Trà Giang - Phơi tiền dân

Trường đại học Phạm Văn Đồng tỉnh Quảng Ngãi được
thành lập năm 2007, trong thời gian xuất hiện và bắt đầu cho
cao trào địa phương hóa (trước hết là cấp tỉnh) đại
học, chống xu thế tập trung (về các thành phố lớn), tinh hóa
hóa (chỉ tiêu đào tạo ít, điểm chuẩn cao, khó trúng tuyển)
tuyển sinh và đào tạo đại học; tạo điều kiện cho con em
các tỉnh nghèo, ở xa trung ương và các đô thị trung tâm của
quốc gia, có cơ hội học tập, "ăn cơm nhà đi học đại
học", có bằng tốt nghiệp đại học công lập hẳn hoi tại
tỉnh, bất chấp yêu cầu về chất lượng vốn được làm nên
bởi đội ngũ giảng viên và lịch sử, kinh nghiệm đào tạo
của các trường đạo tạo lâu đời; xóa bỏ bất bình đẳng
kinh tế - xã hội khi tỉnh nghèo chuyển kinh phí đào tạo đại
học về làm giàu cho các trung tâm đã giàu có (trừ các
trường hợp có khả năng du học tự túc ở các nước tư
bản). Cao trào này hết sức rầm rộ, kéo theo sự hưởng ứng,
ủng hộ của nhiều tỉnh, nên trong thời gian trên dưới 10
năm, cả nước đã có đến trên 200 trường đại học, cao
đẳng cấp tỉnh, cả công lập và ngoài công lập mở ra, chủ
yếu cũng chỉ để phục vụ con em, góp phần phát triển nền
đại học nước nhà, mà trước hết, nó tạo nên kinh nghiệm
và sự vận hành đường dây dịch vụ thành lập trường đại
học, cao đẳng với công tác tư vấn, lập hồ sơ, hình thành
đội ngũ giảng viên ảo, thẩm định dự án thành lập, vận
động ra quyết định thành lập, lập dự án đầu tư xây
dựng, dự thầu, đấu thầu xây dựng, và...; việc gì và khâu
nào cũng được tính bằng tiền cả.

Đối với Trường Đại học Phạm Văn Đồng, Bộ chủ quản
chỉ cần tiếng nói đó của địa phương, cộng thêm với
điểm ưu tiên về tên trường có tính chất đặc hữu địa
phương – Phạm Văn Đồng, đã có ý kiến ủng hộ thuận ngay.
Lúc đầu, vì những mục đích tư lợi khác, lãnh đạo tỉnh
muốn thành lập mới, nguyên đai nguyên kiện, với giá trị dự
án 0 + n = gần 1000 tỷ, với phương án huy động gồm vốn trung
ương, vốn ngân sách tỉnh (70%) và nguồn thu học phí 30% (theo
tính toán giá trị của phần nguồn này còn hơn cả tiền bỏ
ra cho con em đi học ngoài tỉnh với chừng đó thời gian thu
hồi vốn). Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm và sợ trách nhiệm, Bộ
không chấp nhận nên phương án cuối cùng được chọn là hợp
nhất và nâng cấp từ một số cơ sở đào tạo cấp đại
học (cao đẳng) công lập vốn có của tỉnh, với tổng vốn
khoảng một nửa phương án 1.

Với sức đầu tư của địa phương cấp tỉnh như Quảng Ngãi,
số vốn trên dưới nửa nghìn tỷ không phải giải quyết cấp
thời ngắn hạn, cho nên dự án bắt đầu từ 2008 đến nay
chưa hoàn thành, chưa kết thúc; mỗi năm, tùy thuộc vào tình
hình ngân sách và các nhu cầu chi ưu tiên, cần thiết và phù
hợp (cả những phù hợp riêng tư và nhóm), dự án được cấp
thêm một ít. Quá trình xây dựng, nghiệm thu, bàn giao, đưa vào
sử dụng trường, do vậy, kéo dài, hầu như vô định. Sau 6
năm thi công, hiện nay khu vực hành chính (hiệu bộ) và 6 đơn
nguyên chức chức năng (chưa tính thêm một khu miếu thờ gì
đó được xây mới ngay phía trong hàng rào) khác nhìn từ ngoài
vào hình như đã hoàn thành; việc tiếp tục thi công chỉ dành
cho nhiệm vụ giải tỏa diện tích khuôn viên trường khu vực
chưa giải phóng, xây dựng công viên, sân thể dục thể thao,
đường đi nội bộ, cây xanh và một số hạng mục dịch vụ
khác. Tuy nhiên, chỉ mới bàn giao sử dụng một phần khu vực
hành chính; 6 đơn nguyên chức năng, mỗi cái có giá trị xây
dựng nhiều chục tỷ đồng, đã hoàn thành xây dựng 2-3 năm
nay, bỏ hoang, cỏ mọc lút bậc cấp, hành lang tầng sàn. Nhìn
tổng thể, khuôn viên trường rộng mênh mông với 6 cổng bảo
vệ, chỉ mới mở và có nhân viên trực 2 cổng, chưa có cây
xanh nên như một hoang mạc, héo khô xơ xác nằng hè; 6 khu nhà
hoàn chỉnh cửa đóng im ỉm đìu hiu, chứng tỏ cái nhu cầu
sử dụng như luận chứng lập trong hồ sơ thành lập trường
đại học cấp tỉnh chưa cao. Việc học tập, thực hành thí
nghiệm, thi đấu thể dục thể thao, nội trú của sinh viên...
vẫn có thể giải quyết được bằng các cơ sở hạ tầng cũ.
Nửa nghìn tỷ đồng ngân sách nhà nước – thuế đóng góp
của dân bỏ ra trong nửa thập kỷ chỉ để phơi nắng và
khấu hao khống. Công trình xây dựng được tính lãi – khấu
hao bằng sự bù đắp của quá trình sử dụng. Đàng này, lãi
– khấu hao được tính bằng thời gian dãi dầu mưa nắng.
Nếu tính tiền lãi thu được từ đầu tư tín dụng số vốn
đó mấy năm qua chắc cũng không nhỏ. Sắp đến, khi đưa
những khu nhà này vào sử dụng, có lẽ đã hết thời hạn
bảo trì xây dựng và hết định kỳ khấu hao theo qui định
đối với công sản. Số tiền lãng phí chưa kể giá trị sử
dụng đất đó có thể phải ở mức khởi tố hình sự. Nghĩ
kỹ thì như thế, nhưng với một sự nghiệp, một ngành mà vị
"tư lệnh" đã giải thích số vốn 34.000 tỷ đồng cho một
chương trình chuẩn bị hơn một năm, được Bộ đệ trình
chờ chỉ còn một bước là thông qua, là sai sót vì nguyên nhân
kỹ thuật thì mọi lãng phí đều khả dĩ.

Vậy nên, vừa rồi có một đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh xe
pháo hùng hậu đến làm việc với trường Đại học Phạm Văn
Đồng, nếu họ không đến thị sát những rừng cỏ ngập lút
những công trình xây dựng hoàn thành song chưa sử dụng thì
cũng là chuyện bình thường. Chỉ có tiền dân, những người
dân bán vé số thu nhập cao như đánh giá của ông Bộ trưởng
Giàng Seo Phử, những người dân "chỗi đây!", "mài dao mài
kéo tra cán dao!", những người dân trồng ớt mới 2 tháng
trước được xem là mô hình sản xuất tốt thì lúc này khóc
mếu vì thương nhân Trung Quốc không mua, mới bị phơi thôi.
Ngày xưa có anh giả dạng học trò đi thi, nhờ phơi giấy loại
ướt mà lấy được con gái phú hộ; bây giờ phơi tiền của
dân, cũng khối anh nhờ đó mà thăng quan tiến chức.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140617/phoi-tien-dan), một số
đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời độc
giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận
có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng
dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét