Để góp phần xây dựng Hiến Pháp do dân, vì dân, tiếp theo
kiến nghị ngày 10/01/2013, tôi xin có ý kiến tiếp về dự
thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992 như sau:
<strong>1.</strong> Theo dự thảo (lần 2) có một số điều có
gắn với tính từ XHCN như: pháp quyền XHCN, kinh tế thị
trường XHCN, bảo vệ Tổ quốc XHCN… Tôi kiến nghị bỏ cụm
từ <em>"xã hội chủ nghĩa"</em> với lý do như sau:
- Khái niệm pháp quyền có nghĩa là mọi quyền lực đều tuân
theo Pháp Luật, không tổ chức nào và không ai có thể đứng
trên và đứng ngoài Pháp Luật vì vậy chỉ có <em>"Nhà Nước
Pháp Quyền"</em> chứ không có khái niệm <em>"Nhà Nước Pháp
Quyền XHCN"</em> hay <em>"Nhà Nước Pháp Quyền Tư bản Chủ
nghĩa"</em>. Nếu nói đặc trưng của Pháp quyền XHCN là do
một đảng lãnh đạo và quyền lực nhà nước là thống nhất
có sự phân công của 3 nhánh quyền lực thì không thể có Nhà
Nước Pháp Quyền.
- Kinh tế Thị Trường là Kinh tế được điều tiết bởi quy
luật cung cầu, Nhà nước nào cũng có vai trò tạo môi trường
để cạnh tranh lành mạnh và Kinh tế phát triển đồng thời
có vai trò điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể kinh
doanh. Nếu can thiệp vào quy luật sẽ làm cho nền kinh tế bị
lệch lạc.
- Tại điều 69 có khái niệm <em>"bảo vệ Tổ quốc
XHCN"</em>. Đã là Tổ quốc thì dù là XHCN hay TBCN cũng đều
phải bảo vệ chứ sao lại chỉ bảo vệ <em>"Tổ quốc
XHCN"</em>, vì vậy viết <em>"bảo vệ Tổ quốc"</em> vừa
đầy đủ lại vừa có tầm nhìn xa, có tính khái quát cao,
không phải sửa lại khi tiến lên chế độ khác tốt đẹp
hơn.
Không phải cứ gắn cho mác XHCN là người dân tin tưởng vào
chế độ này, mà sự tin tưởng đó phải được xây dựng
bằng những giá trị tốt đẹp mà người dân nhìn thấy, sờ
thấy và được hưởng thụ.
Ngoài ra, CNXH là gì và xây dựng bằng cách nào, là những câu
hỏi chưa có lời giải, hiện nay chúng ta đang phải vừa làm
vừa mò mẫm, rút kinh nghiệm (lời TBT Nguyễn Phú Trọng). Từ
lời ông Nguyễn Phú Trọng và tình hình mọi mặt ở Việt Nam
có thể nói <em>"công trình XHCN"</em> ở Việt Nam đã mấy
chục năm rồi nhung vẫn là một công trình vừa khảo sát, vừa
thiết kế, vừa thi công và đang rất bề bộn, dang dở. Chính
vì vậy, để <em>"thế lực thù địch"</em> không lợi dụng
nhằm chống phá chế độ cũng như góp phần hòa giải, hòa
hợp dân tộc nên bỏ tính từ XHCN ra khỏi Hiến Pháp miễn sao
xây dựng được một chế độ tốt để nhân dân hưởng
được những giá trị tốt đẹp và bảo vệ vững chắc Tổ
quốc như các nước tiên tiến trên thế giới.
<strong>2.</strong> Một số điều về quyền con người, quyền
công dân trong dự thảo có gắn thêm cụm từ <em>"theo quy
định của pháp luật"</em> là rất mập mờ. Nếu hiểu theo
nghĩa khi thực thi các quyền này cũng không được vi phạm Pháp
Luật thì lại trùng lặp với điều 49. Còn hiểu theo nghĩa các
quyền đó do Pháp Luật quy định là không đúng, vì nó chỉ
được quy định bởi Hiến Pháp và Luật. Mặt khác quy định
mập mờ như vậy sẽ tạo tiền đề cho việc vận dụng tùy
tiện có thể vi phạm quyền con người, quyền công dân. Vì
vậy đề nghị bỏ cụm từ <em>"theo quy định của Pháp
Luật".</em>
<strong>3.</strong> Cũng một số điều về quyền con người,
quyền công dân có gắn thêm cụm từ "không được lợi dụng
quyền con người, quyền công dân để…" hoặc <em>"không ai
được lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm Pháp
Luật"</em>…
Viết như thế thì có phải là nếu công dân không lợi dụng
quyền con người, quyền công dân, tín ngưỡng, tôn giáo để vi
phạm pháp luật thì không bị cấm? Hay là nhân dân chúng tôi
thường lợi dụng quyền con người, quyền công dân, tín
ngưỡng, tôn giáo để vi phạm Pháp Luật nên phải răn đe? Hay
Nhà nước muốn gửi một thông điệp ngầm nào đó?
Cụm từ này nghe khá quen thuộc khi Đảng, Nhà nước nói về
nhân dân, chẳng hạn chị thị của Bộ Chính trị hay nghị
quyết của Quốc Hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân
góp ý cho dự thảo Hiến Pháp cũng đều có ý tương tự kiểu
như: <em>"…đấu tranh, ngăn chặn những hành vi lợi dụng dân
chủ việc lấy ý kiến nhân dân để tuyên truyền, xuyên tạc,
chống phá Đảng và Nhà nước"</em> hay <em>"không để các
đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng chống phá,
xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật
của Nhà nước"</em>.
Người dân chúng tôi không hiểu mục đích thật của Ủy ban
soạn thảo là gì khi đưa các cụm từ trên vào dự thảo chỉ
biết rằng việc này làm cho không ít người sợ hãi còn bản
thân tôi thì thấy lòng tự trọng bị tổn thương.
Cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn thì người có quyền
lực thường hay lợi dụng để gây thiệt hại cho nhân dân vì
vậy câu đó đáng lẽ phải dành cho cơ quan Nhà Nước và các
công chức. Vì thế tôi đề nghị bỏ câu <em>"không được
lợi dụng quyền con người, quyền công dân để…"</em> và
<em>"không ai được lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi
phạm Pháp Luật"</em> và các câu tương tự ra khỏi dự thảo.
<strong>4.</strong> Một số trách nhiệm của các cơ quan nhà
nước và quyền công dân gộp chung trong một điều vì có liên
quan, đề nghị tách phần trách nhiệm của Nhà nước đưa vào
chương I để tách bạch giữa trách nhiệm của Nhà nước với
quyền con người, quyền công dân và phù hợp với tiêu đề
của chương cũng như dễ tra cứu.
<strong>5.</strong> Lời nói đầu của Hiến Pháp phải thể hiện
được Hiến Pháp là của nhân dân, mọi quyền lực là của
nhân dân, các quyền lực khác chỉ là do nhân dân giao cho, ngoài
ra phải thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân,
phương hướng phát triển tổng quát.
Dự thảo chưa thể hiện được những vấn đề trên mà còn
có bước thụt lùi khi cho rằng Hiến Pháp thể chế hóa cương
lĩnh của Đảng, tôi xin nhấn mạnh không chỉ góp ý mà còn
phản đối việc này vì hiến pháp là của nhân dân không thể
phụ thuộc vào đảng phái chính trị, không thể hợp thức hóa
cho đảng CSVN đứng trên hiến pháp, trên nhân dân và đề
nghị sửa lại như sau:
"Chúng tôi, nhân dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng
nhau lập ra bản Hiến Pháp này để thiết lập Nhà nước pháp
quyền, xã hội dân sự; giao cho Nhà nước quyền lực có giới
hạn; xác lập đường hướng chung về phát triển và xây dựng
đất nước nhằm mục đích tối cao là nối tiếp truyền
thống dân tộc bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bao gồm cả
việc thu hồi phần lãnh thổ, biển đảo đang bị nước ngoài
chiếm giữ và xây dựng đất nước phồn thịnh, bảo vệ công
lý, nhân dân hạnh phúc."
<strong>6.</strong> Điều 7: đề nghị quy định tỉ lệ Đại
Biểu Quốc Hội, Đại Biểu HĐND ngoài Đảng CSVN phải tương
xứng với số dân và đại biểu chuyên trách tăng dần kể từ
khóa 14 nhưng không dưới 65%.
<strong>7.</strong> Điều 15 có quy định quyền công dân chỉ bị
giới hạn vì lý do quốc phòng, an ninh Quốc gia…, đề nghị
quy định cụ thể thế nào là an ninh quốc gia nhằm tránh lạm
dụng hoặc lợi dụng để quy chụp gây ra sự chỉ trích như
hiện nay.
<strong>8.</strong> Điều 17, khoản 1 quy định:
<em>"<strong>1.</strong> Mọi người đều bình đẳng trước pháp
luật"</em> đề nghị sửa thành: <em>"<strong>1.</strong> Mọi
người, mọi tổ chức đều bình đẳng trước pháp
luật"</em> để đảm bảo mọi chủ thể đều bình đẳng
trước pháp luật.
Hiện nay giữa nhân dân với Nhà nước đang rất bất bình
đẳng trước Pháp Luật dẫn đến oan sai, mất trật tự trị
an, điển hình là các vụ cưỡng chế đất đai. Trong các vụ
cưỡng chế đất đai thực chất là tranh chấp giữa Nhà Nước
với người dân về vấn đề đúng – sai thì nếu có dân
chủ, bình đẳng thì phải có bên thứ 3 độc lập có chức
năng tài phán đứng ra phán xét và hai bên phải chấp hành phán
quyết đó (phải là Tòa án độc lập theo cơ chế tam quyền
phân lập). Ở ta hiện nay Nhà Nước ra quyết định thu hồi,
nếu người bị thu hồi đất không giao thì đưa Công an đến
cưỡng chế là độc đoán, bất công. Ai dám chắc việc làm
này của chính quyền là đúng?
<strong>9.</strong> Điều 22 (điều 71 HP 1992):
- Khoản 1 của dự thảo đã bỏ quy định không ai bị bắt
nếu chưa có quyết định của tòa án, quyết định hay phê
chuẩn của Viện Kiểm Sát là bước thụt lùi so với Hiến
Pháp 1992 và là tiền đề cho độc đoán, đề nghị đưa quy
định này (phần tòa án) vào cho phù hợp với các Công ước
Quốc Tế mà Việt Nam đã tham gia.
- Khoản 3 quy định về hiến mô…, thí nghiệm trên cơ thể
theo luật và phải đươc sự đồng ý của người đó. Đề
nghị điều này chỉ áp dụng cho đối tượng từ 18 tuổi trở
lên có đủ năng lực hành vi dân sự.
10. Để góp phần đảm bảo dân chủ, bình đẳng và cân bằng
(tương đối) quyền lực giữa Nhà nước với nhân dân, đảm
bảo quyền lực thuộc về nhân dân, đề nghị điều 26 sửa
lại như sau: <em>"Điều 26 (sửa đổi, bổ sung Điều 69) Công
dân có quyền tự do ngôn luận, kể cả chỉ trích các cơ quan
Nhà nước và lãnh đạo, tự do báo chí, có quyền xuất bản
nói chung và xuất bản báo chí tư nhân nói riêng, được thông
tin, có quyền hội họp, lập hội, thành lập và tham gia các
tổ chức dân sự, biểu tình."</em>
Tôi xin giải thích cơ sở của những đề xuất nói trên:
- Việc chỉ trích nhà nước và lãnh đạo ở đây là đối
với những việc có thật chứ không được cố ý bịa đặt
để chỉ trích, đó là quan điểm, cách nhìn của mỗi cá nhân,
cùng một việc nhưng với người này có thể cho là tốt,
người kia có thể cho là xấu cũng là việc hết sức bình
thường. Thực ra chỉ trích Nhà nước thuộc về tự do ngôn
luận, tuy nhiên phải nói rõ ra để chống quy chụp người bất
đồng chính kiến gây nên phản ứng trong dư luận lâu nay và
cũng phù hợp với các công ước về quyền con người mà Việt
Nam đã tham gia.
- Hiện nay Nhà Nước nắm lực lượng vũ trang, công an, Pháp
Luật, tòa án, nhà tù…lại có tổ chức chặt chẽ còn độc
quyền báo chí như vậy bao nhiêu quyền lực, sức mạnh tập
trung trong tay Nhà Nước, tương quan quyền lực và sức mạnh
nghiêng hẳn về phía Nhà Nước sẽ là nguyên nhân của độc
tài. Ngoài ra các tổ chức dân sự sẽ bổ sung những yếu kém,
khiếm khuyết của Nhà Nước, tạo sự năng động cho xã hội
đồng thời tạo ra tiếng nói để bảo vệ những người oan
sai.
Vì vậy tư nhân có quyền xuất bản, kể cả xuất bản báo
chí và công nhận Xã Hội Dân Sự là hoàn toàn phù hợp với
lợi ích đất nước và nhân dân.
<strong><strong>11.</strong></strong> Để chống việc bắt người
tùy tiện, phi pháp như nhiều vụ vừa qua, đề nghị bổ sung
điều 32 khoản 5 và 6 như sau: <em>"<strong>5.</strong> Người bị
bắt, tạm giữ… có quyền trực tiếp hoặc nhờ người khác
tìm sự trợ giúp pháp lý ngay tức thì sau khi bị bắt và khi
chưa có người trợ giúp pháp lý chứng kiến thì họ có quyền
im lặng, nếu họ khai thì lời khai của họ không có giá trị
buộc tội. Cơ quan bắt, tạm giữ… phải giải thích cho họ
các quyền này."</em> Và <em>"<strong>6.</strong> Trong vòng 24
giờ kể từ khi bị bắt, cơ quan bắt người phải đưa người
đó đến tòa án có thẩm quyền để phán xét tính hợp pháp
của việc bắt giữ và phải thả người ngay nếu tòa án phán
xét việc bắt người là trái luật"</em> để tránh việc dùng
lời khai của người bị bắt làm chứng cứ buộc tội trong khi
chưa có người bào chữa trợ giúp pháp lý và chứng kiến như
hiện nay có thể dẫn đến oan sai.
<strong>12.</strong> Điều 52 quy định: <em>"Người nước ngoài
đấu tranh vì tự do và độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã
hội, dân chủ hòa và bình hoặc vì sự nghiệp khoa học mà
bức hại thì được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam xem xét cho cư trú"</em>
Điều này không khả thi, trừ khi có nước chảy ngược và
giữa đêm đông có ánh mặt trời, vì vậy tôi đề nghị bỏ
điều 52.
<strong>13.</strong> Điều 56, khoản 3 dự thảo viết: <em>"Trong
trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc
vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên
tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài
sản của cá nhân, tổ chức theo giá thị trường"</em>
Đề nghị thay cụm từ <em>"theo giá thị trường"</em> bằng
<em>"theo giá thỏa thuận của hai bên"</em> để tránh lợi
dụng ép giá người dân, xin nói thẳng chúng tôi không tin Nhà
Nước sẽ trưng mua theo đúng giá thị trường nếu giá thị
trường do Nhà Nước định đoạt sẽ không khách quan, không
bình đẳng. Quy định 2 bên thỏa thuận vừa rõ ràng lại vừa
bình đẳng.
Ngoài ra tài sản của ai thì người đó có quyền định đoạt
không thể lấy lý do lợi ích chung (mà thực chất rất có thể
là lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân) để trưng mua hay trưng
dụng nếu họ không đồng ý.
<strong>14.</strong> Điều 58: trong kiến nghị ngày 10/1, tôi đề
nghị đất đai phải đa sở hữu, trong đó có sở hữu tư nhân
để tránh lợi dụng để thu hồi trái phép, gây oan sai, nay tôi
vẫn giữ quan điểm này.
Còn nếu đất đai là sở hữu toàn dân như dự thảo thì cũng
cần bỏ đoạn nói thu hồi đất với lý do <em>"lợi ích công
cộng và các dự án phát triển kinh tế-xã hội"</em>, vì quy
định này tạo điều kiện để thu hồi đất không kiểm soát
được, tạo điều kiện cho tham nhũng. Hiến Pháp 1992 không quy
định việc này mà khiếu kiện đất đai rất phức tạp không
giải quyết nổi, nay quy định này chẳng khác nào tạo thêm oan
sai và mất trật tự an ninh xã hội. Đây là bước thụt lùi
nữa của dự thảo.
Một điều đặc biệt đáng lo ngại là điều 58 quy định Nhà
Nước thu hồi đất với lý do <em>"lợi ích công cộng và các
dự án phát triển kinh tế-xã hội"</em>, điều 70 lại quy
định Lực Lượng Vũ Trang tuyệt đối trung thành với Đảng
CSVN, bảo vệ Đảng CSVN trong khi đó điều 71 dự thảo Luật
Đất đai quy định người bị thu hồi đất sẽ bị cưỡng
chế nếu không giao đất. Từ những quy định này có thể dự
đoán được tình hình khiếu nại, kiện cáo và biểu tình liên
quan đến đất đai sẽ phức tạp và nhiều hơn hiện nay.
Cũng từ những quy định như vậy thì quân đội cũng có thể
được sử dụng cho mục đích cưỡng chế thu hồi đất, đàn
áp người biểu tình (xem phần gạch dưới sau đây).
<strong>15.</strong> Điều 70: dự thảo viết: "<em>Lực Lượng
Vũ Trang Nhân Dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng
sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ
độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của
Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo
vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa,
cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ
quốc tế."</em>
Điều 70 dự thảo lại một lần nữa là bước đi thụt lùi
khi quy định Lực Lượng Vũ Trang <em>"tuyệt đối trung thành
với Đảng CSVN", "bảo vệ đảng"</em> mà Hiến Pháp 1992
không hề có. Đó là chưa nói Lực Lượng Vũ Trang tuyệt đối
trung thành và bảo vệ theo thứ tự: đảng CSVN, nhà nước rồi
mới đến nhân dân như vậy là đảng, nhà nước đứng trên
Tổ quốc, nhân dân cũng không thể chấp nhận.
Lực Lượng Vũ Trang là của nhân dân vì vậy chỉ tuyệt đối
trung thành và bảo vệ Tổ quốc và nhân dân, không lý do gì
lại đi tuyệt đối trung thành và bảo vệ 1 tổ chức chính
trị là đảng CSVN. Đảng CSVN, Nhà Nước Việt Nam sinh ra cũng
để phục vụ và bảo vệ Tổ quốc, nhân dân vì vậy Tổ
quốc và nhân dân là đối tượng duy nhất mà Lực Lượng Vũ
Trang phải tuyệt đối trung thành và bảo vệ. Đảng CSVN và
Nhà Nước chỉ được bảo vệ khi việc bảo vệ đó phù hợp
với lợi ích Tổ quốc, lợi ích nhân dân.
Đề nghị sửa điều 70 như sau: <em>"Lực lượng vũ trang
phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, có
nhiệm vụ bảo vệ độc Nhà Nướclập, chủ quyền, thống
nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc."</em>
<strong><strong>16.</strong></strong> Để đảm bảo mọi quyền lực
thuộc về nhân dân, nhân dân làm chủ và giám sát quyền lực
đồng thời khắc phục tình trạng bưng bít thông tin và không
tôn trọng ý kiến nhân dân như hiện nay, hạn chế tham nhũng,
nâng cao năng lực của nền kinh tế đề nghị bổ sung thêm 1
số điều như sau:
- Bổ sung Chương I:
<em>"Điều… Khi công dân yêu cầu cung cấp thông tin liên quan
đến họ hoặc liên quan đến tình hình chung của cộng đồng,
quốc gia thì cơ quan Nhà nước phải cung cấp;những trường
hợp phải cung cấp thông tin và thời hạn do luật định, nhưng
không quá 30 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu."</em>
<em>"Điều… Khi công dân kiến nghị (đối với vấn đề cụ
thể), cơ quan Nhà nước liên quan phải trả lời trong thời
hạn do luật định nhưng không quá 30 ngày kể từ khi nhận
được kiến nghị."</em>
<em>"Điều … Nhà nước có trách nhiệm tổ chức trưng cầu
ý dân khi có đề nghị của Chủ tịch nước hoặc yêu cầu
của từ ….. nghìn cử tri trở lên hoặc có từ 1/3 tổng số
ĐBQH hoặc đề nghị của 1/3 số HĐND cấp tỉnh trở
lên."</em>
- Bổ sung Chương III:
<em> "Điều … Các doanh nghiệp Nhà nước chỉ kinh doanh các
lĩnh vực mà tư nhân không thể làm hoặc vì lý do quốc phòng,
an ninh"</em> (có danh mục kèm theo).
Khánh Hòa, ngày 15/02/2013
Người kiến nghị
(Đã ký và gửi đến Ủy ban dự thảo)
Hồ Quang Huy
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130311/y-kien-ve-mot-so-dieu-du-thao-sua-doi-hien-phap-1992),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét