“Chấn hưng dân trí”: Xin hãy bắt đầu từ cùng nhau suy nghĩ!

<b><i><u>Phỏng vấn của Bauxite Việt Nam (BVN) dành cho ông Nguyễn
Trung</u></i></b>

<b><i>BVN</i></b>: Chào ông. <i>BVN</i> được biết gần đây ông
có kiến nghị với Giáo sư Nguyễn Huệ Chi việc <i>BVN</i> nên
xây dựng một chuyên đề về vấn đề <b><i>chấn hưng dân
trí</i></b>. Mong ông cho biết vì sao ông đề xuất ý kiến như
vậy, nhất là đây là vấn đề tuy rất thời sự nhưng không
mới, được nói tới từ không biết bao nhiêu năm nay và ở
mọi nơi trên các diễn đàn "lề phải" cũng như "lề
trái" trong/ngoài nước.

<b><i>Nguyễn Trung</i></b> (<b><i>NT</i></b>): Xin cảm ơn <i>BVN</i>
biệt đãi dành cho tôi cuộc phỏng vấn "mở màn" này. Vâng,
vấn đề này không mới, nhưng vẫn còn mới nguyên cho đến
hôm nay như đã từng được đặt ra từ thời Phan Châu Trinh.
Cụ Phan đặt vấn đề khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân
sinh là con đường sống của đất nước. Tổng hợp cả 3 yêu
cầu, mục mới này trong <i>Bauxite Việt Nam</i> (<i>BVN</i>) được
mang cái tên chung là "<b><i>Chấn hưng dân trí</i></b>". Cái
trạng thái đã hơn một thế kỷ trôi qua mà vấn đề vẫn còn
"mới nguyên" như thế ray rứt tôi khủng khiếp. Nhất là
theo tôi, việc chấn hưng dân trí ở nước ta chưa làm được
như mong muốn. Cứ có một bước ngỡ đi lên chút ít thì tiếp
theo lại hai ba bước lùi. Có lẽ đấy là <i>một</i> trong
những nguyên nhân hàng đầu gây nên biết bao nhiêu chuyện long
đong của đất nước trên con đường đã qua. Hiện nay đang
tiếp diễn như thế. Và sẽ vô cùng bất hạnh cho đất nước
nếu… sắp tới vấn đề này vẫn cứ "mới nguyên" như
thế.

<b><i>BVN</i></b>: Thưa ông, để làm rõ câu chuyện, trước hết
xin vui lòng nói rõ cho, nghĩ như vậy là ông đổ lỗi cho
"quan" hay cho "dân"?

<b><i>NT</i></b>: Vâng, để cho đỡ dài dòng và tiện cách nói,
xin dùng ngay khái niệm "quan" của câu hỏi với nghĩa là
người có trách nhiệm trong giới cầm quyền, và khái niệm
"dân" của câu hỏi với nghĩa là quảng đại dân chúng.
Đặt vấn đề như vậy, tôi xin được phép quy lỗi cho cả hai
bên. Quy lỗi như vậy, không phải là tôi có quyền cao chức
trọng kiêu sa gì. Tôi chỉ nghĩ như vậy, nên xin nhận xét
thẳng ra vậy thôi. Vì tôi là dân, nên trong thâm tâm tôi mong
mục này của <i>BVN</i> chủ yếu là nơi mang tiếng nói của
dân.

<b><i>BVN</i></b>: Nhưng quy kết cả hai "bên" cùng có lỗi là
ông muốn cào bằng cả "quan" và "dân" có phải không ạ?
Dân mình xưa kia vẫn được tiếng là hiền lành chất phác,
dễ bảo ban, có phải không ông? Vậy thì "quan trí" ở đây
mới có vấn đề chứ?

<b><i>NT</i></b>: Nặng/nhẹ "lỗi" của mỗi "bên" có thể
khác nhau trên từng phương diện. Song tôi nghĩ nét khái quát
là: Ở "quan", nói chung tâm và tầm đều quá thấp so với
trách nhiệm của họ và so với những vấn đề vận mệnh của
đất nước đang đặt ra, nổi bật nhất là không đủ bản
lĩnh nhìn thẳng vào sự thật để nhận trách nhiệm cá nhân
những việc sai trái, do đó nặng về tìm cách kìm hãm tiếng
nói của dân. Ở "dân", lỗi nổi bật nhất có lẽ là tâm
lý thụ động và cái sợ cố hữu trong mối quan hệ "quan"
– "dân", phần nào trong đó có mối lo muôn thuở nhưng
chính đáng là "<i>đấu tranh – tránh đâu?</i>" trong thể
chế chính trị xã hội của nước ta hiện nay.

Sự thật là đã 4 thập niên đất nước độc lập trong thế
giới văn minh hiện đại ngày nay rồi, nhưng đến nay nhìn chung
người dân nước ta vẫn chỉ là "dân" với nghĩa đen của
từ này, nghĩa là vẫn chưa giành được bao nhiêu cho mình tư
thế và tâm thức người công dân. Tôi nói là <i><u>chưa giành
được</u></i>, với tinh thần: Trong mọi quốc gia độc lập,
người dân ở đâu cũng phải thông qua hiểu biết và đấu
tranh của mình để giành lấy các quyền và xác lập cho mình
tâm thức của công dân, những thứ này chẳng bao giờ được
cho không ở bất kỳ đâu trên thế gian này, kể cả ở những
nước phát triển nhất – quy luật muôn đời mà.

<b><i>BVN</i></b>: Nhận xét như vậy có mâu thuẫn không ạ? Ông
thừa nhận "dân" có nỗi lo chính đáng "<i>đấu tranh –
tránh đâu</i>?", nhưng lại nhận xét "dân" chưa tự
"giành" được bao nhiêu quyền công dân của mình!

<b><i>NT</i></b>: Đúng là mâu thuẫn, nhưng sự việc đang có cả
hai vế như vậy.

<b><i>BVN</i></b>: Thật không ạ? Nói thế có thể bị quy kết
mang hàm ý xúi giục "dân" nổi loạn đấy thưa ông. Trong
thâm tâm ông nghĩ như vậy?

<b><i>NT</i></b>: Xin tuỳ độc giả phán xét. Tôi chỉ muốn nói
lên điều tôi nhận biết được mà thôi. Gần đây nhiều
người đã trích dẫn với những cách nhìn ít nhiều khác nhau
câu nói của Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson trong câu chuyện
với dân biểu Edward Carrington: "<b><i>Nếu quần chúng nhân dân
không còn lưu tâm đến công việc chính trị xã hội, thì các
Ông và Tôi, và Quốc Hội, Lập Pháp, Chánh Án, Thống Đốc,
tất cả sẽ trở thành những con Chó Sói. Điều này dường
như là luật tự nhiên thuộc bản chất tổng quát của chúng
ta, cho dù có vài ngoại lệ cá nhân</i></b>." Về phần mình,
tôi thấy câu nói này hàm ý rất rõ sự cần thiết của cái
phần việc <i>dân phải tự giành lấy </i>như là một tất yếu
trong một thể chế chính trị dân chủ.

Tuy nhiên, cái khó của nước ta hiện nay là "dân" vừa
không có quyền lực đủ mạnh để làm cái việc phải làm
này, vừa bị bưng bít hay bị "định hướng" thông tin, nên
thiếu những hiểu biết cần thiết dẫn dắt đúng đắn cho
việc thực hiện <i>cái việc phải làm</i> của mình, lại thêm
vô vàn nỗi lo khác của đời sống kinh tế hàng ngày, tâm
trạng bi quan chán nản, hoặc tràn lan trạng thái
"<i>makeno</i>" (mặc kệ chúng nó)…

Song tôi lại nghĩ, nếu "dân" vì bức bách quá hay vì bị
xúi giục đi chăng nữa mà nổi loạn, chắc chắn sẽ chỉ dẫn
tới đổ vỡ – nghĩa là sẽ có thể dẫn tới cái <i>loạn</i>
còn tệ hại hơn cho đất nước. Bởi vì những việc phải làm
để thay đổi hiện trạng của đất nước vẫn còn nguyên
vẹn kể cả sau khi bạo loạn đã xảy ra – mà như thế, đất
nước sẽ chỉ chồng chất thêm những khó khăn mới, những
kẻ đục nước béo cò có thể sẽ càng sướng đến mức
chúng muốn "ị" vào mũi dân tộc ta!.. Các cuộc "cách
mạng" ở Bắc Phi mang tên các mùa hoa đã và đang chứng minh
sự thật này. Trong khi đó phải thẳng thắn thừa nhận đất
nước đang có nhiều vấn đề trầm trọng, chưa bao giờ có
sự phân hoá xã hội nghiêm trọng như hiện nay kể từ sau
30-04-1975. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải thừa nhận
nhân dân đang mất lòng tin vào ĐCSVN và chế độ – thừa
nhận như vậy là đúng, tuy nhiên cũng mới chỉ là thừa nhận
cái chỏm băng của tảng băng đang trôi nổi trên biển.

Mặt khác, nếu cứ để cho "dân" quá chán chường, càng
chán chường càng <i>makeno</i>, thì sớm muộn cái diễn tiến
<i>tức nước vỡ bờ</i> lúc nào đó cũng sẽ tự phát dẫn
tới nổi loạn, với cùng một chung cuộc như chủ động hay
bị xúi giục làm bạo loạn. Nói như vậy, tôi muốn đi tới
kết luận nổi loạn dù theo kịch bản nào đều nhất thiết
phải chủ động phòng tránh cho đất nước ta trong chừng mực
nào còn phòng tránh được. Nói như vậy, trong thâm tâm tôi còn
muốn nhấn mạnh: Nhất thiết phải tìm ra con đường chủ
động thay đổi hiện trạng của đất nước bằng hiểu biết
và lý trí – trong ngữ cảnh này, lý tưởng nhất là sự chủ
động cả từ hai phía "quan" và "dân". Nói hoà bình cải
cách thể chế chính trị của đất nước chính là như vậy.
Mong đất nước làm được như vậy. Nhưng "quan" chẳng bao
giờ tự giác đâu, nên "dân" phải thôi thúc là chính.

Vì tôi muốn mục "<b><i>Chấn hưng dân trí</i></b>" trên
<i>BVN</i> trước hết là diễn đàn của "dân", nên xin nói
về "dân" trước: Mọi hạn chế và cấm đoán hiện hữu
"dân" đang phải đối mặt trên diễn đàn này là một thực
tế khách quan. Chỉ có cách duy nhất là "dân" phải tìm cách
tự mình vượt qua thực tế khách quan này. Không bao giờ có
chuyện ban ơn hay làm phúc nào ở đây cả. Thực ra chẳng cần
phải xúi giục gì đâu, trong cuộc sống hàng ngày muôn vàn
bức bách của mình, "dân" đã và đang phải <b><i>tự
làm</i></b> như thế, để cố sống sót và sống được trong
thực tế khách quan đầy khắc nghiệt hiện nay của đất
nước. Nhìn vào bộ phân dân cư lao động, vào các doanh nghiệp
đang vật lộn với cuộc sống hàng ngày, rõ ràng là tất cả
đang phải gồng mình lên để cố sống sót và sống được!
Tự làm như thế một cách có ý thức, hiểu biết, thông tin,
biết liên kết và hợp tác… chắc chắn sẽ đỡ vấp váp,
sớm muộn sẽ thành công.

Đến đây, tôi nhớ lại một bài học để đời của chính
nước mình, cho nước mình: <i>Một ví dụ mang tính kinh điển
cho nỗ lực và ý chí quyết sống sót và sống được của
"dân" trong thời bình xây dựng và bảo vệ đất nước</i>.
Đấy chính là <i>hiện tượng xé rào </i>hàng chục năm để
cuối cùng đã làm nên công cuộc đổi mới vĩ đại, bắt
đầu từ năm 1986, với phần kết vinh quang và kinh điển:
<b><i>Xé rào</i></b> đã được chấp nhận, được nâng lên
thành đường lối chính sách, rồi trở thành nghị quyết của
ĐCSVN tại đại hội VI 1986, mang lại bước ngoặt cứu nguy
đất nước.

Hiển nhiên trong <b><i>dám xé rào</i></b> này "dân" đã thành
công vang dội, vì các lẽ: (a) dám xé rào nên đã sống sót và
sống; (b) tự học hỏi lẫn nhau, liên kết được với nhau
để thành công, và nhờ đó có thể cùng nhau sống sót và
sống; (c) <b><i>xé rào</i></b> có mục đích đúng đắn là nhằm
tạo khả năng cho bản thân mình sống sót và sống, đồng
thời để qua đó cả nước cùng sống sót và sống, chứ không
phải để phá hoại. Nếu coi xé rào là một hiện tượng phủ
định, có thể nói hiếm có một hiện tượng kinh tế - chính
trị - xã hội nào mang tính phủ định quyết liệt như thế ở
nước ta mà lại giàu tính chất "xây" (theo nghĩa <i>xây
dựng</i>) như thế. Và đúng với quy luật tự nhiên: Phủ
định theo hướng <b><i>xây</i></b> như thế đã tạo ra bước
ngoặt đổi đời đất nước, và nhờ đó mới có hôm nay.
Thực tế này khẳng định rất thuyết phục: Quốc gia trong
thời bình chỉ có thể vượt qua khó khăn và tạo ra phát
triển thông qua cải cách, cách mạng không làm được việc
này.

Một sự phủ định vĩ đại mang tính chất xây như thế đang
là một đòi hỏi khách quan phải thực hiện, để đưa đất
nước ta vào một giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh
thế giới đầy thách thức mới. Đấy chính là một thứ
<b><i>diễn biến hoà bình </i></b>theo hướng <b><i>xây</i></b> mà
ĐCSVN và nhân dân cả nước hôm nay cần chủ động tạo ra cho
đất nước.

Nói dân dã một chút: Trong câu chuyện <i>xé rào</i> năm xưa
đảng đã <i>thua</i> – vì phải từ bỏ đường lối kinh tế
bao cấp – nền kinh tế do nhà nước chỉ huy – như một
nguyên tắc vàng của chủ nghĩa xã hội của nước ta hồi đó;
dân đã <i>thắng</i> – vì nhờ thế mới sống sót và sống
được; nhưng cuối cùng là cả dân và đảng đều thắng, vì
đất nước thắng.

Từ thực tiễn <b><i>xé rào</i></b> để đổi mới 1986, phải
chăng "dân" có thể kết luận cho mình hôm nay: Dám nghĩ dám
làm, học hỏi nhau và học từ trí khôn của nhân loại mà làm,
toàn dân tộc liên kết lại làm bằng được, làm vì mục
đích <b><i>xây</i></b> – có lẽ đấy là con đường của
"dân" hôm nay để tự làm lấy <i>cái việc phải làm</i>,
nhằm từng bước vượt qua cái thực tế khắc nghiệt của
cuộc sống hôm nay đang siết chặt lấy "dân". Không
<i>dám</i> như thế và chỉ <i>chờ</i>, thì sẽ còn phải
<i>chờ</i> tiếp, <i>chờ </i>nữa, <i>chờ</i> mãi…

Như vậy, <i>xé rào</i> là một ví dụ kinh điển đáng ngẫm
nghĩ cho hôm nay lắm chứ!

Về "quan", có lẽ hôm nay có thể nói: Trong câu chuyện
<b><i>xé rào</i></b>, đảng tuy thua "dân", nhưng đảng đã
thắng được chính mình, nhờ đó đảng đã tiến bộ lên một
bước rất quan trọng so với trước đó! Có phải như thế
không? Nhân đây xin nói lại câu chuyện vui: Trong những ngày
giúp việc Thủ tướng Võ Văn Kiệt tôi thấy ông có nhiều
quyết định quyết đoán rất thuyết phục, tôi thán phục:
"Anh đúng là <i>ông thủ tướng xé rào</i>!". Nghe thế, ông
chỉ cười. Sau này, tôi cũng viết về ông như thế…

Về ĐCSVN nhân dịp đại hội XII sắp tới tôi đã viết khá
nhiều(1). Nhìn lại, trong trả lời phỏng vấn này tôi chỉ
muốn lưu ý thêm: <i>Trong mọi nhiệm vụ chiến lược phải
thực hiện cho đến nay, đi với dân ĐCSVN đều thành công,
đổi mới 1986 là một ví dụ như thế</i>. Đấy chính là
điều sống còn, ĐCSVN hôm nay cần nhìn thẳng vào sự thật
này để lựa chọn đường đi nước bước cho chính mình và
cho đất nước hôm nay.

<b><i>BVN</i></b>: Ông rất đề cao cái <b><i>xây</i></b>, thưa ông.
Phải chăng cái thông điệp <b><i>Dám làm, học hỏi nhau và học
từ trí khôn của nhân loại mà làm, làm vì mục đích xây –
có lẽ đấy là con đường của "dân" hôm nay để tự làm
lấy cái việc phải làm nhằm từng bước thay đổi hay loại
bỏ cái thực tế khắc nghiệt của cuộc sống hôm nay đang
siết chặt lấy "dân"…</i> </b>là mong mỏi của ông và
đồng thời cũng là kiến nghị của ông về nội dung của
chương mục này trên <i>BVN</i>?

<b><i>NT</i></b>: Vâng, đúng như vậy. Cuộc sống quốc gia
thường có <b><i>xây</i></b>, có <b><i>chống</i></b>. Trong thời
bình của một quốc gia độc lập, lý tưởng là chống thắng
lợi cái phải chống, xây thành công cái phải xây. Song thật
không gì đáng mong muốn hơn cho đất nước chúng ta nếu cái
<b><i>xây thành công như thế</i></b> luôn luôn chiếm được thế
thượng phong so với cái <b><i>chống thắng lợi như thế</i></b>,
để đất nước luôn luôn có được những thành quả và
những thắng lợi với cái giá phải trả thấp nhất! Tại
đây, tôi liên tưởng đến một quan điểm Gustave Le Bon đã nêu
ra trước đây hơn 100 năm khi ông phê phán những hệ luỵ thảm
kịch của cuộc cách mạng Pháp 1789, đại ý: <b><i>Một dân
tộc thực hiện được một bước tiến lớn, khi dân tộc ấy
phát hiện ra rằng thành tựu của quốc gia là kết quả tổng
hợp của những nỗ lực cá nhân từng công dân làm nên; chính
điều này, chứ không phải là hệ thống cai trị quyết định
thứ bậc của một quốc gia hay dân tộc ấy trên trường quốc
tế</i></b>…(2) Tôi cả gan nghĩ, <b><i>xé rào</i></b> dẫn đến
đổi mới 1986 có lẽ chứa đựng trong nó những nét manh nha
của một sự phát triển mang tính tổng hợp những nỗ lực
của từng cá nhân như thế, những nỗ lực của dân chủ. Có
thể đúc kết thực tế này thành một nguyên lý cho xây dựng
và bảo vệ đất nước trong thời bình được không? Trong tôi
càng khát khao cho Tổ quốc chúng ta một thể chế chính trị
tạo ra được sự phát triển của đất nước là <b><i>kết
quả tổng hợp những nỗ lực của từng cá nhân công dân
</i></b>như thế của đất nước.

<b><i>BVN</i></b>: Ông cho rằng chấp nhận đổi mới, ĐCSVN đã
vứt bỏ một <b><i>nguyên tắc vàng</i></b> của chủ nghĩa xã
hội ở nước ta hồi đó là nền kinh tế do nhà nước chỉ huy
và những quy luật vận hành của nó. Xin hỏi: Điều gì giúp
cho ĐCSVN vẫn là cái đảng không có gì đổi mới về bản
chất, đúng hơn còn mang tính trơ ỳ và thụt lùi trong nhiều
quyết sách, khiến ai cũng ngán ngẩm thất vọng đến tận cổ
như hôm nay, thế mà hồi ấy lại làm được, thế có lạ
không nhỉ?

<b><i>NT</i></b>: Nguyên nhân thì có nhiều, đã có nhiều phân
tích đáng trân trọng và tham khảo, trong đó đáng chú ý là
những công trình nghiên cứu và những phân tích của các anh Hà
Nghiệp (đã mất), Đặng Phong (đã mất), Đào Xuân Sâm, Trần
Phương… Còn nhiều anh khác nữa trong phía Nam,... như Phan Chánh
Dưỡng, Huỳnh Bửu Sơn, vân vân, còn nhiều anh nữa, vẫn nhớ
mặt nhưng trí nhớ suy tàn rồi,... lục lọi mãi trong đầu mà
không gọi tên ra được. Một số anh cũng đã đi xa…

Nhân đây tôi cũng muốn liên tưởng đến một trong những
ngọn cờ của đổi mới là anh Kim Ngọc. Còn nhiều ngọn cờ
khác như thế trong "dân" tôi đã có dịp tiếp xúc trong
thời kỳ gian khổ này chưa được nói đến. Trong những ngọn
cờ vô danh này phải kể đến hai cha con chị Ba Sương đã làm
nên sức sống của nông trường Sông Hậu – một ví dụ gần
như là huyền thoại cho thấy đổi mới có thể tạo ra con
người mới, phát triển mới và làm giàu… Thế nhưng <a
href="http://vi.wikipedia.org/wiki/Anh_h%C3%B9ng_Lao_%C4%91%E1%BB%99ng"><i>Anh
hùng Lao động</i> thời kỳ đổi mới</a> và là người phụ
nữ <a href="http://vi.wikipedia.org/wiki/Vi%E1%BB%87t_Nam">Việt Nam</a>
đầu tiên được bình chọn là <i>Người phụ nữ ấn tượng
khu vực châu Á - Thái Bình Dương</i> năm 2002 chị Trần Ngọc
Sương bị xử tội, chỉ vì kiên quyết chống lại chủ trương
biến nông trường Sông Hậu thành khu công nghiệp; cựu Thủ
tướng Võ Văn Kiệt đã phản đối quyết liệt việc sai trái
này. "Vụ án" chị Ba Sương gây công phẫn kéo dài không
thể giập tắt trong dư luận xã hội, vì thế cuối cùng "vụ
án" đã phải huỷ bỏ!... Còn nhiều chuyện liên quan đến
đổi mới để nói, để ngẫm nghĩ… Tại đây tôi chỉ xin
lưu ý một điều đến nay hầu như chưa ai nói tới, đó là:

<i>Giả thử hồi ấy không có Trường Chinh là Tổng bí thư
của ĐCSVN, có lẽ là đến 9/10 sẽ không có nghị quyết đổi
mới của Đại hội VI. </i>

Vai trò cá nhân người lãnh đạo cao nhất trong trường hợp
này thật vô cùng quan trọng. Tôi dám cả quyết như vậy, vì
theo những gì tôi biết được, chính ông Trường Chinh là
người đã có tiếng nói cuối cùng và có ý nghĩa quyết
định, để đại hội VI có được nghị quyết và quyết
định thực hiện đổi mới như đã diễn ra.

<b><i>BVN</i></b>: Xin ông vui lòng nhắc lại cho. Ông có nhầm
không? Vì đến nay Tổng bí thư Trường Chinh vẫn được coi là
người nổi tiếng giáo điều và vô cùng thận trọng như cái
tên thường gọi của chính ông là... "anh Thận".

<b><i>NT</i></b>: Tôi hy vọng là tôi không nhầm.

Ngoài đời cũng hiểu và nhìn nhận Tổng bí thư Trường Chinh
như thế. Cá nhân tôi cho rằng thực tế cũng đúng như thế.
Tôi có đôi dịp được tiếp xúc, gần gũi ông, và cũng nghĩ
như thế về ông. Tôi may mắn được ông trực tiếp giao cho
làm một số việc lặt vặt trong thời gian ông chữa bệnh ở
Cộng hoà dân chủ Đức, qua đó tôi cũng nhìn nhận ông là
một người như thế. Tôi thường chia sẻ với đồng nghiệp:
<i>Ông ấy rất kiên định lập trường và rất thận trọng,
đánh mất hay bớt đi (trong viết lách) của ông ấy một cái
dấu "phẩy" (",") cũng không được...</i>

<b><i>BVN</i></b>: Thế mà lại dám quyết đổi mới?

<b><i>NT</i></b>: Vâng. Ông kiên định và thận trọng ở mức
rất nghiêm túc. Đấy là sự thật. Song ông là người có học
thức, có tư duy lý trí, điều mà người lãnh đạo nhất
thiết phải có. Thật vô cùng quan trọng là ở giờ phút quyết
định này ông đã nhìn nhận đúng những thách thức đối với
đất nước, đã đặt lợi ích quốc gia lên trên hết với
tất cả nghiêm túc và quyết đoán, đến mức vứt bỏ cả cái
<b><i>nguyên tắc vàng</i></b> của kinh tế bao cấp vốn được
coi như một điều cấm kỵ (taboo) của đảng. Có thể đo mức
độ khó khăn của việc vứt bỏ cái "taboo" này ở những
vụ án, những vụ kỷ luật oan sai nghiêm trọng hoặc những
tổn thất đất nước phải chịu đựng do cái <b><i>nguyên tắc
vàng</i></b> này.

<b><i>BVN</i></b>: Trời đất, đặt lợi ích quốc gia lên trên
hết quả là có ý nghĩa quyết định sống còn vào thời khắc
lịch sử như vậy của đất nước! Thật quả chúng tôi đến
nay không có thông tin này! Nhưng xin ông làm rõ cho dựa vào đâu
mà ông coi <b><i>đổi mới 1986</i></b> như một ví dụ kinh
điển?

<b><i>NT</i></b>: Câu hỏi này chạm vào nỗi đau của tôi. Với
trách nhiệm đảng cầm quyền, nhưng lãnh đạo và trí thức
của ĐCSVN lại thiếu trí tuệ, ý chí và phẩm cách để thông
qua tự do tư duy và dân chủ phát huy những trí tuệ và kinh
nghiệm của chính thực tiễn cuộc sống nước ta phục vụ sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ta. Vì lẽ này kho
tàng kinh nghiệm và bài học của đổi mới bị bỏ phí. Đây
là một trong những nguyên nhân nghiêm trọng khiến cho ĐCSVN
đang tự đánh mất mình, để ngày ngày tha hoá thành đảng cai
trị. ĐCSVN đang phải trả giá đắt cho tình trạng này đã
đành, nhưng đất nước phải trả giá lớn hơn rất nhiều!

Bây giờ tôi xin đi vào câu hỏi.

Trước hết xé rào hay đổi mới không phải chỉ đơn thuần
là công việc của nông dân phá luật để sống sót và có thể
sống được bằng "phần ruộng 5%" của mình, mặc dù những
gì họ đã làm là phải rất có gan và có trí tuệ lắm mới
thành công được. Khi xé rào lan rộng sang vấn đề phân phối
lưu thông hàng hoá nói chung, rồi đi vào thương mại và công
nghiệp nói riêng, công việc quản trị cả nền kinh tế cả
nước tất yếu dẫn tới phải thay đổi nhiều thứ, đương
nhiên tất cả vẫn phải làm trong phạm vi "chui",
"lách"… Càng về sau, công việc càng đòi hỏi phải hiểu
biết kinh tế, nhiều trí tuệ (trong đó đòi hỏi không ít trí
tuệ hàn lâm), và cả sự khôn ngoan nữa. Khi xé rào đi vào
lĩnh vực tài chính tiền tệ, vẫn trong ranh giới "chui" và
"lách", mọi việc càng phức tạp hơn. Nói nôm na: không
giỏi, không thông minh thì không làm được. Có nhiều việc hay
hiện tượng nếu chỉ đem hiểu biết lý thuyết đơn thuần
về kinh tế, chính trị và xã hội thì không giải quyết
được ở nước ta hồi đó. Hơn nữa phải làm sao cho kết
quả từng bước và kết quả chung cuộc là đời sống được
từng bước cải thiện, và cuối cùng là có lối ra. Phải bám
vào cuộc sống cụ thể hàng ngày, bám vào sự vận động
khách quan, rồi cố vận dụng những quy luật và những hiểu
biết lý thuyết để xử lý. Đấy chính là công việc phải
đưa một nền kinh tế kiệt quệ vì chiến tranh và rối loạn
vì điều hành trở thành một nền kinh tế vận động bình
thường và tạo ra phát triển.

Để khỏi dài dòng, xin hãy hình dung, đấy là công việc đưa
một nền kinh tế vô cùng khan hiếm, trong khẩu phần lương
thực hồi ấy có cả hạt bo bo,... có tình trạng một cái xe
đạp Peugeot hay là 2 cái xe đạp Mifa (CHDC Đức) hồi ấy có
thể đổi lấy một gian nhà cho một gia đình 4 – 5 nhân khẩu,
tỷ giá chợ đen của đồng nội tệ gấp vài trăm lần hoặc
hàng nghìn lần so với tỷ giá hối đoái chính thức của nhà
nước quy định… sang một nền kinh tế chỉ sau 2 năm đổi
mới đã có gạo xuất khẩu, làm cho kinh tế đất nước 1986
– 1995 đạt được sự phát triển ngoạn mục, an ninh đất
nước được tăng cường rõ rệt... Đấy là công việc phải
tiến hành trong lúc khói súng chiến tranh chưa dứt hẳn đối
với đất nước… (xin nhớ cho đến 1989 đất nước ta mới
thực sự ra được khỏi chiến tranh, dầu sao di hại của
chiến tranh vẫn còn rất lớn…).

Tôi nghĩ thời kỳ này đáng có nhiều pho sách mổ xẻ, phân
tích, để làm rõ nguyên lý đưa sự vận động đúng đắn
khách quan của sự nghiệp phát triển và bảo vệ đất nước
trở thành ý chí và quyết định hành động của đảng cầm
quyền, tạo ra khả năng thực hiện thành công đường lối
chính sách được lựa chọn đúng đắn. Đấy chính là con
đường ngược hẳn với tư duy duy tâm và duy ý chí vốn chỉ
nhằm vào "chủ nghĩa", vào bảo đảm lợi ích của đảng
và thực hiện phương thức áp đặt mang cái tên gọi là
"<b><i>đưa nghị quyết của đảng vào cuộc sống"</i></b>.
Phương thức áp đặt này được coi như là <i>một trong những
nguyên tắc căn bản</i> bảo đảm sự lãnh đạo của đảng.
Duy tâm và áp đặt như thế chính là một căn bệnh của đòi
hỏi bám giữ quyền lực, tạo ra biến chứng là làm tê liệt
khả năng phấn đấu thực hiện nhiệm vụ tiên phong của
đảng lãnh đạo. Căn bệnh này hằn sâu trong tư duy chính trị
của đảng, để cuối cùng chính bản thân sự phát triển của
căn bệnh này tha hoá đảng, từng bước biến <i>đảng cầm
quyền</i> thành <i>đảng cai trị</i>. Không ai khác, cố Thủ
tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời ở cương vị trọng trách
của mình đã kiên trì chống lại <i>nguyên tắc căn bản</i>
này, chỉ tiếc rằng ông thất bại.

Ngay trong khi tiến hành đổi mới, cũng vì sự tồn tại không
thể vượt qua được của tư duy duy tâm và duy ý chí như vậy,
nên hồi ấy vấn đề cải cách thể chế chính trị đã dứt
khoát bị gác lại, với lý lẽ <i>nhằm bảo vệ sự ổn định
của chế độ chính trị</i>. Sự đổ vỡ của cải cách ở
các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô Đông Âu hồi đó là một
biện minh sắt thép loại bỏ triệt để bất kỳ suy nghĩ nào
có hơi hướng đụng chạm đến đòi hỏi của đất nước về
cải cách chính trị. Trong quá trình này, chống diễn biến hoà
bình dần dà trở thành một nhiệm vụ chiến lược hầu như
bao trùm toàn bộ cuộc sống đất nước, với kết quả chung
cuộc là đã góp phần quan trọng tạo ra thực trạng đất
nước hôm nay.

Ngày nay, cải cách thể chế chính trị trở thành đòi hỏi
sống còn của đất nước. Nghĩ lại, nếu hồi ấy dám tiến
hành cải cách chính trị song song với cải cách kinh tế theo
tinh thần của sự nghiệp đã tạo ra <b><i>đổi mới</i></b> như
thế, thử hỏi đất nước chúng ta hôm nay đứng ở đâu?

Lịch sử không có chữ "nếu", đành là thế. Song bài học
tiến hành cải cách kinh tế theo tinh thần của sự nghiệp
<b><i>đổi mới</i></b> hiển nhiên vô cùng giá trị cho việc
hình thành và thực hiện chiến lược cải cách thể chế chính
trị của đất nước hôm nay. Đó là một kinh nghiệm mẫu mực
về thực hiện dân chủ trong bối cảnh một đất nước có vô
vàn khó khăn (ở đây là trong lĩnh vực kinh tế), một con
đường sống của cả nước hồi ấy, có phải như thế không?
Mong trí tuệ và tâm huyết cả nước dành cho câu hỏi nóng
bỏng này. Nhất thiết nên từ những bài học của chính lịch
sử đổi mới ở nước ta để cả nước có dũng khí tìm
đường đi tiếp cho hôm nay và cuộc sống phía trước.

<b><i>BVN</i></b>: Rất hoan nghênh mong muốn tâm huyết của ông…
Nhưng… Nhưng hình như chính ông cũng đang "duy tâm", chưa
nhìn thấy hết thực tế khắc nghiệt của cuộc sống, có
phải thế không? Xin lỗi ông về sự sỗ sàng này của
<i>BVN</i>. Mấy ngày nay đang truyền bá một số lời lẽ bịa
đặt, chụp mũ… chỉ trích các đảng viên "nhóm thư ngỏ
61", chẳng lẽ ông không hay biết chuyện này?

<b><i>NT</i></b>: Biết chứ, biết cả một số việc khác nữa.
Song tôi nghĩ nữ nghệ sỹ Kim Chi đã có trả lời đúng mực
về sự việc này. Tôi nghĩ tâm trí và trí tuệ cả nước, bao
gồm cả những đảng viên tâm huyết, lúc này đang dồn vào
những vấn đề vô cùng hệ trọng của đất nước, đó là
làm sao tạo ra được một bước ngoặt đưa đất nước ra
khỏi hiện trạng đầy thách thức và đi vào một thời kỳ
phát triển mới. Tôi tin rằng tâm trí và trí tuệ cả nước
cuối cùng sẽ tìm được lối ra. Đất nước này đã từng
trải qua không ít những khúc đường quanh co hiểm nghèo như
hiện nay. Nhưng sự nghiệp <i>xé rào đổi mới</i> năm xưa là
minh chứng mới nhất cho thấy nhân dân ta trước sau sẽ tìm
được con đường ra cho mình.

<b><i>BVN</i></b>: Cảm ơn ông, xin được ghi nhận niềm tin của
ông. Cảm ơn ông đã bước đầu đóng góp vào mục "Chấn
hưng dân trí" của <i>BVN</i> những suy nghĩ lao lung… Những
thông tin này chắc hẳn có ích cho bạn đọc. Để kết thúc
buổi phỏng vấn này, xin ông chia sẻ đôi điều trực tiếp
với độc giả.

<b><i>NT</i></b>: Vâng. Nói đến chấn hưng dân trí, tôi khát khao
độc giả trong cả nước và ở nước ngoài sẽ làm tất cả
để góp phần nâng cao tinh thần dân tộc chân chính của quốc
gia mình. Thời nào cũng vậy, thời nay càng như vậy: Tinh thần
dân tộc chân chính hơn lúc nào hết là nghị lực sống còn
của Tổ quốc, là động lực thúc đẩy sự nghiệp xây dựng
và bảo vệ đất nước ta trong một thế giới đầy những
thách thức mới hôm nay. Tôi ước ao suy nghĩ này được rộng
rãi độc giả Việt Nam trên cả thế giới này chia sẻ.

Nói đất nước ta đã trải qua nhiều gian truân quá, trong thâm
tâm tôi mong mỏi từng thành quả dù nhỏ nhất chắt chiu
được trên con đường gian khổ và đầy đau khổ này cũng
phải được gìn giữ, gom góp nên sức mạnh của cả nước,
để có sức đi tiếp. Vì lẽ này, tôi mong chấn hưng dân trí
sẽ tạo ra được trong cả nước hoà hợp hoà giải dân tộc,
có đủ trí tuệ và nghị lực chung nhau một nỗ lực vì khát
vọng đổi đời thân phận lạc hậu và tụt hậu của đất
nước.

Ở chương mục này trên <i>BVN</i>, tôi đặc biệt kỳ vọng
vào các độc giả là thầy giáo và sinh viên trong các trường
đại học cả nước, vì nhất thiết họ phải trực tiếp gánh
vác trên vai mình phần trách nhiệm nặng nề nhất trong sứ
mệnh chung của cả nước cho sự nghiệp chấn hưng dân trí vô
cùng cấp thiết đối với dân tộc ta trong thế giới ngày nay.
Từ hàng chục năm nay, kỳ vọng này ngày đêm đau đáu trong
tôi với câu hỏi đằng đẵng các thế kỷ: <b><i>Tại sao? Tại
sao Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản là 3 quốc gia châu Á hầu
như cùng chung một trình độ phát triển ở thế kỷ 19, song
hôm nay giữa họ và ta là một trời một vực?</i></b> Người
này người khác đã đưa ra câu trả lời. Riêng tôi vẫn đang
tiếp tục đắm chìm trong vô vàn dữ kiện của lịch sử, lại
càng mù mịt về con đường cho việc thu hẹp khoảng cách biệt
này!... Hay là tôi chưa có gan và chưa đủ mắt để đi tới
tận cùng của sự thật?

Tôi xin lỗi trước để xin được phép gửi gắm đối tượng
kỳ vọng này đôi lời từ nỗi lòng khắc khoải của mình:

Nếu đã dám nhận vào mình danh phận thày giáo, xin hãy đáp
ứng sự tôn vinh của lòng kỳ vọng cả nước dành cho danh
phận cao cả này, đạp bỏ mọi cám dỗ giá áo túi cơm, cống
hiến duy nhất cho chân lý.

Nếu đã dám nhận vào mình thân phận sinh viên, xin hãy đứng
thẳng làm người và không cam chịu thân phận bị nhào nặn
như cục bột, xin hãy dành mọi nghị lực cho những ước vọng
cao đẹp do chính trái tim nóng bỏng và trí óc luôn rộng mở
của mình đặt ra.

Đất nước chúng ta, đất nước có những thế hệ nối tiếp
thế hệ những người thầy và sinh viên như thế, chắc chắn
sẽ trở thành một đất nước tự do của một dân tộc tự
do, dân trí trí sẽ được chấn hưng, dân tộc ta có lẽ sẽ
có thể trả lời được <b><i>câu hỏi đằng đẵng các thế
kỷ</i></b> của đất nước.

Xin hãy tất cả hãy cùng nhau suy nghĩ, để mỗi chúng ta nói
lên tiếng nói của mình – trên diễn đàn này, hoặc bất kỳ
tại đâu thích hợp.

<b><i>BVN</i></b>: hoan nghênh những ý kiến tâm huyết và thẳng
thắn của ông trong buổi phỏng vấn lý thú này. Xin cảm ơn
ông./.

<b>Hết</b>

Hà Nội, ngày 08-11-2014

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141112/chan-hung-dan-tri-xin-hay-bat-dau-tu-cung-nhau-suy-nghi),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét