TM1111 - Thế nào là tiếng Việt mới? Thế nào là tiếng Việt chuẩn?

<blockquote><strong>Dân Luận:</strong> Bài tiểu luận thú vị về
ngôn ngữ sau đây được trích từ thread "<a
href="https://danluan.org/comment_redirect/82381"><span
class="underlined-text">Nhóm Dịch thuật Dân Luận</span></a>", khởi
nguồn từ một lời phê bình văn phong của BBC và VoA. Dân Luận
xin trận trọng giới thiệu bài luận này tới độc
giả:</blockquote>
Cảm ơn các bác đã tham gia bàn luận và đánh giá. Hình như
giữa những quan ngại chung ngày nay về tình trạng suy thoái
đạo đức, giáo dục, văn hóa, tinh thần công dân, nếp sống
xã hội... còn có một sự suy thoái về ngôn ngữ?

Nhóm bạn trung học của tôi vài tháng trước cũng có một
cuộc tranh luận sôi nổi đưa đến đôi chút mất lòng giữa
bạn bè về đề tài "Thế nào là tiếng Việt mới? Thế nào
là tiếng Việt chuẩn?".

Ngày xưa trước 1954 thì 3 miền Bắc Trung Nam giao lưu thông
thoáng nên tuy có thổ ngữ địa phương, nhưng từ Bắc đến
Nam đều có chung một thứ tiếng Việt chuẩn. Lịch sử VN đã
khiến hai miền Nam-Bắc sống tách biệt và cô lập với nhau
trong vòng 20 năm. Những người miền Nam như tôi và các bạn
trung học ngày xưa đã hấp thụ tiếng Việt chuẩn theo nền
giáo dục VNCH cho đến năm 1975. Trong thời gian chia cắt, ngôn
ngữ hai miền phát triển riêng biệt, đến khi "ráp lại" thì
đã có nhiều khác biệt, từ đó có cách đánh giá cái đúng,
cái sai, cái tốt, cái xấu, phần nhiều dựa vào cái nền tảng
giáo dục, phong tục bản làng, văn hóa gia đình, xã hội của
của từng cá nhân.

Đối với dân VNCH, tiếng Việt tại miền Nam tính đến tháng 4
1975 là chuẩn và trong sáng. Tiếng miền Bắc có nhiều cái kỳ
dị và chói tai. Ngược lại người miền Bắc cũng có thể có
cùng ý nghĩ như thế, rằng tiếng miền Bắc chuẩn còn tiếng
Nam kỳ thì "kỳ cục". Ai đúng, ai sai? Mỗi người một ý!

Khi người miền Nam dùng tiếng Hán Việt mà miền Bắc dùng
tiếng Nôm thì Nam cho là Bắc bỗ bã, thô tục. (Thủy quân lục
chiến, phi cơ trực thăng, nhà bảo sinh đối ngược với lính
thủy đánh bộ, máy bay lên thẳng, xưởng đẻ, v.v.). Khi Bắc
dùng tiếng Hán trong khi Nam đã diễn nôm rồi thì Nam thấy Bắc
cầu kỳ, vay mượn còn Nam thì thuần Việt, trong sáng ("tòa
đại sứ" đối ngược với "đại sứ quán", "trải qua" đối
ngược với "thử nghiệm", "vừa học vừa làm" đối ngược
với "giáo dục tại chức", v.v.) Ngược lại chắc chắn có
nhiều từ Nam dùng thì Bắc sẽ cho là vô duyên chệch chuẩn.

Thế thì tiếng Việt nào "kỳ quặt" là vì mình nghe không quen
hay vì tự bản chất nó "kỳ quặt"?

Ngôn ngữ luôn biến đổi nên thỉnh thỏang lại có từ mới
xuất hiện. Ngày xưa mỗi lần có từ mới xuất hiện là bọn
trẻ con chúng tôi tiên phong dùng ngay, còn bậc cha mẹ trưởng
thượng thì thường tỏ thái độ khó chịu, không chấp nhận
lúc đầu. Thời xưa có những cụm từ "sức mấy! Cù lần! Quê
một cục! bỏ đi Tám!" mang về nhà dùng cứ bị mắng. Sau đó
Phạm Duy đặt những từ mới này vào bài hát "Sức mấy mà
buồn, buồn ơi bỏ đi Tám!" thì không còn nghe phê phán nữa.
Kết luận: khi nào đông đảo quần chúng chấp nhận thì
"được".

Nếu bảo phải giữ gìn tiếng Việt càng nguyên thủy càng
tốt, chống lại những trò pha chè ẩu tả sau này, thì mình
phải nói Đức Chúa Blời như Alexandre De Rhodes đã dùng chứ
không dùng Đức Chúa Trời, phải viết văn biền ngẫu kiểu
Phạm Quỳnh, Nguyễn văn Vĩnh (thờ gia đình, mến tổ quốc,
trọng tổ tiên, tôn cổ điển, bốn đức tính ấy được giáo
dục vun trồng, thói quen bồi đắp, v.v.) chứ không được
chuộng văn mới của Tự Lực Văn Đòan, thơ mới của Xuân
Diệu, Huy Cận, v.v.

Có nhiều người Việt thế hệ VNCH cho rằng tiếng Việt
trước tháng 4 1975 là trong sáng nhất, chuẩn nhất và phải
được giữ gìn. Sau gần 38 năm, ngày nay tiếng Việt ấy chỉ
còn trong sáng tại hải ngọai và với thế hệ chúng tôi như
TM1111, NiNi, bác Ngự, NJ, v.v. mà thôi. Tuổi trẻ trong nước sinh
ra những thập niên 1970, 1980, 1990, v.v. không được tiếp cận
(phải nói tiếp xúc chứ nhỉ?) với lọai tiếng Việt này.
Bảo rằng tiếng Việt tại Sàigòn 1975 là chuẩn khác nào
người Québec bảo tiếng Pháp của họ chuẩn hơn tiếng Pháp
tại Paris, người Nam Phi bảo tiếng Anh của họ chuẩn hơn
tiếng Anh đang dùng tại London, tiếng Đức tại Thụy sĩ chuẩn
hơn tiếng Đức tại Berlin, Munich, và tiếng Hoa tại San Francisco
chuẩn hơn tiếng Hoa tại Bắc kinh, v.v. Khi một cộng đồng đã
tách rời xứ sở ra đi thì tiếng nói của họ thường đóng
băng lại vào thời điểm họ rời chính quốc. Và tiếng nói
của đại đa số người sử dụng tại chính quốc phải là
tiếng chuẩn chứ không phải ngược lại. Tiếng Việt trong
nước sẽ tiếp tục thay đổi càng ngày càng khác biệt với
tiếng Việt đã được khuân ra nước ngoài 1975. Và những
trường ĐH Mỹ dạy tiếng Việt cho người Mỹ, hay BBC, VOA đưa
tin về VN, cũng phải dùng thứ tiếng Việt đang dùng tại Hà
nội hay Sài gòn ngày nay chứ không thể dùng thứ tiếng Việt
tại Porte de Choisy ở Paris hay tại Little Saigon ở Nam Cali
được.

Thế thì tại trong nước, tiếng Việt nào là chuẩn? Dĩ nhiên
sẽ có nhiều nhà giáo dục, học giả, nhà báo, nhà văn hóa,
v.v. luôn cố gắng thẩm định và lèo lái ngôn ngữ cho chuẩn.
Tuy nhiên tôi cho rắng đại đa số người dân sẽ là người
quyết định. Sẽ có những hiện tượng ngôn ngữ làm buồn
lòng những nhà hàn lâm, nhưng đại đa số quần chúng sẽ lấn
lướt một thiểu số ưu việt.

Theo tôi, những từ "chói tai", nếu nó thật sự là tồi thì
mọi người sẽ bỏ không dùng. Ngược lại, nếu đại đa số
tiếp tục dùng thì từ từ nó sẽ trở thành "quen tai", và đôi
khi còn "êm tai" nữa. Ngày nay thấy tụi teen còn có cách viết
riêng của chúng mà người lớn phải "hãi vãi!". Văn phong bù
bựa của bác Cẩn và các đồng chí cũng thấy... phải quan
ngại! Mình đành phải chờ xem ít lâu nữa sau lọai tiếng
Việt này có được vài chục triệu người dùng hay không. Nếu
có thì đành Pótay.com, nó sẽ thành tiếng chuẩn. Nếu không
thì tiếng Việt dị biệt này sẽ không tồn tại vì đã không
quyến rủ được đại đa số quần chúng. Nó sẽ tự diệt
vong.

Trên đây là "<em><strong>bài tiểu luận</strong></em>" của thành
viên TM1111, viết theo lý thuyết ngôn ngữ học. Lý thuyết là
thế, nhưng đến khi đọc bài của ông Đào văn Bình thì cũng
phải công nhận là tiếng Việt dùng trong môi trường chính qui
phải chuẩn, phải để những người có học lèo lái, chứ
không thể "hồn nhiên vô tư" được, các bạn nhỉ?

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130325/tm1111-the-nao-la-tieng-viet-moi-the-nao-la-tieng-viet-chuan),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét