GS Carl Thayer - Cụ thể hóa một giải pháp bán quân sự cho căng thẳng hàng hải trên biển Đông

<strong>Đôi lời:</strong> Gần đây, trên tạp chí online của
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một viện
nghiên cứu nổi tiếng ở Washington, đã công bố các đề nghị
rằng Hoa Kỳ tổ chức huấn luyện lực lượng Cảnh Sát biển
đa phương trong khu vực Biển Đông. Hai tác giả, ông David Brown
và Carl Thayer, cho rằng những đợt huấn luyện này sẽ tăng
cường khả năng của Việt Nam, Philippines và các nước khác,
đồng thời ngăn chặn các hành động khiêu khích của Trung
Quốc diễn ra trong tương lai. Đây là nội dung bài viết của
<strong>GS Carl Thayer</strong>.

Người dịch: <strong>T.H.A.</strong>

15-08-2014

<div class="boxright300"><img
src="http://anhbasam.files.wordpress.com/2014/08/h1135.jpg?w=402&h=225"
width="402"></a></div>

Tôi muốn cụ thể hóa đề xuất của ông David Brown bằng cách
đưa ra giải pháp sau đây: mục tiêu chính của chiến lược
hàng hải của Hoa Kỳ ở biển Đông nên là tạo ra những tình
huống buộc Trung Quốc phải lựa chọn giữa hai con đường:
chấp nhận hiện trạng hoặc phải leo thang tranh chấp. Hoa Kỳ
nên theo đuổi một chiến lược gián tiếp bằng cách thắt
chặt hơn nữa quan hệ đồng minh với Philippines và hợp tác an
ninh với Việt Nam, đồng thời tham gia vào các hoạt động hàng
hải ôn hòa với mục đích răn đe Trung Quốc. Hoa Kỳ không nên
đối đầu trực tiếp với Trung Quốc bằng lực lượng hải
quân của mình.

Trước cuộc khủng hoảng giàn khoan, Việt Nam đã đề xuất
một cuộc đối thoại an ninh ba bên với Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Đề xuất này có vẻ như đã nhận được phản ứng thận
trọng từ phía Nhật Bản song vẫn chưa bị gác lại. Một
cuộc họp ba bên kênh 2 (Track II) giữa các cơ quan nghiên cứu
chiến lược đã được lên kế hoạch tổ chức vào cuối năm
nay ở Washington.

Trước tình hình hiện tại, một cuộc gặp ba bên kênh 1 (Track
I — có nghĩa là chính thức) nên bắt đầu được đàm phán
và đóng vai trò như một bàn đạp để thống nhất một chiến
lược đa phương nhằm răn đe Trung Quốc. Một chiến lược
kiểu như vậy nên bao gồm cả Việt Nam, Philippines, Nhật Bản
và Hoa Kỳ, và đẩy mạnh hợp tác giữa các lực lượng tuần
duyên của các nước này. Cho đến nay Nhật Bản đã chủ
động tiếp cận Philippines và Việt Nam.

Hoa Kỳ và Việt Nam nên thúc đẩy thỏa thuận hợp tác giữa
lực lượng tuần duyên của hai nước. Đến nay, hoạt động
huấn luyện đã diễn ra trên đất liền dưới hình thức các
khóa học ngắn. Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ nên được
triển khai tới vùng biển của Việt Nam để tham gia huấn
luyện chung cũng như trao đổi quan sát viên trên tàu của nhau.
Gần đây Việt Nam đã tham gia Sáng kiến An ninh Chống phổ
biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Việc này mang đến một cơ
hội cho Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam phát triển hơn nữa khả năng
cảnh giới lãnh hải của mình.

Thời cơ đã chín muồi để Hoa Kỳ bắt đầu nới lỏng lệnh
cấm bán trang thiết bị và dịch vụ quân sự cho Việt Nam. Có
thông tin rằng trước đây Việt Nam đã bày tỏ quan tâm tới
việc mua máy bay cảnh giới hàng hải và radar bờ biển của Hoa
Kỳ. Hoa Kỳ có thể triển khai mẫu máy bay mà Việt Nam đang
quan tâm và tiến hành các chuyến bay trình diễn với sự có
mặt của các quan sát viên quân sự của Việt Nam trên máy bay.

Thêm vào đó, các máy bay cảnh giới hàng hải của Hải quân
Hoa Kỳ đang đóng tại Philippines theo thỏa thuận tăng cường
hợp tác quốc phòng gần đây có thể được tạm thời triển
khai tới Việt Nam. Chúng có thể tham gia vào các nhiệm vụ
cảnh giới hàng hải chung với các máy bay Việt Nam. Quan sát
viên quân sự của Hoa Kỳ có thể có mặt trên máy bay tuần tra
của Việt Nam, và ngược lại.

Các nhà phân tích an ninh khu vực dự đoán rằng từ nay trở
đi Trung Quốc sẽ tiến hành khoa trương sức mạnh hải quân
trên biển Đông hàng năm từ tháng 5 đến tháng 8. Điều này
sẽ mang lại cơ hội cho Hoa Kỳ và Nhật Bản tổ chức một
loạt các cuộc diễn tập hàng hải và các chuyến bay tuần tra
liên tục với Việt Nam và Philippines ngay trước khi lực lượng
Trung Quốc xuất hiện, kéo dài từ tháng 4 tới tháng 8 hàng
năm. Chi tiết của các hoạt động này nên được bạch hóa
tối đa cho tất cả các quốc gia trong khu vực, bao gồm cả
Trung Quốc.

Một chiến lược gián tiếp mang lại cho Hoa Kỳ phương thức
cụ thể hóa chính sách công khai phản đối việc sử dụng các
biện pháp cưỡng ép và dọa nạt để dàn xếp các tranh chấp
về lãnh thổ. Một chiến lược gián tiếp không đòi hỏi Hoa
Kỳ phải trực tiếp đối đầu với Trung Quốc. Chiến lược
này dồn cho Trung Quốc gánh nặng phải lựa chọn có chấp
nhận rủi ro phải đương đầu với các đội hình tàu thuyền
và máy bay hỗn hợp của cả Hoa Kỳ, Nhật Bản, Philippines và
Việt Nam hay không.

Lực lượng không-hải hỗn hợp này sẽ hoạt động trong các
vùng lãnh hải và không phận quốc tế chồng lên đường 9
đoạn của Trung Quốc. Mục tiêu ở đây là duy trì sự hiện
diện liên tục các phương tiện máy bay và tàu bè để răn đe
Trung Quốc khỏi việc cưỡng ép và dọa nạt Việt Nam và
Philippines. Có thể tăng cường hiệu ứng răn đe bằng việc
trao đổi chéo lực lượng thủy thủ và phi hành đoàn trong
tất cả các cuộc diễn tập. Quy mô và cường độ của các
cuộc diễn tập này có thể được tùy chỉnh theo mức độ
căng thẳng của tình hình.

<em>GS. Carlyle A. Thayer là Giáo sư Danh dự tại Trường Khoa học
Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học New South Wales tại Học
viện Quốc phòng Australia ở TP Canberra, Australia.</em>


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140824/gs-carl-thayer-cu-the-hoa-mot-giai-phap-ban-quan-su-cho-cang-thang-hang-hai-tren),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét