Dương Hoài Linh - Có phải "lịch sử không phải để thù hận"?

Hôm nay đọc bài báo này trên vnexpress
http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/lich-su-khong-phai-de-thu-han-3077650.html
mình cảm thấy có nhiều vấn đề để nói. Tác giả là một
nữ nhà báo trẻ và bài viết được một nhà văn đánh giá là
"một bài viết hay, có thái độ điềm tĩnh công bằng về một
sự kiện nhức nhối của sử Việt"

Nhưng đọc xong toàn bộ bài viết mình chỉ thấy toát lên sự
ngụy biện. Chẳng hiểu cố tình hay hữu ý người viết đã
đánh tráo đối tượng, bao biện cho những kẻ đã gây ra vết
thương âm ỉ máu trong lòng dân tộc trong suốt 60 năm dài. Nếu
không vạch ra sự giả dối này vết thương lại tiếp tục
mưng mủ, gây ung thư và hoại tử cho những phần cơ thể lành
lặn còn lại.

Trước hết theo quan điểm của mình Cải cách ruộng đất là
một hủ mắm không chỉ thối mà còn tanh. Tanh mùi máu. Những
xác động vật được đem làm mắm đến 7/10 là bị oan, nỗi
oan thấu trời xanh. Nhưng nỗi oan này hơn một nửa thế kỷ
vẫn không giải được nên nó tích tụ lâu ngày thành "thù
hận". Thế nhưng bản thân "thù hận" không có lỗi, cái có
lỗi chính là phương cách để hóa giải lòng thù hận đó. Theo
đạo lý ngàn đời của dân tộc thì "oán thù nên giải không
nên kết". Lấy oán báo oán, oán sẽ kéo dài mãi không dứt.
Thế nhưng người CS không hề nghĩ như vậy, quan điểm của
họ là "máu kêu máu ở trên đời tha thiết" hoặc "máu kêu
trả máu đầu van trả đầu" (Tố Hữu).

Đó là quan điểm kích động bạo lực, thí mạng người dân
để thực hiện chủ trương "Súng đẻ ra chính quyền". Nhưng
đối với những sai lầm được vay bằng máu của mình họ
lại trở nên hiền lành như một con cừu non ngơ ngác "Lịch
sử không phải để thù hận", "Hãy quên quá khứ đi, bắt tay
làm lại". Bài viết của phóng viên Thu Hà có đoạn:

<blockquote>Nhưng cũng thật kỳ lạ là khi chúng tôi hỏi: "Sao
mẹ suốt ngày kể về cải cách, mà thỉnh thoảng có người
ở quê ra, nào khám chữa bệnh, nào đi thi đại học, nào xin
việc, toàn là con cháu của những người ngày xưa đấu tố
ông bà, sao mẹ vẫn niềm nở mời ở lại, nấu nướng cho ăn,
dúi tiền tàu xe, quà cáp khi về? Sao mẹ không cấm cửa họ?
Nhớ lâu thế sao mẹ không ghét?".

Câu trả lời nhẹ nhõm bất ngờ: "Thì toàn họ hàng làng xóm
cả, không gần thì xa, ghét họ thì về quê còn nhìn ai nữa?
Mình bị trời bắt phải nhớ thì cứ nhớ thế thôi, chứ cũng
nên thương họ, lúc ấy, bảo họ làm thế nào thì họ làm,
họ có nhận thức được như thế là bạc, là ác, là sai trái
đâu".</blockquote>

Đây là một sự đánh tráo chủ thể khá lộ liễu. Bởi vì ai
cũng thấy rõ người chịu trách nhiệm chính gây ra cái chết
của hàng trăm ngàn người không phải là những người nông
dân ngờ nghệch kia. Họ chỉ là công cụ dùng để đấu tố.
Do vậy bà mẹ không ghét họ là điều tất nhiên. Bà mẹ có
thể vì nhận thức non kém về chính trị không hiểu thực
chất vấn đề nhưng tác giả, một phóng viên chẳng lẽ không
hiểu điều sơ đẳng này? Lòng căm thù là sản phẩm của bạo
lực và nỗi oan khiên chồng chất. Nhưng đặc biệt nó lại là
sản phẩm phổ biến trong một xã hội không có pháp trị. Tư
tưởng lấy oán báo oán tồn tại trong các tiểu thuyết kiếm
hiệp, truyện lịch sử Trung Hoa... và cũng đặc biệt tồn tại
luôn trong truyện Tấm Cám... được chính quyền đưa vào giảng
dạy ở bậc học phổ thông và cho rằng đó là quan điểm của
nhân dân. Thế thì tại sao tác giả lại quên mất điều đó.
Phải chăng là vì cô phóng viên này thấy cần phải nhân từ
bảo vệ những kẻ đã gây ra sai lầm trong cải cách?

Lại một cách biện giải khá non nớt khác:

<blockquote>"Nhưng nó cũng là niềm vui của hàng triệu bần cố
nông khác khi lần đầu được dắt con trâu ra đồng với tư
cách "chủ nhân ông", lần đầu được cày trên thửa ruộng
"của mình", lần đầu được ăn cơm trên bộ tràng kỷ mát
lạnh xa lạ mà ba đời cha ông mình không dám mơ ước, dẫu
ngay mùa sau, con trâu không biết chăm đã kiệt sức mà chết,
bộ tràng kỷ đã chẻ ra nấu cỗ trong một dịp liên hoan với
"đội", còn thửa ruộng chỉ sau 2-3 vụ lúa đã trở lại
thành "tài sản chung" trong công cuộc hợp tác hóa nông
nghiệp."</blockquote>

Sai lầm hoàn toàn. Một bất công này không thể xóa bỏ bằng
một bất công khác. Giả sử họ đích thực là địa chủ,
đích thực là ăn cướp của nông dân thì cũng cần có luật
pháp để phân xử, phân chia một cách rành mạch rõ ràng.
Huống chi đa phần những tài sản ấy là do một đời chắt
bóp, tằn tiện của những người trung nông bị quy thành địa
chủ. Bây giờ lại tán dương hành động của kẻ cướp khi
được hưởng thụ của cải cướp được một cách bất minh
của nạn nhân. Liệu có chính đáng không? Chưa kể còn biện
minh bằng mục đích cao cả:

<blockquote>"Nó cũng là nguồn động lực không nhỏ cho những
đoàn dân công hỏa tuyến, những đội Vệ quốc đoàn được
thành lập vội vã từ vùng giải phóng, hào hứng băng đèo xẻ
núi lên Điện Biên, tham gia vào một chiến dịch lớn chưa
từng thấy trong lịch sử chiến tranh Đông dương, để rồi
kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy
lừng.</blockquote>

"Hóa ra chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu,chấn
động địa cầu có một phần không nhỏ từ công lao của
những oan sai trong cuộc "đấu tranh giai cấp"? Vinh quang không
chỉ được xây trên xác quân thù mà còn từ máu của đồng
bào cùng chủng tộc?

"Hận thù" bản thân không có tội nếu được đặt đúng chỗ.
Nó là động lực là đòi hỏi bức thiết để giải tỏa oan
khiên. Oan ức cũng không chỉ giải tỏa bằng sự bao dung mà
còn bằng sự soi sáng của luật pháp. Nỗi oan của Ức Trai khi
xưa cũng được nuôi dưỡng bằng lòng hận thù của con cháu
ông trong suốt 30 năm. Sau cùng nó cũng chỉ được giải tỏa
bằng ánh sáng công minh của vua Lê Thánh Tông, người đã bỏ
công hoàn thành bộ luật Hồng Đức, một bộ luật điển
hình, hoàn thiện nhất trong lịch sử Nhà nước phong kiến
Việt Nam, chứa đựng nhiều nội dung tiến bộ, nhân văn sâu
sắc.

Như vậy chỉ có việc dùng hận thù để xóa bỏ hận thù mới
tạo ra "oan oan tương báo" muôn đời không dứt. Đó mới là
quan điểm sai lầm. Bên cạnh đó quan điểm"Lịch sử không
phải để hận thù" là một quan điểm bao biện, chạy tội cho
cái ác. "Lịch sử phải được soi sáng một cách công minh
bằng pháp trị". Đó mới là quan niệm đúng đắn nhất. Ung
nhọt phải được mổ xẻ tận gốc, oan sai phải được bồi
thường cả về vật chất và danh dự mới triệt tiêu được
vĩnh viễn lòng hận thù.

Nhưng suy cho cùng đòi hỏi một nền pháp trị đúng đắn để
soi sáng những oan sai trong "Cải cách ruộng đất" là một đòi
hỏi mang tính gây cười. Thực tế thì xã hội Việt Nam đang
tái diễn một công cuộc CCRD mới, với vụ Đoàn Văn Vươn,
Phạm Ngọc Viết, với Dương Nội,với Nông trường Sông Hậu
và hàng ngàn dân oan khác trên cả nước. Và rồi những nổi
oan này cũng sẽ tuân theo quy luật "Lịch sử không phải để
thù hận" để chìm vào bóng đêm và tạo ra những oan khuất
khác. Vài chục năm sau con cháu cũng chỉ biết nói như tác giả
bây giờ:

<blockquote>"Vậy thì hãy để lịch sử đã bị quên lãng hiện
ra, từ từ, bằng những bắt đầu giản dị như triển lãm
Cải cách ruộng đất. Người xem, dù là nhân chứng hay 2-3 thế
hệ sau sẽ tự hiểu, tự đánh giá, chẳng cần nhiều lời,
không thiên kiến và càng không là thù hận."</blockquote>

Từ đầu tới cuối bóng dáng của những kẻ "tội nhân thiên
cổ" chẳng hề hiện ra và kết thúc là một phép thắng lợi
tinh thần. Than ôi,các nạn nhân chỉ còn biết "ngậm cười nơi
chín suối".

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140918/duong-hoai-linh-co-phai-lich-su-khong-phai-de-thu-han),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét