Khách SJ - Xác định tác giả của Chính Đề Việt Nam qua chính nội dung của cuốn sách này [*]

<div class="special_quote"><strong>Tin liên quan:</strong>

<ul>
<li><a
href="https://danluan.org/tin-tuc/20131231/thong-luan-tung-phong-le-van-dong-la-tac-gia-tac-pham-chinh-de-viet-nam">Thông
Luận - Tùng Phong Lê Văn Đồng là tác giả tác phẩm Chính đề
Việt Nam</a></li>
</ul></div>

Các chi tiết xác định nhân vật Tùng Phong như đưa ra bởi
Thông Luận không thuyết phục vì nhiều lý do. Tôi muốn trình
bày việc xác định tác giả của Chính Đề Việt Nam qua chính
nội dung của cuốn sách này.

Có vài điều đáng ghi nhận ở trong sách có khả năng bác bỏ
<em>"thuyết tác giả Ngô Đình Nhu"</em> (thuyết A), nhưng để
xác nhận <em>"thuyết tác giả Lê Văn Đồng"</em> (thuyết B)
sẽ cần nhiều chứng cớ hơn là những gì Thông Luận trình
bày ở đây; không thể loại bỏ một trường hợp phức tạp
hơn, như trường hợp <em>"nhiều tác giả"</em> mà Tùng Phong
chỉ là bút hiệu chung (trường hợp C).

<h2>A - Phân tích chứng minh phủ định</h2>

Vài dữ kiện có thể là dấu chỉ chứng minh việc bác bỏ
thuyết A (đây không phải là liệt kê thấu đáo toàn diện vì
giới hạn thời gian nghiên cứu, nhưng tôi chỉ nhận thấy vài
việc đáng kể này):

<strong>1</strong> – Sách đề cập về những sự việc xảy ra
năm 58-59, và đề cập về việc Cộng Sản Bắc Việt đưa quân
xâm lăng vào năm 60 (trang 19 phần I của Chính Đề Việt Nam).
Thời điểm tuy không quá gần (hoặc sau) năm 1963, nhưng nội
dung về sự kiện diễn biến rất gần <em>"đương
thời"</em> có thể giúp xác định tương quan giữa tác giả
và tác phẩm.

[quote=Chính Đề Việt Nam]"Vì nhu cầu phát triển, thiểu số
lãnh đạo đã đòi hỏi nhiều nỗ lực ở đa số chịu lãnh
đạo, nhứt là ở thôn quê vào những năm 1958-1959 trong những
chương trình gọi là phát triển cộng đồng. Nhưng vì một
khiếm khuyết của thiểu số lãnh đạo, cho nên đa số chịu
lãnh đạo không ý thức sự cần thiết của những nỗ lực
đòi hỏi. Do đó sự bất mãn nhen nhúm và lần lần lan tràn.
Nhà cầm quyền Cộng Sản ở Hà Nội khai thác ngay cơ hội và
năm 1960 đã đưa quân xâm lăng vào miền Nam với danh nghĩa quân
"Giải phóng".[/quote]

<strong>2</strong> - Phần <em>"Sách Tham Khảo"</em> ở cuối
sách, có liệt kê cuốn sách của ông Bernard Fall viết về giai
đoạn 46-62, sách được xuất bản năm 1962! Thời điểm này
cũng thật là trễ nếu vào cuối năm 1962 (tuy chưa quá năm
1963).

[quote=Chính Đề Việt Nam] "FALL (Bernard) Indochine 1946-1962
(L'histoire que nous vivous)" [/quote]

<strong>3</strong> - Ở phần III (D) bàn về Đường Lối Phát
Triển, có câu viết sau đây đặt thời gian sách đã được
<em>"edit"</em> (ít nhất) vào khoảng năm 64-65, tức là năm mà
sách Chính Đề Việt Nam được in và bán ở miền Nam. Tôi lấy
mốc 1945 làm thời điểm mà tác giả cho là cơ hội đã đến
cho Việt Nam; và 1954 là mốc mà tác giả đánh giá phát triển
ở miền Bắc.

[quote=Chính Đề Việt Nam]"Từ hai mươi năm nay, cơ hội phát
triển đã đến cho chúng ta. Nhưng chúng ta chưa nắm được.
Từ mười năm nay, Bắc Việt chưa thực hiện được những
mục tiêu phát triển đáng kể. Các thực hiện phát triển
của Nam Việt đều bị du kích quân Bắc Việt phá hoại.

Sau hai mươi năm, và sau khi tiêu hao bao nhiêu sinh lực của dân
tộc, chúng ta đã đạt được kết quả kể trên. Như thế
thì, các nhà lãnh đạo của chúng ta có phải đã đi đúng
đường hay không?"[/quote]

<strong>4</strong> – Ở phần IV (B), tác giả bàn về cấu trúc
cho chính thể miền Nam và đã lý luận tại sao cấu trúc tương
tự như của Mỹ là phương pháp tốt nhất, đặc biệt do kinh
nghiệm của việc chuyển quyền lãnh đạo trật tự và không
bị gián đoạn (thay vì cấu trúc như Cộng Sản, Hoàng gia
Nhật, hay của Pháp). Tác giả cũng đã phác họa chỉ trong vài
đoạn văn một hình thức khác biệt với Mỹ vì lý do
<em>"để thích nghi hóa với hoàn cảnh riêng của chúng
ta"</em>, ngoài những cấu trúc giống như Mỹ:

[quote=Chính Đề Việt Nam] Chúng ta có thể đặt ra một Thượng
hội đồng quốc gia, gồm những người có công trạng với tổ
quốc và thấu triệt các vấn đề lãnh đạo quốc gia, mà số
lượng sẽ phù hợp với hoàn cảnh. Số người này sẽ được
thay đổi một bách phân, trong một định kỳ, theo những thể
thức thích nghi với điều kiện nội bộ của chính trường
Việt Nam. Và trong một chu kỳ nhất định, Thượng hội đồng
sẽ bầu một Quốc Trưởng, trong hay ở ngoài, hàng ngũ của
mình. Thượng hội đồng sẽ tượng trưng cho sự lãnh đạo
liên tục quốc gia, riêng biệt với nhiệm vụ Quốc Trưởng.
Quốc Trưởng thể hiện cho sự liên tục đó trong thực tế và
đồng thời là
người thụ thác các bí mật quốc gia.[/quote]

Hiến pháp và cấu trúc hình thành của VNCH I đã thực ra gần
giống hết cấu trúc của Mỹ, thay vì có đặc điểm như tác
giả viết trong đoạn trên. Phải chăng đó là chứng cớ
thuyết B?

Nhận xét về các điều đưa trên:

Theo đánh giá của tôi, khoản (1) không có giá trị để bác
bỏ thuyết A vì tất cả sự kiện đều là trước năm 1963.
Câu chỉ trích lãnh đạo có thể là một việc tự phê phán và
cũng có thể ám chỉ người viết không phải là người lãnh
đạo, nhưng một câu phê bình về một sự kiện lịch sử trong
giai đoạn ngắn đó hoàn toàn đối nghịch với tầm nhìn của
các chủ đề mà sách bàn tới là các vấn đề của bối cảnh
hai ngàn năm lịch sủ và chính trị thế giới và một ngàn năm
của Việt Nam. Câu chỉ trích có thể không những nói về giai
đoạn ông Diệm/Nhu mà còn ám chỉ nhóm cầm quyền sau 63. Xét
về phạm vi của các chủ đề trong sách, tôi cho đây không
phải là sự tự phê mà đúng là lời phê bình giới lãnh đạo
và rất có thể đã được thêm vào sau.

Khoản (2) trên cũng không có giá trị bác bỏ mốc trước năm
1963 của Chính Đề Việt Nam tuy 1962 là rất cận kề. Xét chung,
ông Fall không thể có dữ kiện hoặc lý luận nào đáng kể cho
những đề tài chính của sách vì ông không thể hiểu Việt Nam
như người Việt Nam và vì giai đoạn ông Fall viết cũng là
rất ngắn hạn. Do đó, có thể sách này có lẽ chỉ cho dữ
kiện phụ giúp tác giả chứng minh lý luận, và có thể chỉ
đã được dùng sau biến cố tháng 11/63.

Khoản (3) buộc ta phải đặt thời gian việc soạn thảo/edit
chuẩn bị cho việc in sách vào khoảng 64-65, vì nó ám chỉ khá
rõ ràng 20 năm từ thời điểm 1945 và 10 năm từ thời điểm
54; những đoạn khác cũng có dùng <em>"hai mươi năm"</em>
nhưng mốc thời gian mơ hồ hơn. Như thế, đoạn này có vẻ
đã xác định tác giả không thể là ông Nhu! Ở đây, lại có
câu chỉ trích lãnh đạo: <em>"Như thế thì, các nhà lãnh
đạo của chúng ta có phải đã đi đúng đường hay
không?"</em> – một câu có thể ám chỉ việc đánh giá cả
miền Bắc lẫn miền Nam, và cũng không loại bỏ ám chỉ cả
giai đoạn 63-65 của miền Nam. Nhưng xét cho kỹ ra thì đoạn
này - giống như khoản (1) trên – không đồng nhất với lối
hành văn và <em>"cách nhìn của tác giả"</em> như trong phần
lớn của cuốn sách, một lối viết của người lãnh đạo,
trực tiếp tạo chính sách cho miền Nam chứ không chỉ nghiên
cứu, cố vấn, hay bình luận.

Khoản (4) chứng minh có khác biệt giữa nội dung sách và thực
thể của chế độ VNCH I. Điều này có thể bác bỏ thuyết A
nhưng không chứng minh thuyết B vì ông Đồng đã không có vai
gì trong chính quyền Saigon ở giai đoạn 63-65. Giải thích sao
về việc này? Ở phương diện theo lý thuyết phù hợp với các
tư tưởng trình bày trong các phần khác của luận đề, đây
là một chứng cớ về sự thực hành của lý luận <em>'Tây
phương hóa nhưng trong sự chọn lựa, kiểm soát của chính
chúng ta'</em> mà tác giả đã biện luận là thái độ đúng
nhất, và do đó nó có thể xác minh sự kiên định của một
tác giả dù thực tế đã không cho phép hình thức này được
thực thi; đó phải chăng vì những lý do chính trị <em>"không
bước qua nổi"</em> của mọi thành phần tạo hiến pháp và do
đó phải chấp nhận hình thức gần như của Mỹ? Xét về sự
kiện lịch sử, thì giai đoạn 63-65 của VNCH là thời rối rắm
nhất, tệ nhất vì những bất đồng và tranh dành quyền lực
của các chính gia cũng như tướng lãnh sau đảo chánh; và một
trong những hình thức được đem ra thử nghiệm là hình thức
<em>'Thượng Hội Đồng Quốc Gia'</em> này – với vai
<em>'Quốc Trưởng'</em> bầu từ Hội Đồng. Tuy vậy, sự
giống nhau chỉ đứng ở đó – có nghĩa là mọi phương diện
khác, từ quốc hội đến các cơ quan hành pháp và tư pháp đã
coi như trở nên vô hiệu lực, bất động, hoặc gần như tê
liệt vì hỗn loạn. Sự kiện trùng hợp này có thể do ý kiến
về hình thức này khá phổ biến, hoặc có thể chỉ do ngẫu
nhiên. Cũng không thể loại ra khả năng rằng ý kiến cho một
hình thức có cá tính đáp ứng cho hoàn cảnh và văn hóa Việt
Nam như những đoạn văn trước biện luận đã không được
phát triển đầy đủ trong bản thảo, và người biên soạn đã
chỉ tự ý thêm vào sau. Ngay câu mở đầu <em>"Chúng ta có
thể đặt ra một …"</em> cho đoạn văn đã cho ta thấy tác
giả không có tin tưởng cao cho giá trị của hình thức đề
xuất. Tôi thấy có sự mâu thuẫn giữa sự bàn luận tương
đối ngắn ở phần này so với mức quan trọng của nó. Dầu
sao, hình thức gần như Mỹ của VNCH I đã không phải là một
yếu kém trên lý thuyết. Nhìn cả từ hai phía, có thể nói
vấn đề này không giúp thuyết phục cho thuyết A, B hoặc C.

Tóm chung lại, tôi cho rằng có những đoạn văn của Chính Đề
Việt Nam đã chỉ đã được sửa lại cho đúng khoảng thời
gian sắp in mà không làm đổ cấu trúc của các tư tưởng trong
sách, và đã có đoạn đã chỉ được thêm vào sau năm 1963 mà
thôi. Trường hợp C do đó là rất khả thi theo ý tôi và tác
giả chính vẫn là ông Nhu.

Nhưng tại sao lại dùng tên <em>"Tùng Phong"</em>? Đó có
phải là bút hiệu của ông Nhu bao giờ chưa? Chưa có tài liệu
nào khác mang tên ông này mà người Việt được biết đến
khiến vấn đề khó giải thích.

Vào năm 1965 lúc in sách, ông Lê Văn Đồng đã có thể dùng tên
thật của ông mà sẽ không bị chính quyền áp bức nếu ông
đã là tác giả chính. Có thể vì ông đã có phần giúp dịch,
soạn thảo, thêm dữ kiện (như những gì tôi viết trên) mà
ông Đồng đã quyết định dùng bút hiệu Tùng Phong để tránh
bất cứ nguy hiểm gì do những thành phần khác ngoài chính
quyền (vì ông đã không còn làm việc với ông Nhu từ 57) –
điều có thế xảy ra nếu ông liệt kê tên ông bên cạnh tác
giả Ngô Đình Nhu.

Đã có những nguồn tin khác xác định là bản thảo được
viết bằng tiếng Pháp và do đó đóng góp của ông Đồng là
việc dịch sang tiếng Việt là chính? Tài liệu ông Cao Xuân Vỹ
đưa ông Đồng vào năm nào? Vào những năm cuối của chế độ
VNCH I (60-63)? Tình cảm giữa hai ông Đồng/Nhu đã có phần hàn
gắn sau này? Sự việc ông Đồng xác nhận về tác giả như
Thông Luận công bố có chi tiết rất rõ để thuyết phục
chưa? Mọi sự kiện còn rất mơ hồ cho những câu hỏi trên.

Có thể chăng ông Đồng đã ám chỉ muốn nói<em> "Tôi là tác
giả (của) tên Tùng Phong"</em> và vì thế điều này không sai
sự thật (!) - vì tên đó chỉ là phương tiện để phổ biến
sách nhưng sẽ tránh được nhiều xung đột không tốt nếu tên
tác giả chính (Ngô Đình Nhu) được công bố chăng? Hai ông
Diệm/Nhu vẫn còn nhiều kẻ thù ngay đến bây giờ!

Còn một lý do tôi đã đọc và khá thuyết phục là ông Đồng
phải xác nhận ông là tác giả thì việc phát hành sách mới
có thể được thực hiện để theo đúng luật pháp Mỹ và gia
đình ông mới được nhận tiền bản quyền (royalty) theo luật
về tư hữu trí tuệ (copyright law).

<h2>B - Phân tích chứng minh xác định</h2>

Xin tiếp nối sau đây với những chứng minh tích cực mà khiến
tôi tin là tác giả Chính Đề Việt Nam không ai khác hơn chính
là ông Nhu. Các trình bày dưới đây không theo thứ tự của
sách, chỉ theo những nhận xét tôi tóm tắt được khi đọc
lại cho nhanh để tóm tắt:

<strong>1 - <u>Lý luận về hình thức cấu trúc xã hội và yếu
tố địa lý cần thiết của việc tổ chức trù
mật:</u></strong>

Trong Phần III (B), về <em>"Hình thức của làng"</em> và
<em>"Hậu quả của hình thức"</em>, tác giả đã biện luận
về lý do lịch sử cũng như địa lý tại sao cần có những
tổ chức trù mật – giống như <em>"làng"</em> ở miền Bắc
mà miền Nam/Trung không có – để giúp công trình xây dựng Xã
Hội về dân trí cũng như kinh tế và chống Cộng Sản. Các
chương trình <em>"trù mật"</em> và <em>"ấp chiến
lược"</em> của VNCH I thời ông Diệm/Nhu đã làm đúng như
vậy từ khoảng năm 1959. Vì ông Lê Văn Đồng đã từ chức
năm 1957 thì ông ta khó có thể đã là tác giả của chính sách
này - trừ trường hợp ông có đóng góp riêng tư với ông Nhu
sau năm 1957.

[quote=Chính Đề Việt Nam]"Trước hết là, sống trong khuôn
khổ một hình thức trù mật, tinh thần tập thể mới nảy nở
được. Hình thức trù mật mất đi, tinh thần tập thể cũng
mất. Đó là một điều vô cùng tai hại, bởi vì lúc nào quốc
gia, một tập thể to lớn, vẫn còn và vẫn đòi hỏi ở
ngƣời dân một ý thức tập thể mà họ đã mất. Kế đó,
sống trù mật, người dân sẽ không cô lập, sẽ dựa vào tập
thể mà phát triển cá nhân. Nhờ ở sự tương trợ giáo dục
tự nhiên, kinh nghiệm của người trước truyền cho người sau,
ít thất lạc trong một tập thể và hợp thành truyền thống
của tập thể. Sống trù mật sự tiến hóa của cá nhân không
bị gián đoạn."[/quote]

… và sau đó:

[quote]"Để bắt tay vào công cuộc phát triển, việc đầu
tiên mà chúng ta phải thực hiện là hoàn tất công cuộc chiếm
cứ nói trên, bằng cách tổ chức lại, trên căn bản sống trù
mật và tập thể, các cơ sở hạ tầng của chúng ta ở nông
thôn. Như thế thì, việc tổ chức lại các làng mạc ở phía
Nam miền Trung và ở miền Nam, không phải chỉ có tác dụng
quân sự, đối với sự phá quấy của du kích quân miền Bắc,
mà chính là để đặt nền tảng cho công cuộc phát triển dân
tộc trên mọi lĩnh vực, nhân sinh, kinh tế và văn
hóa."[/quote]

<strong>2 - <u>Vấn đề duy trì sự chuyển quyền không bạo
động và di sản văn khố cũng như bí mật quốc gia:</u></strong>

Ở Phần II bàn về<em> "VỊ TRÍ CỦA VIỆT NAM TRONG KHUNG CẢNH
THẾ GIỚI VỪA TRÌNH BÀY"</em> và trong mọi phần khác của
sách, tác giả đã nhấn mạnh rất nhiều lần về sự chuyển
quyền không bạo động và duy trì di sản văn khố với những
thuật pháp lãnh đạo và bí mật Quốc Gia được truyền lại
và luôn cải thiện. Tỉ dụ:

[quote=Chính Đề Việt Nam]"Với thời gian qua, các cuộc cách
mạng bạo động trong lịch sử đều là những cái hại, dù là
có cần thiết đi nữa, vẫn là những cái hại cho quốc gia và
dân tộc. Nếu cân nhắc hai bên, một bên là cuộc cách mạng
bạo động để thanh toán các tệ đoan trước mắt của xã
hội và một bên là sự bảo đảm cho sự lãnh đạo liên tục
quốc gia, thì lịch sử trả lời rằng sự lãnh đạo liên tục
quốc gia quan hệ hơn, vì nó là một quan điểm dài hạn, còn
cách mạng bạo động là một quan điểm ngắn hạn. Mà lịch
sử là một quan điểm dài hạn so sánh với đời sống cá nhân
là một quan điểm ngắn hạn. Một dân tộc càng trưởng thành
quan điểm càng dài hạn, và quan điểm càng dài hạn, dân tộc
càng có cơ hội và phương tiện để trưởng thành. Hơn nữa
những cái tệ đoan có thể thanh toán bằng nhiều lối, ngoài
lối cách mạng bạo động.

Sự lãnh đạo quốc gia liên tục

Như trên đã trình bày, sự lãnh đạo quốc gia được liên
tục khi nào các điều kiện dưới đây được thỏa mãn:

1.- Sự chuyển quyền được bình thường từ lớp người
trước cho tới lớp người sau.

2.- Các bí mật quốc gia được truyền lại.

3.- Thuật lãnh đạo được truyền lại và được cải thiện
càng ngày càng tinh vi.

4.- Các kinh nghiệm của dĩ vãng được xếp vào văn khố,
được truyền lại và có người biết xử dụng văn
khố."[/quote]

Tác giả đã bàn về sự mất mát lớn của Pháp sau Cách Mạng
năm 1789, của Nga năm 1917, v.v. về phương diện di sản văn khố
vì vai trò quan trọng của nó cho dân tộc. Sở dĩ tác giả
đặt nặng về vấn đề này là vì <b>tác giả đã được học
về phương diện này</b>! Quá trình học hành ở Pháp của ông
Nhu là bằng cử nhân văn chương, môn chữ cổ (paleography) và
môn văn khố thư viện (librarianship). Một luật sư như ông
Đồng không thể có đánh giá cao của vấn đề này như thế.
Đây là chứng cớ rất rõ cho sự xác định tác giả Chính
Đề Việt Nam là ông Nhu. Cũng cần nhắc là chính quyền Cách
Mạng năm 1945 đã cử ông Nhu làm Giám đốc Nha Lưu Trữ Công
Văn và Thư viện Quốc gia tại Hà Nội trước khi bị Việt Minh
bắt cả hai anh em Diệm/Nhu rồi thả. Trước đó, ông cũng đã
làm việc tương tự dưới chính quyền Pháp trước khi bị Pháp
sa thải vì hoạt động chống Pháp của ông Diệm.

Công trình học hỏi của ông Nhu ở Pháp cũng là giải thích
thêm cho sự uyên bác của tác giả. Vì ông ta đã học chữ cổ
và dùng thư viện rất nhiều, ông đã có dịp học hỏi rất
sâu về lịch sử và văn minh Âu Châu. Các vấn đề xung khắc
trong lịch sử giữa Âu và Nga, giữa Âu và khối Hồi Giáo,
đối với đại đa số người Việt Nam – kể cả những
người được học ở Âu Châu – chỉ thường được coi là
vấn đề phụ thuộc của vấn đề Tư Bản/Cộng Sản hoặc
họ không hiểu sâu về liên can (implications) mật thiết của
lịch sử đó trong bối cảnh chính trị thời đại mới để
có thể có những diễn giải và tiên đoán không ngờ như ta
đã đọc.

<strong>3 – <u>Những chứng minh khác</u></strong>

Phần này tóm tắt nhiều chứng minh khác không kém quan trọng
như hai điều trên, nhưng thời gian giới hạn và tôi chỉ muốn
nêu thêm những điểm chính cho gọn lại.

- Một trong những tư tưởng chính mà thuyết Nhân Vị của ông
Nhu dựa vào có thể tóm tắt ở câu: <i>"Lý do của đời
sống là một sự việc của cá nhân, mà điều kiện của đời
sống là một điều kiện tập thể"</i> trong phần IV của
sách. Các lý thuyết tác giả trình bày đều phản ảnh những
tư tưởng Nhân Vị của ông Nhu.

- Ở phần IV (B), về sự cần thiết của việc xây dựng dân
trí qua các <em>"tổ chức quần chúng"</em> (nay thường
được gọi là xã hội dân sự) mà đã được thực hiện rất
nhiệt tình dưới thời VNCH I; lãnh vực này chắc chắn cũng
đã có đóng góp ý tưởng và trợ cấp của Mỹ để hiện
thực vì nó là một đặc trưng của các nền dân chủ tự do.
Nhiều tổ chức xã hội dân sự đã thành hình và đóng góp
suốt hai thời VNCH:

[quote=Chính Đề Việt Nam]"Trong hoàn cảnh xã hội của chúng
ta hiện nay, ý thức tập thể của quần chúng rất yếu kém và
kinh nghiệm tổ chức, điều khiên và quản trị các tổ chức
quần chúng rất nghèo nàn. Sự đóng góp tài chính của cá
nhân, đương nhiên sẽ rất giới hạn. Vì vậy sáng kiến tổ
chức quần chúng không thể hoàn toàn phát xuất từ trong nhân
dân được. Chính quyền ngoài nhiệm vụ kiểm soát đương
nhiên phải đảm trách nhiệm vụ hướng dẫn sự tổ chức,
hướng dẫn sự đào tạo người điều khiển hoạt động, và
quản trị tài chính cho tổ chức. Điều thiết yếu là nhiệm
vụ hướng dẫn phải được minh định và không để cho nó
sự lầm lẫn với vai trò trực tiếp tổ chức, trực tiếp
điều khiển và quản trị của chính quyền như trong một chế
độ độc tài Đảng trị."[/quote]

- Về biến chuyển của Nga và cục trạng chính trị mới của
thế giới: tuy lý do từ bỏ CNCS của Nga đã không xảy ra chính
xác như tác giả viết và dù vai trò của Vatican không có sức
mạnh như thời Trung Cổ trong giai đoạn 50-60, chỉ có những
người rất hiểu sâu về lịch sử và giáo thuyết của giáo
hội La Mã mới giám tiên đoán những điều này từ 50 năm
trước:

[quote=Chính Đề Việt Nam]"Như vậy thuyết Cộng Sản đối
với Nga chỉ là một phương tiện và ngày nào mục đích đã
đạt được, phương tiện sẽ không còn giá trị nữa. Ngày
nay, mục đích đã đạt, Nga đã thắng nhờ khắc phục được
kỹ thuật Tây Âu và nhờ khối dân đông và đất rộng của
mình. Các biến cố hiện tại ở Âu Mỹ chứng tỏ rằng Nga
sắp đến lúc bỏ phương tiện Cộng Sản và trở về với xã
hội Tây phương.

Những sự tiếp xúc của tòa thánh La Mã với các lãnh tụ giáo
hội Nga là một trong những cố gắng để đưa Nga Sô về xã
hội Tây phương. Và ngày đó sự tranh chấp quyết liệt giữa
Cộng Sản và Tư Bản, như ngày nay, sẽ tự tiêu và nhường
chỗ cho một cuộc tranh chấp khác quyết liệt hơn hiện nay đã
bắt đầu thành hình giữa khối Trung Cộng và khối Âu
Mỹ."[/quote]

Nếu ông Đồng không phải là người Công Giáo, hoặc chỉ
hiểu giáo hội La Mã và giáo thuyết CG phiến diện, thì ông ta
không thể có những diễn giải táo bạo như trên. Tuy sự sụp
đổ của CNCS ở Đông Âu không do yếu tố tôn giáo gây ra (mà
chính ở sai lầm của chủ thuyết), việc giáo hội La Mã tìm
cách nối kết lại với phe Chính Thống Giáo (gần với Công
giáo trên giáo thuyết hơn là với Tin Lành ở Âu Mỹ!) cũng như
phe CG ở các nước CS đã thực sự xảy ra và ngày càng được
nâng cao khi phương tiện di chuyển và truyền thông trở nên dễ
dàng hơn trong hậu bán thế kỷ 20; nó trở thành cao điểm khi
John Paul II từ Ba Lan lên làm Giáo Hoàng và đã có ảnh hưởng
không ít cho phong trào đòi dân chủ nhân quyền mà ta đã thấy
ở Ba Lan. Những xúc tiến thời 50-60 đó rất âm thầm và có
lẽ không ít nhờ chính ông anh ruột là GM Ngô Đình Thục mà
ông Nhu hiểu về vấn đề này. [Ngày nay, sự nối kết này dù
nếu hoàn tất, sẽ không có ảnh hưởng lớn về chính trị vì
các nước Âu Mỹ đã tục hóa nhiều rồi; dầu sao, ảnh
hưởng trên phương diện văn hóa sẽ giúp giữ trạng thái hòa
bình cho thế giới hơn.]

- Tương tự như trên, những nhận thức về khác biệt giữa
các tôn giáo và xác định thế giới quan của Thiên Chúa Giáo
thì chỉ có người CG mới có lý luận như thế (dù đúng hay
sai); ông Đồng khó là tác giả của những tư tưởng đó nếu
ông không phải là tín đồ CG. Và từ sự so sánh này, tác
giả đã có thể giải thích tại sao – với triết lý Khổng
Mạnh – Trung Hoa đã không hoàn toàn mang văn hóa "xuất
thế" như các nước có văn hóa của Ấn Giáo và Phật Giáo
và vì thế có khả năng phát triển đất nước mau hơn các
nước kia (như Ấn độ).

- Một trong phần được bàn rất kỹ lưỡng là về sự cần
thiết của việc <em>"chỉnh đốn và kiến trúc hóa Việt
ngữ"</em>. Dù không có bằng chứng trực tiếp và vì vấn
đề khá hiển nhiên với giới trí thức VN, nhưng tôi nghĩ
rằng vấn đề này được lý luận rất cặn kẽ trong CĐVN là
vì quá trình học vấn của ông Nhu. Paleography sẽ khiến
người học đặt vấn đề ngôn ngữ học rất cao và tại sao
sẽ có ảnh hưởng mạnh trong văn chương và văn hóa một dân
tộc.

- Để giúp kết luận và là một trong những đoạn diễn giải
mà tôi thích, xin đọc và xác định vị trí của tác giả: là
một người trực tiếp lãnh đạo hay là một người ngoài
chính quyền viết luận đề?

[quote=Chính Đề Việt Nam]Các nhà lãnh đạo miến Bắc, khi tự
đặt mình vào sự chi phối của Trung Cộng, đã đặt chúng ta
trước một viễn ảnh nô lệ kinh khủng. Hành động của họ,
nếu có hiệu quả, chẳng những sẽ tiêu diệt mọi cơ hội
phát triển của chúng ta, mà lại còn đe dọa đến sự tồn
tại của dân tộc. Sở dĩ, tới ngày nay, sự thống trị của
Trung Cộng đối với Việt Nam chưa thành hình, là vì hoàn cảnh
chính trị thế giới chưa cho phép, và sự tồn tại của miền
Nam dưới ảnh hưởng của Tây phương là một trở lực vừa
chính trị vừa quân sự cho sự thống trị đó. Giả sử mà Nam
Việt bị Bắc Việt thôn tính, thì sự Trung Cộng thôn tính
Việt Nam chỉ là một vấn đề thời gian.

Trong hoàn cảnh hiện tại, sự tồn tại của miền Nam vừa là
một bảo đảm cho dân tộc thoát khỏi ách thống trị của
Trung Cộng, vừa là một bảo đảm một lối thoát cho các nhà
lãnh đạo Cộng Sản Bắc Việt, khi họ ý thức nguy cơ họ
đang tạo cho dân tộc. Nhưng ngày nào họ vẫn tiếp tục thực
hiện ý định xâm chiếm miền Nam thì họ vẫn còn chịu sự
chi phối của chính sách chiến tranh xâm lăng của Trung Cộng,
thay vì chính sách sống chung hòa bình của Nga Sô. Vì vậy cho
nên, sự mất còn của miền Nam, ngày nay, lại trở thành một
sự kiện quyết định sự mất còn trong tương lai của dân
tộc. Do đó, tất cả nỗ lực của chúng ta trong giai đoạn này
phải dồn vào sự bảo vệ tự do và độc lập, và sự phát
triển cho miền Nam để duy trì lối thoát cho miền Bắc và cứu
dân tộc khỏi ách thống trị một lần nữa.[/quote]

Và điểm cuối không ở trong nội dung nhưng khiến tôi cho rằng
Chính Đề Việt Nam không thể là của ông Lê Văn Đồng là vì:
một người có tầm nhìn và khả năng trí thức như tác giả
này không thể chỉ chọn làm việc dạy học và nghiên cứu làm
việc cho tòa đại sứ Mỹ sau 63, và rồi chỉ an phận đi học
toán rồi đi dạy ở Mỹ sau biến cố 75! Một người nhận
thức rõ vấn đề Việt Nam như trong sách đã sẽ đi tìm một
con đường khác để tìm lối thoát cho Việt Nam và xuất hiện
để lãnh đạo cộng đồng Hải Ngoại ngay từ giai đoạn giữa
thập niên 80 – khi Việt Nam đã lãnh nhận thất bại về kinh
tế CS và các cuộc chiến với Khmer và Trung Quốc xảy ra. Ông
ta đã phải – ít nhất – cấp tốc quảng bá tài liệu này
rất rộng lớn ngay sau 75 để giúp giới trí thức Việt Nam ở
hải ngoại thông hiểu những quan điểm ông đã trình bày trong
sách, mặc dù nó còn có tính chất ức đoán (speculative) vào
thời gian đó. Tôi thực sự nghi ngờ tầm hiểu biết của ông
Đồng về mọi vấn đề được trình bày trong Chính Đề Việt
Nam dù ông đã là Tiến sĩ toán học. Có thể chăng ông Đồng
đã không thích vài điều chính được bàn tới khiến ông ta
không cảm thấy hứng thú để truyền bá sách này? Không lẽ
vấn đề <em>'tiền bản quyền'</em> đã là cản trở chính
cho đến khi ông quyết định tự nhận mình là tác giả?

Một tác giả thật của Chính Đề Việt Nam nếu đã không rất
tích cực hoạt động chính trị cho Việt Nam từ ngay sau 75 thì
tác giả chỉ có thể là đã chết hoặc hoàn toàn tàn tật,
bất lực vào thời gian đó!

Vì thế, bút hiệu Tùng Phong tôi không biết là ông Nhu chọn hay
ông Đồng chọn, nhưng Chính Đề Việt Nam có tác giả chính là
ông Nhu. Ông Đồng (và có thể có người khác nữa) có đóng
góp ít nhất trong việc dịch(?), soạn thảo/edit. Ông Đồng có
tư tưởng nào đáng kể hay không, khó mà xác định được ở
đây; và dù nếu có, ông cũng đã thiếu trách nhiệm với dân
tộc Việt Nam như tôi đã viết ở trên.

Mất bốn buổi tối để viết bài này, nhưng tôi thấy cần
phải làm vì nó giúp giải thích nguồn gốc của một tài liệu
quan trọng có một không hai trong các tài liệu về Việt Nam này
– ít nhất cho tôi. Trên phương diện ích lợi cho Việt Nam,
tác giả là ai có lẽ cũng không quan trọng bằng vấn đề là
nội dung có ích lợi gì và nó truyền đạt được những
điều gì cho những người Việt Nam yêu nước hay không mà
thôi. Trên phương diện tôn trọng cá nhân vì đóng góp dù tốt
hay xấu của họ cho tập thể, việc xác định tác giả ít
nhất cũng là vấn đề công lý, điều mà mỗi cá nhân đều
mong muốn cho chính mình trong tập thể đó.


_________________________


[*] Tác giả gửi tới Dân Luận dưới dạng phản hồi, tựa
đề cho Dân Luận đặt

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20140106/khach-sj-xac-dinh-tac-gia-cua-chinh-de-viet-nam-qua-chinh-noi-dung-cua-cuon-sach),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét