<blockquote>Việc tìm hiểu hoạt động của Nguyễn Ái Quốc và
Phan Châu Trinh thời gian ở Pháp, đặc biệt là về quan điểm
của mỗi người trước vận mệnh đất nước đòi hỏi có
thêm tư liệu mới.
Chúng tôi tìm thấy ở kho lưu trữ quốc gia Pháp một báo cáo
của mật thám có ghi lại khá chi tiết một cuộc trao đổi
giữa Nguyên Ái Quốc, Phan Châu Trinh và mấy người khác đêm
19-12-1919 tại Pa ri, số nhà 6 Vi la đê Gô bơ lanh (Villa des
Gobelins) phản ánh nhận thức và quan điểm rất khác nhau của
Nguyễn Ái Quốc và Phan Châu Trinh về chính sách cai trị của
đế quốc thực dân Pháp ở Việt Nam, xin trích giới thiệu
để bạn đọc cùng tham khảo:</blockquote>
<h2>BÁO CÁO MẬT</h2>
"Ngày hôm qua thứ sáu, chín giờ tối tôi gặp Nguyễn Ái Quốc
ở nhà anh ta số 6, Vi la Gô bơ lanh. Ở đó tôi đã gặp Khánh
Ký, Lê Văn Sao. Sau khi nói chuyện với Quốc khoảng nửa giờ,
tôi vui mừng thấy Phan Châu Trinh bước vào; ông ta từ Boóc-đô
(Bordeaux) về mà không báo trước cho các bạn..."
Trao đổi với Phan Châu Trinh, Khánh ký về tình hình chính trị
ở Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc nhận xét:
"Các bác nhiều tuổi hơn tôi và từng trải hơn tôi, cả hai
bác tin rằng dân An Nam sẽ có thể xin và nhận được cái gì
đó ở chính phủ. Một nền giáo dục! Hẳn là các bác sẽ nói
như vậy. Đồng bào ta đã từng đòi hỏi điều đó từ 60 năm
nay, và họ đã nhận được gì? Quả là quá ít. Về sự tham
gia của người An Nam vào việc quản lý xứ sở! Người ta sẽ
nói với các bác rằng hiện nay chính người An Nam đang cai
quản xứ sở của họ. Về việc hưởng thụ quyền công dân!
Người ta sẽ nói với các bác rằng các người chưa đến
trình độ sử dụng quyền đó. Thế đấy! Thế đấy! Vậy thì
các bác còn yêu cầu gì nữa? Tại sao hai mươi triệu đồng
bào chúng ta không làm gì cả để buộc chính phủ trả lại cho
chúng ta quyền làm người. Tất cả những ai không muốn coi
chúng ta như đồng loại với họ, những người bình đẳng
với họ, đều là kẻ thù của chúng ta. Chúng ta không được
chung sống với họ trên cùng một trái đất!"
Phan Châu Trinh tiếp lời:
"Anh Quốc, cho phép tôi lưu ý anh rằng anh còn rất trẻ,
người ta thấy rõ anh là anh còn sôi nổi quá. Anh muốn 20
triệu đồng bào ta phải làm gì khi trong tay không có vũ khí
để chống lại những vũ khí khủng khiếp của người Âu.
Tại sao chúng ta lại tự sát vô ích để chẳng đi đến một
kết quả nào cả. Phải chăng tốt hơn là chúng ta đòi hỏi
một cách mềm mỏng nhưng rất kiên quyết với lòng kiên nhẫn,
nhất là những quyền mà phẩm cách con người cho phép chúng ta
đòi hỏi. Việc đầu tiên mà chúng ta đòi hỏi ở chính phủ
là một nền giáo dục mạnh mẽ nâng lên trình độ cao nhất
(bao gồm nền giáo dục sơ đẳng bắt buộc), vì chỉ riêng
giáo dục đã có thể cho phép chúng ta vươn lên nhanhh chóng
ngang trình độ văn minh của các dân tộc phương Tây. Tấm
gương Nhật Bản còn đó để làm hậu thuẫn cho yêu cầu của
chúng ta... Tại sao họ có thể đạt tới trình độ hùng
cường đó để đặt nước Nhật ngang hàng với những cường
quốc lớn nhất ở châu Âu? Thật là đơn giản, vì những
người cầm đầu nước họ đã làm những việc mà họ cho là
có ích lợi để đẩ họ đi tới một cách tích cực trên
bước đường tiến bộ. Và biện pháp họ dùng chủ yếu là
phát triển nền giáo dục của dân chúng và khai hóa xã hội
bằng tự do báo chí."
"Nhờ giáo dục, cùng với tự do báo chí như ở Pháp, như trên
toàn thế giới, bộ phận thượng lưu trong nước sẽ có thể
khai hóa cho dân chúng và sẽ từng bước dạy cho dân chúng
biết quyền lợi và chủ quyền của mình."
"Thứ hai là dần An Nam yêu cầu nhà cầm quyền Pháp, yêu cầu
chính phủ bảo hộ giúp chúng ta cải tiến càng nhanh càng tốt
cách thức cai trị trên toàn cõi An Nam. Tại sao người ta lại
không thể làm cho Trung Kỳ và Bắc Kỳ những gì họ đã làm
cho Nam Kỳ? Nghĩa là tuyên bố có thể áp dụng trong xứ đạo
luật hình của Pháp có sửa đổi, tuyên bố chế độ phân
quyền để cứu vớt dân chúng ra khỏi sự lộng hành và lạm
quyền do sự chuyên chế của quan lại và viên chức Pháp mà
họ là nạn nhân, cải tổ thôn xã làm sao ngăn ngừa các hào
lý không lộng hành và lạm quyền trên "lưng" người dân.
Cuối cùng là thay thế tất cả quan lại già bằng những
người trẻ từng được tiếp thu học vấn trong các nhà
trường Pháp, đồng thời lại biết chữ Nho. Muốn có thể
chuyển đổi tư tưởng của dân chúng trước hết phải thách
thức đầu óc những người cầm đầu xứ này."
Phan Châu Trinh nói tiếp:
"Tất nhiên nhà vua và triều đình cũng như các quan lại chắc
hẳn là sẽ phản đối những cải cách đề ra. Nhưng dân chúng
thì không phải như vậy, và chính dân chúng mới cần chính
phủ dân chủ của nước Pháp quan tâm hơn, chứ không phải là
những người cầm đầu trong nước. Chính phủ cần hỏi ý
kiến dân chúng về vấn đề này. Nếu người ta bảo rằng dân
An Nam từ chối mọi cải cách thì tôi xin tự mình đi khắp
nước trong một năm để tổ chức những buổi cuộc nói
chuyện, diễn thuyết về vấn đề này. Sau một năm, nếu
người ta còn thấy những chướng ngại do dân chúng cản trở
việc cải cách, thì tôi sẽ xin lấy đầu tôi ra đánh cuộc."
"Có thể để phản đối những cải cách nêu ra, người ta lại
viện dẫn lý do chính phủ Pháp thấy không thể áp dụng trong
một xứ bảo hộ chế độ trực trị của Nam Kỳ. Về sự
phản đối này, tôi xin trả lời rằng không phải là việc áp
dụng chế độ trực trị vào Trung Kỳ và Bắc Kỳ, mà là
những cải cách đề ra sẽ không thay đổi hiện tình gì hết
nếu như các chức năng cai trị và tư pháp vẫn tiếp tục để
cho người An Nam đảm nhận. Trong mỗi tỉnh hoặc trong nhiều
tỉnh hợp lại người ta thích có một quan chức đứng đầu
bộ máy cai trị, với tư cách là người thanh tra - cố vấn, có
nhiệm vụ dìu dắt quan chức An Nam trong việc quản lý công
việc của mình. Như vậy sẽ giảm bớt quan chức người Pháp
và có thể người ta sẽ trả lương cho họ tốt hơn và tuyển
dụng họ cẩn thận hơn. Chỉ trong những điều kiện như vậy
họ mới có thể được ưu đãi hơn quan chức An Nam. Còn đối
với những người này (quan chức An Nam) phải trả lương khá
cho họ để họ có thể giữ được tính liêm khiết và trung
thực trong khi thực hiện chức năng của mình. Lương bổng
chết đói mà người ta cấp cho họ buộc họ phải tiếp tục
ngửa tay nhận quà cáp của kẻ bị trị. Đó là gánh nặng
thực sự đang tàn hại xứ sở và phải khẩn cấp xóa bỏ nó
đi. Phương thuốc duy nhất có thể chữa ung nhọt này là phải
tăng lương bổng trên quy mô lớn, làm sao có thể cho phép các
đương sự giữ được vị trí của mình một cách thỏa đáng,
nuôi sống những gia đình thường là rất đông và có chút ít
dành dụm cho những ngày già. Ngược lại sẽ cần phải trừng
phạt thật nghiêm khắc những kẻ thiếu sót trong chức vụ
với việc nhận quà cáp của kẻ bị trị. Ngoài điều đó sẽ
cần thiết phải thông báo rộng rãi cho dân chúng biết rằng
họ không phải biếu xén gì hết cho các đại diện của nhà
chức trách đã được chính phủ trả lương để làm việc cho
nhân dân không lấy tiền.
"Cuối cùng, đây là những cải cách cần thực hiện khẩn cấp
nhất. Tôi không phải là nhà tiên tri. Nhưng tôi dám khẳng
định rằng nếu chỉnh phủ Pháp không thay đổi chính sách
trong xứ và không tiến hành cải cách này, thì dân chúng Đông
Dương đã mệt mỏi vì chế độ hiện hành, chắc chắn sẽ
phải dùng bạo lực để buộc nhà đương cục cao cấp phải
thay đổi chính sách cai trị trong xứ. Tôi không hề mong ước
có sự khốn khổ đó, nhưng tôi tiên đoán điều đó.
<strong>Máu sẽ chảy, dân An Nam sẽ chết tôi cầm chắc điều
đó.</strong> Tôi sẽ đau xót về điều đó nếu tôi còn sống
đến ngày ấy, trái lại chắc hẳn tôi sẽ vui mừng được
trông thấy một cuộc đổi thay có lợi cho dân chúng..."
Nguyễn Ái Quốc lưu ý rằng:
"Dân An Nam đã chờ đợi những thay đổi từ 60 năm nay. Chính
phủ không làm được điều gì đáng kể cho họ thỏa mãn.
Nếu trong dân chúng có kẻ nào lên tiếng bày tỏ với nhà
đương cục cao cấp những yêu cầu và nỗi thống khổ của
họ và để kêu xin những phương thuốc chống đỡ nỗi khổ
đau họ phải gánh chịu. Thì người ta trả lời họ bằng nhà
tù, bằng lưu đày và tử hình. Nếu bác luôn tin cậy sự quan
tâm của chính phủ để cải tiến mọi tình trạng hiện nay
thì bác sẽ phải đợi đến muôn đời. Người ta không muốn
đối xử với chúng ta như những con người thì thật là vô
ích khi phải sống hèn hạ và bị lăng nhục trên trái đất
này. Chừng nào người ta tước mất của chúng ta quyền công
dân và chính trị thì người ta vẫn tiếp tục coi chúng ta như
kẻ thù, như nô lệ. Trong trường hợp đó, làm sao chúng ta có
thể yêu mến và tin cậy những kẻ khinh bỉ chúng ta và coi
chúng ta như thù địch?... Tôi đã không có lý khi tố cáo tình
trạng này chăng?"
Đến đây Phan Châu Trinh đề nghị dừng câu chuyện, đồng hồ
vừa điểm 11 giờ đem. Lê Văn Sao im lặng theo dõi câu chuyện
mà không góp chuyện. Còn Khánh Ký thì ủng hộ những ý kiến
của Phan Châu Trinh và phản bác những ý kiến của Nguyễn Ái
Quốc mà ông ta cho là quá khích và không thực hiện được.
Ông ta tán thành các chủ trương hòa giải...
Tôi từ biệt nhóm của Quốc hồi 11 giờ 15"
Pa-ri, ngày 20 tháng chạp, 1919
Ký tên: Ê-đu-a
<strong>Nguồn:</strong> Nguyễn Q. Thắng, "Phan Châu Trinh - Cuộc
đời và tác phẩm (1872 - 1926)", NXB Tp. Hồ Chí Minh, 1987. <a
href="https://www.facebook.com/notes/le-van-thinh/nguy%E1%BB%85n-%C3%A1i-qu%E1%BB%91c-v%C3%A0-phan-ch%C3%A2u-trinh-th%E1%BB%9Di-gian-%E1%BB%9F-ph%C3%A1p/551254421561824">Lê
Văn Thịnh</a> gõ lại và giới thiệu.
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130327/nguyen-ai-quoc-va-phan-chau-trinh-thoi-gian-o-phap),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét