Victor Sebestyen - Cách mạng Nhung

<blockquote><strong>Giới thiệu của người dịch </strong>

<strong>1.</strong> May thay, cuộc đấu tranh cho quyền làm người
tại các nước cộng sản Đông Âu là một câu chuyện có hậu.
Cách mạng Nhung 1989 diễn ra tại Tiệp Khắc, xứ sở của Franz
Kafka, cũng là một câu chuyện có hậu.

Nhưng có hậu cho dân lại là bi kịch cho người cộng sản. Bi
kịch vì đang ở chót vót quyền lực, người cộng sản bỗng
bị truất phế, trắng tay. Nếu có trí tưởng tượng, rất có
thể anh ta sẽ thấy mình giống nhân vật Gregor, trong <em>Hóa
thân</em> của Kafka, một buổi sáng thức dậy thấy mình hóa
thành một con sâu.

Vị lãnh đạo nhà nước cộng sản Việt Nam cũng có trí
tưởng tượng như thế, gần đây ông cũng nhắc tới sâu.
Nhưng, thay vì như Gregor, thấy <em>mình</em> là sâu, ông lại
thấy <em>người khác</em> là sâu. Không tự biết mình cũng là
một bi kịch của người cộng sản trong Cách Mạng Nhung.

<strong>2. </strong>Sự khác biệt lớn nhất của Cách mạng Nhung
1989 với Mùa Xuân Praha 1968, hoặc cuộc nổi dậy của người
dân Hungary năm 1956, là "Quân Đỏ" từ bên ngoài đã không
tràn vào, tấn công, chiếm đóng, đè bẹp người nổi dậy.

Hồng Quân từ lâu cũng đã hóa thân thành "đội quân đánh
thuê" trong tay Đảng Cộng sản Liên Xô chuyên đi trấn áp dân
các nước chư hầu, duy trì các chế độ toàn trị. Các chế
độ này cũng có cấu trúc giống như tòa nhà một cột, với
cái cột duy nhất là họng súng ngoại bang, súng gẫy thì sập.
Đó cũng là một bi kịch khác của người cộng sản Tiệp
Khắc.

<strong>3.</strong> Bài này được dịch từ bản Anh ngữ "The
Velvet Revolution", chương thứ 47 trong cuốn <em>Revolution 1989, the
Fall of the Soviet Empire</em> (<em>Cách mạng 1989, Đế quốc
Xô-viết sụp đổ</em>) của Victor Sebestyen, do Pantheon Books, New
York, xuất bản năm 2009. Các tiêu đề, cách xuống hàng và các
ghi chú trong ngoặc vuông là của người dịch.

Đầu năm 2013, xin gửi đến bạn đọc câu chuyện có hậu này
như một lời chúc Tết chân tình, nhất là đến những người
đang lao tâm khổ tứ, bị sách nhiễu, phải vào tù ra khám vì
quyền làm người và vì độc lập dân tộc.

<strong>Phan Trinh</strong></blockquote>

_______________

<strong>Người đặt tên</strong>

Praha, thứ sáu 17 tháng 11, năm 1989

Rita Klimova là người đặt tên "Cách mạng Nhung". Bà từng
làm giảng viên chính trị học tại Đại học Charles cổ kính
ở thủ đô Praha, và cũng là phát ngôn viên vô cùng uyên bác
của phe đối lập, lực lượng đã truất phế quyền lực của
những người cộng sản Tiệp Khắc.

Vóc nhỏ nhắn, tóc vàng óng, Klimova nói tiếng Anh cực chuẩn
với giọng Manhattan có đôi chỗ chèn thành ngữ West Side. Số
là vì lúc còn bé, bà đã từng đi học ở New York, nơi người
cha, nhà văn cánh tả Batya Bat, đến định cư sau khi đào thoát
khỏi Đức Quốc xã năm 1938. Khi thế chiến kết thúc, gia đình
bà trở về Praha.

Câu chuyện của bà cũng là câu chuyện tiêu biểu của một
người bất đồng chính kiến Tiệp Khắc những năm 1980. Bà
từng là một người cộng sản thuần thành, giống như chồng
bà, ông Zdenek Mlynar, bạn học của Mikhail Gorbachev tại Đại
học Quốc gia Moscow vào thập niên 1950. Ông thăng quan tiến
chức trong Đảng, bà thì thuận buồm xuôi gió trong giới khoa
bảng. Khi Mùa Xuân Praha 1968 bị đàn áp thì hai ông bà mất
việc, và mất luôn niềm tin đầy mộng mị rằng chủ nghĩa
cộng sản là hy vọng của loài người. Trong những năm khốn
khó thời kỳ "bình thường hóa" [thời đàn áp sau 1968] bà
làm dịch thuật để kiếm sống, bà cũng tham gia tích cực vào
<a href="http://www.talawas.org/?p=4771">Hiến chương 77</a> [1977], và
là bạn thân của Vaclav Havel.

Bà Klimova, vốn cực kỳ thông minh, có lúc rất nghiêm nghị
khiến người ta ngại, nhưng ở tuổi 58, bà vẫn còn rõ nét
thanh xuân và không kém phần hài hước. Như Klimova từng nói,
chính sự hài hước đã tạo nên đặc tính của Cách mạng
Nhung, làm nó khác hẳn các cuộc cách mạng khác tại Trung Âu
vào mùa hè-thu 1989.

Đánh bại chủ nghĩa cộng sản là việc nghiêm túc. Chẳng ai
nghi ngờ điều này. Nhưng ở Tiệp Khắc, cách mạng diễn ra
với ngập tràn âm nhạc, sự dí dỏm, hài hước, tiếng cười,
đôi khi pha chút phi lý, diễn ra hầu như theo kịch bản của
nhà biên kịch nổi tiếng Vaclav Havel.

<strong>Ảo tưởng "vô nhiễm"</strong>

Cách mạng diễn ra cũng rất nhanh, y như lời giáo sư Timothy
Garton Ash, chuyên gia lịch sử Trung Âu nhận xét về tốc độ
sụp đổ của các chế độ cộng sản: "Ba Lan mất mười
năm; Đông Đức mất mười tuần; Tiệp Khắc mất mười
ngày."

Chưa đầy một tháng trước đó, giữa tháng 10, Tổng Bí thư
Đảng Cộng sản Tiệp Khắc Milos Jakes còn trấn an nhóm cộng
sản chóp bu rằng "Chúng ta sẽ ổn thôi. Chừng nào kinh tế
còn trụ được, và dân chúng còn có cái để ăn." Nói thế
nhưng thực ra ông đang tự dối mình. Giống như các đồng
nghiệp tại Bá Linh hay Leipzig, khi Jakes và cộng sự tại Lâu
Đài Praha [trụ sở nhà cầm quyền] hiểu được những gì đang
đến với mình thì đã quá trễ.

Trong một tuần, từ khi Bức tường Bá Linh sụp đổ, một
không khí im lặng đáng ngại bao trùm thủ đô Tiệp Khắc. Mọi
người đã thấy hình ảnh dân Bá Linh ăn mừng, chụp từ Khải
hoàn Môn Brandenburg chỉ cách đó 200 km. Chủ nghĩa cộng sản
tại Đông Đức đã sụp đổ. Đảng Cộng sản Đông Đức đã
thất bại và đang thương lượng để đầu hàng.

Tuy vậy, các đồng chí tại Praha thì vẫn mơ mộng rằng mình
sẽ có thể ở lại, bằng cách nào đó mình sẽ vô nhiễm với
"căn bệnh truyền nhiễm", theo cách gọi của Vasil Bil'ak,
người theo phái Stalin kiểu mới trong giới lãnh đạo Tiệp
Khắc. Vì vậy, họ không chịu thương lượng với phe đối
lập. Ngược lại, họ đặt lực lượng công an chống bạo
động và mật vụ StB vào tình trạng báo động toàn phần.

Một báo cáo mật viết ngay sau khi Bức tường Bá Linh đổ,
gửi Phó Bộ trưởng Bộ Nội vụ phụ trách an ninh Rudolf
Hegenbart, đã mô tả chi tiết việc các lực lượng an ninh
chuẩn bị để "bảo vệ trị an, chống lại những phần tử
thù địch, phá hoại và các lực lượng phản cách mạng" ra
sao. Theo đó, việc tuần tra những khu nhạy cảm ở trung tâm
thành phố phải được tăng cường.

Một đồng chí lão thành kể rằng "Chúng tôi sống ở một
nơi khác hẳn với phần thế giới còn lại. Chúng tôi ở trong
cái cõi của riêng mình", đồng chí này thú nhận ông chẳng
thấy chuyện gì sắp xảy ra, dù tất cả đang chuyển mình
trước mắt ông.

<strong>Biểu tình và đàn áp</strong>

Sinh viên châm ngòi mọi sự.

Thông qua Đoàn Thanh niên Cộng sản (viết tắt là SSM, Liên
đoàn Thanh niên Xã hội Chủ nghĩa), giới sinh viên được phép
tổ chức một buổi diễu hành đánh dấu 50 năm cái chết của
anh hùng Jan Opletal. Thực ra, chính quyền muốn cấm cuộc diễu
hành này nhưng không tìm được lý do chính đáng.

Opletal là anh hùng của Cộng hòa Nhân dân Tiệp Khắc. Chế độ
cộng sản đã dùng tên anh trong tuyên truyền chống phát-xít
suốt 40 năm qua. Anh bị quân Đức bắn chết trong một cuộc
biểu tình chống Quốc xã chiếm đóng, ngay sau đó 1.000 sinh
viên Tiệp Khắc bị bắt vào trại tập trung và tất cả các
đại học bị bãi khóa trong nhiều tháng.

Ba tuần trước ngày diễu hành, công an và đại diện thanh niên
SSM đã đồng ý một lộ trình, họ sẽ tránh đi qua trung tâm
thành phố và sẽ kết thúc tại Nghĩa trang Quốc gia ở Vysehrad,
nơi an nghỉ của Dvorak, Smetana, những danh nhân khác và của Jan
Opletal.

Hơn 50.000 người đã tham gia diễu hành trong trật tự. Nhưng,
khẩu hiệu được hô to nhiều nhất lại là "Hãy nhớ Mùa
Xuân 68!", "Đả đảo cộng sản!", "40 năm là quá đủ!"
và "Perestroika ngay lập tức!". Giữa cuộc diễu hành, một
biểu ngữ lớn được bung ra, trên ghi câu nói của Gorbachev
"Không bây giờ, thì lúc nào?" Công an án binh bất động.
Họ để đoàn người tiếp tục.

Theo thỏa thuận với chính quyền, cuộc diễu hành lẽ ra đã
chấm dứt tại nghĩa trang, lúc phần lớn người tham dự đã ra
về, nhất là những bác cao niên.

5g30 chiều, cuối một ngày mùa đông giá lạnh, một màn sương
nhờ nhờ có mùi lưu huỳnh ô nhiễm bao phủ toàn Praha. Một
nhóm nòng cốt khoảng 3.000 người, toàn bộ là sinh viên và
công nhân trẻ, ở lại nghĩa trang, họ đứng loanh quanh trong
cơn lạnh, không làm gì đáng kể.

6g30 tối, vài người trong số hô to: "Tiến về Quảng trường
Wenceslas!" Thế là họ quay lại, tiến về trung tâm Praha. Đoàn
người băng qua Nhà hát Quốc gia Tiệp Khắc trên Đường
Narodni. Ở đây họ đã đối đầu với lực lượng công an
chống bạo động đầu đội mũ sắt, tay mang khiên nhựa cứng.
Bên cạnh đó là các đội chống khủng bố đội mũ nồi đỏ,
tay huơ gậy to.

Sinh viên đồng loạt ngồi xuống giữa đường, và bắt đầu
hát. Họ hát quốc ca, những khúc hát ngắn, những bài hit của
nhóm Beatles, họ hát bài "Chúng ta sẽ vượt qua!" [<em>We Shall
Overcome</em>, bài&nbsp; hát đấu tranh nổi tiếng của phong trào
dân quyền Mỹ thập niên 1960].

Pavlina Rousova, sinh viên kinh tế Đại học Charles kể lại:
"Chúng tôi hô to: 'Sinh viên không có vũ khí!' Chúng tôi
chỉ có nến và hoa để tặng công an. Còn họ thì dùng loa quát
tháo: 'Yêu cầu giải tán, về nhà!', nhưng họ lại chặn
đường về của chúng tôi!"

Thật vậy, một đơn vị công an chống bạo động khác di
chuyển đến phía sau đoàn biểu tình. Chặn trước, chặn sau,
đoàn biểu tình kẹt ở giữa, không thể di chuyển.

Họ tiếp tục ngồi giữa cái lạnh cắt da. Họ co mình trong áo
khoác, hoặc ôm lấy nhau cho bớt lạnh và bớt sợ. Họ chờ
đợi, họ hát. Trong hai tiếng đồng hồ, họ nhìn chằm chằm
vào những đội chống bạo động nấp sau những tấm khiên che.

Thỉnh thoảng một vài sinh viên đứng dậy yêu cầu công an cho
họ rời đám đông ra về, nhưng công an phớt lờ yêu cầu của
họ. Hiện trường lúc này trông như một cái bẫy.

Vừa sau 9g tối, một chiếc xe thùng của đội chống bạo
động xuất hiện phía sau hàng công an dày đặc. Chiếc xe cố
tình húc vào đám đông, gây hoảng loạn. Công an tấn công sinh
viên, dùng gậy đánh tới tấp trong khi họ chạy tán loạn.

Sinh viên Dasa Antelova, chạy nấp trong một đường hẻm, sau đó
thoát được, kể lại rằng: "Máu chảy khắp nơi. Tôi có nghe
cả tiếng xương gẫy. Họ nhắm vào người đứng hàng đầu
đoàn biểu tình. Họ đánh người không thương tiếc. Họ không
cho ai đi đâu hết. Họ mang xe buýt đến bắt hết!"

Chính quyền cũng chẳng buồn che giấu sự đàn áp thô bạo.

Edward Lucas, một nhà ngoại giao Anh, người vừa chứng kiến
cảnh công an tấn công sinh viên, đã bị hai nhân viên an ninh áp
sát dẫn đi. Khi đang bị dẫn đi thì một nhân viên mật vụ
StB mặc thường phục đến đánh mạnh, khiến ông ngã xuống
đất bất tỉnh.

Philip Bye, một nhà quay phim phóng sự của hãng Tin tức Truyền
hình Độc lập, cũng bị đánh tơi tả.

Khoảng 9g45 tối, bạo động chấm dứt, đột ngột như lúc
bắt đầu. Những bạn trẻ bị thương hoặc đổ máu gượng
đứng dậy loạng choạng tìm đường về nhà hoặc đến bệnh
viện cấp cứu.

561 người bị thương. Khoảng 120 người bị hốt lên các xe
thùng mang đi. Trong xe, họ lại tiếp tục bị đánh.

Một thanh niên nằm bất động trên mặt đường trải đá
Đường Narodni. Người ta phủ lên anh một chiếc chăn và sau
đó xe cứu thương đến mang anh đi.

<strong>Quần chúng giận dữ</strong>

Đó là lúc cuộc cách mạng tại Tiệp Khắc bước vào giai
đoạn mập mờ, nhập nhằng, thêm chút xuẩn động, có không
khí như trong tiểu thuyết Kafka và chuyện anh lính Svejk [của
Jaroslav Hasek], pha chất trinh thám kiểu John Le Carre.

Tin đồn thường lan nhanh tại thủ đô các nước cộng sản.
Quần chúng tin vào tin đồn hơn là tin tức do truyền thông nhà
nước rêu rao. Lần này cũng thế.

Chỉ trong vài tiếng, thiên hạ kháo nhau rằng thi thể nằm lại
trên Đường Narodni là sinh viên chuyên toán Martin Smid. Tin đồn
chủ yếu xuất phát từ ông Peter Uhl, nhà trí thức phản kháng
thuộc nhóm Hiến chương 77, người vẫn cung cấp thông tin của
phe đối lập cho báo chí phương Tây mỗi ngày.

Một cô gái tự xưng là Drahomira Drazska và cũng xưng là bạn cũ
của Martin Smid cho Uhl biết tin về cái chết kia. Uhl lập tức
báo cho Đài Phát thanh Châu Âu Tự do, Đài BBC và Đài Tiếng
nói Hoa Kỳ. Những đài này tường thuật về cái chết của
Smid như một sự kiện xác thực.

Dư luận giận dữ nổ ra trên toàn Tiệp Khắc. Chế độ chối
rằng không có ai chết trong vụ bạo loạn, và ngày hôm sau
trình làng hai người có tên là Martin Smid, cả hai đều sống
nhăn. Một trong hai có mặt tại cuộc biểu tình, xuất hiện
trên Đài Truyền hình toàn quốc cho thấy mình bình an vô sự.
Nhưng, chiêu này cũng chẳng tác dụng gì. Chẳng ai tin những gì
cộng sản nói.

Cuối tuần đó, những cuộc biểu tình khổng lồ tự phát đã
diễn ra tại Praha với quy mô chưa từng có. Một cổng vòm trên
Đường Narodni nơi nhiều thanh niên bị công an đánh không
thương tiếc đã trở thành điểm tưởng niệm, thu hút hàng
ngàn người ghé thăm. Có người vẽ một cây thập giá trên
tường bên cạnh và nhiều người đi ngang đã thắp nến cầu
nguyện tại chỗ.

Sinh viên Dasa Antelova kể: "Tin về cái chết đã thay đổi mọi
sự, không chỉ với chúng tôi, mà với cả thế hệ cha mẹ
chúng tôi nữa. Cha mẹ chúng tôi đã câm nín từ năm 1968, vì
sợ bị đàn áp. Nhưng giờ đây, họ cũng phát rồ lên chẳng
khác gì giới trẻ. Các mẹ, cả các bà cụ nữa, đều theo sinh
viên và công nhân xuống đường. Có thể nói là vui và rất
phấn khích, nhưng ai nấy cũng rất quyết tâm."

Chính quyền không nghĩ ra được cách phản ứng nào khác, ngoài
việc cho bắt giam Peter Uhl vì tội phao tin đồn nhảm.

<strong>Âm mưu ly kỳ</strong>

Chế độ chia rẽ sâu sắc. Câu chuyện về Martin Smid là bằng
chứng. Chiến dịch "thanh kiếm và lá chắn" của Đảng trở
thành gậy ông đập lưng ông.

Thường thì thuyết âm mưu các kiểu dễ bị bác bỏ, ngay cả
tại Trung Âu dưới thời cộng sản, nơi có đầy dẫy các giả
thuyết về mưu mô loại này. Nhưng đôi khi cũng có những âm
mưu thật đàng sau các giả thuyết kia. Và đây là một vụ
tiêu biểu.

Thực ra thì chính cơ quan mật vụ Tiệp Khắc StB đã ngụy tạo
ra "cái chết" của Martin Smid nhằm khích động sự giận dữ
của quần chúng để từ đó loại bỏ Tổng Bí thư Jakes, cùng
với Bí thư Thành ủy Praha, Miroslav Stepan, cũng như các nhân
vật bảo thủ cứng rắn khác và thay bằng những nhân vật
cải cách theo kiểu Gorbachev.

Nghe thì có vẻ ly kỳ, nhưng đây không phải là kịch bản một
phim trinh thám, mà là một âm mưu có thật với chứng cớ chính
xác, được tiết lộ qua một cuộc điều tra do nhà nước hậu
cộng sản tiến hành.

Kế hoạch này là chiêu thức của tướng Alois Lorenc, trùm mật
vụ StB, và một nhóm nhỏ các thành phần cấp tiến trong
Đảng. Sau khi quan sát các diễn biến vừa xảy ra tại Ba Lan và
Hungary, họ cho rằng cách duy nhất để khống chế phe đối
lập là tìm cách thương lượng ở vị trí kẻ mạnh, vào lúc
phe đối lập chia rẽ.

Cùng lúc, có một kế hoạch quan trọng khác, mang mật danh
"Wedge", là xâm nhập phe đối lập và tìm ra nhân vật sẵn
lòng thỏa hiệp với phe cộng sản cấp tiến.

Toàn bộ kế hoạch quả là loằng ngoằng, dựa trên phán đoán
sai, và hoàn toàn không nắm bắt được bản chất cũng như
tính cách của phe đối lập Tiệp Khắc. Tuy nhiên, đó là một
kế hoạch táo bạo.

Kế hoạch hành động chi tiết được vạch ra khi StB biết sẽ
có cuộc diễu hành lớn của sinh viên nhân ngày tưởng niệm
Opletal. Nhân vật trung tâm trong màn kịch này là trung sĩ Ludvik
Zifcak, một nhân viên StB trẻ, theo lệnh, anh đột nhập vào
hàng ngũ sinh viên chống đối ngầm. Với bài bản đúng kiểu
"xách động", anh là một trong những lãnh tụ sinh viên trong
cuộc diễu hành tiến về Nghĩa trang Quốc gia. Và khi cuộc
diễu hành kết thúc chiều hôm đó, thì anh là một trong những
người mạnh miệng hô to "Tiến về Quảng trường Wenceslas".
Anh biết sẽ có một cái bẫy cài sẵn chờ sinh viên đến. Khi
bạo động diễn ra anh tìm cách tránh đòn, rồi giả vờ nằm
chết trên đường.

Cô gái tên Drahomira Drazska, người sau này cũng lặn mất tăm,
là một mật vụ khác. Cô nhận lệnh đưa tin cho Uhl rằng một
sinh viên đã chết.

Liên Xô biết được đến đâu về âm mưu này, hoặc nhân vật
Liên Xô nào thực sự biết chuyện? Đến nay, đây vẫn còn là
dấu hỏi. Vào lúc công an đang đánh đập sinh viên biểu tình
tại trung tâm Praha thì trùm StB, tướng Lorenc, đang ăn tối với
trùm mật vụ KGB chi nhánh Tiệp Khắc, tướng Gennady Teslenko, và
nhân vật số hai của KGB, tướng Viktor Grushko, người vừa
đến Praha mấy ngày trước đó.

Lát sau, họ cùng nhau đến tổng hành dinh StB, một tòa nhà
kiếng và bê tông xám u ám trên Đường Bartolomejska, không xa
Quảng trường Wenceslas. Nhưng ông trùm StB Lorenc vẫn tiếp khách
KGB như bình thường. Điều đó cho thấy Liên Xô không can
thiệp trực tiếp vào kế hoạch này. Âm mưu dạng này cũng
không phải là loại hành động mà những người thân cận với
Gorbachev lúc đó đề bạt, vì rủi ro thì quá cao còn mục tiêu
thì lờ mờ.

Những kẻ chủ mưu cũng chọn được ứng viên cho vị trí lãnh
đạo, đó là ông Zdenek Mlynar [chồng bà Rita Klimova, nói đến
ở đầu chương], người mà họ nghĩ sẽ tiến hành các cuộc
cải cách kiểu Mùa Xuân Praha và họ sẽ ủng hộ ông. Nhưng
ông Mlynar không còn là người cộng sản từ lâu, ông từng
sống nhiều năm lưu vong khá thoải mái tại Vienna, Áo, và cũng
chẳng muốn dính líu gì đến âm mưu này.

Thật hiếm có âm mưu nào mà lại phức tạp đến thế, tính
toán sai đến thế, và thất bại thảm hại đến thế.

Người Tiệp Khắc không nổi dậy để đạp đổ những quá
quắt của đường lối Stalin kiểu mới. Mà họ nổi dậy để
thoát ách cộng sản, và đặc biệt thoát ách thống trị của
người Nga.

Như trung sĩ "xác chết" Zifcak nói, anh và những kẻ tham gia
âm mưu kia chỉ muốn cứu vãn chủ nghĩa cộng sản. Nhưng, thay
vì cứu vãn, họ đã góp phần làm nó kết liễu nhanh hơn.

<strong>Cách mạng từ nhà hát</strong>

Trong khi cuộc cách mạng tưởng tượng đang diễn ra trong đầu
các ông trùm mật vụ, thì cuộc cách mạng thật lại diễn ra
trên đường phố Praha và trong một nhà hát hình hộp gần
Quảng trường Wenceslas, có tên là "Đèn Thần".

Khi xảy ra vụ sinh viên biểu tình bị đánh thì Vaclav Havel đang
ở miền quê Bohemia. Ông trở về Praha vào chủ nhật 19 tháng
11. Ông hiểu rằng khi Bức tường Bá Linh sụp đổ thì chế
độ cộng sản Tiệp Khắc cũng sắp đến ngày tàn, nhưng không
biết ngày tàn đó sẽ đến vào lúc nào và đến ra sao. Nhưng
rõ ràng, nó cần một cú hích.

Khi ông trở về thành phố, thì một nhóm bạn gồm các nhà
bất đồng, các nhà hoạt động đối lập đã tụ tập sẵn
tại căn hộ chật nhưng lịch lãm của ông nằm bên bờ sông,
nhìn ra thấy được Lâu Đài, đầu não quyền lực của chế
độ.

Các bạn muốn ông đứng ra lãnh đạo cuộc đấu tranh. Và từ
phút đó, ông giữ vai trò chủ chốt của cuộc Cách Mạng Nhung.
Ông không còn là một&nbsp; trí thức hay e thẹn và đầy hoài
nghi nữa, mà trở thành một người có quyền lực, mạnh mẽ
và quyết đoán. Có thể nói ông là một chiến thuật gia chính
trị đáng gờm.

Vào lúc đó, với phần lớn dân chúng Tiệp Khắc, Havel vẫn
còn là một cái tên xa lạ. Theo lời tiểu thuyết gia Tiệp
Khắc Ivan Klima, người biết Havel trong nhiều năm và không phải
lúc nào cũng đồng ý với ông thì "Havel chưa được nhiều
người biết đến, hoặc người ta chỉ nghe nói ông là con một
nhà tư bản giàu có, cũng đã từng vào tù ra khám. Nhưng lúc
ấy, khí thế cách mạng bao trùm cả nước đã khiến quần
chúng thay đổi thái độ… Trong không khí hừng hực lúc đó,
một cá nhân bỗng trở thành biểu tượng cho cảm xúc của
quần chúng và đại diện được cho sự phấn khích của đám
đông… Chỉ trong vài ngày, Havel đã trở thành biểu tượng
của cách mạng, người sẽ dẫn dắt xã hội ra khỏi khủng
hoảng."<strong></strong>

Ưu tiên lớn nhất lúc bấy giờ, theo lời Havel kể với cộng
sự, là hình thành một nhóm thống nhất, một tiếng nói có
thể đại diện cho phe đối lập, để khi thời cơ đến, có
thể thương lượng với chế độ về bàn giao quyền lực trong
ôn hòa.

Havel nhấn mạnh, việc đầu tiên là phải hợp sức hủy bỏ
chế độ toàn trị. Nếu có bất đồng thì bất đồng sau này
trong quá trình xây dựng nền dân chủ.

Havel gọi cho Rita Klimova mời bà làm thông dịch viên cho ông
trong một cuộc họp báo với các phóng viên nước ngoài. Đó
là một bước khôn ngoan. Havel nói tiếng Anh tốt, nhưng với
giọng Tiệp khá nặng, và ông tin rằng bà Klimova, với tiếng
Anh giọng New York pha Trung Âu cộng thêm sự hóm hỉnh của bà
sẽ chinh phục được các phóng viên phương Tây. Và ông đã
không sai.

Ông tuyên bố: "Những lý tưởng mà chúng tôi đã lao tâm khổ
tứ trong nhiều năm để theo đuổi, và vì đó mà chúng tôi vào
tù ra khám, bắt đầu trở thành hiện thực và thể hiện
được khát khao chung của người dân." Cuối cùng thì người
Tiệp Khắc cũng đã bắt đầu thức dậy, thoát khỏi trạng
thái trì trệ lâu nay.

<strong>Diễn đàn Dân sự</strong>

Đầu tiên, họ cần một tổng hành dinh. Hôm trước, các diễn
viên kịch tại nhà hát đã tuyên bố đình công cùng sinh viên
học sinh. Vì vậy, nhà biên kịch của chúng ta đã có thể
"đạo diễn" cuộc đấu tranh của ông từ trong lòng một
nhà hát. 10 giờ đêm hôm đó, ông vào ở hẳn trong nhà hát
Đèn Thần.

Các suất diễn cho vở kịch kinh điển thể loại biểu hiện
<em>The Minotaur</em> của Friedrich Dürrenmatt được hoãn lại trong
khi dân Tiệp Khắc xuống đường lật đổ chính quyền.

Đến nửa đêm, mọi người đồng ý với tên gọi mới, Civic
Forum, Diễn đàn Dân sự, và đưa ra loạt tuyên bố và yêu cầu
đầu tiên.

Diễn đàn Dân sự công bố mình là "người phát ngôn đại
diện cho quần chúng Tiệp Khắc vừa trải qua chấn động sâu
sắc vì vụ giết hại dã man sinh viên biểu tình ôn hòa."
Thoạt đầu, họ có bốn yêu cầu:

- Yêu cầu các lãnh đạo cộng sản chịu trách nhiệm đè bẹp
Mùa Xuân Praha và đàn áp thời kỳ "bình thường hóa" phải
từ chức ngay lập tức, trong số có cựu Tổng Bí thư Gustav
Husak, và Tổng Bí thư đương nhiệm Milos Jakes.

- Yêu cầu các Bí thư Thành ủy Praha, Miroslav Stepan, các quan
chức chỉ đạo cuộc tấn công vào sinh viên hai ngày trước
đó phải từ chức.

- Yêu cầu mở một cuộc điều tra chính thức và độc lập
về các cuộc biểu tình ngày 17 tháng 11.

- Yêu cầu thả ngay tất cả các tù nhân chính trị.

Ngay sau khi đưa ra yêu cầu, Havel nói nửa đùa nửa thật rằng
đây là lúc Nga sẽ xua quân Tiệp lần nữa, chỉ khác là, vẫn
theo lời Havel, lần này thì Điện Kremlin sẽ đứng về phía
ông nhiều hơn là sát cánh với chế độ cầm quyền.

<strong>Biểu tình sau giờ làm việc</strong>

Sáu ngày sau đó, tối nào cũng vậy, những cuộc biểu tình
khổng lồ đã tràn ngập Quảng trường Wenceslas. Hầu hết mọi
người sau giờ làm việc là ra biểu tình.

Cũng giống như những gì diễn ra tại Đông Đức, cuộc cách
mạng diễn ra trong trật tự và rất lịch sự. Khi các cầu
thủ bóng đá chuyên nghiệp đình công để biểu tình thì họ
lại sắp xếp thi đấu thêm 90 phút vào chiều chủ nhật, để
người hâm mộ không mất trận đấu nào.

Nhạc sĩ Ondrej Soukup nhận xét: "Mỗi ngày trôi qua là một
ngày dân chúng cảm thấy mình mạnh mẽ hơn, và đứng thẳng
lưng hơn. Tôi có cảm tưởng như tảng đá nặng đè trong lòng
suốt 20 năm vừa qua giờ đã được gỡ bỏ. Người Tiệp
chúng tôi thấy mình đường hoàng hơn. Chúng tôi đã quá hèn
mọn. Nhưng giờ chúng tôi bắt đầu cảm thấy tự hào. Quả
là một cảm giác phi thường."

Công an không động tịnh gì khi đám đông biểu tình mỗi lúc
một đông. Vào ngày thứ hai 20 tháng 11, có đến 300.000 người
biểu tình, dù trời lạnh như cắt. Thỉnh thoảng tuyết rơi,
nhưng tuyết cũng chẳng thể làm nguội bầu máu nóng và lòng
khấp khởi hưng phấn của mọi người. Người ta không còn nghi
ngại nhau, ngược lại, đó là lần đầu tiên trong hai thập
niên họ có kể cho nhau nghe với sự tin cậy về những hy vọng
và ước mơ của mình.

Một số diễn văn được đọc lên. Nhưng nhiều hơn nữa là
âm nhạc. Ban nhạc rock do nghệ sĩ rất nổi tiếng của Tiệp
Khắc, Michale Kocab, một người bạn của Havel, mang cả hệ
thống âm thanh đến biểu diễn.

Khi nhạc dứt thì âm thanh nghe được rôm rả nhất chính là
tiếng lắc chìa khóa của hàng trăm ngàn người, tiếng lắc
leng leng dội quanh quảng trường và lan ra cả trung tâm Praha.
Tiếng lắc chìa khóa gửi đến các ông trùm cộng sản thông
điệp rằng "Đến giờ rồi! Đi thôi các ông ơi!"

Những cuộc biểu tình khổng lồ tương tự cũng diễn ra tại
các thành phố và thị trấn khác trên cả nước, kể cả
những nơi như Brno và Ostrava, nơi không hề có hoạt động
đối lập chính trị nào trong suốt 20 năm trước đó.

Tại Bratislava, Ủy ban Bảo vệ Người bị Ngược đãi, viết
tắt là VONS, tổ chức kết nghĩa của Hiến chương 77, được
thành lập từ cuối thập niên 1970 nhưng chỉ có một ít thành
viên, nay trở thành chi nhánh trung tâm của Hiến chương 77 tại
Slovakia, nơi Alexander Dubcek xuất hiện trở lại như một nhân
vật chính trị. Khi ông lên tiếng ủng hộ các cuộc biểu tình
tại Quảng trường Wenceslas, hầu như cả thành phố đều hoan
hô ông vang dội.

<strong>Mùi cách mạng và đồng thuận</strong>

Bên trong nhà hát Đèn Thần lúc đó lúc nào cũng vang lên âm
thanh rì rào của những hoạt động náo nhiệt. Đám đông trong
nhà hát cũng thật đa dạng. Như giáo sư Timothy Garton Ash,
người có mặt nhiều giờ để tiếp cận, trò chuyện với
nhiều người tại chỗ kể lại thì "căn phòng đầy mùi khói
thuốc, mùi mồ hôi, mùi áo choàng ẩm và mùi cách mạng!"

Havel đã khéo léo đưa được những con người thuộc nhiều
thành phần có quan điểm hoàn toàn đối nghịch ngồi lại với
nhau với một mục đích duy nhất: Loại bỏ chủ nghĩa toàn
trị. Có những người theo chủ nghĩa Trosky, có người cộng
sản cấp tiến, có các nhà bảo vệ môi trường, bảo vệ nữ
quyền, các nhà hoạt động Công giáo cánh hữu, các mục sư
Calvin, và các nghệ sĩ nhạc rock với ước muốn đơn giản là
được tự do sáng tác thứ nhạc mình thích.

Người thì mặc quần jeans, người thì mặc đồng phục công
nhân, cứ thế họ đến Đèn Thần một lúc vào giờ ăn trưa
hoặc cuối giờ chiều, trước khi trở lại với công việc
kiếm sống của mình.

Cũng nên nhắc lại là rất nhiều người trong số này, vào
thời kỳ Mùa Xuân Praha 1968 họ từng là luật sư, là nhà văn
có tác phẩm được in, là đảng viên cộng sản, hoặc là giáo
sư, giới khoa bảng. Họ bị sa thải khi Mùa Xuân Praha bị đàn
áp. Giờ đây, họ hoạt động chính trị bán thời gian trong khi
vẫn là công nhân, là thợ điện, là nhân viên văn phòng toàn
thời gian.

Một trong những nhân vật hàng đầu của Diễn đàn Dân sự là
ông Jiri Dienstbier, một người luôn tươm tất và có khả năng
sáng tạo đến bất ngờ. Ông từng là một trong những phóng
viên nổi tiếng nhất của Tiệp Khắc, một thông tin viên năng
nổ cho hãng tin nước ngoài, cho đến khi ông bị sa thải vào
mùa thu 1968. Từ đó, ông làm bảo vệ. Giờ đây, nhiều khi
đang họp dở dang ở Đèn Thần ông lại phải đi, vì đã đến
giờ đốt lò ở tòa nhà ông làm bảo vệ.

<strong>Miệng mạnh, chân chùn</strong>

Trước sự kiện đang diễn ra, những người cộng sản Tiệp
Khắc chia rẽ trầm trọng.

Tổng Bí thư Jakes, Bí thư thành ủy Stepan và những người
Stalin cựu trào như Jan Fojtik thì muốn tiếp tục đàn áp thẳng
tay bằng công an mật vụ.

Họ định áp đặt thiết quân luật vào sáng 19 tháng 11. Ban
đầu, Bộ trưởng Quốc phòng Jaroslav Vaclavik còn đề nghị
dùng "biện pháp quân sự", điều xe tăng vào những điểm
trọng yếu quanh thủ đô, đặt không quân Tiệp trong tình
trạng báo động sẵn sàng tác chiến.

Nhưng những biện pháp vừa kể không còn thực tế nữa vào
giai đoạn này. Và đã không hề có bất cứ binh sĩ nào được
lệnh rời căn cứ trong suốt thời gian diễn ra Cách Mạng Nhung.

Tổng Bí thư Jakes triệu tập một loạt các phiên họp với phe
cứng rắn. Họ đưa ra những đe dọa nghe rợn tóc gáy nhưng
chẳng được ai thi hành. Jakes tuyên bố: "Phải lấy sức
chọi sức! Chúng ta không thể ngồi yên giương mắt nhìn hành
vi của các nhóm hoạt động ngoài vòng pháp luật và bị nước
ngoài giật dây. Những âm mưu khích động các thành phần thanh
niên Tiệp có thể đưa xã hội vào vòng khủng hoảng với hậu
quả khó lường!"

Một người Stalin cựu trào sau này kể lại rằng: "Chúng tôi
theo dõi những gì vừa xảy ra tại Bá Linh. Giới lãnh đạo Bá
Linh ngồi yên không làm gì cả, và ai cũng biết hậu quả ra
sao. Vì vậy, một số chúng tôi quyết tâm phải làm gì đó,
bằng được." Quyết thì quyết, cái khó là Đảng Cộng sản
Tiệp Khắc lúc này đang tan rã.

<strong>Không phải trẻ con</strong>

Sáng thứ tư, ngày 22 tháng 11, Tổng Bí thư Jakes quyết định
điều động một lực lượng có tên là "Dân Quân" đến
dẹp biểu tình. Đây là quân đội riêng của Đảng, hoạt
động bán thời gian, gồm 20.000 quân, được tuyển chọn từ
những thành phần tuyệt đối trung thành, phần lớn là công
nhân nhà máy, được trả lương ngoài giờ hậu hĩnh để tham
gia các hoạt động tự nguyện vào cuối tuần và vài buổi
tối mỗi tháng.

Lực lượng này không là một phần chính thức của quân đội
hay của hệ thống an ninh quốc gia, nhưng họ được cho là sẵn
sàng đứng ra bảo vệ những người cộng sản, như một chỗ
dựa cuối cùng. Nhưng, lúc này, cả lực lượng dân quân cũng
từ chối cứu Đảng.

Bí thư Thành ủy Stepan cố gắng vận động công nhân và dân
quân tại một nhà máy thép lớn ở ngoại ô Praha đến dẹp
sinh viên biểu tình. Stepan tuyên bố: "Chúng ta không muốn bị
một đám trẻ con chỉ đạo." Nhưng thay vì đồng tình, đám
đông đã la lối đáp lại: "Chúng tôi cũng không phải trẻ
con!"

Diễn đàn Dân sự kêu gọi một cuộc tổng đình công ngày
thứ hai 27 tháng 11, nhưng theo đúng kiểu của người Tiệp,
chỉ trong hai tiếng đồng hồ mà thôi. Từ giữa trưa đến 2
giờ chiều.

Cuộc tổng đình công được dùng như một biểu thị để thăm
dò sức mạnh quần chúng. Khi có dấu hiệu cho thấy hầu như
tất cả mọi công nhân Tiệp đều đồng ý tham gia đình công,
thì ý chí của phe bảo thủ già nua trong Đảng tan thành mây
khói.

Phó Thủ tướng Marian Calfa ngồi nghe ý kiến của phe cứng
rắn, sửng sốt vì họ không còn thực dụng như trước, không
còn có phản ứng như thường thấy, và vì họ không dám quyết
định. Ông than vãn: "Toàn bộ guồng máy công an và an ninh
nằm trong tay chúng tôi. Vậy mà không ai có đủ dũng cảm, đủ
nhạy bén, đủ bản lĩnh, nói chung là đủ những gì cần
thiết để dùng vũ lực hoặc thuyết phục người khác rằng
dùng vũ lực là cần thiết."

<strong>Không nơi nương tựa</strong>

Tổng Bí thư Jakes được một quan chức cao cấp từ Điện
Kremlin nói thẳng thừng rằng ông không thể chờ mong gì ở các
lực lượng vũ trang Xô-viết, cũng không có bất cứ hỗ trợ
chính trị nào để Jakes tiếp tục nắm quyền.

Gorbachev đã cử Valeri Musatov, một nhân vật có ảnh hưởng
lớn trong vai trò Trưởng ban Quốc tế Đảng Cộng sản Liên
Xô, đến Praha để quan sát tình hình.

Điện Kremlin muốn có thông tin chính xác, vì theo lời Musatov
thì vị đại sứ Xô-viết tại Praha, ông Viktor Lomakin, là
người cực kỳ bảo thủ, ông ta không có bất cứ quan hệ nào
ngay cả với những người cộng sản cải cách, huống hồ là
với phe đối lập. Phái viên Musatov nói: "Ông đại sứ chỉ
chăm chăm nói chuyện với cái được gọi là 'nguồn thông tin
sạch', vốn chẳng có giá trị nào trong tình hình lúc đó."

Không chỉ thế, Musatov còn làm một việc chưa từng có trong tư
thế là một quan chức Xô-viết cao cấp, đó là ông đến họp
với Diễn đàn Dân sự tại nhà hát Đèn Thần. Đó là một cú
đánh trời giáng dành cho Đảng Cộng sản Tiệp Khắc và cho cá
nhân Jakes.

<strong>Quân đội, cúm cách mạng và đài truyền hình</strong>

Trên thực tế, có thể nói phe cứng rắn đã giương cờ trắng
đầu hàng vào tối ngày 22 tháng 11, khi Bộ trưởng Quốc phòng
Vaclavik tuyên bố trên truyền hình rằng "Quân đội sẽ không
chống lại nhân dân. Chúng tôi sẽ không can thiệp."

Lý do thật rõ ràng: binh sĩ sẽ không tuân lệnh cấp trên nếu
được lệnh bắn vào người dân tay không.

Qua từng đêm, các cuộc biểu tình lại càng lớn mạnh. Quần
chúng lúc này đi biểu tình vừa như đi giải trí, vừa như đi
vì khí thế chính trị dâng trào, dù nhiệt độ tại Praha
xuống rất thấp dưới không độ vào ban đêm, và một dịch
cúm khó chịu, mà người dân gọi vui là "cúm cách mạng",
đang quấy nhiễu người dân thành phố.

Trong lúc Đảng mất dần khả năng kiểm soát thì đài truyền
hình nhà nước lại càng táo bạo hơn. Lần đầu tiên đài cho
truyền hình trực tiếp cuộc biểu tình đêm thứ tư, dù rằng
phút cởi mở ấy rất ngắn ngủi. Ngay sáng hôm sau, công an
đột nhập vào đài, sa thải ban giám đốc cấp cao và đặt
một tay chân của Jakes, là Phó Thủ tướng Matek Lucan, làm tổng
giám đốc. Nhưng nhân viên trong đài vẫn đòi hỏi phải tiếp
tục truyền hình trực tiếp biểu tình.

Một thứ bán-kiểm-duyệt quái lạ được các bên đồng ý như
sau: Cuộc biểu tình sẽ được truyền hình trực tiếp, nhưng
chỉ trong một lúc, sau đó màn hình sẽ tắt để nhạc nhảy
vui nhộn nổi lên, trước khi đài tiếp tục truyền hình trực
tiếp biểu tình.

Thực ra kiểm duyệt kiểu đó cũng chẳng có tác dụng. Vì như
đã diễn ra tại Đông Đức, hầu hết người dân Tiệp có
thể bắt sóng các chương trình nước ngoài, và dù không hiểu
tiếng nước ngoài bao nhiêu, họ vẫn biết những gì đang xảy
ra.

<strong>Xúc động và lạc điệu</strong>

Cuộc biểu tình xúc động nhất diễn ra vào thứ sáu, một
tuần sau vụ sinh viên bị đánh đập.

Đám đông ước tính lên đến nửa triệu người. Bất ngờ,
không báo trước, một người lưng hơi khom, nhưng nhìn thân
thiện như một người ông đáng kính, với khuôn mặt đường
hoàng, sáng bừng, vẫn còn đẹp so với tuổi 68, xuất hiện
tại ban-công nhìn ra quảng trường.

Thoạt đầu, ít người nhận ra ông là ai. Rồi họ biết đó
chính là Alexander Dubcek [vị Tổng Bí thư khơi mào cho Mùa Xuân
Praha 1968, sau đó bị cộng sản thanh trừng] ông vừa từ
Bratislava đến Praha buổi sáng hôm đó.

Thế là đám đông gào thét vỡ òa: "Dubcek na hrad, Dubcek na
hrad" ("Dubcek về Lâu Đài" có nghĩa là "Chọn Dubcek làm
Tổng thống").

Đó là lúc người hùng của Mùa Xuân Praha tận hưởng giây
phút được khẳng định mình, được quần chúng vinh danh. Ông
quay sang ôm một người khác cũng có mặt tại ban-công và cũng
được quần chúng hò reo chào đón, Vaclav Havel.

Có thể nói đó là một đêm say mê và đầy kịch tính. Dubcek
nói năng cứ như hai thập niên qua chưa hề tồn tại, về chủ
nghĩa xã hội với khuôn mặt người. Ông nói: "20 năm trước,
chúng ta tìm cách cải thiện chủ nghĩa xã hội, làm cho nó tốt
đẹp hơn. Trong những ngày tháng đó, quân đội và công an
đứng về phía nhân dân, và tôi tin chắc hôm nay điều đó sẽ
xảy ra lần nữa." Quần chúng vỗ tay đáng kể nhưng không
sôi nổi như lúc ông xuất hiện.

Nhạc sĩ Ondrej Soukup kể rằng: "Chúng tôi không nghĩ ông ấy
vẫn còn là cộng sản. Cũng không thất vọng lắm đâu, dù sao
ông cũng là người hùng vì dám đứng lên chống lại ách
thống trị của người Nga. Nhưng vào thời điểm này, chúng
tôi không tin cộng sản nữa, không muốn nghe ai rêu rao là nếu
gặp điều kiện thuận tiện, chủ nghĩa cộng sản sẽ vĩ
đại ra sao nữa." Nhưng đó lại là những gì Dubcek nói trong
đêm đó.

Khoảng một giờ sau khi xuất hiện trước công chúng, Dubcek và
Havel cùng có mặt trong cuộc họp báo tại nhà hát Đèn Thần.

Một quan sát viên nhận xét rằng vị cựu Tổng Bí thư Đảng
Cộng sản Tiệp Khắc như vừa bước ra từ một bức ảnh
trắng đen cũ kỹ, nói năng những điều cũ kỹ. Ông cứ nói
về "khả năng có thể sửa đổi của chủ nghĩa xã hội nếu
chúng ta biết tránh xa những sai lầm của nó!"

Havel có vẻ không thoải mái, các nhân vật khác của Diễn đàn
Dân sự cũng không thoải mái trước quan điểm của Dubcek. Havel
nói: "Chủ nghĩa xã hội là một cụm từ đã mất hết ý
nghĩa tại đất nước chúng ta. Cứ nghe tới chủ nghĩa xã hội
là tôi liên tưởng đến những nhân vật kiểu Tổng Bí thư
Jakes!"

Vừa dứt lời thì một thanh niên mặc quần jeans áo thun đi lên
sân khấu, nói nhỏ vào tai Havel và Dubcek, hai ông nghe xong bèn
nhìn nhau cười. Tin tức đã được loan đi là Tổng Bí thư
Jakes và toàn bộ hàng ngũ lãnh đạo của Đảng Cộng sản
Tiệp Khắc đã từ chức.

Tiếng hoan hô vỡ òa điếc cả tai. Ai đó đưa ra một chai
rượu Sekt. Dubcek ôm lấy Havel, và Havel nâng ly nói "Nước
Tiệp Khắc tự do muôn năm!" Họ uống một hơi cạn ly.

Không một ai trong phòng cầm được nước mắt.

<strong>Rocker và Thủ tướng</strong>

Các sĩ quan mật vụ StB cao cấp và thành phần ôn hòa trong
giới lãnh đạo Đảng cũng tìm mọi cách để thương lượng
với phe đối lập.

Thủ tướng Ladislav Adamec, 63 tuổi, người nổi tiếng nhất
trong những người cộng sản cấp tiến, chính là người
thương lượng với Havel để đưa ra cái kết cho chủ nghĩa
cộng sản Tiệp Khắc.

Họ biết mình không thể cứu vãn chế độ, thật ra họ cũng
chưa từng tin tưởng chủ nghĩa mà họ đã rêu rao suốt bao
nhiêu năm trời.

Có thể nói, Thủ tướng Adamec trước hết là một người mê
sự nghiệp, thứ hai là người hay hoài nghi, và thứ ba mới là
người cộng sản, mà không phải là kẻ ác. Ông và nhóm thân
cận muốn tự bảo vệ mình, nhất là khỏi bị trừng trị
nếu phe đối lập lên nắm quyền.

Trước hết, những cuộc thương lượng diễn ra trong bí mật.
Adamec không muốn đồng nghiệp biết mình đang nói chuyện với
Diễn đàn Dân sự.

Havel cũng chỉ muốn công khai khi biết mình đang thương lượng
với đúng người cần gặp và chắc chắn hai bên có thể đạt
được thỏa thuận. Vì vậy, Havel dùng một người đại diện
là nhạc sĩ sáng tác Michael Kocab, một người bạn thân, đã
gặp Adamec vài lần và biết gia đình ông.

Kocab cao khẳng khiu, 35 tuổi, là ngôi sao nhạc rock nổi tiếng
nhất Tiệp Khắc. Kocab từ trước đến giờ tuy không quá công
khai đã bày tỏ thái độ chính trị, nhưng vẫn tìm được
cách để mọi người biết mình cảm nhận thế nào về chế
độ. Ông đã khéo léo sống trong vòng pháp luật và ngoài vòng
lao lý.

Kocab kể: "Cả hai bên biết cần phải thương lượng, nhưng
đều muốn đưa ra những thỏa thuận cơ bản trước đã."
Buổi gặp gỡ đầu tiên, trong vòng bí mật, diễn ra một ngày
sau khi Diễn đàn Dân sự ra đời ngày 20 tháng 11. Kocab kể
tiếp: "Thật lạ lùng là người ta cần đến một nhạc sĩ
để bôi trơn cỗ máy thế này, nhưng đây là Tiệp Khắc mà!
Khi Havel biết những người cộng sản sẵn sàng thương lượng,
ông hiểu ngay thời của cộng sản đã hết rồi. Nhưng ông
vẫn muốn biết họ nghiêm túc đến đâu. Adamec rõ ràng là
muốn tiếp tục giữ một vai trò nào đó trong chính trị Tiệp
Khắc, và việc nói chuyện với Havel là cách duy nhất để
Adamec đạt mục tiêu này."

Kocab gặp kín nhóm cộng sản cấp tiến vài lần. Ông sắp xếp
để hai bên gặp chính thức vào chủ nhật 26 tháng 11, và cuộc
họp đã diễn ra với một nghi thức khá khôi hài: Havel và
Adamec, cả hai đều cười gượng gạo, ngồi đối diện nhau
tại một chiếc bàn đông người, trong căn phòng chật chội,
đầy khói thuốc. Hai người đứng lên gần như cùng lúc, với
cùng suy nghĩ. Rồi Havel nói: "Chào ông, ta chưa gặp nhau bao
giờ, tôi tên Havel." Adamec đáp: "Chưa, chưa bao giờ. Tên tôi
là Adamec."

Vài ngày sau, thương lượng nghiêm túc về việc chuyển giao
quyền lực trong ôn hòa đã diễn ra, trong khi đám đông khổng
lồ vẫn tiếp tục chiếm ngự đường phố Praha.

Trong hai tuần tiếp theo, những người cộng sản hứa sẽ tổ
chức bầu cử tự do vào mùa xuân sắp tới. Họ cũng hủy bỏ
"vai trò lãnh đạo của Đảng" cũng như hầu hết các nguồn
tài lực mình nắm giữ, và Husak cũng từ chức Chủ tịch
nước.

Adamec tìm cách vớt vát một vị trí nào đó cho sự nghiệp
của mình nhưng đã thất bại thảm hại. Vì đám đông đã
trở nên vô cùng lớn, các cuộc biểu tình được chuyển từ
Quảng trường Wenceslas tới Công viên Letna, ngay cạnh trung tâm
thành phố.

Adamec xuất hiện ngay cuộc biểu tình đầu tiên tại công viên,
vào đêm trước khi các cuộc thương lượng bắt đầu. Trước
đó, ông đã tự thêu dệt mình như một nhà cải cách vĩ
đại, vì vậy, quần chúng hoan hô ông nhiệt liệt trước khi
ông bắt đầu nói.

Câu đầu tiên, ông tuyên bố chính quyền đã chấp nhận các
yêu sách của Diễn đàn Dân sự, và ông được hoan hô tưng
bừng. Nhưng rồi ông bắt đầu "nhưng, nhị", nói tới các
các điều kiện này kia. Trên thực tế thì ông không hề hứa
hẹn điều gì, và như ngựa quen đường cũ, ông bắt đầu
dùng ngôn từ Mác-Lê khi diễn thuyết. Ngay lập tức, ông bị
quần chúng la ó phản đối kịch liệt, đến độ ông phải
rời bục phát biểu và được đưa đi ngay để bảo tồn tính
mạng.

<strong>Khởi đầu mới</strong>

Mặc dù Havel không có vai trò gì chính thức nhưng trên thực
tế, thành phần chính quyền mới được công bố vào ngày 7
tháng 12 là do ông lựa chọn.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ là nhà bất đồng chính kiến người
Slovak, cũng là nhà vận động dân quyền, ông Jan Carnogursky,
công việc mới của ông là chỉ huy sở mật vụ, dù chỉ vài
ngày trước đó ông còn bị giam giữ ở ngay sở mật vụ.

Bác nhà báo kiêm bảo vệ Jiri Dienstbier thì được chọn làm
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Vị trí Thủ tướng thuộc về Phó Thủ tướng của chế độ
cộng sản cũ, ông Marian Calfa. Havel giải thích rằng đất
nước Tiệp Khắc cần một số người có kinh nghiệm điều
hành chính quyền, cũng như cần một số trí thức. Havel nói
"Calfa làm được việc" trong khi cộng sự của Havel tỏ vẻ
nghi ngại.

Havel dễ dàng đánh bại Dubcek để được chọn vào ghế Tổng
thống. Thực ra thì cũng chẳng có một cuộc đọ sức nào
đúng nghĩa giữa hai ông. Vì ngay từ đầu tháng 12, khi các
chiến thuật gia của Diễn đàn Dân sự bắt đầu tính toán
đến ứng viên tiềm năng thì gần như không có bất cứ tranh
cãi hay bất đồng nào. Kể cả người theo phái Trosky, Petr Uhl,
và người Công giáo bảo thủ, Vaclav Benda, cũng đều nói một
điều như nhau, gần như cùng lúc: "Phải là Vaclav Havel
thôi."

Dubcek tuy được đông đảo quần chúng kính trọng, nhưng càng
lúc càng có vẻ lỗi thời. Ông trở thành phát ngôn viên Quốc
hội.

Có thể nói vui rằng Havel đã điều động cuộc cách mạng, và
cuộc chuyển giao quyền lực ngay sau đó, giống như điều
động một vở diễn lớn trên sân khấu chính trị.

Bản tiếng Việt © 2012 Phan Trinh & pro&contra

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130104/victor-sebestyen-cach-mang-nhung),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét