Bùi Văn Phú - Tín nhiệm hay không?

Quốc hội Việt Nam tuần qua đã bỏ phiếu tín nhiệm lãnh
đạo. Sau nhiều ngày bàn luận và chất vấn, 484 đại biểu
đã đánh giá việc làm của 50 lãnh đạo từ Chủ tịch nước,
Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội đến các bộ trưởng, thủ
trưởng ban ngành.

Phiếu đánh giá có 3 chọn lựa: "tín nhiệm cao", "tín
nhiệm" và "tín nhiệm thấp". Các đại biểu không có lựa
chọn "không tín nhiệm" dành cho bất cứ lãnh đạo nào.

Kết quả, tất cả các lãnh đạo cao cấp đều nhận được
đại đa số phiếu "tín nhiệm cao" hay "tín nhiệm" của
các đại biểu.

Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đạt 380 phiếu tín nhiệm cao
(78.51%) và 84 tín nhiệm (17.36%) trên tổng số 484 phiếu, tức
95.87% tín nhiệm cao và tín nhiệm cộng lại. Năm ngoái ông
được tổng cộng 94.3%.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đạt 340 (70.25%) và 93
(19.21%), tổng cộng 89.46%. Năm ngoái ông được 94.92%.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đạt 320 (66.12%) và 96 (19.83%),
tổng cộng 85.95%. Năm ngoái ông được 67.48%.

Ông Dũng có tiến bộ nhiều nhất so với năm ngoái và cả ba
người đứng đầu nước năm nay đều đạt trên 85% tín nhiệm
từ đại biểu quốc hội.

Trong kỳ bỏ phiếu này, một số quan chức bị nhiều phiếu
"tín nhiệm thấp" là bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
với 192 phiếu tức 40%, bộ trưởng giáo dục Phạm Vũ Luận
với 149 phiếu tức 31%.

Bà Tiến trong năm qua bị chỉ trích vì vụ việc thuốc tiêm
chủng gây tử vong cho nhiều thiếu nhi. Ông Luận bị điểm
xấu liên quan đến xuất bản sách giáo khoa, bằng cấp và
tiến sĩ giấy trong ngành giáo dục. Tuy nhiên hai vị vẫn không
từ chức.

Nhìn vào số phiếu, với mức tín nhiệm thấp là 40% và 31% thì
bà Tiến và ông Luận vẫn còn được tín nhiệm cao và tín
nhiệm ở mức 60% và 69%.

Như thế dù có dư luận bức xúc muốn họ từ chức thì không
lãnh đạo nào làm thế vì quốc hội toàn là người của
đảng. Đảng bố trí nhân sự lãnh đạo, cả quốc hội là
người của đảng vẫn đồng ý tín nhiệm thì tại sao họ
lại phải từ chức.

Nhìn chung, trừ một vài quan chức như bà Tiến hay ông Luận,
còn lại 50 lãnh đạo các bộ, ban ngành đều được quốc hội
tín nhiệm trên 70%. Một con số mơ ước cho lãnh đạo các
quốc gia tự do dân chủ trên thế giới.

Vấn đề đặt ra là mức tín nhiệm các đại biểu dành cho
lãnh đạo Việt Nam có phản ánh được lòng dân hay không?

Tổ chức chính trị và lãnh đạo nhà nước tại Việt Nam là
cơ chế độc đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam nắm quyền cai
trị đất nước, như ghi trong Điều 4 Hiến pháp.

Các ứng viên đại biểu quốc hội phải được cơ sở ngoại
vi của Đảng Cộng sản là Mặt trận Tổ quốc đề cử. Rất
ít người dám tự ứng cử vì làm thế sẽ bị sách nhiễu,
trấn áp. Có hai ứng viên độc lập là luật sư Lê Quốc Quân
và tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã rơi vào trường hợp như thế. Vì
tự ra ứng cử và tham gia những hoạt động dân chủ, ông Vũ
đã bị kết án nhiều năm tù và nay phải sống lưu vong ở
Mỹ. Luật sư Quân hiện bị tù vì trốn thuế.

Lần bầu quốc hội mới nhất là năm 2011 có gần 900 ứng viên
được Mặt trận Tổ quốc chấp thuận để tranh 500 ghế đại
biểu.

Như thế, đại biểu quốc hội chỉ phản ánh ý của đảng
viên Đảng Cộng sản. Việc bỏ phiếu tín nhiệm cao thấp cũng
là vì quyền lợi của đảng và các phe nhóm trong đảng.

Trong các chế độ tự do dân chủ, như ở Thái Lan, Nhật, Ấn
Độ hay ở Anh quốc, nếu thủ tướng, cũng là người đứng
đầu một đảng, thấy không còn được sự ủng hộ trong
quốc hội thì sẽ tuyên bố giải tán quốc hội để dân bầu
chọn lại.

Khi đó, các đảng sẽ vận động cử tri để họ chọn người
của đảng mình vào quốc hội. Đảng nào chiếm được đa số
đại biểu sẽ chọn người làm thủ tướng để lãnh đạo
đất nước.

Tại Hoa Kỳ, một nước theo chế độ tổng thống, đầu tháng
này đã có bầu giữa nhiệm kỳ tổng thống. Hôm 4/11 cử tri
Mỹ đã bầu chọn 36 trong tổng số 100 thượng nghị sĩ và
toàn thể 435 hạ nghị sĩ ở cấp liên bang và hàng nghìn dân
cử các cấp khác.

Thăm dò dư luận của Viện Gallup vào cuối tháng 10 cho thấy
số người ủng hộ Tổng thống Barack Obama là 42%, số không
ủng hộ là 53%.

Sự bất đồng của dân Mỹ đối với các chính sách của
Tổng thống Obama phản ánh qua kết quả bầu cử vừa rồi.

Tại hạ viện, cộng hòa vẫn chiếm đa số và tăng lên đến
243/435. Tại thượng viện, cộng hòa đạt 52/100 giành luôn đa
số đang do đảng dân chủ nắm giữ.

Trong hai năm tới, tổng thống và quốc hội sẽ phải làm việc
sao cho được lòng dân. Nếu không những lá phiếu của cử tri
lại làm thay đổi chính trường Mỹ trong kỳ bầu chọn năm
2016.

Sinh hoạt chính trị ở Nam Triều Tiên, Indonesia, Mexico,
Philippines cũng thế, tổng thống và quốc hội được dân bầu
lên qua các kỳ bầu cử với ứng viên của nhiều đảng.

Tại những quốc gia tự do dân chủ, tiếng nói của dân được
phản ánh trong các cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước.

Ở Việt Nam chưa có bầu cử đa đảng và quyền tự do phát
biểu quan điểm chính trị còn bị đe dọa bởi những bản án
tù.

Đơn giản nếu có ai thực hiện thăm dò ý kiến mức tín
nhiệm của dân với lãnh đạo thì sẽ vào tù ngay. Năm ngoái,
dịp quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm lần đầu tiên, nhà báo
tự do Trương Duy Nhất đưa ra thăm dó ý kiến đánh giá lãnh
đạo, trong đó có cả lựa chọn "không tín nhiệm". Sau đó
ông bị bắt giam và đầu năm nay bị kết án 2 năm tù vì
"lợi dụng tự do dân chủ để xâm phạm quyền lợi nhà
nước" theo điều 258 luật hình sự.

Năm 2000, báo Tuổi Trẻ Xuân công bố một thăm dò dư luận xem
ai là người được ái mộ. Kết quả Chủ tịch Hồ Chí Minh
được điểm cao nhất, kế đến là Tướng Võ Nguyên Giáp,
rồi đến Tổng thống Bill Clinton, Thủ tướng đương nhiệm
Phan Văn Khải. Hệ lụy của việc thăm dò này là số báo xuân
bị thu hồi và tổng biên tập bị kỷ luật.

Vì thế kết quả bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo của quốc
hội Việt Nam tuần qua chỉ là hình thức để cho có vẻ dân
chủ, chứng tỏ lãnh đạo có ít nhiều trách nhiệm với dân.

Trên thực tế, hiện nay người dân Việt vẫn chưa có quyền
định đoạt tương lai chính trị của đất nước và thay đổi
lãnh đạo quốc gia qua các cuộc bầu cử tự do, đa đảng.

Lãnh đạo có được tín nhiệm hay không, tất cả đều là sự
sắp xếp trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, của Bộ
Chính trị và hai triệu đảng viên. Hơn 80 triệu người dân
vẫn đứng bên ngoài.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141119/bui-van-phu-tin-nhiem-hay-khong),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét