Minh Văn - Cử Nhân Triết học

Chúng tôi gặp nhau lần đầu khi anh đang tu sửa chiếc xe máy
tại một cửa hàng làm khung cửa sắt. Anh đang nhờ người ta
hàn lại cái giá đỡ được lắp sau chiếc xe máy Nhật cũ
đời 81. Loại xe mà giờ đây người ta chỉ dùng để chở
đồ vì tính bền bỉ của nó, chứ không ai sử dụng nữa vì
đời đã quá cũ và lạc hậu. Chiếc xe thấp bé được lắp
đằng sau một chiếc giá cồng kềnh để chở đồ, nhìn vào
người ta cũng biết là xe dùng để làm ăn chứ không phải đi
chưng diện. Vì họ sửa lâu nên anh ghé vào ngôi quán đối
diện – nơi tôi đang ngồi – để mà chờ đợi. Sau khi châm
điếu thuốc lá, anh từ từ ngồi xuống ghế, những giọt mồ
hôi còn lấm chấm trên vầng trán cao rộng và thông minh. Nhìn
qua cũng đã biết anh đã mệt mỏi và thấm mệt. Đưa ánh mắt
nhìn quanh, anh chép miệng rồi nói một câu đầy tính triết
lý, có lẽ là để cho tôi và mọi người trong quán cùng nghe:

- Cuộc sống là bức tranh muôn màu. Mọi lý thuyết chỉ là màu
xám!

Câu nói đã thu hút sự chú ý của tôi, và chúng tôi bắt đầu
làm quen từ đó.

Nhìn thấy bộ dạng anh khác thường, mặc bộ quần áo bảo
hộ như người lao động nhưng tác phong lại toát lên vẻ trí
thức và hiểu biết, tôi rất lấy làm ngạc nhiên. Thêm vào
đó, cách nói năng của anh thể hiện một kiến thức sâu
rộng, lại rất logic chặt chẽ. Thấy chúng tôi đang bàn tán
sôi nổi chuyện góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992, anh nói chen
vào:

- Cũng chỉ là trò hề dân chủ thôi. Nhà nước mị dân để
cho rằng ta đây có dân chủ, chứ thực ra không thay đổi
được gì. Chừng nào mà chưa có đa nguyên đa đảng thì
người dân sẽ chẳng có quyền gì cả.

Mọi người đều thán phục vì sự chí lý của anh, ai cũng
gật gù tán thưởng. Anh nhấp chén nước, rít hơi thuốc rồi
khoát tay nói tiếp:

- Chủ nghĩa Cộng sản là không tưởng. Karl Marx cùng lắm cũng
chỉ là một người dự báo xã hội. Mà đã dự báo thì có
đúng có sai, thực tiễn đã chứng minh ông ta sai lầm. Việc
dựa vào một học thuyết hoang tưởng để phủ nhận những
hệ tư tưởng khác là một tội ác không thể tha thứ. Thực
tiễn cuộc sống vô cùng sinh động, mọi lý thuyết chỉ là
màu xám.

Thấy anh chí lý quá, tôi không cưỡng lại được sự tò mò,
liền quay sang bắt tay anh và hỏi:

- Rất vui được làm quen với anh. Xin cho hỏi hiện anh đang làm
gì?

Thoáng chút ngập ngừng, anh trả lời tôi:

- Nhà tôi cũng gần đây, hiện tôi làm nghề ấp trứng và nuôi
chim Trĩ…

Rồi anh cười gượng gạo, chỉ tay vào chiếc xe đang được tu
sửa bên kia đường mà nói:

- Phương tiện chuyên chở của tôi đó, hàng ngày chở trứng
đi nhập cho người ta. Bây giờ vợ cứ nói sao thì làm vậy,
chả ai còn cho mình là "Phản động" cả, như thế lại vô
sự.

Cách nói và phong thái của anh rõ ràng là của một người trí
thức, thế nhưng công việc lại là của người lao động. Lúc
này quả thực tôi cũng hơi bối rối, và không dấu được sự
tò mò:

- Tôi hỏi hơi chút riêng tư, trước đây anh có học trường
gì ra?

Dường như cũng đoán được sự thắc mắc của tôi, anh vui
vẻ trả lời:

- À, trước đây tôi tốt nghiệp Cử Nhân Triết học ở Sài
Gòn.

Tôi thở phào nhẹ nhõm, vậy là mọi thắc mắc đã được
giải toả. Tuy vậy một thắc mắc lớn hơn lại tiếp tục
hiện hữu, xem chừng có vẻ là một nghịch lý. Ấy là một
Cử nhân Triết học tài năng thế này mà lại về quê làm
nghề ấp trứng chim Trĩ? Đó là do anh tự nguyện hay có lý do
gì khác? Và tôi lại đưa sự thắc mắc này mà hỏi anh, lần
này thì anh tâm sự với tôi thực sự, như khơi mạch nguồn
cảm xúc lâu nay bị dấu kín.
Anh kể rằng, sau khi tốt nghiệp đại học anh có vào làm việc
tại Ban Tuyên giáo Thành uỷ. Với nhiệt huyết tuổi trẻ,
những dự định ban đầu của anh thật lớn lao. Những mong mang
những kiến thức của mình học được để mà cải tạo xã
hội, kiến tạo nên một lớp người mới có tư duy tiến bộ.

Ngay buổi làm họp đầu tiên, sự đối nghịch tư tưởng của
anh đối với những con người làm công tác "Tư tưởng"
của đảng Cộng Sản đã bộc lộ rõ. Trong cuộc họp, người
ta hướng dẫn cho anh những chiêu thức mị dân mà một người
cán bộ Tuyên giáo phải có. Nhất nhất cái gì cũng phải lấy
chủ nghĩa Marx làm kim chỉ nam, mọi tư tưởng sai lệch đều
là phản động và chống đối nhà nước. Nghe người ta nói
vậy, anh giơ tay đứng dậy xin được phát biểu ý kiến:

- Thưa các đồng chí, theo ý kiến cá nhân tôi thì chúng ta nên
nhìn thẳng vào sự thật. Không nên áp dụng một cách máy móc
chủ nghĩa Mrax. Thực tế chứng minh Karl Marx đã sai lầm, nếu
chúng ta cứ tiếp tục làm như vậy cũng đồng nghĩa với
việc lừa dối nhân dân. Cuộc sống là bức tranh muôn màu,
mọi lý thuyết chỉ là màu xám…

Cả hội trường lặng đi trước lời phát biểu của vị tân
Cử nhân Triết học. Người ta nhìn nhau để cùng minh định xem
anh ta có phải là người từ trên trời rơi xuống hay không.
Từ khi thành lập đến nay, ban tuyên giáo chưa có người nào
ăn nói kiểu đó cả. Hay anh ta muốn theo chân các bậc tiền
bối "Bất đồng chính kiến" để vào tù?

Buổi họp nhanh chóng kết thúc. Và mấy hôm sau đó anh vẫn
chưa thấy người ta xếp cho mình việc gì cả, đi đến phòng
ban nào hỏi cũng nhận được thái độ bất hợp tác và những
ánh mắt kỳ thị. Anh rất ngạc nhiên, không hiểu tại sao
người ta lại đối xử như thế với một con người mang bầu
nhiệt huyết tốt đẹp vào đời. Đúng một tuần sau thì sự
ngạc nhiên của anh đã lên tới đỉnh điểm khi anh nhận
được quyết định cho thôi việc. Trong quyết định ghi rõ lý
do rằng: "Suy thoái và lệch lạc tư tưởng…".

Thế là bầu nhiệt huyết tiêu tan, vị tân cử nhân Triết học
đã bị nhà nước Cộng Sản dội cho một gáo nước lạnh vào
cái đầu nóng. Nhờ vậy mà anh trở nên tỉnh táo hẳn, một
quyết định nhanh chóng được đưa ra, ấy là về quê lấy
vợ. Anh quyết không đưa một chút hiểu biết nào để phục
vụ cho cái nhà nước điên rồ và hoang tưởng này nữa. Từ
bấy đến nay anh lấy vợ và làm nghề ấp trứng Chim Trĩ, nuôi
và bán chim giống cho người ta. Anh nói rằng cuộc sống gia
đình cũng đủ trang trải, còn hơn làm cái anh cán bộ tuyên
giáo đi lừa người dân. Mà đi lừa người ta là có tội với
xã hội và lương tâm của chính mình – anh nói vậy.

Vừa lúc đó thì có tiếng gọi ý ới từ ngôi hàng làm khung
cửa sắt:

- Ê, xong rồi đây…

Anh chụp vội chiếc mũ bảo hiểm lên đầu, bắt tay tôi và
nói:

- Chào anh, bây giờ tôi phải đi nhập hàng, xong rồi lại đi
đón con cho vợ. Hẹn khi khác anh em mình gặp nhau, sẽ nói
chuyện nhiều…

Rồi anh vội vàng cho tôi số điện thoại. Sau khi bắc hai
chiếc thùng chở hàng lên cái giá vừa hàn xong, anh nổ máy và
cho xe chạy, những đám bụi cuốn theo xám xịt phía sau. Chiếc
xe nhỏ bé chở đôi thùng cồng kềnh trông giống hệt như con
thằn lằn phải mang cái tổ mối trên lưng. Trong đầu tôi lại
hiện lên câu nói của anh "Cuộc sống là bức tranh muôn màu,
mọi lý thuyết chỉ là màu xám". Phải rồi, cuộc sống như
là chiếc xe máy chở trứng chim Trĩ của anh, còn lý thuyết
chỉ là đám bụi xám xịt cuốn theo phía sau mà thôi.

11/3/2013

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130311/minh-van-cu-nhan-triet-hoc), một số
đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời độc
giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận
có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng
dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét