Trà Vigia - Quyền được sống

Dĩ nhiên, loài người trên trái đất này, ai cũng đang sống và
được sống. Chỉ có điều, họ đang sống và được sống
như thế nào? Hạnh phúc hay khổ đau? Dĩ nhiên, không ai có
quyền bắt người khác chết đi để mình được sống tốt
hơn, hay có quyền đuổi một ai đó đi nơi khác chỉ vì
chướng mắt, hoặc một lý do nào đó không thể nói rõ bằng
lời! Lịch sử đã chứng minh rằng, nhiều cuộc xâm lược xâm
lăng đã tước quyền sống của cả một tộc người, một
cộng đồng người. Đi cùng là sự chém giết đồng loại vô
tội một cách vô căn cứ chỉ vì một tham vọng bá chủ bá
quyền vô nhân tính. Hệ quả là, nhiều dân tộc bị xóa tên,
nhiều đất nước bị xóa sổ trên bản đồ thế giới, nhiều
nền văn minh lụi tàn và nhiều nền văn hóa chìm dần vào quên
lãng! Đó là điều đáng tiếc! Hôm nay, phải chăng với đà
tiến hóa của nhân loại, những sai lầm đó đã được gạt
bỏ hay đang diễn biến theo một chiều hướng khác?! Không thể
đòi hỏi một thế giới im tiếng súng và tiếng khóc, bởi
mọi cuộc xung đột đều dẫn đến một giải pháp tốt nhất
cho những bất đồng. Và hòa bình cũng chỉ là giải pháp tạm
thời để chuẩn bị cho bao mầm mống âm ỉ dẫn đến chiến
tranh! Đó là một quy luật không thể khác hơn, chúng ta chỉ có
thể làm những gì tốt nhất bằng cách, hãy tạo điều kiện
cho bất cứ một ai đang hiện diện trên trái đất này có
quyền được sống đúng nghĩa.

Sống không có nghĩa là chưa chết, hay đang thoi thóp hoặc hấp
hối. Sống trong một thân thể khỏe mạnh và tinh thần minh
mẫn cùng những tiện nghi giải trí và sáng tạo. Sự sống
phải được nuôi dưỡng trong tâm cảm yêu thương, tâm thế
yên bình, tâm thức chan chứa ba thì quá khứ hiện tại và
tương lai. Sống để biết mình là ai và đang làm gì? Nếu
không, chúng ta chưa sống cho dù vẫn đang tồn tại hoặc chỉ
là một kiếp sống thừa vô nghĩa! Sống là sự cộng sinh giữa
những cá thể dị biệt trên con đường tìm một tiếng nói
chung trong niềm riêng, kết nối hữu cơ chặt chẽ với cộng
đồng và môi trường để cùng nhau phát triển và tồn tại
một cách tối ưu nhất. Cho nên, con người ta chỉ thực sự
sống khi mỗi một thực thể sinh linh có quyền được yêu
chính bản thân mình, yêu người thân bạn bè, yêu quê hương
xứ sở, và tối hậu là yêu đồng loại. Quyền được yêu
được thể hiện qua quyền được nghe, quyền được nói và
quyền được viết… Có những quyền ấy, con người mới thể
hiện được quyền được sống để làm người. Có nghĩa là
ta có quyền nghe và không nghe những gì không êm tai, nói và
không nói những gì không thích, viết và không viết những gì
không cần thiết… Thế nhưng, cuộc sống hôm nay có nhiều
điều cần phải bàn để cởi mở những gì còn vướng mắc
mà lẽ ra phải được thực thi một cách tối thiểu. Có công
bằng mới dẫn đến dân chủ, có dân chủ mới thể hiện
được lòng nhân ái, có nhân ái mới có thành tựu văn minh.

Chúng ta đã nghe nói quá nhiều về dân chủ trong điệp khúc
"Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ".
Hai vế đầu đã có chủ, còn vế sau cùng dường như chỉ mới
đang phát huy và không biết bao giờ mới có hồi kết?! Dân
nghĩ, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra quả là một logic hay,
khốn nỗi chúng ta không biết dân là ai mà lại có vai trò và
quyền lực ghê gớm đến thế?! Hôm nay, Mặt trận Tổ quốc
lại nhấn mạnh đến quyền phản biện của mọi người dân
không kể sang hèn khôn ngu là một tín hiệu đáng mừng và
đáng phấn khởi hồ hỡi. Chỉ e rằng không ai dám phản biện
một cách trung thực với tinh thần trách nhiệm, bởi từ phản
biện với phản động thường dễ bị hiểu nhầm và có nguy
cơ tai nạn cao! Nói chung, một người dân muốn làm chủ mà sao
lắm khó khăn và nhiều nhiêu khê đến thế? Suy cho cùng, có
lẽ chúng ta chưa đủ công bằng căn cơ khả dĩ có thể phát
huy quyền làm người. Một xã hội công bằng văn minh luôn là
đích đến của mọi chế độ, chỉ khác là chúng ta đã hành
xử và ứng xử như thế nào? Thành quả thu hoạch được ra
sao? Đó là ý thức của mỗi công dân, trách nhiệm của mỗi
trí thức. Còn ai lãnh đạo cứ lãnh, quản lý cứ quản không
nên chỉ trích than phiền làm chi nếu không giải quyết được
việc gì. Bởi ai cũng có quyền được nghe, quyền được nói,
quyền được viết để có quyền được sống!

Mỗi một công dân Việt Nam, chắc hắn ai cũng ít nhiều suy tư
về những quyền đã nêu trên nếu ta tự nhận mình là một con
người đích thực. Với người Chăm thì lại càng, bởi họ
đã đánh mất quyền đó từ quá lâu mà khi nhắc đến ai cũng
tí chút rùng mình và rợn người theo quán tính! Cũng dễ hiểu,
bởi họ đã mất tất cả theo bước chân lùi của lịch sử
mà ngày nay không còn hoặc nhạt mờ dấu vết. Họ đang lưu
vong trên chính quê hương mình, lang thang trên đất chủ quê
người để kiếm sống và ngoi ngóp sống! Họ không có sự
đồng cảm để sẻ chia, không có sự yêu thương trong đùm
bọc và nguy hại hơn, họ đang tự đánh mất chính mình và
cộng đồng, xa hơn nữa là cội nguồn. Họ không làm chủ
được mình nói chi cứu vớt đồng tộc. Trong họ đã tê liệt
lòng hận thù, nói đúng hơn trong triết lý sống của tổ tiên
họ không hiện hữu từ thù hận. Họ cam chịu số phận trong
tủi nhục và sợ hãi đọa đày, bởi nhiều cuộc quật khởi
đều bị dìm sâu trong máu và nước mắt. Tiếng khóc của họ
tươi hơn giọng cười bởi họ quan niệm rằng cuộc người
chỉ là cõi tạm, bến bờ nhân ái là vô cùng mà sao loài
người vẫn cứ u mê?! Trước năm 1975, họ có Bộ Phát triển,
Ty Phát triển sắc tộc cùng các cấp chính quyền tạo điều
kiện thuận lợi để ổn định về dân sinh dân trí và dân
quyền. Sự tương thân tương ái được đề cao và thực thi
hiệu quả. Có lẽ đó là sự khác biệt cơ bản giữa cách
hành xử và ứng xử của thực chất con người qua từng giai
đoạn, thời đại. Và đó cũng là tiền đề để đặt lại
vấn đề khi còn chưa muộn, khi đời chưa tận thế và khi loài
người chưa đến ngày phán xử cuối cùng. Quan trọng là, con
người vẫn còn lương tri để thức tỉnh!

Thực tế hôm nay, người Chăm đang bức xúc điều gì? Họ đang
mất dần môi trường sống, cả sinh thái và tâm linh. Họ đã
mất biển, mất ruộng, mất rẫy, mất rừng dẫn đến mất
nguồn nước và tất yếu họ phải bỏ làng tha phương cầu
thực một kiếp Digan. Người bị quản lý đã đành, thần
thánh cũng bị chỉ đạo bởi các đền tháp Chăm đều biến
thành nơi tham quan du lịch khiến các ngài không biết tị nạn
nơi đâu ngoài Viện Bảo tàng. Họ đang mất dần bầu trời và
thiếu oxy để thở, thở than và thở dài. Mọi thứ dần bị ô
nhiễm, không chỉ không khí mà ngay cả tâm hồn. Không ai muốn
hiểu tâm tư tình cảm, nguyện vọng của họ để chia sẻ và
cưu mang những gì tối thiểu nhất để làm người chính đáng
đàng hoàng. Họ không chống Điện hạt nhân, họ chỉ không
muốn cái lò chết tiệt ấy có mặt nơi làng xóm mình với
nhiều rủi ro khiến họ tuyệt chủng! Họ không chống chủ
trương đường lối chính sách của nhà nước nếu điều ấy
không đi ngược lại văn hóa truyền thống khiến họ tuyệt
vọng. Cái họ cần, đơn giản là quyền được sống. Và
trước hết, họ cần có niềm tin mà họ đã đánh mất từ
lâu!!!


Trà Vigia

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141021/tra-vigia-quyen-duoc-song), một
số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời độc
giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận
có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng
dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét