Hoàng Nhất Phương - Điểm sách "Đứng Vững Ngàn Năm" của Ngô Nhân Dụng

<center><img
src="https://fbcdn-sphotos-b-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xpa1/t1.0-9/10492048_623044257816463_8912030536100976560_n.jpg"
/></center>

Tác phẩm biên khảo lịch sử <em>"Đứng Vững Ngàn Năm"</em>
của Ngô Nhân Dụng do Người Việt xuất bản năm 2013. Quyển
sách dày 471 trang, gồm 32 chương, mỗi chương có chung một chủ
đề, chẳng hạn như: <em>"Từ Văn Lang đến Đại Cồ Việt. Ý
thức dân tộc. Ý thức tự chủ. Văn minh Á Đông…"</em> Với
tiểu tựa <em>"Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc
thuộc,"</em> [1] tác giả dẫn đưa người đọc trở về huyền
sử xa xưa, nhắc nhớ truyền thuyết một mẹ trăm con - năm
mươi người theo mẹ lên núi, năm mươi người theo cha xuống
biển lập thành nước Văn Lang. Từ đó lời ca vang động núi
rừng Vĩnh Phú. Lời ca đưa hồn non nước theo giòng hội tụ
của Sông Lô, Sông Thao, Sông Đà, để triều đại Hùng Vương
hòa nhập vào khí thiêng sông núi, để dòng dõi Lạc Hồng
thăng hoa theo chiều dài lịch sử. Giòng hội tụ của quê cha
đất tổ khơi nguồn từ ba con sông hiển hách: Sông Lô, Sông
Thao, Sông Đà…Những con sông hay chính là những nhánh sông
đời miên trường trôi chảy, đã cuốn hút định mệnh của
mỗi một người dân Việt vào lớp sóng phế hưng của vận
nước. Để rồi, như cuộc chia ly đầu tiên khởi từngày lập
quốc của Cha Rồng Mẹ Tiên, anh em sinh cùng một bọc trăm
trứng đã đi khắp bốn phương trời tìm tự do hạnh phúc, tìm
môi trường thích hợp thực hiện chí nguyện riêng.

Cho dẫu phải trải qua nhiều nỗi thăng trầm trầm dâu bể
trong suốt tháng năm phiêu bồng đất khách, người Việt vẫn
tồn tại nhờ ý chí tự lập tự chủ, tự thắng để chỉ huy
để bảo vệ tư tưởng <em>"Nam quốc sơn hà nam đế cư,"</em>
[2] và để <em>"đứng vững ngàn năm"</em> như Ngô Nhân Dụng
khẳng định: <em>"Đời sống tập thể của dân Việt phải có
những cơ cấu khá vững chắc làm nền tảng, thì mới có sức
đề kháng trước làn sóng văn minh Trung Hoa."</em> [Trang 359] Cơ
cấu vững chắc này bao gồm <em>"nhiều yếu tố kinh tế, xã
hội và văn hóa tạo nên sức mạnh của dân Việt, làm vốn
liếng để xây dựng được ý thức dân tộc mạnh mẽ và bền
bỉ. Sức mạnh của dân Việt nằm trong một mạng lưới xã
hội là thôn làng (người); trên căn bản kinh tế đủ phong phú
(đất); và trong những tín ngưỡng (thần) giúp người Việt
thêm tin tưởng vào giá trị văn hóa của mình, tự phân biệt
với các quan lại và quân lính đô hộ."</em> [Trang 360]

<center><img
src="https://fbcdn-sphotos-h-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xfp1/t1.0-9/p480x480/10552597_623044187816470_1853365039451945179_n.jpg"
/></center>

Mở đầu tác phẩm bằng chương <em>"Đứng Vững Không Khuỵu
Chân,"</em> kết thúc với chương <em>"Vang Vang Trời Mùa
Xuân,"</em> Ngô Nhân Dụng trước sau như một chỉ muốn khẳng
định <em>"tín ngưỡng có thể dựng nước,"</em> chỉ muốn nói
đến <em>"những thần thánh giữ nước,"</em> để <em>"giang sơn
từ đây nở mặt"</em> và <em>"may thay sinh ở nước Nam."</em> [1]
Ngô Nhân Dụng đề cao sức mạnh của <em>"tiếng mẹ ru từ lúc
nằm nôi, thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, Nước ơi!"</em>
[3] Ông viết: <em>"Chúng ta có thể tin rằng ngôn ngữ là một
thứ thành trì giúp một dân tộc thoát khỏi nạn đồng hóa và
giữ được độc lập."</em> [Trang 187]. Tổ tiên của người
Việt đã <em>"gìn giữ được một ngôn ngữ mà bây giờ con
cháu vẫn dùng để làm thơ."</em> [Trang10]


Trong <em>"Đứng Vững Ngàn Năm"</em> Ngô Nhân Dụng không chỉ
đưa ra luận điểm cá nhân,mà còn trích dẫn:

*. Tài liệu viết bằng Tiếng Pháp của Lê Thành Khôi, Vũ
Quốc Thúc, Nguyễn Phúc Long ["Les NouvellesRecherches Archéologiques
au Vietnam"]

*. Tài liệu viết bằng Tiếng Anh của Nguyễn Quốc Trị, Keith
Taylor ["The Birth of Vietnam"]

*. Hay của các tác giả Việt Nam như Lê Mạnh Thát, Lê Mạnh
Hùng ["Nhìn Lại Sử Việt"], Trần Gia Phụng ["Việt Sử Đại
Cương"]...

Ông không ngại trích dẫn tài liệu có giá trị của các tác
giả ở Hà Nội, như Phan Huy Lê ["Tìm Về Cội Nguồn"], Trần
Từ ["Cơ Cấu Tổ Chức Của Làng Việt Cổ Truyền" ]…Ông cũng
dùng những tài liệu cổ có giá trị lịch sử của Phan Kế
Bính, Lê Dư, Đào Duy Anh, Nguyễn Đổng Chi, Toan Ánh, Bình Nguyên
Lộc...

Có thể vì muốn viết <em>"Đứng Vững Ngàn Năm"</em> cho lớp
độc giả người Việt đang sống tại Âu Mỹ - những người
đã quen với lý thuyết về sử học, di truyền học, nhân
chủng học, ngôn ngữ học - nên Ngô Nhân Dụng dùng lý thuyết
của sử gia người Pháp Ernest Renan, sử gia người Đức
Gottfried, đối chiếu với kinh nghiệm lịch sử của tổ tiên
Lạc Việt, để định nghĩa sự thành lập dân tộc và quốc
gia Việt Nam, để chứng minh sự tồn tại của Việt Tộc.
Ngoài những lý thuyết có từ thế kỷ 19 ở Châu Âu, trong tác
phẩm <em>"Đứng Vững Ngàn Năm"</em> Ngô Nhân Dụng còn nói
đến những lý thuyết hiện đại như <em>"Game Theory"</em> ["Lý
Thuyết Trò Chơi" ], "Soft Power" ["Quyền Lực Mềm" ], vấn đề
<em>"Xã Hội Dân Sự"</em> ["Civil Society"], <em>"Lý Thuyết Điều
Hành và Truyền Thông Đại Chúng"</em> ["Management and Communication
Theories"]


Ngô Nhân Dụng là bút danh dùng để viết các bài xã luận của
Giáo Sư Đỗ Qúy Toàn. Ông còn hai bút danh khác là Vương Hữu
Bột, Chân Văn. Ngoài những tác phẩm biên khảo, Giáo Sư Đỗ
Qúy Toàn còn là nhà văn và nhà thơ, đã xuất bản các thi tập
<em>"Nàng"</em> (1965), <em>"Đêm Việt Nam"</em> (1966), <em>"Cỏ và
Tuyết"</em> (1989), và các tác phẩm biên khảo <em>"Yêu Con Dạy
Con Nên Người Việt"</em> (1988), <em>"Đổi Mới Kinh Tế," "Tìm
Thơ Trong Tiếng Nói"</em> (1992)…

Tác phẩm biên khảo lịch sử <em>"Đứng Vững Ngàn Năm"</em> là
công trình trước tác đặc biệt của Ngô Nhân Dụng. Ông đề
cập đến:

*. Sự hình thành ý thức dân tộc của người Việt, ngay từ
thời Bắc thuộc. [Cácchương 2-4]

*. Sự khác biệt giữa quan niệm <em>"Trong Đế ngoài Vương"</em>
của các vua Việt Nam và quan niệm "thiên hạ" của người Hán.
[Các chương 5-6]

*. Sức mạnh và sự bành trướng của nền văn minh Hoa Hạ.
[Các chương 7-9]

*. Sự phản kháng của dân Việt dựa trên ngôn ngữ [các
chương 15-17], dựa trên tín ngưỡng [các chương 18-20], và khả
năng địa phương hóa tín ngưỡng (ngoại lai) dựa trên di sản
Đông Nam Á ở ngã ba Á Châu. [Các chương 21-23]

*. Sức mạnh của văn minh Hoa Hạ [chương 24], sức mạnh của
người Phương Nam [chương 25], và sự hòa nhập giữa văn minh
Hoa Hạ và bản sắc Phương Nam. [Các chương 26-27]


Một số người cho rằng muốn biết nhận định và luận
điểm chính của tác phẩm <em>"Đứng Vững Ngàn Năm,"</em> chỉ
cần đọc Chương 28. Nhưng nếu muốn hiểu rõ nguồn cội từ
thời Việt Nam lập quốc, nếu muốn lãnh hội được kiến
thức uyên bác mà tác giả chia sẻ qua những nhận định sâu
sắc về lịch sử, về xã hội dân sự, về điều hành và
truyền thông đại chúng, về quyền lực mềm, về lý thuyết
trò chơi…, chắc chắn độc giả phải thong thả đọc từng
trang, để hiểu vì sao Ngô Nhân Dụng lại viết:

<blockquote>"Nước Việt sẽ không bao giờ mất. Điều đáng lo
không phải là mình còn được độc lập hay không. Đáng lo là
mình chậm tiến quá, trong khi những nước chung quanh, kể cả
Trung Quốc, đang tiến rất nhanh. Đáng lo hơn hết, là dù nước
mình vẫn còn nhưng dân mình không phát triển, không đuổi kịp
các nước chung quanh, kinh tế cũng như chính trị. Tổ tiên
chúng ta giành lấy độc lập không phải để con cháu sau này
chịu sống như một nước nghèo hèn thua kém mãi. Mà trong thế
giới ngày nay, một quốc gia muốn ngẩng đầu lên phải phát
triển. Làm sao để kinh tế nước ta có thể tiến lên ít nhất
ngang hàng với các nước phát triển ở vùng Đông Nam Á; để
dân mình được sống tự do như họ?"</blockquote>




<strong>Hoàng Nhất Phương</strong>

5:15am Thứ Bảy ngày 13 tháng 7 năm 2014


[1]. Những chữ in nghiêng trong bài, trích từ tác phẩm "Đứng
Vững Ngàn Năm."

[2]. Trích từ bài thơ "Nam Quốc Sơn Hà" của Danh Tướng Lý
Thường Kiệt.

[3]. "Tình Ca." Nhạc phẩm của Phạm Duy.



***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140719/hoang-nhat-phuong-diem-sach-dung-vung-ngan-nam-cua-ngo-nhan-dung),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét