Nguyễn Sỹ Phương - Vấn đề thể chế.

<div class="boxleft300"><img
src="http://www.danluan.org/files/u5219/imagehandlerlarge.ashx_.jpg"
width="250" height="182" alt="imagehandlerlarge.ashx_.jpg" /><div
class="textholder">Ảnh mình họa.</div></div>

Khác với kinh tế quản lý tập trung, nền kinh tế thị trường
tuân theo quy luật cung cầu. Thị trường nhân dụng cũng không
ngoại lệ. Chúng luôn dịch chuyển từ chỗ thừa sang chỗ
thiếu để lập thế cân bằng mới cả về cơ cấu lẫn số
lượng, trong khi đó cả về chính sách lẫn nhận thức dân
chúng nước ta chưa hẳn sẵn sàng thích ứng với quy luật lưu
thông chất xám trong thời đại toàn cầu hoá mà vẫn nặng kỳ
thị nó coi đó là chảy máu chất xám.

<strong>
*Phần I: Sự kiện 12/13 thủ khoa Việt Nam ở lại</strong>

Cuộc thi kiến thức Đường lên đỉnh Olympia dành cho học sinh
trung học phổ thông của VTV3, tổ chức từ năm 1999 đến nay
đã qua 14 năm. Ngoài phần thưởng, các nhà vô địch hằng năm
còn được Đại học Kỹ thuật Swinburne Úc trao tặng 100% học
bổng. Trong số 13 thủ khoa đã tốt nghiệp có đến 12 ở lại
làm việc, như Trần Ngọc Minh, tốt nghiệp chuyên ngành telecom,
làm việc ở Canberra. Võ Văn Dũng, ngành Information Systems &
Business (Accouting), làm kế toán ở Melbourne. Đỗ Lâm Hoàng
chuyên ngành Telecom, làm việc tại Melbourne.... Duy nhất nhà vô
địch 2011, Lương Phương Thảo, trở về Việt Nam sinh sống.
Sự kiện trên trở thành tin hot được dư luận quan tâm tranh
cãi nhiều chiều gắn với hiện tượng toàn cầu, mà giới
chỉ trích gọi là „chảy máu chất xám" tức mất chất xám.
Thuật ngữ này dịch từ tiếng Anh: human capital flight, hoặc
brain drain, dùng để chỉ trích dòng di cư nguồn nhân lực bậc
cao giữa các nước, dồn về các nước giàu. Dư luận càng quan
tâm hơn khi ông Trần Ngọc Phi Long, 31 tuổi, Phó Phòng Hợp tác
quốc tế, Sở Ngoại vụ Cần Thơ, từng học thạc sĩ chuyên
ngành „quản lý quan hệ quốc tế" tại Anh theo đề án 150
của Cần Thơ, được cử đi công tác tại Canada đầu tháng
7.2014, không về nước, viết thư xin nghỉ việc. Trong khi đó
đề án 150 quy định người được du học bằng ngân sách
phải cam kết làm việc cho địa phương thời hạn bằng ba lần
thời gian học tập, làm cho luồng dư luận phản đối ông Long
có thêm căn cứ pháp lý. Trước đó, ông Nguyễn Tất Thạch,
cán bộ Trung tâm Công nghệ thông tin, thuộc Sở Tài nguyên và
Môi trường Bình Thuận, nhân dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 đi tour du
lịch sang Hàn Quốc không trở về. Cũng như trường hợp trên,
luồng dư luận phản đối căn cứ vào văn bản 1665/UBND - SNV
ngày 8/5/2013 quy định cán bộ, công chức viên chức nghỉ phép
đi tham quan, du lịch nước ngoài phải được Giám đốc Sở
Nội vụ cho phép. Những thành phần trên, dù nhìn dưới góc
độ chảy máu chất xám hay không, cũng chỉ là 1 phần nhỏ
trong tổng số gần 4 triệu người Việt, gốc Việt, hiện
định cư ở nước ngoài, nằm trong quy luật di cư của xã hội
loài người.

<strong>*Phần II: Quy luật di cư</strong>

Hiện tượng di chuyển nơi cư trú (di cư, hay di trú) gắn liền
với loài người từ nguyên thủy, dần hình thành các tộc
chủng phân bố khăp năm châu. Và cũng như trái đất, nó trở
thành quy luật vận động không ngưng nghỉ. Tích gốc người
Việt từ con rồng cháu tiên, 50 người xuống biển, 50 lên
rừng tỏ ra không ngoại lệ. Do đặc tính dị dưỡng, chưa nói
người, đến động vật cũng vậy, tới độ hình thành cả
loài chim di trú; di cư vì vậy có thể coi là quy luật „đất
lành chim đậu" không thể cưỡng. Không phải vô cớ bài hát
„Trái đất này là của chúng mình", cuốn hút trẻ em ước
ao tới vậy!

Theo số liệu UN, năm 2005 thế giới có tới 190 triệu người
di cư, chiếm 3% dân số toàn cầu.

Khảo cứu các nước OECD năm 2012 cho kết quả, con số nhập
cư dôi (hiệu số đầu vào trừ đầu ra) ở Mỹ đứng đầu
trên 1.000.000 người. Đức thứ 2 chừng 400.000, Anh Quốc 300.000
thứ 3; đứng cuối cùng Mexico 20.000, thứ hạng trước đó
Phần Lan 23.000.
<strong>
*Phần III: Quy luật lưu thông chất xám</strong>

Con người sinh ra để mưu sinh, di cư chính nhằm thay đổi hẳn
cuộc sống, tìm đất lành chim đậu. Nhất là khi bị đe doạ
sinh tồn, như chiến tranh, thiên tai, đàn áp. Hoặc do kỳ vọng
hay tìm thấy ở quốc gia mới môi trường làm việc phát huy
được năng lực, thu nhập thích ứng, điều kiện xã hội mọi
mặt bảo đảm chất lượng cuộc sống, thường xảy ra đối
với lao động bậc cao - được gọi là „chất xám". Chất
xám chảy máu hay đó chỉ là sự lưu thông toàn cầu như bất
kỳ thị trường nào, vốn, hàng hoá, tiền tệ... hoàn toàn do
thể chế kinh tế chính trị quyết định. Trước đây không
xảy ra hiện tượng di cư chất xám toàn cầu tới mức như
hiện nay, do một nửa thế giới áp dụng nền kinh tế quản lý
tập trung, đặc trưng của các nước xã hội chủ nghĩa. Theo
đó, kế hoạch nhân lực do nhà nước phân bổ quản lý, cá
nhân không được quyền và không thể tự do tìm, làm việc ở
quốc gia khác; vượt ngoài giới hạn đó nhẹ bị coi là lưu
vong, nặng quy kết về chính trị. Đề án 150 Cần Thơ và công
văn 1665/UBND - SNV Bình Thuận đặt ra quy định đối với nhân
sự họ liên quan tới làm việc ở nước ngoài, và luồng dư
luận phản đối những người đó có thể nhìn nhận dưới
góc độ trên. Như vậy cả về chính sách lẫn nhận thức dân
chúng nước ta chưa hẳn sẵn sàng thích ứng với quy luật lưu
thông chất xám trong thời đại toàn cầu hoá mà vẫn nặng kỳ
thị nó coi đó là chảy máu chất xám. Khác với kinh tế quản
lý tập trung, nền kinh tế thị trường tuân theo quy luật cung
cầu. Thị trường nhân dụng cũng không ngoại lệ. Chúng luôn
dịch chuyển từ chỗ thưà sang chỗ thiếu để lập thế cân
bằng mới cả về cơ cấu lẫn số lượng. Tốc độ có thể
rất nhanh, như kết qủa UN thống kê 60 năm qua cho thấy số
nhập cư dôi thay đổi chỉ trong vài ba năm. Đức năm 2009 mới
đứng thứ 8, năm 2012 đã lên thứ 2, sau Mỹ. Dịch chuyển
không theo một hướng mà mang tính thuận nghịch như xuất nhập
khẩu; năm 2013 Đức có 1.226.000 triệu người nhập cư, thì
cũng có tới 789.000 người Đức di cư ra nước ngoài. Không
đâu là đất lành vĩnh viễn cho mọi con người! Thậm chí mang
tính lặp lại, di cư rồi nhập cư trở lại; trong tổng số
người nhập cư vào Đức nói trên có tới 110.000 người Đức
di cư trước kia nay hồi hương. Nguyên lý thuận nghịch và lặp
lại, hay nói cách khác „lưu thông chất xám", giúp tạo nên
thị trường nhân dụng thế giới cân bằng động, không nước
nào „chết hẳn" vì mất chất xám và cũng không nước nào
„bội thực" vì quá nhiều. Còn chênh lệch là quy luật tất
yếu của xã hội loài người, giống như giàu và nghèo, chính
nó lại tạo ra động lực khắc phục nó, thúc đẩy vận
động phát triển, tương tự như trong nhiệt động học, chênh
lệch nhiệt độ là động lực quyết định tốc độ truyền
nhiệt.

<strong>*Phần IV: Thực tế nhập cư một số nước</strong>

Quy luật lưu thông chất xám không chỉ phát huy tác dụng ở
nước giàu như Đức. Khác với chảy máu chất xám là mất nó,
lưu thông chất xám giúp cho nước nghèo phát triển; trong số
3-4 triệu người Việt di cư ra nước ngoài, hiện hàng năm có
trên 10 tỷ đô la ngang ngửa thu ngân sách nước ta, đổ về
nước. Kèm theo đó, bao cá nhân, gia đình, nhà kinh doanh, cùng
công ty nước ngoài, mang theo kiến thức công nghệ thiết bị
về nước lập nghiệp (đáng tiếc thiếu số liệu thống kê
để lượng hoá). Chưa nói những nhân vật tên tuổi thế giới
sống ở nước ngoài như Ngô Bảo Châu đã và đang đóng góp
cho đất nước.

Trung Quốc là nước hội nhập lưu thông chất xám có kết
qủa hàng đầu thế giới; chấp nhận chảy máu chất xám ban
đầu, thu lại chất xám về sau, biến nó thành lưu thông chất
xám 2 chiều, thông qua khuyến khích học sinh du học, làm việc
ở nước ngoài, thậm chí nhập quốc tịch hay kết hôn, rồi
ưu đãi chào mời họ trở về. Từ những năm 1980 đến 2007,
trên 2/3 số du học sinh Trung Quốc không về nước làm việc,
88% sinh viên du học tại Mỹ ở lại lâu dài ít nhất 5 năm.
Năm 2012 có tới 72% chuyên gia Trung Quốc tới Mỹ bổ túc kiến
thức, không trở về.

Ở Nga, trong vòng 10 năm hậu Xô Viết, ước từ 500.000 tới
800.000 chuyên gia Nga sang các nước phương Tây lập nghiệp. Hoa
Kỳ là quốc gia hàng đầu thu hút nguồn chất xám; năm 2012,
trong ngành y cứ 4 bác sĩ có một nhập cư. Anh thuộc quốc gia
hiện đại, nhưng 1/3 trong số 3,3 triệu người Anh di cư ra
nước ngoài có bằng đại học.

Trong gần 3.000 công dân Pháp lấy bằng tiến sĩ ở Mỹ, có
tới 70% ở lại tương đương tỷ lệ ở lại của du học sinh
Việt Nam, chứng tỏ chất xám lưu thông không hẳn cứ từ
nước nghèo tới nước giàu.
<strong>
*Phần V: Tham khảo chính sách và thị trường chất xám ở
Đức</strong>

Thị trường không phải một chiếc bánh để chia đều, hay
phúc lợi nhà nước phải bảo đảm như nhau cho mọi người,
mà là nơi cạnh tranh giành lợi nhuận, kể cả thị trường
nhân dụng. Quốc gia nào tạo nên thị trường hấp dẫn, quốc
gia đó sẽ vượt trội. Có thể tham khảo chính sách thu hút
chất xám Đức, không phải bằng chủ trương chung chung hay mỹ
từ kêu gọi, mà được điều chỉnh bởi một hệ thống pháp
lý hoàn chỉnh, tự động, trên cơ sở Luật Lưu trú (AufenthG)
và nghị định Quyền Làm việc (BeschV), áp dụng cho sinh viên
nước ngoài, đã tốt nghiệp đại học, các khoa học gia
được mời, các trí thức, lao động nước ngoài bậc cao khác
ngoài EU (trong EU được coi như người Đức). Theo Điều 16
Luật AufenthG, sinh viên nước ngoài học dự bị tiếng Đức sau
năm thứ 1 và khi học chính thức không cần giấy phép của Cơ
quan Lao động Đức cấp, được làm việc 120 ngày hoặc 240
nửa ngày / năm, không kể ngày lễ, cuối tuần, hay các công
việc cộng tác khoa học, phụ trợ trong trường. Với luật
lương tối thiểu áp dụng từ năm tới, 8,50 Euro/giờ, họ dễ
dàng đảm bảo cuộc sống, chi phí học tập chưa kể hỗ trợ
gia đình, và đặc biệt qua đó hoà nhập vào xã hội Đức,
làm nền tảng cho họ tự quyết định dễ dàng nên ở lại hay
hồi hương sau khi học, không bị thụ động đứng giữa đôi
dòng nước.

Sinh viên các nước trong kỳ nghỉ hè sang Đức mỗi năm
được phép làm việc 3 tháng (Điều 10 BeschV). Đó là cơ hội
để họ tìm hiểu thị trường lao động Đức. Sinh viên nước
ngoài thực tập trong khuôn khổ trao đổi giữa 2 nhà nước,
được phép làm việc 1 năm không cần giấy phép lao động
(Điều 2, BeschV).

Sinh viên nước ngoài học ở Đức, sau khi tốt nghiệp được
cấp giấy phép lưu trú 18 tháng để tìm việc (Điều 16 Aufenth
G). Nếu tìm được, sẽ được cấp giấy phép lưu trú có
thời hạn ở Đức để làm việc (Điều 18 AufenthG). Sau 2 năm,
được cấp giấy phép lưu trú vô thời hạn, tức định cư ở
Đức (Điều 18 b Aufenth G). Nghĩa là nhà nước tạo mọi điều
kiện cho sinh viên nước ngoài hoà nhập dần vào xã hội Đức
từng cấp bậc một từ khi nhập học cho đến khi định cư
hẳn. Giải thích tại sao đa phần sinh viên nước ngoài sau khi
tốt nghiệp ở lại Đức, tới 2/3; số còn lại hồi hương do
hoặc không tìm được chỗ làm việc, hoặc sẵn chỗ hưá hẹn
trong nước tốt hơn, hoặc vì hoàn cảnh cá nhân.

Các nhà khoa học sang Đức nghiên cứu cộng tác sẽ được
cấp giấy phép để lưu trú ở Đức với mục đích làm việc
tiếp tục, nếu họ được nhận làm nhân viên nghiên cứu,
giảng dạy, kỹ sư, kỹ thuật viên tại các trường đại
học, cơ sở khoa học Đức, hoặc cơ sở tương tự (Điều 5
BeschV, Điều 18 AufenthG). Những người khác chưa được nhận
vẫn được cấp giấy phép lưu trú tương tự, nếu họ có
kiến thức chuyên môn đặc biệt có lợi cho xã hội Đức.
Chính sách trên chính xuất phát từ nguyên lý sâu xa, nền kinh
tế hiện đại còn được gọi là nền kinh tế trí thức, nên
khả năng cạnh tranh của nó tùy thuộc vào lợi thế chất xám,
cần phải thu hút. Những trường hợp như ông Nguyễn Ngọc Phi
Long, hay ông Nguyễn Tất Thạch, hay bất cứ ai tương tự nếu
nhìn từ góc độ chính sách nhà nước Đức nói trên, sẽ
thấy đó là quy luật tất yếu; cá nhân bị nó chi phối chứ
không thể chi phối lại. Tương tự các nhà khoa học trên, theo
Điều 20 AufenthG và Quy phạm EU, các nhà nghiên cứu ngoại quốc
được cấp giấy phép lưu trú với mục đích nghiên cứu nếu
có các cơ sở nghiên cứu ở Đức tiếp nhận làm việc với
mức lương tối thiểu 1.750 Euro/tháng (phiá Tây), 1.493,33
Euro/tháng (phiá Đông), nghĩa là thị trường tuyển dụng không
chỉ ở Đức mà vươn ra toàn cầu. Cũng vậy các nhà khoa học
hay giảng dạy ngoại quốc có kiến thức chuyên môn nổi trội
hoặc ở vị trí lãnh đạo, muốn sang Đức làm việc, sẽ
được cấp giấy phép lưu trú vĩnh viễn, không cần điều
kiện mức lương tối thiểu (Điều 19 AufenthG). Người nước
ngoài có bằng đại học được phép sang Đức tìm việc 6
tháng nếu tự bảo đảm được cuộc sống trong thời gian đó
(Điều 18 AufenthG). Để ở lại làm việc tiếp tục, họ
được cấp giấy phép lưu trú đặc biệt gọi là thẻ xanh EU,
với điều kiện mức lương tối thiểu phải bằng 2/3 mức thu
nhập giới hạn trên trong đóng bảo hiểm hưu trí nhà nước.
Sau 33 tháng làm việc sẽ được cấp giấy phép lưu trú vô
thời hạn (Điều 19a AufenthG). Ngay cả những người không
được cấp thẻ xanh do không đạt mức lương tối thiểu cũng
có thể được cấp giấy phép lưu trú để làm việc, nếu
được cơ quan quản lý lao động đồng ý (Điều 27 BeschV).
Người lao động bao giờ cũng gắn với gia đình, để thu hút
lao động bậc cao yên cư lạc nghiệp thì phải bảo đảm gia
đình họ được đoàn tụ. Người đoàn tụ cũng được cấp
giấy phép lưu trú, làm việc và hưởng mọi tiêu chuẩn an sinh
như mọi công dân Đức (Điều 2-15 BeschV).

Nhờ chính sách được luật hoá thành hành lang pháp lý trên,
mà Đức hiện đứng hàng thứ 2 thế giới về nhập cư dôi,
không chỉ thu hút chất xám thế giới mà còn bù đắp được
vấn nạn dân số giảm 200.000 người mỗi năm do số người
chết cao hơn số người sinh; hoà nhập họ như công dân Đức,
nói cách khác công dân hoá lao động bậc cao nước ngoài.

<strong>*Phần VI: Còn chính sách nước ta?</strong>

Nước ta chưa thể mong, và đủ khả năng công dân hoá lao
động bậc cao nước ngoài như Đức vốn còn qúa xa vời, nhưng
đối với lao động bậc cao người Việt và gốc Việt ở
nước ngoài thì sao? Trong thời đại toàn cầu hóa và hội
nhập quốc tế, không quốc gia nào dùng được biện pháp hành
chính để điều khiển thị trường lao động như trong nền
kinh tế quản lý tập trung cả, mà chỉ có thể điều chỉnh
chính mình để thích ứng với thị trường đó. Khác hẳn mọi
thị trường khác mang tính vật chất nằm ngoài con người,
thị trường lao động nằm trong chính mỗi con người, vì vậy
chỉ có thể thích ứng với thị trường đó khi nước ta hội
nhập đầy đủ thể chế kinh tế, xã hội thế giới. Mà
điều kiện tiên quyết làm nền tảng cho nó, bước đi đột
phá đầu tiên, có thể coi như thí điểm, chính là chính sách
hoà nhập lao động tái nhập cư, bảo đảm bình đẳng, không
phân biệt người Việt trong hay ngoài nước, như nhà nước
Đức không hề phân biệt đối với người Đức ở nước
ngoài hay công dân nước ngoài sống ở Đức. Đơn thuần như
kết hôn thôi, hoàn toàn riêng tư, không phải đại sự quốc
gia gì, ở Đức người Đức đăng ký ở đâu người nước
ngoài cũng đăng ký ở đó. Nhưng nước ta phân biệt, ai quốc
tịch nước ngoài đều phải tới Sở Tư pháp tỉnh thành, kể
cả gốc Việt, lẫn người Việt định cư, còn người dân
chỉ cần tới ủy ban phường xã. Chẳng nhẽ chính giới ta
không ai nhận ra hai thế giới người Việt trong một quốc gia
Việt qua từng hiện tượng riêng lẻ như thế cộng lại –
cái gọi là chính sách trên thực tế? Chỉ cần đạt được
điều kiện tiên quyết trên thôi thì đã thu hút được bao lao
động bậc cao Việt ở nước ngoài. Một khi sống ở đâu làm
gì không còn phải lưỡng lự do bị phân biệt, ắt họ sẽ
tự động chọn „quê hương là chùm khế ngọt" mà không
cần bất cứ một ưu đãi ưu ái lợi ích nào ở Việt Nam vốn
không thể nào cao hơn các quốc gia hiện đại.




***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140918/nguyen-sy-phuong-van-de-the-che),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét