Luật sư Lê Công Định - Vai trò xây dựng án lệ của Tòa Án

<blockquote>Đúng 11 năm trước tôi đã công khai đăng đề xuất
ý kiến này, sau nhiều lần góp ý riêng tại các buổi hội
thảo chuyên ngành do Bộ Tư pháp và Tòa án Nhân dân Tối cao
tổ chức, vậy mà đến hôm nay án lệ vẫn chưa được công
nhận ở Việt Nam. Thật không biết đến bao giờ chúng ta có
được một hệ thống pháp luật hiện đại, khả dĩ so sánh
với nước Campuchia ngày nay?</blockquote>

<h2>VAI TRÒ XÂY DỰNG ÁN LỆ CỦA TÒA ÁN</h2>

Hệ thống tòa án Việt Nam hiện tại được tổ chức và vận
hành thuần túy như một thành phần của bộ máy công quyền
hơn là cơ quan tư pháp với vai trò duy trì công lý trong một
cộng đồng có nhiều quyền lợi đa dạng. Tuy hành xử quyền
tài phán, một trong ba quyền nền tảng của hệ thống quyền
lực quốc gia, tòa án lại hoạt động như một cơ quan hành
pháp, và các thẩm phán cũng chỉ đơn thuần là những công
chức mẫn cán của bộ máy công quyền đó.

Hệ quả của quan niệm "hành pháp hóa" hệ thống tòa án là
hoạt động của thẩm phán bị giới hạn trong phạm vi hẹp
của việc áp dụng, thường máy móc và thiếu uyển chuyển,
các đạo luật do cơ quan lập pháp ban hành để xét xử. Điều
này vô tình tước mất trọng trách "cao cả" hơn mà lẽ ra
tòa án phải gánh vác, đó là xác lập một khuôn khổ ứng xử
cho mọi hành vi của các thành viên trong xã hội. Phán quyết
của tòa án hiện nay vì vậy thường thiếu chiều sâu và sự
uyên bác trong nhận định và phân tích các vấn đề pháp lý
cụ thể. Một số thẩm phán đôi khi phải đưa ra những lời
giáo huấn về đạo đức không cần thiết cho bị cáo hoặc
các bên tranh chấp nhằm khỏa lấp khiếm khuyết đó.

Trả lại vai trò năng động và sáng tạo cho tòa án đòi hỏi
phải có sự điều chỉnh cách diễn giải nguyên tắc "khi xét
xử thẩm phán chỉ tuân theo luật pháp". Luật pháp không chỉ
là những bản văn lập pháp và lập quy do các cơ quan nhà
nước có thẩm quyền ban hành, mà còn bao gồm cả án lệ, tức
là những phán quyết quan trọng đánh dấu một đường hướng
mới trong việc giải thích luật hoặc giải quyết một vấn
đề pháp lý cụ thể. Thông thường án lệ là công trình của
tòa án tối cao. Án lệ giúp thổi một luồng sinh khí vào
"thân xác" khô khan và bất động của những bản văn pháp
lý, nhờ đó các đạo luật có được cuộc sống sinh động
gắn liền với thực tiễn. Án lệ cũng giúp tạo ra sự an toàn
pháp lý cho công dân và sự ổn cố của xã hội khi mọi hành
vi của các thành viên trong xã hội đều được thực hiện
trong khuôn khổ ứng xử đã được xác lập như một tiền
lệ. Khi xảy ra tranh chấp, các tòa án mặc nhiên tôn trọng
tiền lệ đó và phân xử tranh chấp dựa trên khuôn khổ đã
hiện hữu.

Nhiều quan điểm cho rằng án lệ đã tồn tại từ lâu tại
Việt Nam. Hàng năm Tòa án nhân dân tối cao vẫn đưa ra các báo
cáo tổng kết nhằm mục đích hướng dẫn hoạt động xét xử
của tòa án nhân dân các cấp. Đó là tập quán tốt, song chưa
đủ, vì báo cáo tổng kết không hội đủ các đặc tính của
một án lệ. Báo cáo tổng kết không chuyển tải được toàn
bộ nhận định và phân tích pháp lý của các phán quyết về
từng vấn đề pháp lý của mỗi vụ án và vụ kiện. Báo cáo
tổng kết được soạn thảo với tham vọng hướng dẫn việc
xét xử trong nhiều lĩnh vực khác nhau hơn là tập trung vào vài
điểm pháp lý quan trọng trong một lĩnh vực nhất định. Sau
khi được công bố, các báo cáo đó lại trở nên "khô khan
và bất động" như những bản văn pháp lý và vẫn cần đến
sự giải thích sinh động từ phía các thẩm phán trong từng
vụ án và vụ kiện. Có nhiều ví dụ trên thực tế về những
hướng dẫn tối nghĩa, gây nhiều tranh luận của một báo cáo
tổng kết, để rồi phải cầu viện đến các báo cáo tổng
kết khác hướng dẫn lại.

Khi xây dựng án lệ, tòa án góp phần vào việc hoạch định
đường hướng phát triển tương lai của nền luật pháp. Do
việc giải thích luật được thực hiện tại từng thời
điểm khác nhau, khi các điều kiện kinh tế-xã hội đã biến
chuyển nhiều so với lúc ban hành luật, việc áp dụng luật
để xét xử một vụ án mới không bị đóng khung trong bối
cảnh cũ – điều rất thường gặp ở những vụ án kinh tế
hiện nay – mà trái lại trở thành hoạt động mang tính sáng
tạo, khác hẳn với công việc thụ động của các quan
chức-thẩm phán hiện tại. Bằng hoạt động xét xử, tòa án
mặc nhiên mở rộng việc áp dụng các đạo luật ra ngoài
phạm vi hoặc ý định ban đầu của nhà lập pháp, và chuẩn
bị trước điều kiện cho việc điều chỉnh các đạo luật
hiện hữu và thiết lập chương trình lập pháp cho tương lai.

Không công nhận án lệ, công cuộc cải cách tư pháp chắc
chắn sẽ khó đạt được kết quả mong muốn, bởi lẽ những
thay đổi gần đây trong hoạt động lập pháp và tư pháp, như
đổi mới quy trình soạn thảo và ban hành luật, điều chỉnh
cơ cấu tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp và bổ
trợ tư pháp, thử nghiệm mô hình phiên tòa mẫu với những quy
tắc bảo đảm quyền tranh luận và biện hộ của các bên có
quyền lợi liên quan, v.v…, chỉ là những cải cách trên
phương diện hình thức, dù cũng cần thiết nhằm mục đích
hoàn thiện hệ thống hiện hữu và củng cố lòng tin của
người dân, song chưa hướng đến việc hiện đại hóa toàn
bộ hệ thống luật pháp, là điều cần thiết hơn nhằm tạo
động lực giúp vượt qua các thách thức trong tiến trình hội
nhập nền kinh tế quốc tế và khu vực.

Đã đến lúc phải nghiêm túc nghĩ đến sự cần thiết của
án lệ mà một nền luật pháp hiện đại không thể thiếu.

<em><strong>Đã đăng trên Bản Tin Đoàn Luật Sư TP. Hồ Chí Minh,
Số 8, ngày 26/7/2003.</strong></em>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/node/26520), một số đường liên kết và
hình ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận
để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn
tường lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt
tường lửa tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc
ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét