Tuấn Hưng - Thúc đẩy nhân quyền hay can thiệp vào công việc nội bộ?

Những năm qua, một trong các yếu tố tạo nên uy tín của Việt
Nam trong quan hệ quốc tế là việc Nhà nước Việt Nam luôn
khẳng định quan điểm tiến bộ, tích cực về nhân quyền,
đồng thời cố gắng tạo điều kiện để mọi người dân
được hưởng các quyền của mình và trên thực tế, Việt Nam
đã đạt được nhiều thành tựu nhân quyền không ai có thể
phủ nhận. Tuy nhiên, không phải khi nào hoạt động này cũng
nhận được sự hợp tác thiện chí từ một số quốc gia.

Tại phiên họp cấp cao khóa 16 Hội đồng Nhân quyền LHQ ở
Giơ-ne-vơ (Geneva), khi Việt Nam lần đầu chính thức tuyên bố
ứng cử làm thành viên nhiệm kỳ 2014 - 2016 của tổ chức này,
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: Nhà nước
Việt Nam quyết tâm thực hiện mục tiêu "tăng trưởng kinh tế,
công bằng xã hội và Nhà nước pháp quyền, các quyền con
người ở Việt Nam ngày càng được tăng cường", "phấn đấu
cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy việc hưởng thụ và bảo
vệ nhân quyền cho nhân dân các nước". Không chỉ bằng những
tuyên bố, mà qua nhiều việc làm, thành tích cụ thể trong thúc
đẩy nhân quyền, Việt Nam đã nhận được sự tín nhiệm,
ủng hộ của các chính phủ, và dư luận rộng rãi trên thế
giới. Ngày 12-11-2013, Ðại hội đồng LHQ khóa 68 đã bầu Việt
Nam làm thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền, với 184
nước ủng hộ trong số 193 nước tham gia bỏ phiếu. Trong phiên
Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) tháng 2-2014, việc Việt
Nam chấp thuận hơn 80% số khuyến nghị các quốc gia đưa ra
đã thể hiện quyết tâm, thiện chí thúc đẩy, hòa đồng các
giá trị nhân quyền với thế giới. Bên cạnh các hoạt động
này, Việt Nam còn tích cực hợp tác với nhiều quốc gia và
tổ chức quốc tế để phát huy các giá trị nhân quyền tốt
đẹp, phù hợp đạo đức, thuần phong mỹ tục, lợi ích dân
tộc, mở ra các kênh đối thoại, tổ chức hội thảo để chia
sẻ kinh nghiệm với các quốc gia ở các cấp độ khác nhau,
như hội thảo chia sẻ kinh nghiệm châu Âu về bảo vệ, thúc
đẩy quyền con người, diễn ra vào tháng 6-2013 tại Quảng Ninh.

Chính vì thế, dư luận Việt Nam rất bức xúc khi thấy một
số cơ quan truyền thông và tổ chức quốc tế, một số cá
nhân và chính phủ như cố tình bỏ qua các quan điểm tích cực
cùng thành tựu nhân quyền ở Việt Nam, mà phê phán thiếu
thiện chí, thậm chí coi nhân quyền là điều kiện để xúc
tiến các quan hệ. Như ngày 30-7, Ðại sứ quán Ô-xtrây-li-a
cùng Ðại sứ quán Hoa Kỳ, EU, nhóm G4 (Ca-na-đa, Niu Di-lân, Na
Uy, Thụy Sĩ) đã tổ chức tại trụ sở Ðại sứ quán
Ô-xtrây-li-a ở Hà Nội hội thảo "Truyền thông phi nhà nước
ở Việt Nam trong thời kỳ hiện nay". Diễn biến hội thảo cho
thấy, dường như diễn giả và phần lớn ý kiến phát biểu
ít phù hợp với chủ đề "thảo luận về truyền thông phi nhà
nước ở Việt Nam trong thời kỳ hiện nay, kể cả những
phương tiện truyền thông mới như các blog", "xã hội dân sự
có thể sử dụng phương tiện truyền thông mới như thế nào
để thúc đẩy nhân quyền trong khuôn khổ của hệ thống chính
trị Việt Nam", mà chủ yếu phê phán thiếu thiện chí, thiếu
xây dựng đối với vấn đề được đặt ra; tập trung đề
cập tới việc Nhà nước Việt Nam "đàn áp tự do ngôn luận",
xử phạt một số trang mạng cá nhân đã "phê bình, chỉ trích
Chính phủ", xử lý người gây rối an ninh - trật tự, cho rằng
cuộc sống của một vài cá nhân gặp khó khăn là do cơ quan
công quyền sách nhiễu,...? Về hiện tượng này, blogger Võ
Khánh Linh nhận xét: "Hội thảo có vẻ như đã vượt ra khỏi
giới hạn bày tỏ sự ủng hộ với thiện chí của Nhà nước
Việt Nam đối với khuyến nghị của Ô-xtrây-li-a trong việc
tạo môi trường thúc đẩy tự do ngôn luận, nó dường như
hướng đến việc Ô-xtrây-li-a muốn "tranh thủ" việc này để
"tạo môi trường hợp pháp" từ đặc quyền ngoại giao về
trụ sở của mình cho những kẻ vi phạm pháp luật Việt Nam
với mục đích chống Nhà nước, xâm phạm an ninh quốc gia
được phát biểu lên án chính quyền dưới lá bài hộ mệnh
về cái gọi là "tự do ngôn luận"..."!?

Lý do khiến dư luận bức xúc không chỉ do nội dung của hội
thảo, mà còn do danh sách khách mời và cách thức mà nơi tổ
chức bày tỏ. Vì về công khai, khách mời là dành cho quan chức
chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội, các NGO, các tổ
chức xã hội dân sự nhưng trên thực tế, dường như họ lại
dành "biệt đãi" cho một số blogger mà chính phủ, hệ thống
truyền thông và người dân Việt Nam từng công khai phê phán,
thậm chí có người trong số họ từng bị pháp luật xử lý
vì xâm phạm tới an ninh quốc gia. Chẳng lẽ Ðại sứ quán
Ô-xtrây-li-a và các Ðại sứ quán đã phối hợp tổ chức hội
thảo lại không biết gì về một số cá nhân, hội nhóm chỉ
tồn tại trên in-tơ-nét (internet) thường xuyên đề cập tới
tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam với kiểu đưa tin
cực đoan, một chiều, rất thiếu khách quan nhằm phục vụ ý
đồ chính trị xấu, đặc biệt là được sự chỉ đạo của
các đảng phái, hội nhóm thù địch với Việt Nam ở nước
ngoài, như "tổ chức khủng bố Việt tân", "Voice", "dân làm
báo",... Những người này đã đi ngược lại lợi ích dân
tộc, đưa thông tin sai lệch nhằm tác động để nước ngoài
can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Việt Nam để họ có
cơ hội lật đổ thể chế chính trị, gây rối loạn đất
nước.

Trước hội thảo này, một số hội thảo khác đã được tổ
chức có sự tham dự của một số đại diện cơ quan ngoại
giao nước ngoài ở Việt Nam, như hội thảo "Cơ chế kiểm
điểm định kỳ phổ quát: Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế" tại
trụ sở EU ngày 20-5-2014, thậm chí cả cái gọi là "hội thảo
Quyền tự do đi lại" do một số kẻ trong cái gọi là "nhóm
Tuyên bố 258" tổ chức tại một quán cà-phê ở Hà Nội. Các
hoạt động này thường không hoàn toàn hướng tới giá trị
thiết thực là chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy giá trị nhân
quyền như công bố, mà dường như chỉ hướng tới việc cổ
súy các thành phần hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước
Việt Nam? Bên cái gọi là hội thảo, gần đây còn thấy đại
diện một số cơ quan ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam như
đang gia tăng tiếp xúc với một số phần tử chống đối.
Nội dung các cuộc gặp luôn được chính các thành phần đã
được "ưu ái tiếp xúc" quảng cáo rùm beng trên internet mà qua
đó cho thấy, mục đích là kêu gọi một số quốc gia gây sức
ép để buộc Chính phủ Việt Nam thừa nhận những tổ chức
bất hợp pháp, trả tự do cho các đối tượng vi phạm pháp
luật đang thi hành án, cung cấp và hỗ trợ về tinh thần, vật
chất giúp mấy hội nhóm này "đấu tranh bất bạo động"! Và
gặp xong là họ liền vội vã khoe khoang như thành công đáng
khích lệ, cổ vũ nhau hoạt động bất chấp quy định pháp
luật và sự bức xúc của dư luận, thậm chí rùm beng rằng
"chế độ sắp đến ngày sụp đổ", "thời cơ cách mạng đã
chín muồi"!

Theo pháp luật Việt Nam, các hội thảo do cơ quan tổ chức
quốc tế tiến hành tại Việt Nam phải tuân thủ Quyết định
Về việc tổ chức, quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế
tại Việt Nam - số 76/2010/QÐ-TTg được Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng ký ngày 30-11-2010. Trong đó, tại khoản 3, Ðiều 3
viết rõ: "Tổ chức nước ngoài khi tổ chức hội nghị, hội
thảo quốc tế phải thực hiện theo quy trình sau: a. Có kế
hoạch tổ chức trình cấp có thẩm quyền nêu tại khoản 2,
Ðiều 3 của Quyết định này phê duyệt. Thời hạn trình ít
nhất là 20 ngày trước ngày dự kiến tổ chức. Kế hoạch tổ
chức cần nêu rõ: Lý do, danh nghĩa tổ chức, mục đích của
hội nghị, hội thảo; thời gian và địa điểm tổ chức hội
nghị, hội thảo; địa điểm tham quan, khảo sát (nếu có);
hình thức và công nghệ tổ chức (trong trường hợp hội
nghị, hội thảo trực tuyến); nội dung, chương trình làm việc
và các hoạt động bên lề hội nghị, hội thảo; thành phần
tham gia tổ chức: cơ quan phía nước ngoài, cơ quan phía Việt
Nam, cơ quan tài trợ (nếu có); Thành phần tham dự: số lượng
và cơ cấu thành phần đại biểu, bao gồm cả đại biểu có
quốc tịch nước ngoài và đại biểu Việt Nam.

Sau khi nhận được kế hoạch tổ chức hội nghị, hội thảo
quốc tế, cấp có thẩm quyền lấy ý kiến bằng văn bản của
các cơ quan, địa phương liên quan; ra quyết định việc tổ
chức hội nghị, hội thảo quốc tế theo đề nghị của các
tổ chức nước ngoài hoặc trình Thủ tướng Chính phủ nếu
vượt quá thẩm quyền của mình. Cơ quan được lấy ý kiến
có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời gian không
quá 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị. b.
Tiến hành hội nghị, hội thảo theo đúng chương trình, đề
án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. c. Gửi báo cáo
tóm tắt kết quả hội nghị, hội thảo cho cấp có thẩm
quyền trong phạm vi 15 ngày kể từ khi kết thúc hội nghị,
hội thảo".

Trên thực tế, cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam đã lên
tiếng rằng, Việt Nam không hoan nghênh tổ chức hội thảo, và
coi đây là hành động can thiệp vào công việc nội bộ. Vậy
bằng việc làm đó, phải chăng một số cơ quan đại diện
ngoại giao nước ngoài tại Hà Nội không chỉ không tôn trọng
pháp luật Việt Nam, cố ý can thiệp vào vấn đề nội bộ,
tạo điều kiện "hợp thức hóa" một số cá nhân, tổ chức
đang có hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam, mà còn vi
phạm chính nguyên tắc ngoại giao được quy định tại Ðiều
41 - Công ước Viên năm 1961, trong đó các nhân viên ngoại giao:
"1. Không làm phương hại đến các quyền ưu đãi và miễn trừ
của mình, tất cả những người hưởng các quyền đó có
nghĩa vụ lớn trong luật lệ của Nước tiếp nhận. Họ cũng
có nghĩa vụ không được can thiệp vào công việc nội bộ
của Nước tiếp nhận",... "3. Trụ sở của cơ quan đại diện
không được đem sử dụng một cách không phù hợp với các
chức năng của cơ quan đại diện đã được nêu trong Công
ước này hoặc trong những quy phạm khác của công pháp quốc
tế, hoặc trong những hiệp định riêng hiện hành giữa Nước
cử đi và Nước tiếp nhận"? Trên cơ sở lợi ích quan hệ
được xây dựng, vun đắp nhiều năm giữa Việt Nam với các
quốc gia, mong các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài nêu
trên cân nhắc kỹ lưỡng hơn, cẩn trọng hơn để không tái
diễn các hoạt động tương tự. Ðồng thời, hy vọng các cơ
quan chức năng của Nhà nước cần có phản hồi mạnh mẽ,
để cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài nào đó trước
khi tiến hành bất cứ hoạt động gì cũng cần phải tôn
trọng pháp luật Việt Nam cũng như tôn trọng các nguyên tắc
ngoại giao theo quy định quốc tế.

TUẤN HƯNG

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140819/tuan-hung-thuc-day-nhan-quyen-hay-can-thiep-vao-cong-viec-noi-bo),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét