Hiền Lương - Nợ công, phí xe máy và con đập bị vỡ

Con đập bị vỡ làm gia tăng nợ công. Nợ công thúc đẩy
việc thu phí xe máy trong hàng trăm thứ thuế khác. Tưởng là
ba, nhưng thực ra là một. Nó hình thành bởi chính sự thờ ơ
của người dân trong việc giành quyền làm chủ của mình, từ
sự vô trách nhiệm, vô liêm sỉ của những người đứng đầu
Chính phủ, Quốc hội cho đến xã, huyện, tỉnh…

<center><img src="http://www.danluan.org/files/u5311/vo_dap.jpg" width="400"
height="250" alt="vo_dap.jpg" /></center>

<strong>Con đập vỡ và nợ công</strong>

Việt Nam bắt đầu vào mùa mưa lũ. Cũng là thời điểm mà
nhiều người dân sống ven sông, vùng hạ lưu, cạnh đê đập,
thủy điện phải nơm nớp lo sợ.

Lo sợ vì sự khắc nghiệt của thiên tai, nhưng trên hết là
nỗi lo chất lượng các công trình công ấy… Bởi bấy lâu
nay, vấn đề rút ruột trong các công trình xây dựng cơ bản
gần như là điều hiển nhiên.

Năm 2012, một đập bê tông dài 60m, cao 20m của thủy điện Đak
Mek 3 bị một xe tải tông đổ sập hoàn toàn.

Năm 2014, 5.000 người dân thuộc thị trấn Đầm Hà (huyện
Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) bị cô lập khi sáng ngày 30/10, đập
phụ số 2 của đê Đầm Hà bị vỡ.

Bên cạnh việc thiếu chủ động điều tiết nước nhằm đảm
bảo an toàn hồ chứa, đập khi mưa lũ dâng cao thì chất
lượng công trình là nguyên nhân chính yếu nhất của sự vụ.

Được khởi công vào tháng 4/2006, đến tháng 12/2011 thì hoàn
thành. Nghĩa là chưa được 3 năm. Số vốn đầu tư đập lên
đến 500 tỷ đồng, lấy từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ
và ngân sách địa phương.

"Vụ việc trên cho thấy lỗ hổng trong quản lý xây dựng
đập hồ. Vỡ đập tức là đập này sẽ không còn trữ
nước, trong khi mùa màng đang tới". Ông Hoàng Văn Thắng,
Tổng cục trưởng Thủy lợi khẳng định trong cuộc trao đổi
với báo Vnexpress.

Dù không phải nói ra, nhưng ai cũng biết rằng cái "lỗ
hổng" đó chính là thất thoát đầu tư công, tham nhũng trong
quá trình xây dựng các công trình cơ bản như đập phụ số 2.

"Lỗ hổng" đó cũng góp phần dẫn đến các vụ việc
tương tự như Cao tốc Nội Bài - Lào Cai bị nứt sau ngày khánh
thành, đường Uông Bí - Hạ Long vừa thông xe đã lún (2.800
tỷ); hạng mục vỉa hè trị giá 2 tỷ đồng nằm trong dự án
đường vành đai 1, đoạn Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu (975 tỷ
đồng) bị lún nứt, gãy vỡ, bó vỉa sau vài ngày sử dụng;
cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình lún nứt sau 5 tháng thông xe
(8.974 tỷ đồng); cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây (28.000
tỷ) bị lún nứt; Cầu Vĩnh Tuy lún nứt (5.500 tỷ đồng)…

Điệp khúc "nứt, lún, sụp" trong các công trình xây dựng
từ nguồn vốn vay/ ngân sách (hàng trăm ngàn triệu tỷ đồng)
chính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình
trạng nợ công như hiện nay.

Cuối năm 2013, nợ công bằng 54,2% GDP (trong đó nợ Chính phủ
42,3%, nợ Chính phủ bảo lãnh 11,1%, nợ của chính quyền địa
phương 0,8%) và nợ nước ngoài của quốc gia bằng 37,3% GDP.
Thì dự kiến cuối năm 2014 nợ công khoảng 60,3% GDP (trong đó
nợ Chính phủ 46,9%, nợ Chính phủ bảo lãnh 12,6%, nợ của
chính quyền địa phương 0,8%) và nợ nước ngoài của quốc gia
bằng 39,9% GDP.

Các chỉ tiêu này được bên chính phủ tuyên bố là "nằm
trong giới hạn cho phép theo nghị quyết của Quốc hội." bởi
nó tính theo cách của… Việt Nam. Còn theo chuẩn quốc tế thì
nợ đó đã vượt quá ngưỡng cho phép từ rất lâu.


<strong>"Nợ công và phí xe máy"</strong>

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phùng
Quốc Hiển, thừa nhận thực trạng tính ảo trong nợ công
hiện nay, theo đó, "nếu tính đủ các khoản thì nợ công đã
chạm mức giới hạn theo nghị quyết của Quốc hội là 65%.
Hơn nữa, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với
tổng thu ngân sách năm 2014 ước đạt 25,9% và sang 2015 dự
kiến ở mức 31,9%. Điều này hàm ý rằng, nghĩa vụ trả nợ
trực tiếp của Chính phủ đã vượt mức quy định là 25%. "

Đó là hệ quả của việc bỏ rơi kiểm soát và quản lý có
hiệu quả nguồn vốn vay cho các dự án đầu tư công bấy lâu
nay.

Trong buổi họp Quốc Hội sáng ngày 30/10, đại biểu Lê Thị
Nga đã cho rằng: "Hiện có tâm lý thích dùng ODA, mà chưa có
nhận thức đúng về những hệ lụy của nguồn vay này".

Chưa nhận thức được có nghĩa là vay xài thoải mái, không
tính toán, không kiểm soát nguồn vốn. Do đó, nợ ngày một
tăng, trong khi khả năng trả nợ ngày một thấp. Và để đối
phó với nợ công hiện nay, ở bên ngoài, chính quyền tiến
hành vay tiếp để đảo nợ, ở trong nước thì gia tăng xuất
khẩu tài nguyên, và tăng các loại phí thuế lên đầu người
dân để trả nợ.

Ngày 1/11/2014, chính thức thu phí sử dụng đường bộ với xe
máy, theo thông tư 133/2014/TT-BTC của Bộ Tài Chính. Theo đó,
mức thu đối với xe máy dung tích dưới 100cm3 là 50.000
đồng/năm, xe từ 100-175cm3 là 120.000 đồng/năm và xe có dung
tích trên 175cm3 là 150.000 đồng/năm.

Cùng với phí đường bộ, thuế, qua xăng dầu…, nay người
dân tiếp tục è mình để nộp khoản phí mới. Một hình thức
lạm thu từng được báo giới chính thống đề cập với tần
suất dày đặc trong những năm qua.
Không nhiều người hiểu rằng, mình buộc phải nộp phí đó
chính là vì sự kém hiệu quả của nhà nước trong việc quản
lý, kiếm soát nguồn vốn vay. Họ (người dân) buộc phải nộp
thuế, phí chồng phí để "bù đắp" cho ngân sách đang bội
chi lên đến 4,5-5,3% trong nhiều năm liền nhưng hiệu quả đem
lại không tương xứng. Chi trả cho việc "tiêu hoang" của
doanh nghiệp nhà nước với mức vay nợ lên đến 1,6 triệu tỷ
USD. Buộc phải giữ mức lương cơ bản, trong tình trạng vật
giá leo thang chóng mặt, buộc phải chịu cái "khuất" của
nhà nước trong quỹ bảo hiểm… để "đảm bảo duy trì"
nguồn vốn cho các ông lớn liên kết trong ngoài nhằm tham nhũng
công…

20 triệu đồng nợ công, hàng trăm thứ phí thuế, là những gì
mà người dân "xứng đáng" hưởng trong hiện tại.


<strong>"Chung cha không ai khóc"</strong>

Nợ công tưởng như to tát, nhưng nó chính là phí thuế xe máy
hàng ngày. Một người dân có thể sửng sốt với phí xe, nhưng
lại thờ ơ với vấn đề nợ công.

Họ (người dân) không hiểu về sự liên quan giữa nợ công
với phí thuế? Hay là họ đang tìm cách chối bỏ điều đó?

Cái điều mà họ cho rằng, vấn đề to tát, vĩ mô đó, để
cho mấy ông lãnh đạo (Đảng, Nhà nước) lo.

Họ vẫn cặm cụi kiếm từng đồng qua ngày để nộp phí
thuế, để chứng tỏ mình là một người yêu nước, một công
dân tốt.

Nhưng mấy ai biết, đồng phí thuế mà họ đổ mồ hôi, sôi
nước mắt làm ra lại được một số kẻ, một nhóm người
nhân danh lãnh đạo Đảng, nhà nước tiêu hoang. Trong đó, có
nhóm lợi ích mang tên "Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng".

Nó không còn là nguồn phí thuế để "Góp phần xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc" như những tranh ảnh cổ động, bảng
hiệu tuyên truyền được đặt dày đặc trên các tuyến
đường khắp mọi miền đất nước nữa. Mà góp phí, thuế
đó để "sửa sai" cho chính lối làm ăn vô trách nhiệm của
các quan chức Việt Nam, để cung cấp cho sự tham nhũng vô tội
vạ của thể chế. Mà ở đó, "nhân dân" được đôn lên
"làm chủ", nhưng lại chỉ có hư quyền, trong khi "nghĩa
vụ" nộp các khoản tiền nuôi bộ máy ngày một lớn, và kém
hiệu quả lại là thật.

Trong 90 triệu con người, ai lo nỗi lo riêng nhưng mà chung đó?

Trong khi, đất nước và nguồn lực vẫn bị các con buôn chính
trị vắt kiệt. Sự tự ái, sĩ diện đối với một công chức
mẫn cán, có tâm, có tài với quốc gia dường như ít thấy
tồn tại ở những người lãnh đạo đất nước Việt Nam này.
Tư duy vùng miền, tư duy cục bộ, tư duy nhiệm kỳ là tất cả
những gì đặc trưng khi nói đến cán bộ Việt Nam.

Vì thế, càng lên cao, họ càng trở nên vô liêm sỉ, với chính
đồng bào người Việt, với chính mảnh đất Việt này.
Giống như một kẻ ở trọ thuê, họ sẵn sàng bòn rút mọi
thứ, nếu vỡ nợ, họ đã có thẻ xanh, thẻ đỏ và nguồn
tài sản khổng lồ ở nước ngoài để di tán. Vì ngay trong
thời điểm hiện tại, nhận thức của những quan chức nhà
nước chỉ tóm gọn trong câu, "sống chết mặc bay".

Điều đó không phải viễn tưởng, nó là thực tế. Vì ngay
từ ông Chủ tịch Quốc hội, người vốn đang "suy tư, lo
lắng" về nợ công thời gian gần đây, cũng từng phát biểu
những vô trách nhiệm: "Quốc hội tức là dân, dân quyết sai
thì dân chịu, chứ kỷ luật ai".

Hay câu nói trước đó "Tai nạn xảy ra là điều không ai mong
muốn, song đừng đề cập đến trách nhiệm thuộc về ai,
ngành nào, mà trách nhiệm thuộc về toàn dân" của ông
Nguyễn Đạt Tường, TGĐ Tổng công ty đường sắt Việt Nam.

Đòi hỏi trách nhiệm thực đối với việc quản lý nguồn
đầu tư công trước và sau dường như là một điều viển
vông, dù bản thân người Việt và các quan chức đang sống ở
"thiên đường" Xã hội chủ nghĩa.

Ngay cả lời tuyên bố "Chịu trách nhiệm trước nhân dân"
của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ là câu nói vỗ
về những kẻ mộng tưởng, ngây thơ, trước khi ông ta hạ
cánh.

Có vẻ như thể chế đang thử sức giới hạn chịu đựng của
người Việt Nam.

Nợ công, phí xe máy, con đập vỡ. Rồi sẽ còn gì nữa?

Sức chịu đựng của một dân tộc sẽ đến mức độ nào, mà
nơi đó, người dân nhiều năm liền được cho là "hạnh
phúc, lạc quan nhất thế giới"?

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141101/hien-luong-no-cong-phi-xe-may-va-con-dap-bi-vo),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét