Trần Huỳnh Duy Thức - Thư viết từ trại giam Xuyên Mộc: Cơ hội để VN thoát khỏi cái bóng đè của TQ hàng nghìn năm nay

<strong>Xuyên Mộc, 14/06/2014</strong>

Thưa ba thương kính,

Sáng nay thấy ba vẫn khỏe mạnh nên con rất vui nhưng con cũng
đọc được những ưu tư trong lòng ba. Ba đừng bận tâm quá
nhiều, mọi chuyện sẽ nhanh tốt đẹp thôi. Không có cuộc
chuyển mình nào dễ dàng cả. Sự chuyển mình vĩ đại càng
gian truân. Con thường có dự cảm đúng. Hồi đầu tháng 4, như
con viết cho ba trong bức thư 16A, con linh cảm đất nước đang
bước tới một bước ngoặt lịch sử. Dù không biết được
nó sẽ là gì nhưng con hiểu rằng trong một bối cảnh như
vậy, thể nào cũng có một sự kiện gì đó sẽ dẫn đến
biến cố lớn và đặt đất nước trước một thách thức
nghiêm trọng – nhưng cũng là một cơ hội lớn. Đó chính là
bước ngoặt TQ đặt giàn khoan HD-981 hồi đầu tháng 5. Con
biết mọi người đang rất lo lắng nhưng dự cảm của con lại
tốt. Con tin rằng bước ngoặt này sẽ dẫn đến một bước
rẽ vĩ đại cho dù đang có nhiều ngã ngách đen tối chực
chờ. Đây không chỉ là dự cảm. Đó còn là sự nhìn thấy
theo quy luật phát triển đất nước tất yếu. Thế và lực
của dân tộc VN đã thay đổi rất nhiều. Thế giới cũng đã
biến đổi sâu sắc, bước vào một giai đoạn toàn cầu hóa
mới vô cùng sâu rộng, bứng lung lay tận gốc chủ nghĩa thực
dân; đế quốc; hành xử đơn phương cá lớn nuốt cá bé bằng
vũ lực. Thế giới này sẽ không dung thứ cho những kẻ coi
chủ quyền của người khác là ao nhà, là của riêng của mình,
trên cả bình diện quốc gia lẫn quốc tế.

Nhân loại tiến bộ đã không tiếc sức 7 thập kỷ qua từ sau
thế chiến thứ II để xây dựng những thiết chế và luật
pháp quốc tế nhằm ngăn ngừa chiến tranh thế giới và những
cuộc xâm lấn của kẻ mạnh. Chuẩn mực và thái độ hành xử
của loài người vì vậy mà đã thay đổi văn minh hơn. Người
ta không còn đề cao sức mạnh cơ bắp của cường quyền, mà
trái lại coi thường và phỉ báng nó, sẵn sàng hợp lực để
biến cải nó hoặc loại trừ nó. Do vậy chắc chắn là những
kẻ nói trên nếu không tỉnh ngộ, cấu kết với nhau thì sẽ
bị cả thế giới nguyền rủa và chuốc lấy thất bại nhục
nhã.

Con rất để ý đến chính sách và các phát biểu của TQ về
"sự trỗi dậy hòa bình" của họ. Họ luôn cố gắng che
đậy bằng ngôn từ ôn hòa. Nhưng khi họ nói họ là dân tộc
đã bị trải qua nhiều đau thương bởi sự chà đạp của các
nước mạnh thực dân đế quốc nên không muốn lập lại
điều đó, thì tiếp theo họ chỉ trích các cường quốc hiện
nay tìm cách ngăn cản những cách thức "chính đáng" của TQ
mà các cường quốc này trước đây đã từng thực hiện
tương tự. Đến đây thì có thể thấy điều TQ ngụ ý
"không muốn lặp lại" không có nghĩa là TQ cam kết không
thực hiện các chính sách thực dân đế quốc với các nước
nhỏ, mà có nghĩa là TQ sẽ không để mình bị chà đạp lần
nữa. Không để người khác chà đạp mình là một khát vọng
chính đáng của các dân tộc. Nhưng thực hiện nó bằng cách
chà đạp dân tộc khác thì là điều mà thế giới ngày nay
không bao giờ chấp nhận. Thế giới đó có đủ sức mạnh
của các thiết chế và luật pháp quốc tế để ngăn chặn
hoặc dập tắt tham vọng đó.

Con đến TQ rất nhiều và cũng có nhiều bạn bè ở đó nên
cảm nhận được một chủ nghĩa dân tộc cực đoan mà chính
quyền của họ đã khéo léo xây dựng lâu nay dựa trên việc
khích động tinh thần tự tôn dân tộc bằng những hận thù
đối với Nhật và các nước phương Tây đã xâu xé TQ hồi
cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Nếu ba để ý thì sẽ
thấy rằng không phải ngẫu nhiên mà trong vòng 20 năm qua đã
có cực kỳ nhiều các bộ phim TQ được đầu tư rất bài bản
và công phu với dàn diễn viên gạo cội đóng về các đề tài
cận đại, cường điệu quá mức những nỗi nhục mà các
nước nói trên gây ra cho người TQ để làm họ sôi sục và
đổ trách nhiệm hết cho các nước này. Các bộ phim đó dù
mang danh nghĩa của các hãng tư nhân nhưng thực ra là được âm
thầm tài trợ khổng lồ bởi chính phủ.

Năm 2008 con nói chuyện với một giáo sư TQ, một nguời có
khuynh hướng ủng hộ các chính sách nói trên của chính phủ
nước này, ông ta thừa nhận rằng chủ nghĩa dân tộc cực
đoan là một sách lược kín được khéo léo thực hiện và che
đậy ở TQ. Tuy nhiên ông ta cho rằng đó là điều cần thiết
để vực dậy một TQ đã suy nhược và để rửa những mối
nhục dân tộc trước đây. Khi con nói với ông ta rằng từ
đầu thế kỷ 20 đến nay, chưa có một quốc gia dân tộc cực
đoan nào không chuốc lấy sự thất bại ê chề cho dù đã
đạt được một thời kỳ tăng cường được đáng kể tiềm
lực quốc gia, thì ông ấy bảo rằng TQ sẽ biết dừng đúng
lúc – tức là họ sẽ không gây hấn, xâm lược các nước
khác. Con đáp lại ông ấy rằng hy vọng ấy rất mong manh vì
nhân nào quả đấy nên ở bên trong cái quả đó thì không thể
ngăn được nó phình to ra. Do vậy khả năng ngăn dừng ấy nếu
có thì chỉ có thể đến từ bên ngoài. Ông ta không phản
đối, chỉ nói rằng: "cái đó còn tùy cơ trời". Con không
cảm nhận được cái cơ mà ông ấy nói nhưng con lại có cảm
nhận của riêng mình về một "thiên cơ" khác.

<strong>15/06/2014</strong>

Có một điều nguy hiểm là phần đông trí thức TQ cũng giống
như vị giáo sư nói trên, lại đổ lỗi cho nguyên nhân chính
làm TQ bị tụt hậu và chà đạp vào thế kỷ 19 là bởi các
cường quốc thời đó, tức là từ bên ngoài. Nhưng hôm đó con
đã tranh luận với ông ấy rằng nguyên nhân chính là từ bên
trong, từ chính sự yếu kém của người dân và chính quyền
của TQ cũng như VN hay bất kỳ những nước nào tụt hậu thời
đó. Họ đã u mê những thứ lỗi thời và sẵn sàng đánh
đổi chủ quyền của mình đã bảo vệ những cái u mê và lỗi
thời đó. Cùng một thời điểm vào giữa thế kỷ 19, người
Nhật đã tỉnh ngộ thoát khỏi cơn mê và bắt đầu cuộc duy
tân Minh Trị, còn người TQ và VN càng lậm sâu vào cơn mê
đó. Bà Từ Hy là người cầm quyền tối cao ở TQ vào thời
đó, đã sẵn sàng bán nhượng bất kỳ đảo, đất nào cho
phương Tây để làm thuộc địa hay tô giới để đổi lấy
sự "yên ổn" nhằm có thể trấn áp được các phong trào
canh tân đất nước đe dọa đến ngôi vị của mình. Bà ta
đàn áp dã man những người yêu nước, kể cả con ruột mình
là vua Quang Tự, để dập tắt mọi tư tưởng đổi mới. Bà ta
là một điển hình của loại thống trị hèn với giặc ác
với dân để được sống sa hoa trên sự nghèo hèn của cả
một dân tộc. <strong>Nếu TQ không tự làm mình suy yếu thì
không thể có nước nào chà đạp được họ.</strong> Nếu họ
không chấp nhận đánh đổi chủ quyền của mình và đoàn kết
lại thì chẳng có nước nào, liên minh nào đủ sức xâm
chiếm, xâu xé họ vào lúc đó. Nếu người dân TQ đã không cam
chịu thân phận nô lệ cho chính quyền thối nát của Từ Hy
thì đã không có những sự đánh đổi chủ quyền đầy ô
nhục như vậy. Xét cho cùng, nguyên nhân gốc của sự ô nhục
đó là từ nội tại. Những học giả chân chính ở TQ đều
hiểu như vậy, chính quyền TQ trong thâm tâm của mình cũng nhìn
nhận như thế. Nhưng vì để nhanh chóng xây dựng được một
chủ nghĩa dân tộc cho hơn 1 tỷ người với nhiều sắc tộc
phức tạp khác nhau, tiếng nói khác nhau thì việc khơi dậy
những sự ô nhục chung của mọi người là một cách hiệu
quả. Nhưng nó cũng tất yếu tạo ra sự cực đoan, quá khích
và hận thù.

Con cảm thấy tiếc cho chính quyền TQ. Họ đã có công và thành
công trong việc vực dậy một TQ suy nhược nghiêm trọng từ
cuối những năm 1970 đến giờ. Họ đã tận dụng được môi
trường hòa bình và ra sức chứng minh tinh thần hòa bình với
thế giới để có được sự phát triển vượt bậc. Nhưng mua
danh ba vạn mà bán danh có 3 đồng. Chỉ trong 1 thời gian ngắn
từ đầu 2009 đến giờ, họ đã đánh mất gần hết những son
phấn mà họ ra sức tô trát trong hơn 30 năm qua. Con nghĩ là họ
đã tính toán sai lầm về thời điểm nhưng đã phóng lao thì
phải theo lao. Họ cho rằng Mỹ và phương Tây đang bị rơi vào
khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng từ 2008 và sẽ kéo dài ít ra
10 năm. Quân lực Mỹ thì bị hút vào Trung Đông, NATO thì sẽ
bị kềm chân bởi các chính sách tranh chấp của Nga. Do vậy
nếu họ hành động nhanh chóng trong một vài năm thì không ai
đủ sức ngăn chặn họ và họ sẽ đặt thế giới vào chuyện
đã rồi. Nên họ chính thức công bố đường chín đoạn đầu
2009 và liên tục gia tăng sức mạnh quân sự trên Biển Đông
và Hoa Đông. Họ tăng mạnh mức độ tranh chấp lãnh hải, lãnh
thổ với VN, Philippines, Nhật và các nước khác. Và họ đã
lầm, dù đang khó khăn nhưng các nước này vẫn tìm được sự
ủng hộ quốc tế và dựa vào các thiết chế và luật pháp
quôc tế cũng như sự liên kết đa phương để bảo vệ mình.
Nhưng sai lầm nhất có lẽ là với VN, họ nghĩ rằng VN là nơi
họ dễ dàng áp đặt nhất nhưng không ngờ rằng nhân dân VN
phản ứng rất quyết liệt ngay từ khi họ chuẩn bị công bố
đường lưỡi bò vào cuối 2008. Các vụ kế tiếp như cắt cáp
tàu BM-02, đâm chìm tàu cá và đánh đập ngư dân VN đầu vấp
phải sự cương quyết phản đối của nhân dân và nhà nước
VN. Rồi đến vụ HD-981 này, TQ không chỉ phải đối phó nhân
dân và chính quyền VN mà còn vấp phải sự chỉ trích kịch
liệt của quốc tế từ chính giới đến dư luận. Giờ đây TQ
chắc đã phải nhận ra rằng không dễ chọn VN làm bàn đạp
để bành trướng toàn Biển Đông, và rằng: "Chủ quyền
quốc gia là thiêng liêng. Nhân dân VN sẽ không chấp nhận đánh
đổi chủ quyền để nhận thứ hòa bình, hữu nghị viễn
vông, lệ thuộc", tương tự như bà Từ Hy của TQ đã từng
làm trước đây.

Vấn đề Biển Đông giờ đây đã được quốc tế hóa thành
công. Vì vậy mà tham vọng lưỡi bò của TQ sẽ không bao giờ
thành hiện thực. Mỹ đang thực hiện chiến lược xoay trục,
Nhật đang thay đổi chính sách an ninh cho phép can dự và tham gia
phòng vệ tập thể. Con đồ rằng không lâu nữa sẽ hình thành
một tổ chức tương tự như NATO cho châu Á Thái Bình Dương,
có thể gọi là PATO. TQ có tăng cuờng quốc phòng, tiềm lực
chiến tranh đến đâu đi nữa thì cũng không đủ sức để
liều lĩnh và phiêu liêu quân sự. Hơn nữa, đang bước vào giai
đoạn mà kinh tế TQ đi vào suy thoái còn kinh tế Mỹ, Nhật và
EU thì bắt đầu phục hồi mạnh mẽ. Cơ hội "đánh nhanh
bằng hòa bình" của TQ đã qua đi và sẽ không trở lại nữa.
VN cũng sẽ tỉnh táo để không rơi vào bẫy khiêu khích của
TQ, tạo cớ sử dụng vũ lực cho họ. TQ sẽ phải tìm lúc để
xuống thang và giữ mặt, đồng thời cài đặt lại quan hệ
với VN để thực hiện một kế hoạch khác dài hơi hơn. Nhưng
bát nước đã đổ, có làm gì thì cũng không thể được lại
như cũ. Mặt khác, sức nước của VN đang dâng lên rất mạnh
mẽ, không dễ gì chấp nhận để TQ áp đặt. Vấn đề Biển
Đông cũng không còn là chuyện riêng của VN và TQ, đã trở
thành vấn đề quốc tế được đặc biệt quan tâm. Ngay cả TQ
có tạo dựng vụ HD-981 để xây dựng các sân bay quân sự trên
các đảo Trường Sa của VN thì họ cũng sẽ gặp phải sự
phản ứng và đối phó hiệu quả của cộng đồng quốc tế,
càng thúc đẩy các nước trong khu vực liên kết chặt chẽ
với nhau hơn. Lợi thế của các sân bay nhỏ này chẳng thấm
vào đâu so với sức mạnh liên kết khu vực. TQ tạo ra một
cái cớ không thể tuyệt vời hơn để các nước có thể
đường đường chính chính xiết chặt tay nhau mà không bị
mất đi chính nghĩa, ngược lại còn được ủng hộ. Tương
tự như Nga, đem Crimea về, lợi thế đại quân sự chẳng có
gì tăng thêm mà lại thành gánh nặng kinh tế, đồng thời tạo
ra 1 cái cớ hoàn hảo để NATO tăng cường và triển khai sự
hiện diện quân sự áp sát biên giới của mình. Cục diện
địa quân sự mới hiện nay cực kỳ bất lợi cho Nga, gần như
xóa sạch thành tựu hơn 20 năm của nước này từ thời Yelsin
nhằm ngăn chặn xu hướng mở rộng về phía đông của NATO.
Ukraina gia nhập tổ chức này là chắc chắn và lấy lại Crimea
chỉ còn là vấn đề thời gian. Kinh tế Nga đang suy thoái nhanh,
nếu họ không có những điều chỉnh kịp thời theo hướng dân
chủ thì những biện pháp cấm vận tiếp theo sẽ làm cho nền
kinh tế này suy sụp nhanh chóng. Do vậy họ đang phải tìm cách
xuống thang. Trong thời đại này, một bước sai lầm chiến
lược sẽ phải trả nhiều giá đắt.

Cho nên ba đừng quá lo lắng. Con hiểu được tâm trạng đó
của mọi người, nhưng con lại thấy rằng đây là cơ hội
ngàn năm để VN thoát khỏi cái bóng đè của TQ hàng nghìn năm
nay, rồi vươn lên mạnh mẽ. Đó cũng là thời cơ để VN ta
đòi lại Hoàng Sa và những đảo Trường Sa đã bị TQ đánh
chiếm. Đây chính là "thiên cơ" mà con nói ở trên nhưng
không phải là cái mong từ trên trời rơi xuống. Mà đây là
dịp hiếm có để dễ dàng xoay chuyển góc nhìn – thay đổi
nhận thức của con người VN về hướng đúng theo xu thế của
quy luật phát triển tất yếu. Chỉ cần như vậy thôi thì
những nguồn năng lượng mới khổng lồ của đất nước sẽ
được tạo ra mà không có gì cản trở được.

Muốn vậy, chỉ cần chân thành tôn trọng tất cả luật pháp
quốc tế trong quốc gia và nhiệt thành thúc đẩy tuân thủ
luật pháp quốc tế trên thế giới. Chỉ thế thôi thì người
dân VN sẽ được tôn trọng và bảo vệ không chỉ trong nước
mà trên toàn thế giới. Và kết quả tất yếu là VN sẽ dân
chủ và thịnh vượng, và xây dựng được thế trận quốc
phòng toàn cầu như con đã viết cho ba trong thư 20A hồi đầu
tháng này. Thế trận đó sẽ bảo vệ vững chắc tổ quốc VN
và góp phần quan trọng đảm bảo hòa bình cho thế giới. Luật
pháp quốc tế cũng chính là công cụ quan trọng nhất để
chúng ta lấy lại Hoàng Sa, TQ cứ cố mà xây dựng hạ tầng
trên đó đi chắc chắn sẽ đến ngày họ phải trao trả lại
tất cả cho VN. Con thấy rõ như vậy, chỉ đơn giản bằng xoay
góc nhìn.

Gọi là thiên cơ vì đây là thời điểm mà nếu thực hiện
sách lược trên thì VN sẽ được cả lòng dân trong nước lẫn
quốc tế - tức là Nhân hòa. VN, Biển Đông và châu Á Thái
Bình Dương nói chung là tâm điểm của thế giới trong thế kỷ
21 này – Chính là Địa lợi. VN đang đứng trước một vận
hội lịch sử, có đủ Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa. Con tin
là nhân dân VN cùng với các lãnh đạo xuất sắc của đất
nước sẽ vượt qua được các ngõ ngách đen tối để bước
trên con đường rực sáng rộng mở. Con có niềm tin mãnh liệt
đặc biệt vào con đường đó từ 10 năm qua không chỉ vì
thấy được sự phát triển theo quy luật tất yếu, mà còn vì
con cảm nhận được một sứ mạng đặc biệt của dân tộc
Lạc Hồng vì hòa bình thế giới. Ba cứ thử hình dung nếu
chiến tranh thế giới nổ ra thì thế giới này sẽ tan nát
đến thế nào. Nhưng điều đáng sợ nhất là VN sẽ là nơi
nhận hậu quả đầu tiên và thảm khốc nhất vì vị trí địa
chính trị của mình. Thật kỳ lạ là mỗi khi con viết hay nghĩ
về điều này thì tim con lại đập rất mạnh. Ngòi nổ cho
một cuộc chiến tranh như vậy nằm ở Châu Á TBD, chứ không
phải Trung Đông hay Châu Âu. Mà VN thì dễ bị biến thành vùng
tranh chấp gay gắt nhất ở khu vực này. Nếu không có sách
lược khôn ngoan, đúng đắn thì chúng ta sẽ lãnh đủ.

Hôm nay là Ngày của Cha, con nghĩ không có quà tặng hay lời
chúc nào ý nghĩa hơn là làm ba yên lòng, vứt bỏ được ưu tư
nên con viết những điều trên. Nhưng đây không phải là những
lời lẽ trấn an mới được viết ra, mà là những suy nghĩ con
đã tâm huyết 10 năm nay. Con chắc là ba sẽ cảm nhận được
niềm tin của con để biến thành niềm lạc quan cho mình. Con
mong rằng niềm lạc quan này cùng với bài thơ sẽ là món quà
nhân ngày của Cha là ba thích.

Giờ chắc đã qua ngày 16/6, trời đang đổ mưa to. Chắc ba đang
ngủ ngon. Con cũng đi ngủ và mong gặp má. Hôm nay cũng ít bù
mắt, chắc con sẽ ngủ ngon,

Kính ba,
Con Thức

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140718/tran-huynh-duy-thuc-thu-viet-tu-trai-giam-xuyen-moc-co-hoi-de-vn-thoat-khoi-cai),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét