Nguyễn Văn Tuấn - Đọc lại “Đi tìm cái tôi đã mất”

Tôi đọc tập tuỳ bút "Đi tìm cái tôi đã mất" của
Nguyễn Khải (1) cũng đã lâu. Mấy hôm nay, ở nhà dưỡng
bệnh, đọc lại tập hồi kí này càng thấm thía, và tôi nghĩ
nó vẫn còn mang tính thời sự. Ông viết rất nhiều và đụng
đến rất nhiều vấn đề gai góc. Đọc đoạn nào cũng giống
như có người nói hộ mình. Xin trích ra đây vài đoạn tiêu
biểu, và tôi không cần bình luận:

Viết về chủ nghĩa thần tượng trong thế giới cộng sản,
thế giới mà ông lớn lên và được hưởng quyền lợi, ông
nói trong khi lãnh tụ được thần thánh hoá thì cái cá nhân
của con người trong xã hội coi như đốt cháy thành tro. Lạ
một điều là ông đề cập đến Stalin bên Nga, Mao bên Tàu, và
Kim bên Triều Tiên, nhưng ông không nói gì về VN. Có lẽ không
nói thì chúng ta cũng hiểu:

"Tính hài hước là cái thứ mà người cộng sản ghét nhất
vì nó có thể biến mọi chuyện thiêng liêng thành trò cười.
Một học thuyết không thể chứng minh sự đúng đắn của nó
trong thực tiễn thì trước sau sẽ biến thành tôn giáo. Vì tôn
giáo là niềm tin, là thói quen, là tập quán, là vâng phục, là
ở thế giới này chỉ có một chân lý, ngờ vực nó, đặt quá
nhiều câu hỏi về nó chỉ là kẻ phản đồ, phải bị trục
xuất khỏi cộng đồng, phải bị cách ly, bị ngồi tù để
tránh mọi sự truyền nhiễm có thể. Học thuyết xã hội đã
phải đội lốt tôn giáo để tồn tại thì mọi thứ thuộc
về nó đều là thiêng liêng. Lãnh tụ thành thần thánh, lời
nói bài viết của họ thành kinh bổn, cuộc sống cá nhân và
xã hội của họ đầy ắp những chuyện phi thường. Hình ảnh
của Lenin và Stalin, của Mao Trạch Đông và Kim Nhật Thành và
lời nói của các vị ấy bao trùm lên toàn bộ cuộc sống tinh
thần của các quốc gia họ cầm quyền, làm gì, nói gì, nghĩ
gì đều không thoát ra khỏi cái bóng che ấy. Bài hát về lãnh
tụ trang nghiêm như thánh ca, người hát có dáng điệu sùng bái
như tín đồ. Cái thế giới cá nhân của các công dân đã bị
đốt cháy, đã thành tro bụi và tan biến trong hương khói của
đền đài."

Ông nhắc đi nhắc lại cái học thuyết xã hội bị biến thành
tôn giáo, và chuyển đổi thành nhà nước chuyên chế. Cái này
thì chúng ta chẳng cần nhìn đâu xa cũng thấy ngay trước mặt:
"Bất cứ nhà nước nào lấy học thuyết xã hội hoặc tôn
giáo thay cho hiến pháp thì trước sau sẽ chuyển đổi thành
nhà nước chuyên chế. Vì trong hàng triệu công dân sẽ có
nhiều nhóm người không cùng lòng tin, không cùng tín ngưỡng
với nhà cầm quyền. Họ trở thành những cộng đồng đáng
ngờ, sẽ bị phân biệt đối xử, trước hết là mất quyền
tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do xuất bản."

Về khái niệm "cải tạo" con người, Nguyễn Khải viết:
"Do không hiểu con người cá nhân, hoặc chỉ hiểu theo những
phân tích máy móc, nông cạn của chủ nghĩa duy vật cơ giới
của thế kỷ 19, nên các nước xã hội chủ nghĩa mới dám
đặt ra những mục tiêu huênh hoang nhằm cải tạo con người
trong vài thập kỷ nếu môi trường xã hội thay đổi. Nên mới
gọi nhà văn là "kỹ sư tâm hồn!"

Ông phê phán xã hội VN là không có chân móng vì công dân không
được nói thật, sống thật. Ông còn nói đến cái gọi là
tình đồng chí giả tạo giữa các quốc gia XHCN: "Một xã
hội mà công dân không được quyền sống thật, nói thật, nhà
văn cũng không được quyền bộc bạch tâm sự riêng tư của
mình trên trang giấy là một xã hội không có chân móng. Các
quốc gia cùng sống với nhau trong một liên bang, gọi nhau là anh
em là đồng chí, nhìn ngoài thấy họ sống cũng yên ấm vui
vẻ. Vậy mà khi họ chia tay nhau cũng dửng dưng. Và ngay lập
tức họ nhận ra nhiều mối lợi trên đất nước mình đã bị
người anh em ruột thịt chia sẻ trong một cuộc đổi chác
không công bằng. Thế là bắt đầu những cuộc tranh chấp các
đường biên giới, đã có lúc phải dùng đến xe tăng, đại
bác để nói chuyện."

Ông viết về các nước XHCN xem thường công chúng ra sao:
"Nhưng cũng thật trớ trêu, không có một chế độ cộng hoà
nào ở thế kỷ 20 lại dám coi thường quần chúng như tại các
nước xã hội chủ nghĩa. Sống trong thể chế này suốt mấy
mươi năm không có một cuộc biểu tình nào được tổ chức
để phản đối một chính sách nào đó của nhà nước. Như
thời làm cải cách ruộng đất hay thời huy động nông dân vào
các hợp tác xã nông nghiệp. Giám đốc xí nghiệp nhà nước
tham ô, mức sống của công nhân giảm sút cũng không có đình
công. Nông dân bị kẻ cường quyền đàn áp, làm nhiều việc
trái pháp luật, vừa mới nhen nhóm bày tỏ sự bất bình liền
bị giập tắt ngay."

Do đó, "Một dân tộc làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ
mà mặt người dân nám đen, đi đứng lom rom như một kẻ bại
trận. Quả dân tộc Việt nam đã thắng lớn trong chiến tranh
giải phóng nhưng lại thua đậm trong công cuộc xây dựng một
xã hội tự do và dân chủ. Thoát ách nô lệ của thực dân
lại tự nguyện tròng vào cổ cái ách của một học thuyết
đã mất hết sức sống. Dân mình sao lại phải chịu một số
phận nghiệt ngã đến vậy!"

Rồi ông so sánh với thời Pháp thuộc xem ra còn tốt hơn thời
XHCN: "Suốt 80 năm sống dưới ách đô hộ của Pháp, chúng ta
vẫn đặt được những viên gạch đầu tiên cho nền văn xuôi
Việt Nam. Những truyện ngắn, tiểu thuyết, phóng sự, tuỳ bút
của thời ấy được in trên các tuần báo hoặc xuất bản
thành sách nay đọc lại vẫn thích thú, vẫn làm ta cảm động.
[…] Làm thân nô lệ mà vẫn trỗi lên thành những tài năng
lớn là sao? Không chỉ trong văn chương mà còn cả trong mỹ
thuật, trong kịch nghệ. Không chỉ trong văn nghệ mà trong cả
khoa học, giáo dục, trong kinh doanh theo kiểu tư bản và trong
nhiều nghề truyền thống." Ông giải thích: "cách tổ chức
xã hội của giai cấp tư sản dẫu có xấu xa đến tận đâu
cũng vẫn tạo được môi trường tự do và dân chủ hơn, mở
ra những cơ hội mới cho sự phát triển tài năng của mọi cá
nhân và của cả cộng đồng".

Đoạn ông viết về chuyến thăm Sài Gòn sau ngày 30/4/75 mới
hay: "Năm đất nước mới thống nhất vào Sài Gòn được
gặp gỡ các nhà văn nhà báo, các nghệ sỹ của chế độ cũ
mà thèm. Họ sống thoải mái quá, nói năng hoạt bát, cử chỉ
khoáng đạt, như chưa từng biết sợ ai. Còn mình thì đủ thứ
sợ, sợ gặp người thân vì chưa rõ họ có liên quan gì với
Mỹ nguỵ? Nói cũng sợ vì nói thế là đúng hay sai? Đến vẻ
mặt của mình cũng phải canh chừng, vui quá sợ mất cảnh
giác, khen quá có thể đã ăn phải bả của nền kinh tế tư
bản. Người lúc nào cũng căng cứng, nói năng gióng một nên
bị bà con trong này chê là quê, nhà văn nhà báo gì mà 'quê
một cục'. Giải thích chuyện này cũng chả khó, họ là sản
phẩm của nền kinh tế công nghiệp tư bản, dẫu là thuộc
địa cũng vẫn thuộc hệ thống tư bản, vẫn là những người
đã được giải phóng khỏi nhiều ràng buộc từ quá khứ trong
cách nghĩ, trong cách làm. Còn mình là sản phẩm của nền kinh
tế nông nghiệp phong kiến, đâu đã được làm chủ nhân ông
nhưng cũng chưa từng được hưởng cái mùi vị tự do và dân
chủ là thế nào! Cái khoảng cách ấy có tính thời đại không
thể bỏ qua mà cũng không thể rẽ tắt."

Để rồi cuối đời ông được gì? "Dành cả một thời thanh
xuân để tin vào những lời tiên tri ấy, về già nhìn lại cái
tài sản tinh thần thâu góp một đời chỉ là một cái kho
chứa đủ tạp nham chẳng có một chút giá trị gì."

_______________

(1) http://tuanvannguyen.blogspot.com.au/2008/07/i-tm-ci-ti-mt-nguyn-khi.html

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140721/nguyen-van-tuan-doc-lai-di-tim-cai-toi-da-mat),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét