Tuấn Khanh - Lời cam kết từ con buôn

<img
src="http://nhacsituankhanh.files.wordpress.com/2014/08/sach-giao-khoa-dien-tu.jpg?w=624"
width="560" />

Có vẻ như những người đề xuất nên cuộc cách mạng sách
giáo khoa điện tử đã không còn đủ sức bình tĩnh trước
món lợi 4000 tỷ sẽ đem về, nên họ đang làm tất cả mọi
thứ để thúc giục cho một cuộc chuyển đổi đầy bất cập
mà ai cũng nhìn thấy. Để thuyết phục tốt hơn việc các phụ
huynh trên toàn quốc gia phải chi tiền cho classbook, rất nhiều
lời cam kết về sản phẩm này đã xuất hiện, nhưng ngay từ
đầu, ở mọi phía đã hiện rõ tính cách con buôn vô trách
nhiệm trong việc thèm muốn bán được hàng hơn là một chiến
lược đầy khát vọng trong sáng cho một quốc gia.

Tạm khoan nói về giá trị của cái máy tính bảng giá rẻ –
mà khả dĩ sẽ làm từ nguyên liệu của Trung Quốc – chúng ta
hãy nói về các cam kết mong manh của những người bán hàng đa
cấp – thuộc tầm quốc gia này, ở nhiều khía cạnh.

Sở giáo dục TP.HCM nhấn mạnh trong các quảng cáo của mình,
nói rằng học sinh chỉ có thể dùng classbook vào việc học, và
sẽ không thể chơi game trên máy này. Đây là một cam kết về
mặt kỹ thuật mà bất cứ cửa hàng bán điện thoại hay máy
tính bảng hàng thấp nhất nào của cấp huyện cũng phải phì
cười. Chuyện 'hack' hay 'root' một chương trình điều
hành android của máy tính bảng – hiện nay đã trở thành trò
chơi tại nhà – đã quá phổ biến. Cam kết một điều không
thể tuyệt đối trong ngành công nghệ thông tin, chỉ có thể
là từ một cá nhân hay tập thể quá dốt nát, hoặc quá gian
xảo và lừa gạt để chỉ để bán hàng. Quả thật dễ dãi
để tuyên ngôn!

Sở giáo dục TP.HCM cất tiếng hô vang như một cuộc cách mạng
– dĩ nhiên, ắt phải có sự đồng thuận của Bộ giáo dục
và Đào tạo, cho cuộc bán hàng mang tính cưỡng bức, trong đó
cài sẳn toàn bộ các bản sách giáo khoa từ lớp 1 – 12 trong
chiếc máy tính bảng. Nhưng điều mà người ta không tìm thấy,
đó là giá trị mở lâu dài của hệ thống sách giáo dục
điện tử này. Tập hợp các bản sách giáo khoa đó vào một
bộ khung với "giá rẻ", có thể được coi là một phương
án mới của con buôn trong ngành giáo dục, và vô hình trung cũng
chứng minh rõ thế độc quyền của nhà phát hành sách giáo
dục, mà vốn gần 40 năm nay, có đủ các ví dụ chứng minh
rằng đã luôn sai lầm và lạc hậu trong các ấn bản giáo khoa.

Xin Sở và cả Bộ đừng cố ý quên rằng sách giáo khoa là tài
sản quốc gia, được sử dụng trong mục đích miễn phí bản
quyền cho việc giáo dục quốc dân. Việc kinh doanh hoặc
nhượng quyền kinh doanh trong một mô hình khác, thật sự là
điều đáng buồn giữa thời buổi dễ làm tiền hôm nay. Hãy
thử đặt câu hỏi, tại sao người ta lại không bán máy tính
bảng với giá rẻ, hoặc để phụ huynh tự lựa chọn tablet cho
con mình, rồi điều hành việc tải về các bản sách giáo khoa
miễn phí, hoặc có giá hợp lý trong việc duy trì hệ thống?
Chỉ duy việc kinh doanh các bản ebook sách tham khảo, sách bài
tập thêm… của từng lớp, nếu biết khai thác cũng là nguồn
thu đúng và dồi dào cho những nhà xuất bản có suy nghĩ về
tương lai.

Chúng ta vẫn thấy những chuyện mua bán và trục lợi trên
đất nước này mỗi ngày. Nhưng bán mua nhân danh vì tri thức
của thế hệ, ít ra cũng phải có một ai đó chính danh cam kết
chịu trách nhiệm rõ ràng. Thật đáng kinh tởm, nếu như một
ngày nào đó xảy ra sai lầm hay khủng hoảng từ hệ thống
Classbook này, người ta chỉ nghe được câu trả lời rằng
"sẽ rút kinh nghiệm", hay "tự kiểm điểm nghiêm
khắc"… Người dân – với tư cách là người mua hàng – dù
bị cưỡng bức mua, thì cũng cần được ứng xử văn minh,
chứ không thể bị lừa đảo một cách hoang dã. 4000 tỷ mồ
hôi nước mắt từ một nước nghèo như Việt Nam, cần lắm
một cam kết có giá trị con người. Và cũng đừng quên 4000
tỉ chỉ mới là thí điểm ở một thành phố với các lớp
1,2,3. Con số tổng cho việc áp đặt đại trà, còn lớn hơn
gấp nhiều lần.

Trong những câu chuyện hàng chục ngàn học sinh Việt Nam bỏ
học vì thiếu ăn, vì không đủ tiền mua tập vở đến
trường. Sẽ có thêm bao nhiêu đứa trẻ sẽ ngậm ngùi từ giã
lớp học vì một cái classbook "đại nhảy vọt" của Sở hay
Bộ giáo dục Việt Nam? Những nhà cách mạng giáo dục điện
tử này sẽ cam kết gì khi áp đặt thêm một gánh nặng cho các
học sinh nghèo? Hãy tự hỏi, phải chăng, câu nói nổi tiếng
của ông Nguyễn Thiện Nhân trên báo Sài Gòn Giải Phóng ngày
6/9/2007 "Học phí chắc chắn sẽ phải tăng, có thể chấp
nhận cả việc một số người đi học sẽ giảm vì tăng học
phí", đang là kim chỉ nam của ngành giáo dục Việt Nam, bất
chấp mọi đạo lý?

Tiếc cho một quốc gia và một thành phố mạnh mẽ nhất
nước. Nơi đó, người ta không nghe thấy tiếng vang lên của
tri thức tử tế, mà chỉ nghe tiếng vang của đồng tiền và
những lời cam kết vô giá trị của con buôn.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140822/tuan-khanh-loi-cam-ket-tu-con-buon),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét