Phạm Kỳ Đăng - Giá tù nhân chính trị

Từ 1963 đến 1989 Cộng hòa dân chủ Đức đã thả 33.775 tù
nhân chính trị sang Tây Đức (CHLB Đức) để đổi lấy ngoại
tệ mạnh. Hệ thống buôn bán chính trị phạm đã kiếm lời
nhiều nhất 390.000.000 D-Mark vào năm 1984 chỉ riêng với việc
thả 2.236 người đối kháng, qui ra 174.419 D-Mark một đầu
người. Hai nhà lãnh đạo uy quyền (1) lập hẳn những trương
mục mang tên mình tại những nhà băng lớn nhất (tài khoản
Honecker, tài khoản Mielke). Tuy nhiên CHLB Đức ngừng không trả
tiền cũng như xuất hàng hóa theo chế độ ưu đãi cho CHDC
Đức, khi nước này vào năm 1989 trở thành hội viên của Hội
đồng nhân quyền Liên hiệp quốc buộc phải cam kết tôn
trọng và thực thi nhân quyền. Tuy buôn người khấm khá, mà
vậy rồi CHDC Đức cũng phá sản và sụp đổ.

Nhà nước CHXHCN Việt Nam, sau những vụ hành hình kẻ thù giai
cấp vô tội vạ đỉnh cao thời Cải cách ruộng đất, dán cái
nhãn „phản động" lên người bất mãn hoặc phê phán chế
độ rồi đưa họ vào nhà tù hay trại cải tạo. Hình thức
triệt tiêu thay thế thủ tiêu. Số phận của nạn nhân bi
thương hơn, do người tù chính trị bị giam trong những trại
cải tạo heo hút cách ly tuyệt đối, sự hành hạ về tinh
thần dai dẳng hơn, bởi trong một thời gian dài Việt Nam không
có những lực lượng đối kháng trong xã hội lên tiếng động
viên và ủng hộ họ.

<a name="more"></a> Số phận của nhà nước chuyên chính vô sản
kiểu mao-ít, luôn thi hành chính sách thiếu minh bạch khác
thường, biệt lập với thế giới, từ bên ngoài nhìn vào
không khá hơn, thực ra lại là bi đát. Điều liên quan đáng
để ý ở đây: sự bắt bớ giam cầm tù nhân chính trị cho
đến gần đây chưa bao giờ thu hút được sự chú ý của
truyền thông và các tổ chức quốc tế, và do vậy nhà nước
cũng chưa dám tổ chức được một thương vụ thu ngoại tệ
mang tính lâu dài. Sự bắt bớ tăng lên, có thể thấy rõ rệt
hơn từ sau Đại hội Đảng lần thứ 11, để thêm điều kiện
thương lượng mới chỉ là tập tọng và thăm dò.

Trước mắt về ngắn hạn, Việt Nam đạt được một số
thỏa hiệp nào đấy. Nhiều ý kiến nhận định việc thả
bốn tù nhân lương tâm trong tháng Tư là phép thử hoặc là
một toan tính chiến thuật. Nếu là một toan tính nước cờ
chiến thuật, sẽ phải để ý đến bước tiếp tức khả năng
tạm ngừng để rồi phát động một chiến dịch bắt bớ khác
hoành tráng hơn, nếu một mai không ký được hiệp định đối
tác xuyên Thái Bình Dương, cùng lúc đó là vỡ nợ công và
khủng hoảng toàn diện.

Như vậy chính quyền có thể duy trì chính sách tạo dựng thêm
„thù địch" và „phản động", như cái nền chuyên chính
tự học thuyết say máu luôn cần „kẻ thù" vận hành
„đúng qui trình". Tuy nhiên thời thế hôm nay đã khác. Nhà
nước đi nước cờ đang bị chiếu bí khắp nơi, không cẩn
thận sẽ tứ bề thọ địch. Việc bắt giữ giam cầm có lẽ
chỉ chiều lòng cho đồng chí Bốn Tốt. Nhưng Trung quốc, đang
xuất siêu và thi hành chính sách bóp nghẹt kinh tế, chỉ ủng
hộ chư hầu trên quan điểm lập trường để yên bề man rợ
hóa dân tộc Việt Nam. Mới đây Trung quốc còn tuyên bố xóa
bỏ hệ thống lao cải nữa. Nhóm cầm quyền bám đuôi Trung
quốc, sẽ thù địch với nhân dân, và như vậy ngồi thế
trứng để đầu đẳng.

Với chính quyền, bắt giam người vì lý do gọi là chính trị
càng ngày là một việc thất sách. Ngụy tạo vụ án bắt
người để thăng quan tiến chức cũng là một điều lố lăng,
bởi bộ máy an ninh và công an quá dư thừa hàm cấp đã phình
to quá mức ở quyền hạn, nhân sự và ở trang bị, đang đóng
vai trò nhân danh đảng trị. Có thể dùng những điều luật mù
mờ tước tự do người bất đồng quan điểm, tín ngưỡng.
Bắt thì dễ, thả họ để trút gánh sau này không bao giờ gặp
lại khó hơn nhiều. Người tù chính trị khác với thường
phạm ở chỗ ấy. Vả chăng người đối lập quan điểm,
người phê phán mang bao suy tư đầy thiện chí, hơn thế nữa
ôm ấp nhiều sáng kiến cải cách tránh đổ vỡ. Hành hạ
những người đó chính là đánh vào thành phần ưu tú của
nhân dân.

Là thành viên mới của Hội đồng nhân quyền thế giới, nhà
nước Việt Nam trong những cuộc điều trần thường kỳ phải
phơi mặt giải trình với hầu hết các nước tham gia. Những
kỳ sát hạch tiếp theo, nhà nước chuyên chế tước sạch
quyền công dân khó có thể mãi mãi cho các nhà ngoại giao đọc
báo cáo viết sẵn, như cho học trò dùng tài liệu quay cóp trong
phòng thi như ta vừa thấy.

Tất cả những người vận động cho dân chủ và nhân quyền
không nên thất vọng vì việc Việt Nam, với một lý lịch lem
nhem về nhân quyền bất ngờ được kéo lên sân khấu của
cộng đồng quốc gia nhân quyền, được chính thức gia nhập
Hội đồng nhân quyền thế giới. Thành quả ấy trước mắt
vừa gây thất vọng cay đắng trong lòng nhiều người, nhưng
riêng cá nhân tôi không bực bội, tôi cho đó là khung pháp lý
ràng buộc một thành viên chưa „tiến bộ". Nếu đã là
thành viên rồi, khó giở trò bắt thả người tùy tiện để
vòi vĩnh.

Trong tháng Tư thời tiết hay chơi khăm, không ai biết nhà cầm
quyền thành tâm đến đâu. Trước hết hãy vui cho người
được trả tự do, bởi vì họ chịu tù đày không hề vô
nghĩa. Và hợp lý hơn nên nhìn nhận từng cá nhân họ một
cách bình thản và ôn hòa. Tôi không đòi hỏi gì hơn ở Tiến
sĩ Cù Huy Hà Vũ, giả sử tương lai ông không làm gì nữa (mà
ai đã biết?), ông đã đóng góp phần mình. Chúng ta tránh tâm
lý thường thấy ở người trong và ngoài nước khá trông chờ
và phó thác vào một người xuất chúng lãnh đạo hoàn hảo
như "lãnh tụ", nếu người kỳ vọng không khớp với
mường tượng của mình lại sinh ra bới móc, chê trách, hết
dèm pha ra hờn dỗi. Hình ảnh một người dựng nên theo mường
tượng và trông chờ của đám đông chỉ là mẫu người phất
lên bằng giấy, trong khi họ phải hứng đòn hành hạ bằng
xương thịt của mình.

Và hơn hết hãy nghĩ đến Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, linh
mục Nguyễn Văn Lý, Tạ Phong Tần, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê
Quốc Quân, Bùi Hằng, Hồ Thị Bích Khương và còn bao người
rên xiết không tên trong bóng tối tù ngục.

<i>Chú thích: </i>

(1) Erich Honecker (1912-1994), Tổng bí thư Đảng Công nhân Xã
hội thống nhất Đức và Erich Mielke (1907-2000), Bộ trưởng Bộ
An ninh quốc gia của CHDC Đức.

<b>P.K.Đ.</b>


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20140419/pham-ky-dang-gia-tu-nhan-chinh-tri),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét