Luật sư Lê Công Định - Vài ký ức nhân kỷ niệm 5 năm ngày tôi bị bắt, 13/6/2009

Luôn tự nhắc nhở rằng hàng triệu gia đình đồng bào miền
Nam từng mất tất cả vào ngày 30/4/1975, nên tôi nghĩ số phận
mình cũng vậy, ngày 13/6/2009 quả thật là một biến cố "30
tháng 4" của gia đình tôi. Sáng thứ Bảy cuối tuần hôm đó,
đến văn phòng muộn, tôi mở máy tính cá nhân, chuẩn bị
viết lại bài phát biểu vào tháng trước tại buổi hội thảo
của Câu Lạc Bộ Nguyễn Văn Bình do Đức Cha Phaolô Nguyễn
Thái Hợp chủ trì, vừa nâng ly cà phê espresso yêu thích lên
định uống, thì một tốp nhân viên an ninh hùng hổ xông vào
phòng, yêu cầu tôi đứng yên và đọc lệnh bắt tạm giam.

Trong đầu tôi liền vang lên ý nghĩ : "Điều phải đến đã
đến rồi đây!" Thật ra, tôi đã đoán biết mình sẽ bị
bắt, nhưng quyết định không lẩn tránh và chấp nhận vào tù.
Trước khi anh Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt vào ngày 24/5/2009,
chúng tôi đã gặp nhau, anh Thức nói anh linh cảm ba chúng tôi
sẽ bị bắt. Anh muốn tôi và anh Lê Thăng Long tránh đi để
còn giúp đỡ nhiều người, nhưng tôi bảo tất cả chúng ta
phải đi cùng nhau dù ở đâu, "không thành công cũng thành
nhân"!

Thức cảm động xiết tay tôi, anh nhắc nhở nhiệm vụ của
tôi với tư cách một luật sư là phải chứng minh rằng hệ
thống pháp luật này chỉ bảo vệ sự lãnh đạo của một
nhóm người thiểu số, nên người dân cần phải bất tuân
để thay đổi sự bất công của nó. Từ biệt Thức, tôi ra
về lòng nặng trĩu, không biết ngày mai sẽ ra sao và tôi có cơ
hội chứng minh điều đó hay không. Vào ngày 4/6/2009, nhận tin
đến lượt anh Long sau khi anh Thức đã bị bắt, tôi biết ngày
tự do của mình không còn bao lâu.

Sau khi đọc lệnh bắt giam, các nhân viên an ninh lập tức kiểm
tra máy tính cá nhân của tôi. Họ mừng rỡ phát hiện bản
"Tân Hiến Pháp" vì có lẽ đó là bằng chứng sáng giá
nhất của một "kế hoạch lật đổ nhà nước CHXNCN Việt
Nam". Tôi thoáng nghĩ ngay đến sự nguy hiểm của tài liệu
này, vì không biết họ sẽ suy diễn trong tưởng tượng đến
đâu. Thật ra, nguồn gốc của tập bản thảo bỗng chốc trở
nên danh tiếng đó lại hết sức giản dị, bởi đấy chỉ
đơn thuần là công trình học thuật cá nhân của tôi mà thôi,
không một mưu tính chính trị nào ẩn giấu bên trong, như đã
được cơ quan an ninh và hệ thống truyền thông nhà nước
thổi phồng.

Xin dông dài đôi chút về quá khứ học hành của tôi. Năm 1989
tôi tốt nghiệp Trường Đại Học Pháp Lý Hà Nội (chi nhánh
TPHCM), tiền thân của Trường Đại Học Luật TPHCM bây giờ.
Tiếng là một cử nhân luật, vừa 21 tuổi đời, nhưng khi
đọc các chứng thư công chứng của Phòng Chưởng Khế Sài Gòn
trước 1975 và đọc hai bản Hiến Pháp của nền Đệ Nhất và
Đệ Nhị Cộng Hòa từ 1955 đến 1975 tại miền Nam Việt Nam,
tôi chỉ đủ sức hiểu một cách mơ hồ, nếu không muốn nói
là chẳng hiểu gì cả. Tôi nhận ra trường luật XHCN đã trang
bị cho sinh viên kiến thức và phương pháp nghiên cứu nhầm
lẫn. Từ đó, tôi dành nhiều thời gian và công sức tự ép
mình vào một quá trình tự đào luyện lại môn luật học theo
hệ thống phương Tây.

Đối với thư tịch tiếng Việt, trong nhiều năm trời tôi tìm
đọc tất cả các sách và tạp chí về luật do Trường Đại
Học Luật Khoa Sài Gòn và các định chế tư pháp của Việt Nam
Cộng Hòa xuất bản. Tôi cũng trau dồi vốn tiếng Pháp và
tiếng Anh để đọc các sách luật in ở nước ngoài. Bắt
chước cụ Nguyễn Hiến Lê, để tổng kết kiến thức tự
đào luyện của mình, tôi quyết định viết xuống những gì
học được. Tuy nhiên, thay vì viết sách như cụ Nguyễn, tôi
bắt tay soạn thảo các bộ luật quan trọng nhất của một
quốc gia, đó là các bản Tân Hiến Pháp, Tân Dân Luật, Tân
Thương Luật và Tân Dân Sự Tố Tụng, theo tên gọi của tôi.
Cùng với các bộ luật, tôi viết sách chú giải nội dung và
trình bày lý do vì sao từng điều luật được soạn thảo theo
hướng này, mà không phải hướng khác, tất cả là 4 quyển
sách.

Do kiến thức và kinh nghiệm của tôi được bồi đắp thêm
nhiều từ việc học hành và làm việc hằng ngày, nên theo
thời gian tôi đã liên tục sửa chữa bản thảo của 4 bộ
luật và 4 quyển sách ấy. Công việc cần mẫn lặng lẽ như
vậy được tiến hành trong 20 năm, từ 1989 đến 2009, nhưng tôi
vẫn chưa ưng ý về bản thảo cuối cùng, một phần vì tính
cầu toàn của tôi từ nhỏ, một phần vì vẫn định bụng sẽ
có ngày mang ra nhờ giới học thuật chuyên môn phê bình và bổ
túc.

Đến lúc bị bắt, trong máy tính cá nhân của tôi vẫn còn lưu
trữ bản thảo của 4 bộ luật và 4 quyển sách dang dở ấy.
Tuy nhiên, đối với cơ quan an ninh, chỉ bản "Tân Hiến
Pháp" mới có giá trị của một "kế hoạch lật đổ" nên
họ chỉ in ra bản thảo này và buộc tôi ký tên xác nhận. Tôi
đã yêu cầu được chép lại nội dung của các tài liệu không
liên quan đến vụ án, vì đó là những tài liệu riêng của
tôi, song họ bác bỏ với sự so sánh buồn cười như sau: một
căn nhà dùng làm địa điểm hành nghề mại dâm, thì khi bị
niêm phong, các đồ đạc bên trong, cùng với cái giường, cũng
phải bị tịch thu (!?). Tất nhiên, cuối cùng tôi đành thúc
thủ trước lập luận trí tuệ như vậy và ... nhớ hoài. Bây
giờ ngẫm nghĩ vẫn tiếc công sức của 20 năm tràn đầy
nhiệt huyết dành cho một nền luật pháp trong mơ mà không sao
làm lại được.

Tháng 8/2009 bản "Tân Hiến Pháp" bị mang đi giám định cùng
với các tài liệu khác của tôi. Biên bản kết luận "giám
định văn hóa" nhận định đại ý như sau: nội dung của
bản "Tân Hiến Pháp" thuần túy có tính chất học thuật
với các quan điểm pháp lý thường thấy ở các nền pháp
luật phương Tây, tuy nhiên do tài liệu này được một nhà
chính trị như Lê Công Định sử dụng, nên mưu đồ và tác
hại về mặt chính trị cần phải được các cơ quan an ninh xem
xét và xử lý. Xin miễn bình luận về cái gọi là "giám
định" đó.

Tương tự, quyển sách "Con đường Việt Nam" thực ra chỉ
mới được phác họa trong suy nghĩ của anh Thức, rồi nhân
gặp tôi và anh Nguyễn Sĩ Bình, được mang ra bàn luận để xem
ai có thể đóng góp gì thêm giúp nó phong phú hơn. Chúng tôi
dự định rằng quyển sách đó chỉ mang tính chất nghiên cứu
và đề xuất những giải pháp xử lý khủng hoảng kinh tế-xã
hội để chính phủ tham khảo, và vì thế sẽ chỉ xuất bản
trong nước. Đến khi chúng tôi bị bắt, một chữ của quyển
sách cũng chưa được viết xuống, nhưng cơ quan an ninh đã vội
vã suy diễn và thổi phồng lên thành một "kế hoạch lật
đổ", như thể nó đã được viết và in ra trong một âm mưu
chính trị xấu xa và đang được thi hành trên thực tế thì
bị các chiến sĩ an ninh với nghiệp vụ điều tra tài tình
phát hiện.

Tất nhiên, trong các buổi làm việc ban đầu, tôi đã bác bỏ
sự gán ghép và suy diễn của điều tra viên theo hướng "suy
đoán có tội", thay vì "suy đoán vô tội", đối với bản
"Tân Hiến Pháp" và ý tưởng về quyển sách "Con đường
Việt Nam". Sau đó, khi nhận ra sự cố tình lý sự cùn, tôi
quyết định không tranh cãi nữa, để họ mặc sức áp đặt
và dựng lên một câu chuyện hài hước như những gì đã diễn
ra, vì tôi biết rõ sẽ đến một ngày chúng tôi phải nói ra
sự thật với bằng chứng còn đó trên giấy trắng mực đen
về sự gán ghép và suy diễn vụng về như vậy.

Sau khi khám xét hai văn phòng làm việc và nhà riêng của tôi,
đoàn xe dài đưa tôi về trại tạm giam B34 trên đường Nguyễn
Văn Cừ lúc 9 giờ tối thứ Bảy. Ngoài đường, phố xá vẫn
tấp nập dòng người đi chơi đêm cuối tuần. Sài Gòn vẫn
lung linh ánh đèn như tự bao giờ, nhưng với tôi cuộc đời
đã lật sang một trang mới. Lúc xuống xe đi vào khu buồng giam,
nhớ lời Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tôi đi chậm rãi, ý thức
từng bước chân, giữ nhịp thở sâu, đều đặn, dù toàn thân
đã rã rời.

Cả ngày chưa ăn, tôi xin nước uống. Các điều tra viên mang
một hộp cơm thịt kho đến đưa tôi ăn, nhưng tôi lắc đầu
từ chối. Các anh lại mang ra một hộp sữa mời tôi uống thay
cơm, tôi cũng từ chối. Tâm trạng ngổn ngang nhiều ý nghĩ đã
cản trở tôi nuốt trôi bất cứ thứ gì lúc đó. Ngay đêm ấy
người ta tiến hành buổi thẩm vấn đầu tiên, kéo dài đến
sau 12 giờ khuya. Vào buồng giam tôi được phát một manh chiếu,
tấm mùng và chiếc gối, tất cả đều dơ bẩn, mà tôi chẳng
buồn quan tâm. Loay hoay tìm cách giăng mùng, vì không một dụng
cụ và dây treo tường nào được cho phép trong buồng giam, nên
đến gần 3 giờ sáng tôi mới ngả lưng, nhưng trằn trọc mãi
đến tận sáng hôm sau. Quả là "ngày dài nhất" trong cuộc
đời ngắn ngủi!

Nằm vắt tay lên trán suy nghĩ, bỗng nhớ lời ba tôi dặn lúc
sinh thời. Ông thường nói câu "anh hùng vị quốc vong thân"
thời nay không còn đúng nữa, người tài phải biết sử dụng
tài năng cho dân, cho nước, vì vậy phải biết quý trọng và
gìn giữ tấm thân mình. Trong tôi như bừng lên ngọn lửa soi
đường, giúp tôi đối phó hữu hiệu vụ án hung hiểm này
trong nhiều tháng năm sau đấy. Thế là ngay ở đêm đầu tiên
tôi đã làm bài thơ thứ nhất trong tù, như sau:

Chết là hết, tang bồng nhẹ gánh,
Khỏi sống nhìn hệ thống phi nhân.
Song cha dặn người còn, nước giữ,
Bậc anh tài vị quốc lưu thân.

Rồi nghĩ về gia đình. Sự chia tay đầy nước mắt của vợ
tôi lúc chiều tối, khiến tôi đau đớn. Ý nghĩ rằng chính
mình đã phá hỏng tương lai của vợ, khiến lòng càng thêm
dằn vặt khôn tả. Và bài thơ thứ hai đã ra đời lúc gà gáy
sáng:

Dấn thân giúp nước chưa tròn nợ,
Chuốc họa vô thân, vợ chẳng nhờ.
Kẻ ở người đi muôn cách trở,
Nghẹn ngào Hạng Vũ biệt Ngu Cơ ...

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140614/luat-su-le-cong-dinh-vai-ky-uc-nhan-ky-niem-5-nam-ngay-toi-bi-bat-1362009),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét