động
đón nhận món quà quý báo dành cho người tù xa lạ. Tôi thấy
hình ảnh đẹp đẽ đó của cộng đồng người Việt hải
ngoại."

Và từ hành động đó, Điếu Cày nhận ra "Tôi biết tôi
không cô đơn bên cạnh những đồng hương của tôi trên đất
nước Hoa Kỳ."

Đại diện tổ chức Nhân Quyền Human Rights Watch và các Dân
biểu Liên bang Alan Lowenthal, Giám sát viên Janet Nguyễn, Thượng
nghị sĩ tiểu bang Lou Correa, cựu Dân biểu tiểu bang Jose Solorio
và Dân biểu tiểu bang Sharon Quick-Silva đã dành những lời tốt
đẹp nhất để vinh danh, ca ngợi về sự dấn thân cho tự do,
dân chủ và nhân quyền của nhà báo, blogger Điếu Cày.

Rất nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề được Luật Sư Đỗ
Phủ, phó Tổng giám đốc SBTN và Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, thư
ký Hội đồng quản trị SBTN, đại diện bao tổ chức đặt ra
với Điếu Cày. Bên cạnh đó đồng hương từ khắp nơi cũng
gửi những câu hỏi trực tiếp đến ông Hải.

Liên quan đến việc chọn nơi định cư sắp tới, ở Canada hay
Hoa Kỳ, Điếu Cày cho biết, "Khi mới sang con gái tôi ở Canada
muốn tôi về đó ở để cháu chăm sóc. Nhưng khi xuống sân
bay, được cộng đồng ở đây tiếp đón rất nồng nhiệt,
chân tình và sau đó gặp bạn bè trong giới truyền thông thì
cũng đạt được nhiều sự đồng thuận về việc liên kết
truyền thông ở đây. Cho nên tôi quyết định ở lại đây
để chung tay góp sức với đồng bào khu vực Cali này đấu
tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam."

"Anh có thuộc về một tổ chức hay đảng phái nào hay
không?" Luật sư Đỗ Phủ hỏi.

"Tôi chỉ có một tổ chức duy nhất là CLB Nhà Báo Tự Do.
CLB Nhà Báo Tự Do trong vai trò truyền thông là một tổ chức
độc lập không liên quan đến các đảng phái chính trị nào.
Nhưng là một cơ quan truyền thông, chúng tôi sẽ góp sức để
kết nối thông tin để đưa tất cả tiếng nói của mọi
người, mọi tổ chức xã hội lên trên hệ thống truyền thông
để giúp tiếng nói của họ đi xa hơn mạnh hơn. Đó là điều
chúng tôi làm."

Về thắc mắc, "Trong những ngày qua có những lời kết án
rằng khi anh được đồng bào đón tiếp tại phi trường, anh
đã không nhận lá cờ vàng. Một số người kết luận rằng
anh từ chối đứng vào hàng ngũ của cộng đồng người Việt
tự do hải ngoại," Điếu Cày nêu suy nghĩ: "Trước tiên lá
cờ một biểu tượng, chúng ta đấu tranh là vì mục tiêu tự
do dân chủ, không phải đấu tranh vì biểu tượng của lá cờ.
Vì biểu tượng có thể thay đổi nhưng mục tiêu đấu tranh
thì không thay đổi. Lá cờ vàng có từ thời nhà Nguyễn, đó
là lá cờ tổ quốc, đại diện cho những quyền tự do dân
chủ. Còn cờ đỏ sao vàng là biểu tượng cho một chế độ
độc tài."

"Nếu có một lá cờ nào đại diện cho những quyền tự do,
dân chủ, cho những quyền lợi tự do dân tộc tổ quốc thì
tôi sẵn sàng đứng dưới lá cờ đó để đấu tranh cho mục
tiêu đó. Không riêng gì cá nhân tôi mà tất cả chúng ta trong
nhu cầu kết nối tạo sức mạnh tổng hợp, thì hãy cùng nhau
đứng dưới một ngọn cờ để đấu tranh cho quyền lợi dân
tộc, đất nước. Tôi hy vọng khi chúng ta đoàn kết được,
chúng ta sẽ chọn ra những biểu tượng xứng đáng nhất cho
mình. Nếu 90 triệu người dân Việt Nam đồng thuận rằng lá
cờ từ thời nhà Nguyễn để lại cho chúng ta là lá cờ của
dân tộc và chúng ta nhất trí đứng chung như thế thì chúng ta
không cãi nhau nữa." Ông Hải nói thêm.

<strong>***</strong>

Nhà báo Lý Kiến Trúc ở Little Saigon gửi câu hỏi, "Trong bối
cảnh chính trị nhân văn phức tạp của cộng đồng Việt hải
ngoại và các nhà đấu tranh dân chủ, những thành phần cấp
tiến trong nước, sự tiếp cận còn rất nhiêu khê, còn bị
bưng bít và dễ bị 2 phía chụp mũ. Ông sẽ giải quyết sự
bế tắc này bằng cách nào?"

Blogger Điếu Cày trình bày, "Mục tiêu của tôi sang đây là
vì tôi đã nhìn thấy rõ khuyết tật của truyền thông Việt
Nam. Bởi vậy, tôi sang đây là để làm việc kết nối truyền
thông trong và ngoài nước để đẩy mạnh làn thông tin trao
đổi giữa hai bên. Khi thông tin cân bằng thì sự thấu hiểu,
thông cảm giữa hai cộng đồng trong và ngoài nước dễ dàng
hơn, từ đó dẫn đến việc hàn gắn, xây dựng tình đoàn
kết trong ngoài."

Ông Lý Tống từ miền Bắc California nêu vấn đề, "Nhiều
người nghĩ là Việt Cộng cứ tống hết những người chống
Cộng vào tù thì sẽ không còn ai chống Cộng tại quốc nội.
Tôi lại nghĩ nếu dân chúng tin rằng việc chống Cộng của
mình sẽ được các cường quốc và tổ chức trên thế giới
chống lưng, như trong vụ Điếu Cày, thì sẽ có nhiều người
đứng lên chống Cộng để được đi qua Mỹ miễn phí. Quan
điểm này anh trả lời ra sao?"

Điếu Cày chia sẻ, "Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam
phát biểu rõ là họ không thả tôi mà chỉ là tạm ngưng thi
hành án thôi. Còn Bộ ngoại giao Hoa Kỳ thì yêu cầu Việt Nam
thả tôi ra vô điều kiện, dù tôi ở Việt Nam hay đi sang Hoa
Kỳ. Cho nên việc tôi sang đây không như anh Lý Tống nghĩ và
cũng xin cộng đồng nơi đây hiểu rõ câu mà Bộ ngoại giao
Việt Nam đã phát biểu. Họ không thả tôi mà chỉ tạm ngưng
thi hành án thôi. Cho nên sự lựa chọn của tôi là như quý vị
đã thấy rồi."

Với câu hỏi của ông Lê Khắc Lý về việc "Việt Nam có
thể có những cuộc biểu tình như Hồng Kông không?" Điếu
Cày trả lời rằng, "Chúng ta muốn có một cuộc tập họp
một triệu người xuống đường thì đầu tiên chúng ta phải
có sự kết nối và việc đầu tiên để kết nối là truyền
thông. Có truyền thông, chúng ta có một triệu người xuống
đường, có một triệu người xuống đường, chúng ta có như
Hồng Kông. Khi tư duy thay đổi thì hành động thay đổi. Hồng
Kông làm được thì chúng ta cũng làm được."


<center><img
src="http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/articlefiles/197515-Dieu-Cay-SBTN-02-400.jpg"
width="560" /></center>
<em>Blogger Điếu Cày trong vòng tay đồng hương hải ngoại.
(Hình: Ngọc Lan/Người Việt)</em>


Blogger Điếu Cày liên tục nhận được những tràng vỗ tay tán
thưởng của đồng hương từ những câu trả lời của ông.

Khi một độc giả ở San Jose nêu vấn đề "Liệu ông có
để cho vấn đề cơm áo gạo tiền hay áp lực chính trị nào
đó mà đi vào vết xe của Luật sư Trần Quang Thành, một luật
sư mù đấu tranh cho tư do ở Trung Quốc nhưng sau một thời gian
ngắn bị trục xuất qua Mỹ đã mất hút và chìm xuồng," thì
ông Nguyễn Văn Hải nói một cách khẳng khái: "Trong suốt
những ngày đấu tranh ở Việt Nam, mặc dù bị đàn áp chúng
tôi vẫn không sợ, vẫn đấu tranh. Thứ hai khi chúng tôi biểu
tình chống Trung Quốc về vấn đề Hoàng Sa -Trường Sa bị
đàn áp dữ dội, không cuộc biểu tình nào không bị đánh,
bị bóp cổ đến ngất đi rồi bị đưa vào đồn công an để
làm việc, nhưng chúng tôi vẫn đấu tranh. Trong suốt 6 năm 6
tháng 2 ngày trong tù tôi cũng chưa một lần ngừng đấu tranh.
Vậy tại sao khi tôi sang Hoa Kỳ, một đất nước tự do, tự do
trên internet mà chúng tôi là người đấu tranh trên mạng
internet, mà lại ngừng đấu tranh?"

Trả lời câu hỏi của khán giả Huy Phương là "Ông có nghĩ
chính phủ CSVN đưa ông qua Mỹ để vô hiệu hóa ông hay không?
Việc đấu tranh của ông ở trong nước hay ngoài nước thuận
lợi hơn?" nhà báo Điếu Cày lập luận, "Trong môi trường
nào cũng đấu tranh. Ở ngoài xã hội tôi đấu tranh trong vai
trò một nhà báo. Vào trong tù tôi đấu tranh trong vai trò
người tù. Mỗi người khi vào những môi trường khác nhau
phải chuẩn bị sẵn cho mình những dự án khác nhau để hành
động trong môi trường đó. Đây là môi trường thuận lợi
về truyền thông và chúng tôi có lợi thế về truyền thông ở
trong nước. Tôi ra ngoài này tôi sẽ thực hiện được nhiều
việc lợi hơn trong nước thay vì tôi phải nằm trong tù cho
đến hết ngày hết tháng mà không phục vụ được gì cho
đồng bào."

Câu trả lời này cũng nhận được nhiều tiếng vỗ tay ủng
hộ.

"Cảm nhận đầu tiên về truyền thông Việt Nam trên đất
Mỹ?" Việt TV hỏi.

Điếu Cày trả lời, "Tôi chưa được đi nhiều, chỉ mới
đến thăm anh em SBTN và anh em báo Người Việt và một số báo
chí khác. Điều cảm nhận của tôi là anh em truyền thông hải
ngoại rất năng động và sáng tạo và đang sử dụng những
công nghệ tiên tiến nhất."

Cũng trả lời câu hỏi của Việt TV liên quan đến "không
khí tranh cử ở đây", ông Điếu Cày nói, "Suốt ngần ấy
năm tôi sống trong chế độ cộng sản chưa bao giờ tôi được
bầu cho người mà tôi được chọn cả vì đất nước Việt
Nam là đất nước của Đảng cử dân bầu."

"Hôm nay tôi đi sang đây sắp tới mùa bầu cử của Hoa Kỳ
và tôi thấy quý vị ở đây cộng đồng ở đây được tự
đưa ra ý kiến của mình, sự lựa chọn của mình để chọn ai
là người đại diện cho quý vị và đó là điều hạnh phúc
nhất. Khi quý vị đã có người đại diện tốt rồi thì
đương nhiên quý vị có quyền đề đạt người đại diện
của quý vị có tiếng nói với Quốc hội Hoa Kỳ với chính
phủ Hoa Kỳ để tăng cường áp lực lên chính quyền cộng
sản Việt Nam để thúc đẩy nhân quyền, tự do dân chủ ở
Việt Nam và đó là điều tôi rất mong muốn." Ông nhắn nhủ.

Câu trả lời của nhà dân chủ vừa bị "trục xuất" này
liên quan đến bà Dương Thị Tân, vợ cũ của ông, khiến
nhiều người xúc động.

Ông nói một cách đằm thắm, "Những người đấu tranh cho
dân chủ ở Việt Nam bị đàn áp rất khốc liệt. Vì vậy
trước khi bước vào con đường đấu tranh, tôi đã tự xây
một bước tường để ngăn cách giữa tôi và gia đình. Điều
đó nhằm để bảo vệ gia đình và vợ con tôi. Về mặt pháp
lý bà Dương Thị Tân không còn là vợ tôi nữa nhưng về mặt
tình cảm, trong tim chúng tôi vẫn có nhau." Bàn tay ông đặt
lên trái tim khi trả lời khiến nhiều người đưa tay lau nước
mắt.

"Trước đây anh là bộ đội và ngay tại đây lại có nhiều
người từng là sĩ quan VNCH. Nếu cần phải nói với họ điều
gì thì anh sẽ nói gì?" Một khán giả từ Washington đặt vấn
đề.

"Tôi muốn nói thế này, ở miền Bắc đến tuổi không đi
bộ đội thì cũng bị bắt. Đi qua một cuộc chiến tôi đã
thấy nhiều điều đau khổ trên quê hương đất nước này.
Tôi từng thấy một bà mẹ Việt Nam từng đặt lên bàn thờ di
ảnh của hai con mình ở hai chiến tuyến khác nhau. Mất mát
nhất thuộc về người Mẹ Việt Nam. Nhà thơ Nguyễn Duy có nói
'Bên nào thắng thì nhân dân đều bại.' Còn chúng ta vì lý do
này hay lý do kia từng đứng ở hai đầu chiến tuyến và tôi
cũng muốn nói đến các vị cựu chiến binh từng tham chiến
tại Việt Nam cũng như vậy thôi. Bây giờ là lúc chúng ta hàn
gắn dân tộc Việt Nam. Bây giờ cũng là lúc bắt tay vào hợp
tác và phát triển với bạn bè trên cộng đồng quốc tế. Vì
vậy chúng ta hãy xếp lại quá khứ, xếp lại sự khác biệt
để cùng đấu tranh vì một mục đích vì tương lai của dân
tộc. Còn những chính quyền đã đem lại sự đau khổ cho
người dân thì giờ mọi người cũng đã nhận rõ và bây giờ
chúng ta đấu tranh vì một tương lai Việt Nam đoàn kết, hòa
hợp và phát triển."

<center>***</center>

Buổi hội luận kết thúc sau hai tiếng đồng hồ liên tục.

Ngoài nhiều vị dân cử, đại diện một số hội đoàn ra về
trước, còn lại là đồng hương.

Nhiều người không có chỗ ngồi, vẫn đứng đến phút chót,
để nghe cho trọn vẹn những điều Blogger Điếu Cày tâm sự,
để sau cùng, được đến gần ông, cầm lấy tay ông, chụp
cùng ông một tấm hình, như một nghĩa cử của sự ngưỡng
mộ một người dấn thân, quên mình vì tự do, dân chủ và
nhân quyền cho Việt Nam.

---




***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141101/dieu-cay-hay-xep-lai-qua-khu-xep-su-khac-biet-de-cung-dau-tranh),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét