Hoàng Anh Minh - Chính khách và hành xử với truyền thông

<em><strong> Thấy gì sau câu chuyện đáng tiếc tại một cuộc
họp báo của thành phố Hà Nội mới đây?...</strong></em>

<center><img
src="http://vneconomy2.vcmedia.vn/zoom/500_312/jQqLgkHqRnozwDAp9nhuPjAyuP19Q/Image/2014/08/hop-bao-ba8a0.jpg"
width="500"> </center>
<center><em>Một cuộc họp báo ở nước ngoài. Giữ được phong
thái quý ông trong một không khí đầy áp lực thế này là rất
khó khăn.</em></center>

<strong>Câu chuyện gây tranh cãi về cung cách ứng xử của
một quan chức Hà Nội với một nhà báo trong một cuộc họp
báo mới đây, có thể xem là dịp để mổ xẻ nhiều hơn về
kỹ năng của người có danh phận trước giới truyền thông.
</strong>
"Khi tôi tới đây, bà Laura nhà tôi đã dặn rằng, dù tình
hình thế nào đi chăng nữa, anh vẫn phải là một người lịch
thiệp".

Năm 2006, trả lời phỏng vấn báo chí sau khi bị ném cà chua ở
Indonesia, Tổng thống Mỹ George Bush đã bắt đầu như vậy,
trước khi nói tiếp: "Không vấn đề gì, việc đó (ném cà
chua) chứng tỏ đấy là một quốc gia dân chủ".

Bị ném cà chua vào mặt là một trải nghiệm khó khăn, nhưng
ông Bush vẫn tỏ ra lịch thiệp, hoặc ít ra là ông cố gắng
để lịch thiệp. Tuy nhiên, không những không phản ứng một
cách bất nhã, ông còn "tranh thủ" nhấn mạnh được với
giới truyền thông quốc tế về "dân chủ", một "giá trị
Mỹ" mà người Mỹ thường đề cao và muốn lan tỏa khắp
thế giới.

Bộ phận phục vụ của ông Bush khi đó có lẽ đã mất thêm
thời gian và chi phí giặt tẩy bộ vest của sếp, nhưng bản
thân Tổng thống Mỹ thì đã "ghi điểm" đáng kể với báo
giới, giữa bối cảnh đầy thử thách khi đó trong chuyến thăm
châu Á.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, khi còn là Bộ trưởng - Chủ
nhiệm Văn phòng Chính phủ, cũng từng đối diện nhiều câu
hỏi khó, nhưng ông cũng đã có những câu trả lời khiến báo
giới ngả mũ.

Lấy ví dụ có lần, trước câu hỏi của một nhà báo nổi
tiếng về tình hình "chuẩn bị nhân sự" trước một kỳ
họp Quốc hội, ông Đam có cách thoái thác trả lời khéo léo.

Vấn đề nhân sự vẫn thường bị xem là "nhạy cảm", và
ông Đam, sau thoáng chút suy nghĩ, nhìn về phía nhà báo và nói
đầy dí dỏm: "Tôi không nghĩ là trong danh sách đó có anh!".
Một cách từ chối khiến người hỏi cũng không thấy mếch
lòng, trong khi tránh được một nội dung đầy gai góc.

Câu chuyện của Tổng thống George Bush hay của Phó thủ tướng
Vũ Đức Đam được giới truyền thông kể lại với nhau nhiều
lần, như là những ví dụ thú vị về ứng xử của chính
khách nói riêng, của người nổi tiếng nói chung.

Đáng tiếc, nhiều ví dụ kém thú vị khác vẫn đã và đang
diễn ra, như câu chuyện đáng tiếc tại một cuộc họp báo
của thành phố Hà Nội mới đây. Vì bất bình trước việc
bị một nhà báo "cắt lời", một quan chức gần như đã
đòi "đuổi" nhà báo này ra khỏi phòng họp báo - câu
chuyện khiến cộng đồng báo chí dậy sóng mấy hôm nay.

Trước đó, giới truyền thông cũng từng chứng kiến việc
một lãnh đạo Tập đoàn Vinashin (nay là Tổng công ty Công
nghiệp Tàu thủy - SBIC), hất micro của một phóng viên thuộc
Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) với một thái độ khá bất
nhã.

Ứng xử với truyền thông là một kỹ năng mà mọi chính khách
lớn nhỏ, hay người nổi tiếng như doanh nhân, nghệ sỹ, cầu
thủ bóng đá... đều cần được trang bị. Trước một tình
huống khó, khéo léo né tránh một cách phù hợp khi không muốn
hoặc không thể trả lời, là một kỹ năng quan trọng mà
nhiều khi không phụ thuộc vào trình độ học vấn của người
đó.

Trong hành trình làm chính khách, chút bối rối, thậm chí "vã
mồ hôi" trước truyền thông là điều có thể thông cảm
được; trong khi những hành xử kiểu "cấp trên - cấp
dưới" là hoàn toàn không phù hợp, thậm chí có thể làm cho
"hành trình chính khách" ấy đôi khi ngắn lại.

Cho dù khoảng cách quyền lực, tiền bạc, vị thế xã hội hay
tầm ảnh hưởng giữa một chính khách và một nhà báo lớn
đến mấy, đừng quên rằng trong một cuộc họp báo, chính
khách và nhà báo có vai trò tương đương, ở đây là vai trò
đối tác hỏi - đáp, ít nhất là trong khuôn khổ cuộc họp
báo đó.

Đáng chú ý là sau nhiều "cú vấp" đáng tiếc giữa các
chính khách và giới truyền thông, vấn đề đào tạo kỹ năng
trả lời báo chí cuối cùng đã được nêu ra một cách nghiêm
túc, với sự ra đời của bản "Quy chế phát ngôn và cung
cấp thông tin cho báo chí" của Chính phủ ban hành hồi tháng
5/2013.

Tháng 7/2013, một quan chức Bộ Thông tin và Truyền thông, khi
trả lời phỏng vấn báo chí bên lề hội nghị triển khai quy
chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí tại Tp.HCM, cho
biết sẽ "mời chuyên gia trong và ngoài nước đào tạo, tập
huấn kỹ năng phát ngôn ở cấp bộ ngành trung ương và cấp
tỉnh".

Theo vị này, "không được đào tạo thì rất dễ lúng túng
khi đứng trước nhiều máy quay, chụp ảnh, trước nhiều nhà
báo đang có nhu cầu được thông tin, trong những vấn đề
thời sự mà người dân quan tâm".

Dù sao, ở vị trí nào đi nữa, chính khách vẫn phải luôn tự
nhắc mình đang nhận lương từ tiền thuế của người dân.
Trong khi giới truyền thông, về mặt nào đó, đang đại diện
cho quyền và lợi ích của người dân.

Vì lẽ đó, ứng xử văn minh và lịch lãm là một yêu cầu,
hơn thế, còn là một tiêu chuẩn để người dân và giới
truyền thông đánh giá họ.


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140822/hoang-anh-minh-chinh-khach-va-hanh-xu-voi-truyen-thong),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét