Hoàng Nhất Phương - Điểm sách "Kẻ Bị Khai Trừ " của Nguyễn Mạnh Tường

<div class="boxright200"><img
src="https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgaPAacf6UVCeMuQzU9ruicLH6R6pqsjyqsq-yTvLMYV7-pFhBupqEDGdLBDmcpBynDCstASvwzUnTIIUd5yAnO0yHoK8ePflk8Q9qrV6Y9PK1bJKxsu9ry2JQOPxpgzlItMgs95IGiGYY8/s1600/GS.Luat+su+Nguyen+Manh+Tuong.jpg"
/><div class="textholder">Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường </div></div>


Ngày 13 tháng 5 năm 1991 mở đầu tác phẩm <em>"Kẻ Bị Khai
Trừ,"</em> Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường viết lời giới thiệu:


<blockquote>"Bản thảo cuốn sách này đã được soạn và đánh
máy trong một tình thế lén lút và bị cô lập. Vì vậy tôi
khiêm tốn gửi lời xin lỗi về những lỗi lầm hay sai trật
đến những ai quan tâm đến những suy tư và những bài viết
của tôi, và mong muốn cuốn sách này sẽ được phát hành ở
Pháp."</blockquote>


Là luật gia kiêm giáo sư nổi tiếng và là bậc thầy trong
giới luật sư nói riêng, trong giới trí thức Việt Nam nói
chung, tác giả Nguyễn Mạnh Tường lại phải lén lút và bị
cô lập đến nỗi không thể chỉnh sửa hay in ấn đứa con
tinh thần của mình bằng Việt Ngữ, chỉ mong muốn sẽ được
phát hành ở Pháp cho thấy hoàn cảnh vô cùng bi đát của tác
giả - một nhà trí thức hết lòng cống hiến khả năng phục
vụ đất nước, để rồi bị chế độ cộng sản Việt Nam
đầy đọa cho đến chết. <em>"Kẻ Bị Khai Trừ"</em> được
viết bằng Tiếng Pháp <em>"Un Excommunié. Hanoi:1954-1991: Procès
d'un intellectuel"</em>in tại Paris năm 1992, sau đó được Nguyễn
Quốc Vĩ dịch sang Tiếng Việt, ban đầu có tựa là <em>"Kẻ
Bị Rút Phép Thông Công."</em> Thuật ngữ <em>"rút phép thông
công"</em> nói đến kỷ luật nặng nề nhất trong Giáo Hội
Thiên Chúa Giáo. Một người bị cho là đã phạm tội trọng,
bị khai trừ vĩnh viễn ra khỏi Giáo Hội. Hiểu được thuật
ngữ này độc giả sẽ biết: Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường tự
ví ông là kẻ mắc trọng tội với Đảng Cộng Sản Việt Nam,
vì thế họ không chỉ khai trừ ông ra khỏi đảng, mà còn khai
trừ vĩnh viễn cả gia đình ông ra khỏi xã hội bằng sự cô
lập.

<div class="boxleft300"><img
src="http://dcvonline.net/wp-content/uploads/2013/07/kebikhaitru.jpg" /><div
class="textholder"></div></div>

Năm 2011 nhà xuất bản Tiếng Quê Hương phát hành <em>"Un
Excommunié"</em> với đề tựa <em>"Kẻ Bị Khai Trừ."</em> Quyển
sách có ba phần:


*. Phần Một: Đạt Đến Đỉnh Vinh Quang.

*. Phần Hai: Mỏm Đá Tarpeienne. [1]

*. Phần Ba: Hành Trình Đi Vào Sa Mạc.


Mỗi một phần nói trên có thể đại diện cho từng giai đoạn
sống của tác giả. Ngòi bút trung thực của Luật Sư Nguyễn
Mạnh Tường cho người đọc thấy Đảng Cộng Sản Việt Nam
đưa Dân Tộc vào con đường Xã Hội Chủ Nghĩa về lâu về
dài là một thảm họa:


<blockquote>"Cái lỗi lầm kinh hoàng đầu tiên không thể quên
được là cuộc Cải Cách Ruộng Đất, nó không phải chỉ là
cuộc thảm sát hàng chục ngàn người dân vô tội, mà nó còn
làm giảm sút nghiêm trọng uy tín của Đảng và làm hại đến
cái giáo điều "không bao giờ sai lầm" của Đảng. Những cặp
mắt mở to, những soi mói nhìn lại chính sách của Đảng, và
những "bộ óc biết suy nghĩ," vội vàng tỉnh giấc Nam Kha để
tổ chức những buổi phê bình thích đáng ngay trước khi Đảng
lấy lại thế đứng và quan điểm của mình."[Phần Hai. Chương
1]</blockquote>



Ngày 30 tháng 10 năm 1956, trong cuộc họp của Mặt Trận Tổ
Quốc ở Hà Nội, Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường đã đọc bài
diễn văn <em>"Qua những sai lầm trong Cải Cách Ruộng Đất -
Xây dựng quan điểm lãnh đạo,"</em> cho thấy mọi tầng lớp
trong xã hội từ nông dân, công nhân, tiểu thương, kể cả các
cán bộ đều phải chịu đau đớn thảm khốc vì các cuộc
đấu tố, tử hình man rợ trong Cải Cách Ruộng Đất. Ông tin
rằng nền pháp luật chân chính phải theo nguyên tắc <em>"Thà 10
tên địch sót còn hơn 1 người bị kết án oan."</em> Nhưng
thời đó và cho tới bây giờ Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn
khư khư giữ lấy quan điểm <em>"Thà chết 10 người oan còn hơn
để sót 1 tên địch."</em> Những lời lẽ "phản động" của
Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường khiến nhà cầm quyền lúc ấy
tức giận, đã trả thù ông bằng cách sử dụng thủ đoạn
hèn hạ nhất, độc địa nhất, tàn ác nhất: Đó là cô lập
Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường khiến ông và gia đình sống không
bằng chết, sống mà không ai dám đến gần, sống mà thân xác
lúc nào cũng quặn đau vì…ĐÓI. Cảnh ngộ bi thương ấy ngay
lập tức hiện ra trước mặt độc giả, khi họ đọc <em>"Kẻ
Bị Khai Trừ."</em>


<blockquote>"Thảm cảnh đầu tiên mà tôi và gia đình phải
chịu: đó là cái đói…. Vợ và con gái tôi làn da càng ngày
càng tái, thân hình càng ngày càng tiều tụy ốm tong. Họ không
dám mở mồm nói một điều gì vì sợ làm cho tôi phiền não,
chỉ dám giấu những dòng nước mắt trong đêm khi một mình
trên giường ngủ. Tôi biết nhưng giả tảng như không biết.
Về phần tôi, chưa hơn một lần, phải khóc. Bị đói và hơn
thế là phải chứng kiến những kẻ mình yêu thương phải
chịu đựng cái đói hành hạ vì bao tử trống rỗng. Tôi
nhường bát cơm duy nhất cho họ cáo lỗi rằng tôi không thấy
thèm ăn, và có khi đặc biệt hơn với lý do là đã dùng cơm
với một người bạn mà tôi vừa viếng thăm. Một sự dối
trá không thể kéo dài và thuyết phục được ai..." [Phần Ba.
Chương 9]</blockquote>




Cho dẫu phải đau đớn quằn quại sống, người luật sư uyên
bác và minh triết không hề khiếp sợ. Ông biết rõ một khi
củ cà rốt đã được phân phát, những cú đập của cây gậy
bắt đầu xuất hiện, cũng là lúc <em>"chiếc gươm Damocles treo
trên đầu của giới trí thức và nhà cầm quyền có thể chọn
đưa họ vào nhà thương tâm thần, hay một án tù chung thân
để chết dần trong một nhà tù vô danh nào đó hoặc giả ra
những vụ tai nạn mà không ai là người trách nhiệm…"</em>
[Phần Hai. Chương 3]. Ông cũng biết rõ <em>"số phận của tôi
đang chờ, giống những người khác cũng dính líu vào những
cố gắng nhằm mở thêm chút không khí trong lành để thở.
Chúng tôi đã bị lừa phỉnh bằng những thủ đoạn đê tiện
của những người lãnh đạo rất lão luyện trong việc giăng
bẫy, sắp xếp những trận phục kích, giết những người mà
họ gọi là kẻ thù. Machiavelli, nếu sống lại ở thế giới
này, nên phải ghi danh đi học trường của mấy ông lãnh đạo
cộng sản là những con người đầy những dã man gian trá, và
đầy những sáng kiến vô nhân như chưa từng có trong lịch sử
nhân loại."</em> [Phần Hai. Chương 3].


Chắc chắn chỉ có những giòng chữ trong <em>"Bài Thơ Tháng
Tám"</em> của nhà thơ Bùi Minh Quốc <em>"Quay mặt vào đâu cũng
phải ghìm cơn mửa. Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi"</em>
mới có thể minh họa rõ ràng một xã hội cương thường điên
đảo, dưới sự cai trị bằng bàn tay sắt của cộng sản.
Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường khẳng định:



<blockquote>"Ngàn xưa từ thời Socrates, ai cũng biết là, khi nhà
cầm quyền muốn bắt kẻ sĩ nào đó uống thuốc độc thì
chỉ cần gán tội cho họ là đã đầu độc tuổi trẻ. Đảng
Cộng Sản đã vực dậy một thủ đoạn đã dùng hai ngàn năm
trước. Trong mọi thời đại, kẻ độc tài luôn kiếm cách
xếp đặt nhân dân theo khuôn mẫu họ muốn, đặc biệt là
giới trẻ là những kẻ đang nắm giữ tương lai. Tất cả
đường lối giáo dục đều phát xuất từ đường lối chính
trị chính của họ như là một hệ luận đương nhiên. Học
đường phải là nơi đào tạo những người mà sau này phải
chăm lo cho đường lối của nhà cầm quyền. Mọi chệch hướng
trong giáo dục cũng đồng nghĩa là đi sai đường lối chính
trị mà lãnh đạo đã đưa ra. Đây chính là cái logic của mọi
chuyện!" [Phần Hai. Chương 2]</blockquote>


Đúng như nhận định của Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường. Nhìn
lại giòng lịch sử, trong bất cứ thời đại nào cũng vậy,
kẻ độc tài luôn muốn xây dựng xã hội, uốn nắn dân chúng
theo quan điểm chủ trương của họ. Giáo dục là công cụ để
đào tạo thanh thiếu niên thành những người sau này chỉ biết
giương cao ngọn cờ đấu tranh giai cấp, chỉ biết phục tùng,
trung thành và bảo vệ chế độ, cho dẫu chủ trương đường
lối của đảng và nhà nước có vi phạm nhân quyền, tự do,
hạnh phúc của dân chúng cũng không màng tới. Bất cứ một
phương cách giáo dục nào đi ngược lại với đường lối
chính trị mà lãnh đạo đã đưa ra, đều bị cho là "phản
động." Còn luật pháp thì sao? Luật pháp trở về thuở hồng
hoang - một thứ luật rừng không hơn không kém:



<blockquote>"Như trong thời kỳ Thượng Cổ, luật pháp là điều
bí mật mà các Pháp Sư và quan toà nắm độc quyền. Không còn
gì kinh hoàng hơn là Nhà Nước Cộng Sản đã vực dậy những
thứ đã thành quá khứ từ hàng ngàn năm nay để nhảy xổm
lên trên Luật Pháp và dùng nó duy nhất là để cô lập, tiêu
diệt những người mà họ nghi là có tư tường xét lại chống
Đảng, cóc cần biết đến cái gì là công lý và công bằng!
Tại sao mọi người phải quan tâm đến chuyện văn bản trong
khi quyền lực chỉ ở trong tay một kẻ độc tài? Một logic
như thế chỉ cho thấy mùi vị của một thứ luật rừng, của
những bộ lạc rừng rú. Có luật gia nào trung thành với thiên
chức của mình lại chịu đánh mất lương tâm, chịu nén cơn
thịnh nộ để làm vui lòng những lãnh đạo chính trị mà họ
đang đợi mong những điều kỳ diệu?" [Phần Hai. Chương
1]</blockquote>


Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường sinh ngày 16 tháng 9 năm 1909, qua
đời ngày 13 tháng 6 năm 1997. Những điều ông chia sẻ với
Đoàn Luật Sư Dân Chủ ở Liên Xô, cũng là những lời vàng
ngọc của ông gửi lại cho hậu thế:


<blockquote>"Chúng tôi, những người trí thức, một đám người
đang bị tất cả những người cầm quyền nguyền rủa, và
đặt biệt là những tay chuyên quyền cộng sản. Họ là những
người tuyệt vời kỷ luật, và chúng ta là những kẻ mà trong
người đã có giòng máu vô kỷ luật đang sôi sục. Họ là
những kẻ vui sướng khi nhìn những kẻ cúi đầu tuân phục,
hít thở những khói nhang của a dua nịnh bợ, làm những trò
ảo thuật, dựng nên những tấn tuồng vĩ đại trên sân khấu.
Là những người cứng đầu cứng cổ, chúng ta ngẩng mặt hiên
ngang, nhìn thẳng vào phía trước với cặp mắt biết quan sát
và một bộ óc biết phê phán. Thay vì thốt ra những điều ngu
dốt để làm người ta thoả mãn, chúng ta chọn một sự im
lặng đầy trách móc. Chúng ta đã thấy rất rõ cặp mắt của
nhà ảo thuật, thấy cái đạo đức của chủ nghĩa hình thức,
thấy con dao nhọn giấu dưới tay áo khi chúng vừa lễ độ
thân mật cúi xuống. Phải công nhận chúng ta là những người
bất trị. Hơn thế nữa, chúng ta không thể biết mình sẽ ở
đâu và ngày mai mình sẽ trở thành cái gì!"[Phần Một. Đối
Thoại Với Luật Sư Liên Xô]</blockquote>


Kết thúc tác phẩm <em>"Kẻ Bị Đào Thải,"</em> ông đặt hai
câu hỏi, chất vấn người Cộng Sản Việt Nam:


1.* Tại sao các ông sợ hãi dân chủ?

2*. Giữa quyền lợi của Đảng và quyền lợi của Tổ Quốc,
các ông chọn điều gì?


Câu hỏi này phải chăng cũng là câu hỏi đối với chúng ta -
những người đang đứng trước sự tồn vong của đất nước
khi Trung Quốc cố tình tranh chấp lãnh hải ngoài Biển Đông
với Việt Nam, khi chính quyền độc đảng Việt Nam vẫn đang
bắt giam và đàn áp các tù nhân lương tâm - những nhà hoạt
động vì công lý, vì nhân quyền, vì tự do, vì dân chủ cho xã
hội và người dân. <em>"Kẻ Bị Khai Trừ"</em> không chỉ là
tự truyện bi thiết của Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường, mà còn
là bản trường ca bất khuất của một Kẻ Sĩ không quy hàng
cái Ác - âm vọng hào hùng còn vang mãi đến muôn thuở muôn
đời.



<strong>Hoàng Nhất Phương</strong>


11:30pm Thứ Sáu ngày 13 tháng 6 năm 2014


[1]. Mỏm đá Tarpeienne ở Ý Đại Lợi. Thời La Mã người ta
xử chết những kẻ phản bội hay kẻphạm tội hình sự, bằng
cách ném các tử tội từ trên mỏm đá cao Tarpeinne xuống.


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140621/hoang-nhat-phuong-diem-sach-ke-bi-khai-tru-cua-nguyen-manh-tuong),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét