Andrew Lâm - Ở Việt Nam, cả người chết cũng cần di động

Nguồn: <a
href="http://www.huffingtonpost.com/andrew-lam/in-vietnam-even-the-dead-_b_2386294.html?utm_hp_ref=vietnam">The
Huffington Post</a>

Diên Vỹ chuyển ngữ

06.01.2013

<center><img
src="http://www.techinasia.com/techinasia/wp-content/uploads/2012/12/thanhphongfacebookcoverpage1.jpg"
/>
<em>Ảnh biếm hoạ của <a href="phong210.wordpress.com">Thanh
Phong</em></a></center>

Vài năm trước, ở ngoại ô Hà Nội, tôi thấy một phụ nữ
trung niên ăn mặc đẹp đẽ đang đốt vàng mã cúng chồng. Bên
cạnh những mặt hàng vàng mã truyền thống, có một món đồ
nổi bật: một chiếc điện thoại di động bằng giấy.

"Sao bà lại đốt điện thoại giấy?" Tôi hỏi.

"Để dưới cõi âm ông ấy có mọi thứ mà chúng tôi đang
có," bà thản nhiên trả lời.

Một chiếc xe hơi hoặc một máy chiếc máy tính xách tay là
những biểu tượng gần gũi của Giấc mơ Mỹ, nhưng đối với
người Việt, chúng vẫn là những mặt hàng xa hoa không thể
với tới. Nhưng điện thoại di động thì không. Ở Việt Nam,
điện thoại di động nhiều đến mức người ta bán chúng trên
vỉa hè. Thiếu niên cũng có chúng. Trên xe gắn máy, người
Việt một tay cầm di động nói chuyện tay kia luồn lách một
cách đầy nguy hiểm. Trong các quán cà phê, họ có một thói
quen bất lịch sự là vừa nói chuyện với bạn vừa xem và
gửi tin nhắn trên di động của mình. Thậm chí họ chẳng thèm
tắt chúng trong rạp chiếu phim.

Hoặc thử xem một hình ảnh tân cổ của Sài Gòn: hai vợ
chồng cưỡi xe gắn máy trên con đường rợp bóng cây vào một
sáng Chủ nhật. Người chồng mặc vét đen, vừa lái xe vừa
nói chuyện trên di động, cô vợ mặc áo dài truyền thống,
một tay ôm eo chồng còn tay kia cầm di động chuyện trò.

Theo trang TechniAsia, có đến 145 điện thoại di động cho mỗi
100 người. "Trong một quốc gia với dân số hơn 90 triệu
người, con số này lên đến 130 triệu chiếc điện thoại di
động," trang này cho biết.

Việt Nam đang sản xuất đại trà điện thoại di động. Trong
năm 2010, nước này được biết là đã xuất khẩu lượng
điện thoại di động trị giá 2,3 tỉ Mỹ kim, theo trang Vietnam
Economy News. "Trong chín tháng đầu năm 2012, doanh thu từ xuất
khẩu điện thoại đại đến 8,63 tỉ Mỹ kim, tăng 122% so với
cùng kỳ năm ngoái."

Ngày nay, chiếc di động ma quái đã chiếm lĩnh ngay cả những
nơi thiêng liêng nhất ở Việt Nam -- ngôi chùa Phật giáo. Tôi
đến một ngôi chùa để đắm chìm mình trong cảnh thiền tỉnh
lặng và khói trầm, bất thình lình một chuỗi tiếng nhạc
chuông nhỏ với giai điệu nhạc phim Star Wars phát ra từ chiếc
cà sa của một vị sư trẻ gần đấy. Đức Phật độ lượng
mỉm cười với mọi người, nhưng thầy trụ trì thì chẳng
hài lòng.

Việt Nam bước ra khỏi cuộc Chiến tranh Lạnh và đâm bổ ngay
vào Thời đại Thông tin. Vi thế, sở hữu một phương tiện
truyền thông tân tiến nhất là điều phải có, một biểu
tượng của vị thế xã hội mà nhiều người dân thành thị
Việt Nam khó thể bỏ qua. Những tiệm Internet cà phê trên mọi
thành phố đều đông kín, máy fax chạy tíu tít trong mọi văn
phòng, và tiếng nhạc chuông của điện thoại di động dường
như không bao giờ dứt. Đây là một nghịch lý -- trong một
đất nước được biết là thiếu quyền tự do ngôn luận, nơi
những người chống đối chính trị thường xuyên bị bắt
giữ, nhưng người dân hình như lại không thể im miệng. Và
ảnh hưởng của nó đến chính quyền là một đất nước với
vô số người có thể gửi những hình ảnh về những cuộc
biểu tình trị hoặc những vụ bắt bớ chính trị bất kỳ
lúc nào, bất chấp giới truyền thông bị nhà nước kiểm
soát.

Trước khi Hoa Kỳ bỏ lệnh cấm vận vào năm 1994 cũng như
việc cho phép đi lại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, một bức thư
hoặc một gói hàng gửi từ Mỹ có thể mất đến sáu tháng
mới đến Việt Nam. Dạo ấy, mẹ tôi và tôi thường cuộn
những tờ 20 Mỹ kim thành những chiếc ống nhỏ hơn điếu
thuốc lá rồi giấu chúng trong những tuýp kem đánh răng và
gửi kèm chúng với những mặt hàng khác để giúp người thân
sống qua ngày. Giờ thì không còn nữa. Hôm nay, Việt Nam có
một tỉ lệ tăng trưởng ở mức 7% mỗi năm và một tầng
lớp trung lưu ngày càng đông. Người Việt có thể mua sắm
trong những siêu thị mới xây, tiền được chuyển gửi nhanh
dễ dàng và e-mail gửi qua lại nhanh chóng tựa như chẳng có
một đại dương ngăn cách.

Khi tôi ở Việt Nam, một người anh họ ở Hà Nội nằng nặc
bắt tôi phải thuê một chiếc di động. Với giá một Mỹ kim,
anh nói, chúng tôi có thể liên lạc hàng ngày. Bỏ qua chuyện
chúng tôi đã không liên lạc với nhau gần cả chục năm. Giờ
tôi đang ở đây, chẳng hiểu vì sao cả hai lại cần phải
liên tục liên lạc với nhau.

Với người Việt, một chiếc điện thoại di động đời mới
nhất nói cho cùng không chỉ là một biểu tượng về vị thế.
Người Việt có tính thị tộc, và đối với nhiều người, gia
đình và những người thân khác là một mạng xã hội mà họ
có. Việc kết nối với nhau không chỉ là một thứ mốt nhất
thời -- nó còn là một truyền thống bắt buộc. Tình cảm gắn
bó không bao giờ bị đánh mất và quan hệ được liên tục
được xây dựng. Chiếc điện thoại di động là phương tiện
rất tốt để làm việc này. Và họ luôn phải tìm cho được
loại di động đời mới nhất. Tại những bữa tiệc, người
Việt có thói quen rút di động của mình ra và đặt trên bàn
để mọi người trông thấy -- khiến cho những ai có đầu óc
vật chất bị áp lực để cứ mỗi vài tháng lại phải tìm
mua một chiếc di động mới nhất.

Tôi từng đọc được trên một tờ báo ở Hà Nội chuyện
một người phụ nữ trẻ có tài ngoại cảm, chuyên nói chuyện
với người đã mất. Cô ta liên lạc với họ bằng cách nào?
Bạn thử đoán xem -- cô ta gọi họ bằng điện thoại di
động. Đương nhiên chẳng ai ngoài cô ta có thể nghe được
tiếng người chết.

Nhưng nếu điện thoại của cô ấy có thể bắt sóng được
với cõi âm, tôi phải nói rằng điều này thật đáng tiếc.
Sau bao căng thẳng phải chịu đựng trong đời, người chết
đáng được nghỉ ngơi ở một nơi yên tĩnh. Nhưng với kỹ
thuật mới và thói ham muốn kết nối của người Việt, họ
thật không may.


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130111/andrew-lam-o-viet-nam-ca-nguoi-chet-cung-can-di-dong),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét