Đến hẹn lại lên, năm nào cũng thế, những ngày cuối tháng 3
là những ngày căng thẳng của giáo viên & phụ huynh và học
sinh lớp 12. Mọi người thi nhau đoán già đoán non xem năm nay
bộ sẽ chọn môn nào để thi tốt nghiệp THPT.
Sự căng thẳng này chỉ được giải tỏa khi đến giờ G
(thường là ngày cuối tháng 3), 3 môn thi TNTHPT (không kể 3 môn
chắc chắn là: toán, văn và ngoại ngữ) được Bộ GD-ĐT công
bố.
Sau thời khắc giờ G đó, những giáo viên dạy môn không có
trong danh mục thi TNTHPT thở phào nhẹ nhõm, coi như hoàn thành
nhiệm vụ năm học, các trường hối hả tổ chức cho HS thi
những môn nằm ngoài danh mục đã công bố để hoàn thành sớm
chương trình, dồn sức cho những ngày "gian khổ" của thầy
và trò đế đối phó với kỳ thi THPT. Học sinh thì phải căng
sức ra sắp xếp lịch học thế nào để có thể đáp ứng
được yêu cầu của 2 kỳ thi quan trọng sau 12 năm đèn sách:
thi TNTHPT và thi đại học.
Thực tế mà nói, chẳng ai hiểu được lý do việc chọn 3 môn
thi ngoài 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ của Bộ Giáo dục – Đào
tạo. Nhiều giáo viên nói rằng dù đã dạy lớp 12 nhiều năm
họ cũng không thể lý giải được tại sao năm nay thì môn sinh
vật, năm sau lại thi môn hóa học, hay tại sao thì môn địa lý
mà không thi môn lịch sử. THậm chí, có người còn nói đùa
rằng chắc là Bộ viết các môn học vào các mảnh giấy rồi
bỏ vào trong một cái bình sau đó cử người thò tay vào bốc 3
lá thăm ngầu nhiên (kiểu như bốc thăm bóng đá).
Tất nhiên, đó chỉ là những chuyện nói cho vui trong lúc trà
dư tửu hậu. Nhưng thực tế, chẳng bao giờ giáo viên, học
sinh và cả xã hội được nghe một lời giải thích lý do từ
bộ GD-ĐT tại sao chọn môn này để thi mà không chọn môn kia.
Nhìn dưới khía cạnh giáo dục, việc tổ chức môn thi tốt
nghiệp THPT như hiện nay của Bộ GD-ĐT đang làm gia tăng áp
lực đáng kể lên việc học tập của học sinh lớp 12. Cụ
thể như sau: trong kỳ thi TNTHPT năm học 2012 quy định 6 môn thi:
Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Hóa học, Lịch sử, Địa lý với
học sinh THPT. Với môn thi như vậy, một học sinh thi khối A1
phải căng sức ra học 4 môn Hóa, Sử, Địa, Văn để thi TN,
đồng thời lại phải học thêm môn Vật lý để đáp ứng cho
kỳ thi đại học ngay sau đó, điều tương tự của xảy ra cho
HS dự thi khối B, khối A. Trong khi đó các học sinh thi khối D
hoặc khối C thì lại được hưởng lợi với lịch thi này. Và
như thế vô tình Bộ GD-ĐT đã tạo ra sự không công bằng
giữa các học sinh lớp 12.
Vấn đề đặt ra tại sao Bộ GD-ĐT không tổ chức thi TNTHPT
theo hình thức 3 + 3 trong đó 3 môn chính là các môn được xem
là cơ bản: Toán, Văn, Ngoại ngữ và 3 môn còn lại được
gọi là môn mềm cho phép HS tự chọn môn thi trong số các môn:
Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử để đăng ký.
Và như thế rõ ràng áp lực học tập của HS được giảm
đáng kể, đảm bảo được sự công bằng giữa các thí sinh
và qun trọng nhất giúp học sinh vừa có thể ôn thi TNTHPT lại
vừa ôn thi tốt môn thi đại học. Và do đó nhà trường có
thể chủ động lên kế hoạch ôn thi TNTHPT cho HS của mình theo
các môn các em đã chọn.
Ví dụ HS thi đại học 2 khối A, B có thể chọn 3 môn mềm là
Lý, Hóa, Sinh để vừa thi TNTHPT vừa phù hợp với khối thi em
đã chọn. Tương tự như thế HS thi khối C, D có thể chọn 3
môn Sử, Địa và thêm một trong số các môn còn lại để thi.
Tương tự cho các khối khác.
Tất nhiên, làm như thế thì điều quan trọng là việc lấy số
liệu đăng ký dự thi của học sinh sao cho chính xác. Với ứng
dụng CNTT hiện nay trong giáo dục, vấn đề lập danh sách HS thi
theo môn không phải là chuyện quá khó. Và điều nay có thể
thực hiện một cách nhanh chong dễ dàng sau khi kết thúc kỳ thi
HK2 (thường vào khoảng cuối tháng 4).
Hy vọng đề xuất cách tổ chức thi TNTHPT như thế có thể
giúp giảm áp lực học tập cho HS, cho GV và nhờ đó, có thể
giảm thiểu được những hiện tượng tiêu cực đã từng xảy
ra trong những năm qua.
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130326/tai-sao-cu-phai-danh-do-hoc-sinh-giao-vien-phu-huynh),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét