GS Nguyễn Văn Tuấn - Bao giờ Việt Nam có đại học đẳng cấp quốc tế?

<center> <a sl-processed="1"
href="https://anhbasam.files.wordpress.com/2014/08/h1104.jpg"><img
src="https://anhbasam.files.wordpress.com/2014/08/h1104.jpg?w=300&amp;h=203"
width="300"></a></center>

Đại học Giao thông Thượng Hải của Tàu mới công bố danh
sách "top 500" đại học trên thế giới (1). Không có một
đại học VN nào trong danh sách. Câu hỏi mỗi năm lại đặt ra:
bao giờ VN có đại học nằm trong top 500? Câu trả lời đơn
giản là "còn rất lâu". Phải cần một thời gian dài, một
cuộc cách mạng trong suy nghĩ, những hành động tích cực về
nghiên cứu khoa học, chúng ta mới có thể nghĩ đến đại học
VN có tên trong các bảng xếp hạng top 500. Còn hiện tại, chỉ
nên lo cải tổ và làm nghiên cứu khoa học cho thật tốt, chứ
đừng đặt câu hỏi "bao giờ cho đến bao giờ".

Báo Lao Động (2) có đặt câu hỏi theo kiểu khiêu khích Bộ
trưởng ("Top 500 chờ "trận đánh lớn" của Bộ trưởng
Luận"). Cần nhắc lại rằng cách đây vài tháng, ngài Bộ
trưởng GDĐT tuyên bố rằng cải cách giáo dục là một
"trận đánh lớn". (Ông bộ trưởng này có vẻ thích quân
sự, vì mới đây vài ngày ông có một phát ngôn mang mùi súng
đạn). Nay nhà báo đem chữ đó ra làm cái "twist of the tongue"
hỏi ngài bộ trưởng. Tuy nhiên, bài báo viết rằng do chất
lượng đào tạo còn thấp nên các đại học VN chưa có trong
top 500. Theo tôi quan điểm đó chưa hẳn đúng. Vấn đề "top
500" không phải là chất lượng đào tạo, mà là nghiên cứu
khoa học.

Điều đáng chú ý năm nay là trong khối ASEAN nước mới nổi
trong giáo dục đại học là Mã Lai Á có 2 đại học trong top
500: đó là Đại học Malaya và Đại học Khoa học Malaysia (USM).
Hai đại học này trước đây còn kém hơn Mahidol và Chulalongkorn
của Thái Lan, nhưng khoảng 5 năm trước họ đã vượt qua hai
đại học danh tiếng của Thái Lan một cách ngoạn mục. Họ
vượt qua Thái Lan không phải do đào tạo của họ có chất
lượng hơn Thái Lan, mà là nghiên cứu khoa học của họ tốt
hơn 2 đại học hàng đầu của Thái Lan. Trong thời gian 2006-2010
ĐH Malaya công bố 6755 bài báo khoa học trên các tập san ISI,
vượt qua Mahidol (6217). Nên nhớ trước 2006, ĐH Mahidol đứng
hạng cao hơn ĐH Malaya.

Cả hai đại học của Mã Lai trong top 500 đều còn "trẻ".
USM chỉ mới thành lập năm 1969, tức mới 45 năm. Ngay cả ĐH
Malaya cũng chỉ thành lập từ năm 1949, tức 65 tuổi đời. Hai
đại học này đều có "tuổi đời" trẻ hơn các đại học
lâu đời của VN. ĐH Bách Khoa Sài Gòn thành lập năm 1957, ĐH
Khoa học Sài Gòn và ĐH Khoa học Hà Nội thành lập từ 1949,
tức cùng năm với ĐH Malaya. Nhưng khác với các đại học VN
còn đang mơ mộng đẳng cấp, hai đại học Mã Lai đã vươn
lên nhanh chóng trong vòng 20 năm qua và trở thành tên tuổi trên
trường quốc tế. Điều này minh chứng cho phát biểu tôi từng
nói trước đây là một số đại học chỉ cần 30-40 năm là
trở thành đẳng cấp quốc tế. Tại sao VN vẫn chưa có đại
học nào đạt tiêu chuẩn đó. Đó là một vấn đề cần phải
suy nghĩ …

Theo tôi câu trả lời rất đơn giản là đại học VN chưa có
thương hiệu trong trường khoa học quốc tế. Tôi có cảm giác
ở nước ngoài giới khoa học chẳng ai biết đến hay quan tâm
đến đại học VN. Tôi thỉnh thoảng nói về đại học VN làm
cái này cái kia, họ chỉ ậm ừ, chẳng quan tâm. Nhiều lần
như thế tôi đi đến kết luận rằng các đại học VN và nhà
nghiên cứu VN chưa tạo được dấu ấn, chưa có thương hiệu
khoa học. Mấy tuần trước, khi ngồi trong hội đồng cố vấn
faculty của UTS, tôi thấy các thành viên tiêu ra gần nửa ngày
để thảo luận phải làm gì để nâng cao thương hiệu trên
trường quốc tế (UTS có trong bảng top 500, hình như là hạng
300-400 gì đó, nhưng UTS chưa hài lòng với hạng đó). Chúng tôi
đi đến kết luận thương hiệu khoa học của một đại học
chủ yếu được xây dựng qua nghiên cứu khoa học, đội ngũ
giảng viên và giáo sư, và sinh viên tốt nghiệp.

Xét trên cả ba khía cạnh tôi nghĩ các đại học VN khó có cơ
may trở thành "đẳng cấp quốc tế". Sau đây là một vài
lí do giải thích tại sao:

Trước hết là về nghiên cứu khoa học. Ba đại học có
nhiều công bố quốc tế nhất ở VN là [theo thứ tự] Đại
học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM, ĐHQG Hà Nội, và Đại học Bách khoa
Hà Nội. Hai ĐHQG công bố nhiều vì nhân sự đông hơn các
trường khác, chứ không có nghĩa là năng suất khoa học cao. Tuy
nhiên, mỗi năm ĐHQG-HCM cũng chỉ công bố trên dưới 150 bài.
Con số này còn rất khiêm tốn nếu so với các trường trong
vùng. Chẳng hạn như Đại học Chulalongkorn, Mahidol, Malaya, mỗi
năm công bố được từ 1700 đến 2500 bài. Còn so với ĐHQG
Singapore thì con số công bố quốc tế của các đại học hàng
đầu VN chẳng có ý nghĩa gì! (Năm 2009, ĐHQG Singapore công bố
4285 bài, tương đương với ĐH Sydney của Úc; cùng năm, ĐHQG
Seoul công bố 5120 bài). Như vậy, hoạt động nghiên cứu khoa
học của các đại học hàng đầu VN còn quá kém và quá lu mờ
so với các đại học lớn trong vùng.

Nếu số công trình của VN tăng 20% mỗi năm và liên tục, thì
cũng phải tốn 15 năm ĐHQG-HCM mới bằng ĐH Mahidol và 20 năm sau
mới bằng ĐHQG Seoul năm 2009. Như vậy có một khoảng cách rất
xa về nghiên cứu khoa học giữa các đại học hàng đầu VN và
đại học đẳng cấp quốc tế.

Một điểm khác cũng đáng chú ý là phần lớn những bài báo
khoa học từ VN là do hợp tác quốc tế. Hiện nay, khoảng 70-80%
các bài báo khoa học từ VN hoặc là kết quả của hợp tác
quốc tế hoặc do nghiên cứu sinh đi học ở nước ngoài cùng
nghiên cứu với thầy cô ở nước ngoài. Số bài báo "thuần
Việt Nam" (tức tất cả tác giả và công trình thực hiện ở
VN) còn rất ít. Điều này nói lên rằng khoa học VN đang trong
thời kì hay có nguy cơ lệ thuộc.

Thứ hai là tầm ảnh hưởng của các đại học VN trong khoa
học cũng rất thấp. Trong một phân tích trước đây, tôi có
chỉ ra rằng gần 50% những bài báo công bố quốc tế của VN
chưa bao giờ được trích dẫn (có ngành như kĩ thuật con số
lên đến 70%). Ngay cả số bài báo được trích dẫn thì cũng
rất thấp. Tính trung bình chỉ số trích dẫn 10 năm của các
bài báo khoa học từ ĐHQGHCM là 3.5, còn rất kém so với ĐHQG
Singapore là 8.82. Sau đây là vài con số để chúng ta so sánh về
chất lượng khoa học của vài trường tiêu biểu (tất cả là
tính trong thời gian 5 năm 2006-2010):

Số bài báo khoa học
ĐHQG-HCM: 720 bài
ĐH Malaya: 6755
ĐH Mahidol: 6217
ĐHQG Singapore: 28972
ĐHQG Seoul: 27089
UNSW (Úc): 21459
ĐH Sydney: 26865

Chỉ số tác động (% cao hơn hay thấp hơn trung bình thế
giới)
ĐHQG-HCM: 26.9
ĐH Malaya: 26.9
ĐH Mahidol: 47.7
ĐHQG Singapore: 54.9
ĐHQG Seoul: 60.6
UNSW (Úc): 57.1
ĐH Sydney: 61.8

Chỉ số xuất sắc (là % bài báo được trích dẫn nhiều
nhất; "nhiều" ở đây là nằm trong nhóm "top 10%" trong
mỗi chuyên ngành)
ĐHQG-HCM: 16.1
ĐH Malaya: 18.1
ĐH Mahidol: 9.9
ĐHQG Singapore: 13.1
ĐHQG Seoul: 19.7
UNSW (Úc): 17.9
ĐH Sydney: 18.0

Thứ ba là đội ngũ giáo sư, giảng viên và nhà khoa học. VN
chưa có một giáo sư hay một nhà khoa học nào đứng vào hàng
các nhà khoa học "eminent" (lừng danh) trên thế giới. Dĩ
nhiên, VN có vài nhà khoa học có tiếng trên thế giới trong
chuyên ngành của họ, nhưng ngay cả trong chuyên ngành, cái "có
tiếng" đó cũng chỉ là hạng trung bình hay trên trung bình
một chút. Theo tôi biết, VN chưa có một nhà khoa học được
mời diễn thuyết trong phiên họp khoáng đại của các hội
nghị số 1 trong chuyên ngành. Chính vì thế mà VN chưa có dấu
ấn khoa học trên trường quốc tế.

Nói ngoài lề một chút, ngay cả đi dự hội nghị nước ngoài
mà còn bị hạn chế thì nói gì đến chuyện giáo sư VN có
thể quảng bá đại học của mình. Những chuyện nhỏ như thế
có tầm ảnh hưởng lớn đến thương hiệu của đại học.

Thứ tư là sinh viên tốt nghiệp trong môi trường toàn cầu
hoá. Có thể nói rằng các đại học VN hiện nay chỉ đào tạo
chuyên viên cho thị trường lao động ở VN là chính, chứ chưa
thể vươn ra thế giới. Nhưng chất lượng đào tạo nói chung
chưa cao. Ngay cả ở trong nước các sinh viên ra trường cũng
chưa đáp ứng yêu cầu của kĩ nghệ. Khi được hỏi nguồn
nhân lực công nghệ cao của VN ở đâu trên thế giới, tổng
giám đốc Intel Việt Nam cho biết "lực lượng lao động trong
lĩnh vực này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về cả số lượng
lẫn chất lượng trước nhu cầu tuyển dụng." Sau khi tuyển
dụng được nhân viên, Intel vẫn phải gửi họ sang Malaysia
để đào tạo.

Đào tạo trong nước còn chưa đạt, thì làm sao nói đến
chuyện đào tạo cho nhân lực toàn cầu. Đại học là một
trung tâm khoa học và văn hoá quốc tế, nhưng số sinh viên và
giảng viên nước ngoài ở các đại học VN hầu như chỉ đếm
đầu ngón tay. Đại học VN vẫn chưa có tính quốc tế. Chưa
có quốc tế hoá thì nói gì đến "đẳng cấp quốc tế".

Bốn yếu tố trên tương tác với nhau. Có giáo sư giỏi thì
mới có nghiên cứu khoa học có phẩm chất tốt; nghiên cứu
sẽ tạo ra "ngôi sao"; ngôi sao sẽ đào tạo sinh viên giỏi;
sinh viên giỏi mang tiếng thơm cho trường. Bản thân giáo sư
giỏi qua công bố quốc tế cũng tạo danh cho trường. Tôi nghĩ
tất cả đều bắt đầu từ con người và nghiên cứu khoa
học. Các trường đại học VN thiếu cả hai thì rất khó trở
thành "đẳng cấp quốc tế" trong tương lai gần.

Cơ chế hiện nay chưa cho phép các trường đại học VN thu hút
nhân tài trên thế giới. Thật ra, cho dù VN có cơ chế và tiền
bạc để thu hút nhân tài, các giáo sư đẳng cấp quốc tế
cũng ngần ngại đến VN vì các đại học VN chưa có "thương
hiệu" trong khoa học và cũng chưa biết tương lai ra sao. Mỗi
người thường chỉ có 5-10 năm để dấn thân vào một thách
thức mới, nếu cuộc dấn thân thất bại thì sự nghiệp coi
như thất bại. Do đó, vấn đề lại xoay quanh vòng tròn luẩn
quẩn: thiếu người tài dẫn đến nghiên cứu kém chất
lượng, nghiên cứu kém chất lượng → đại học không có
tiếng tốt → khó thu hút người tài.

VN vẫn hay hô hào "đẳng cấp quốc tế" nhưng tiếc thay
phần lớn có vẻ chỉ nặng về hình thức. Chẳng hạn như 6
năm trước, ĐHQG-HN có kí kết hợp đồng với Tập đoàn Dầu
khí (3) để xây kế hoạch có giải Nobel! Cho đến nay, chưa
biết khả năng có giải Nobel là bao nhiêu, nhưng rõ ràng đó là
một điều rất bất khả thi. Giải Nobel không có được từ
hợp đồng, mà từ nghiên cứu khoa học có phẩm chất cao. Một
hình thức khác là xem nghiên cứu khoa học như là một phong
trào. Khắp nơi người ta làm nghiên cứu để có cái chứng từ
làm … "chiến sĩ thi đua". Đó là những cách làm rơi rớt
từ thời bao cấp XHCN. Không ai khuyến khích nghiên cứu khoa
học như kiểu VN.

Tôi nghĩ nên dẹp bỏ những hình thức như thế, và thay vào
đó là khuyến khích các nhà khoa học làm nghiên cứu có chất
lượng cao và công bố trên các tập san tốt. Cần phải có
hình thức tưởng thưởng những nhà khoa học có thành tích
tốt. Tôi tính ra mỗi đại học lớn như ĐHQG-HCM hay ĐHQG-HN
chỉ cần tổ chức lại lực lượng nhà khoa học theo nhóm, và
chỉ cần chừng 1000 nhà nghiên cứu (dĩ nhiên kể cả nghiên
cứu sinh) công bố thường xuyên. Với lực lượng đó thì số
bài báo mỗi năm dễ dàng đạt con số 1500-2000. Chỉ vài năm
là có "momentum" để tiến lên một nấc cao hơn. Một khi đã
có số lượng, bước kế tiếp là nâng cao phẩm chất. Từ
đó, giấc mộng đẳng cấp quốc tế sẽ không xa.

—-

(1) <a sl-processed="1" href="http://www.shanghairanking.com/ARWU2014.html"
target="_blank"
rel="nofollow">http://www.shanghairanking.com/ARWU2014.html</a>

(2) "Top 500 chờ "trận đánh lớn" của Bộ trưởng
Luận" <a sl-processed="1"
href="http://laodong.com.vn/su-kien-binh-luan/top-500-cho-tran-danh-lon-cua-bo-truong-luan-235301.bld"
target="_blank"
rel="nofollow">http://laodong.com.vn/su-kien-binh-luan/top-500-cho-tran-danh-lon-cua-bo-truong-luan-235301.bld</a>

(3) <a sl-processed="1"
href="http://www.baomoi.com/Xay-dung-de-an-chien-luoc-de-VN-co-giai-Nobel/122/1446593.epi"
target="_blank"
rel="nofollow">http://www.baomoi.com/Xay-dung-de-an-chien-luoc-de-VN-co-giai-Nobel/122/1446593.epi</a>


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140822/gs-nguyen-van-tuan-bao-gio-viet-nam-co-dai-hoc-dang-cap-quoc-te),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét