Từ Khanh - Mười hai ngày ở Miến Điện (5)

<h2>11. Kiếp sau vẫn làm người Miến Điện</h2>

Tôi ở một nhà khách tươm tất sạch sẽ thuộc khu Nyaung U,
cách Bagan Cổ sáu cây số. Đây là nơi ở sang nhất của tôi
kể từ khi đến Miến Điện. Nhà khách có hai tầng, tầng
trệt có vài phòng trông ra một khu sân nhỏ, có ghế ngồi hóng
mát. Phòng rộng, nệm cứng, có cửa sổ, máy lạnh, nước nóng
nước lạnh đầy đủ, lại có cả một cái quạt trần quay
kèn kẹt, trong suốt bốn ngày ở đây không lúc nào bị cúp
điện. Mùa mưa nên chỉ có vài phòng có khách du lịch. Sân sau
nhà khách để vài chục chiếc xe đạp, cứ chọn một cái
đạp đi không cần hỏi ai cả, khi nào trả thì đưa cho nhân
viên 1.000 kyat. Thật là một tâm trạng thoải mái.

Một buổi chiều tôi ra phòng tiếp tân ngồi đọc báo. Chủ
nhà khách là một phụ nữ đứng tuổi, đeo kính trắng, khi
không phải tiếp khách bà thường đọc sách, để mặc cho các
nhân viên làm việc. Chỉ khi nào đổi tiền thì bà mới tiếp
chuyện, nói năng nhã nhặn và lễ độ. Chợt một người đàn
ông Tây phương từ phòng trong bước ra quầy tiếp tân. Ông ta
mặc sọc quần ngắn, áo sơ mi hở cổ, tuy đã trọng tuổi
nhưng dáng điệu nhanh nhẹn và hơi xấc xược. Ông ta hất hàm
nói với một nhân viên nam:

- Tao đi tìm chỗ bơi đây.

Anh tiếp tân cười cười, chỉ đường cho ông già ra
bờ sông. Người Miến Điện thường mỉm cười im lặng khi
nói chuyện. Nhưng ông ta nói, cố tính cho tất cả mọi người
trong phòng đều nghe:

- Sông ở đây dơ bẩn quá, làm sao tao bơi được.

Cái miệng ưa kiếm chuyện của tôi đã nhúc nhích ngứa ngáy.
Hai nhân viên tiếp tân đứng gần ông cười cười, bà chủ
khẽ ngước mắt liếc ông già Tây rồi lại tiếp tục cúi
xuống đọc sách. Ông già nói tiếp, giọng lớn hơn, vừa nói
vừa quét mắt khắp phòng:

- Tao đến từ Âu Châu, chỗ nào sông cũng sạch, không
như ở đây.

Đột nhiên ông già nhìn tôi soi mói, rồi hất hàm:

- Ê you, mày đến từ xứ nào?

Lão không chờ tôi trả lời, hỏi tiếp luôn:

- Nước mày có sông không?

Tôi cười nhạt:

- Vậy cho tôi biết có nước nào không có sông đã!

Lão hơi khựng, tôi hỏi xách mé:

- Kế tiếp cho tôi biết sông nào ở Âu Châu của ông không có
cứt chó
và rác rưởi.

Bà chủ ngước nhìn, ra dấu bảo tôi đừng gây sự. Tôi càng
hăng hái chửi tiếp:

- Nước tôi và nước này sông nào cũng có cứt cả, chẳng
vì thế mà các nước Âu Châu của ông mới thi nhau đến tắm
rửa cả trăm năm đấy.

Bà chủ nhà khách bật cười nhỏ. Lão đỏ mặt, sủa lại:

- Tụi tao đi khai hóa.

Tôi quạt:

- Khai mỏ chứ khai hóa cái gì.

Lão ngần ngừ muốn rút, tôi dứt điểm:

- Tốt nhất là ông không nên tắm sông ở đây, nếu không thì
hãy cẩn thận kẻo thành con tôm toàn là đồ dơ ở trên đầu.

Lão gầm gừ bước ra cửa dông thẳng.

Tôi phải thú nhận là mình cũng sân si như lão già Âu Châu kia,
nhưng vẫn có cái cảm giác 'đã đời'. Thỉnh thoảng giang
hồ, tôi vẫn gặp vài người phương Tây có não trạng khinh
thường châu Á như lão già này. Ở Yangon, tôi gặp một phụ
nữ, nghe giọng nói thì hình như là người Úc. Bà này cũng ở
chung nhà khách, một buổi sáng đi đâu về bà ta quang quác kể
lại việc mua bán bàn ghế gì đó cho nhân viên khách sạn nghe.
Bà kể rằng sau khi đưa ra giá rồi, bà hỏi cô bán hàng có
đồng ý không nhưng cô ta cứ im lặng, hỏi mấy lần cô ấy
vẫn im lặng. Thế rồi bà hỏi nhân viên nhà khách:

- Trong văn hóa Miến Điện, im lặng nghĩa là sao? Ý
nghĩa gì không mà kỳ vậy.

Tôi ngồi nghe lỏm, tính bỏ qua nhưng nghe cách nói của bà ta,
tôi biết ngay bà này muốn chứng tỏ ta đây có kiến thức và
nhạy cảm về văn hóa khi đến một nước khác. Các nhân viên
khách sạn không trả lời. Họ cười cười ngó bâng quơ. Bà ta
đảo mắt nhìn quanh và nghiệp chướng thay, ánh mắt bà lại
dừng nơi tôi, ra dấu hỏi ý kiến. Tôi chọt miệng:

- Người ta im lặng tức muốn bảo bà cũng im đi. Khi đến
thành La Mã thì làm theo người La Mã mà, có vậy mà bà không
hiểu sao.

Tôi nói xong thấy mình thật khiếm nhã khi nói với một phụ
nữ như vậy, dù là phụ nữ xấu và vô duyên. Tôi bỏ ra
ngoài, tự dặn mình không nên sân si những chuyện bên đường.
Tôi cũng tự phân tích thái độ ăn thua đủ của mình mỗi khi
đụng độ những chuyện lẩm cẩm như vậy với người phương
Tây. Không biết có phải do xuất phát từ tâm trạng mặc cảm
của một con dân nước nhỏ mang nặng 'nỗi buồn nhược
tiểu' không. Có lẽ là vậy, nhưng biết làm sao vì kiếp này,
như một bài hát xưa có lời, 'tôi sinh ra làm dân nhược
tiểu'.

Nhưng có một điều tôi biết chắc, là lão già phương Tây do
sự kiêu ngạo của mình nên không muốn biết những suy nghiệm
của người Miến Điện. Một tác giả và nhà báo kỳ cựu
người Anh, James George Scott, viết văn ký tên Shway Yoe, đã sống
ở miền Bắc Việt Nam trong năm 1884 và có viết một cuốn sách
tựa là <em>France and Tongking</em> (Nước Pháp và Bắc Kỳ). Nhưng
phần lớn ông sống, dạy học, làm quan và làm báo ở Miến
Điện từ năm 1875 cho đến năm 1910, từng phỏng vấn vị vua
cuối cùng của Miến Điện là Thibaw (kế vị vua Mindon), nghiên
cứu phong tục tập quán Miến Điện rất kỹ. Các tác phẩm
của ông về Miến Điện khá nhiều, nổi tiếng nhất là
<em>Burma as It Was, as It Is, as It Will Be</em> (1886), <em>Burma a Hanbook
of Practical Information</em> (1906), và <em>The Burma</em> (1909), chưa
kể năm bộ sách <em>Gazetteeer of Upper Burma and the Shan States</em>
mà ông là tác giả chính. Trong cuốn <em>The Burman</em>, Scott
viết: 'Lời chúc tốt lành nhất mà một người Miến Điện
muốn gửi tới một người Anh là, vào một kiếp nào đó trong
tương lại, nhờ tạo nhiều nghiệp tốt, anh sẽ được đầu
thai làm một Phật tử, và tốt hơn nữa, là một người Miến
Điện.'

Người Miến Điện chấp nhận và kiên nhẫn với hiện tại vì
tin rằng đó là nghiệp quả, cho nên sống lành bây giờ để
tương lai tốt đẹp hơn. Họ mỉm cười với hiện tại, nụ
cười yên lặng và bâng quơ. Đó là một khía cạnh trong nhân
sinh quan Phật giáo, nhưng họ áp dụng thụ động quá nên không
thấy mặt tích cực của thuyết nhân quả. Tương lai chỉ tốt
đẹp hơn nếu tích cực cải đổi hiện tại, chứ không phải
buông xuôi và chấp nhận. Không phải họ không hiểu như vậy,
nhưng dường như họ chỉ tập trung 'đầu tư' cho tương lai
vào các hình thức tu tập nhiều hơn là ý nghĩa của sự tu
tập. Điều này không khó hiểu vì hình thức bao giờ cũng dễ
thực hiện hơn.

Người đàn ông Miến Điện nào, nếu không xuất
gia, đều phải vào chùa sống một thời gian dài hay ngắn tùy
tâm nguyện và hoàn cảnh. 'Vào chùa tu' trở thành một
điều kiện để thành nhân. Đó là một ứng dụng tốt vì ít
nhất, mỗi người biết được thế nào là lành hay dữ, nói
theo ngôn ngữ Phật giáo thì đã cấy một mầm tốt để tùy
duyên mà nẩy nở. Nhưng họ áp dụng điều này một cách quá
máy móc nên gây nhiều hiện tượng xấu đối với hình ảnh tu
sĩ Phật giáo. Tôi đã thấy các thanh niên cạo đầu, mặc áo
nâu sòng, đi hàng năm hàng ba ở Mandalay xuống phố đêm, ngồi
lựa mua những băng DVD bạo động, tìm phim Hollywood dành cho
người lớn. Họ không phải tu sĩ xuất gia, họ là những thanh
niên đến tuổi vào chùa làm tu sĩ một thời gian trước khi
lập gia đình. Tuy nhiên cung cách của họ làm phai vẻ đẹp
của màu áo tu sĩ. Tương tự, ở cố đô Luang Prabang của Lào
cũng thường xuyên có các hình ảnh như vậy. Du khách ghé Luang
Prabang luôn trầm trồ hình ảnh từng đoàn tu sĩ mặc áo vàng,
từ rất sớm, đi thành đoàn trên phố, ôm bình bát khất
thực, bên lề đường có người quỳ sẵn chờ cúng dường
thức ăn. Quả là một hình ảnh đẹp (để ghi ảnh). Các tăng
đi thành hàng khi trời còn tờ mờ sáng, một chút sương đêm
còn sót lại. Nhưng nhìn kỹ hơn thì không thấy đẹp lắm.
Khất thực là một phương tiện để tu, bước đi chậm rãi
đoan nghiêm, mắt không nhìn hai bên, ngó xuống đất trước
mặt, khi có người dâng thức ăn thì sẽ niệm kinh hồi hướng
cho kẻ cúng dường. Mỗi bước chân đi là một hơi thở an
lạc, không vui không buồn, tỉnh thức, mỗi bước chân là một
hạnh phúc, không cần tới, mà tới đâu khi đích là an lạc,
mà an lạc đã ở trong từng bước chân qua.

Hình ảnh của nhiều sư sãi ở Luang Prabang không còn như thế.
Đã nhiều sáng sớm tôi thấy họ đi tung tăng, nhanh nhẹn, tôi
phải vừa đi vừa chạy theo mới bắt kịp, có người sau khi
bình bát đã đầy thực phẩm, còn xách tòn teng một hai cái bao
ni-lông đựng đầy thức ăn, ngó nghiêng liếc dọc, mau mau về
chùa. Một trong ý nghĩa cao đẹp của khất thực là tạo cơ
hội cho người cúng dường làm việc thiện, cho người khất
thực buông xả. Dường như ý nghĩa ấy chỉ còn lại hình
thức. Mà không chỉ có khất thực, một số hiện tượng khác
cho thấy Phật giáo đang dần trở thành một hình thức cúng
kiến. Có một lần vào ngôi chùa lớn ở Vientiane (thủ đô
Lào), tôi thấy ở một góc sân có nhiều tượng Phật đặt
xung quanh một cây bồ đề. Phật tử đến cúng để xôi và
trái cây dưới đất, đốt nhang, nhưng sợ không chắc ăn, còn
trét xôi lên miệng tượng Phật, qua vài giờ, ruồi bay đậu
tới tấp lên xôi khô, không còn gì là sự đoan nghiêm hay ý
nghĩa của biểu tượng cúng dường. Đúng là hiện tượng của
Mạt Pháp. Nhưng không nên hiểu Mạt Pháp là giáo pháp suy vi hay
Pháp đã lên tới ngọn. Giáo pháp là chân lý nên không bao giờ
suy đồi. Mạt Pháp chính là sự suy vi của con người do lười
biếng và dễ dãi với chính mình. Thiên đường vẫn còn đó.
Niết Bàn vẫn còn nguyên. Nhưng con người đã suy yếu nên
không đến gần được. Mạt Pháp không ở riêng Lào hay Miến
Điện mà ở khắp nơi. Việc in ấn sách hay video về Phật giáo
bừa bãi cốt để lấy tiếng cũng là một hiện tượng Mạt
Pháp. Một cuốn kinh nhật tụng, in trên giấy xấu với mục
đích đơn sơ là để dễ phổ biến cho nhiều người đọc
tụng: đó là chính pháp. Nhưng khi biến cuốn kinh nhật tụng
hàng ngày thân thuộc ấy thành một cuốn sách in ấn đẹp
đẽ, tốn nhiều tiền hơn, làm hoa mắt người xem, thì đó là
biểu tượng của Mạt Pháp. Thà để số tiền in sách đẹp,
bìa cứng ấy làm những chuyện lợi ích khác.

Người Miến Điện biết 'an bần lạc đạo', biết mỉm
cười với hiện tại trắc trở, bao dung với những người
không hiểu họ. Có một câu chuyện minh họa cho bản chất
hoạt kê và hồn nhiên của người Miến Điện là, khi căn nhà
của họ bị cháy tan, thì thay vì khóc lóc đau khổ, ngày hôm
sau gia chủ và hàng xóm cùng kéo nhau đánh chén ngay trên đống
tro tàn của căn nhà bị cháy. Căn nhà bị cháy là do nghiệp
quả, không có gì phải đau khổ tiếc nuối. Tôi không chắc là
trong thực tế khổ chủ nào bị cháy nhà cũng hành động như
thế, nhưng các tiếp xúc với người Miến Điện cho thấy bản
tính của họ đúng là đậm chất hài hước hồn nhiên. Từ
người xà-ích cho đến bác xe ôm, một cậu nhỏ chạy bàn hay
người bán tranh, tất cả đều cố làm vui lòng người đối
diện. Họ không muốn làm phật lòng ai, tránh tranh chấp. Dù
thế nhưng sao trên các gương mặt âm thầm ấy luôn lấp lánh
nét buồn trong ánh mắt.
Tuy không muốn nhận lời chúc của họ là sẽ thành một Phật
tử Miến Điện vào kiếp sau, nhưng tôi phải thú nhận là đã
học được rất nhiều bài học quý giá từ cách thế sống
của một dân tộc dịu dàng và khiêm tốn.


<h2>12. Núi Popa cô độc thần nat</h2>

Bà chủ nhà khách khuyên tôi nên đến núi Popa cách trung tâm
Bagan khoảng 50 cây số về hướng đông-nam. Đây là ngọn núi
lửa đã tắt từ 250.000 năm trước, thờ tất cả thần linh
của Miến Điện, gồm 37 vị, từ hơn một ngàn năm nay. Popa,
gốc từ tiếng Pali, có nghĩa là hoa, nên núi Popa còn gọi là
Hoa Sơn. Do nằm đơn độc giữa trung tâm Miến Điện nên dân
chúng tin Hoa Sơn là biểu tượng của núi Tu Di, trung tâm của
vũ trụ và nhân loại.

Bà chủ tốt bụng hỏi tôi muốn đi taxi hay xe ôm. Taxi thì 20
đô, xe ôm chỉ mất 15 đô. Tôi chọn xe ôm. Bà lập tức ra
đường kêu một bác xà ích đánh xe đưa tôi ra bờ sông đến
nhà một anh xe ôm nào đó. Bác xà ích vui vẻ đánh xe ra bờ
sông chỗ bến phà hôm tôi tới, con ngựa chạy men theo bờ sông
đầy cát trắng tưởng như không vững nhưng rất thiện nghệ,
bác quày tới quày lui chỗ mép sông để tìm anh xa ôm nào đó
mà cả làng ai cũng biết. Bác chạy xe sát mép nước hỏi một
người lái đò trên sông, rồi chạy đến một ngôi nhà lá theo
lời người lái đò chỉ, người trong nhà lá chỉ qua một xóm
khác, quành tới quanh lui một hồi mới tìm ra anh xe ôm đang
ngồi đấu láo trong một quán cốc ven đường. Tôi xuống xe
trả tiền nhưng bác xà ích khoát tay không lấy, đánh ngựa ra
bờ sông kiếm khách.

Anh xe ôm đen rám như trái bắp nướng, miệng nhai trầu bỏm
bẻm. Tôi nhìn đồng hồ đã hơn 9 giờ sáng, hẹn anh sớm mai 6
lại đi Popa chứ bây giờ trễ quá. Anh vui vẻ chở tôi về
lại nhà khách.

Sáng hôm sau, đúng giờ, tôi gọn gàng ba lô thót lên yên sau
chiếc xe máy. Anh xe ôm mặc áo thun ba lỗ, đầu trần, phóng vù
vù trên con đường nhỏ. Ra khỏi Nyaung U chừng một cây số,
con đường rộng hơn, vạch ngăn cách là hàng cây giữa
đường. Không có một chiếc xe nào trên đường quê, không khí
thơm lừng mùi cây cỏ, mùi đất màu nâu hồng tải dưới
những cụm cây thốt nốt cao ngất ngưởng lặng im trong sương
sớm bình minh, những cánh đồng hướng dương vàng mộng lắt
lay, vài căn nhà tre thưa thớt bên đường. Cảnh trí như ở
một thời nào không thực.
Đường đi càng lúc càng dâng cao nhưng không gắt. Núi Popa cao
trên 1.500 mét so với mặt nước biển, nhưng do nằm trên cao
nguyên cao hơn 500 mét nên lên gần tới nơi, chiều cao ngọn núi
đã bớt đi một phần ba. Tuy nhiên không phải là độ cao mà
chính các huyền thoại liên quan đến Popa khiến nó trở thành
một điểm hành hương của rất nhiều người Miến Điện.

Trước khi Phật giáo phát triển mạnh ở Miến Điện vào thế
kỷ thứ 10 và 11, người bản địa thờ các vị thần linh tùy
theo địa lý và hoàn cảnh dân cư . Điều này không lạ vì dân
tộc nào cũng có một tín ngưỡng riêng trước khi các tôn giáo
lớn ở nước khác du nhập vào. Nói một cách tương đối (vì
Miến Điện có nhiều sắc dân và có dân tộc không thờ cúng
thần linh như người Kachin), người Miến Điện tin tưởng
thần linh và thờ cúng một thế giới vô hình nhưng gần gũi
họ. Đất có thổ địa, nhà có thần gác cửa, núi có sơn
thần, sông có hà bá, cổ thụ có thần cây, rừng, suối hay
thác cũng đều có linh thần, làng có thần làng (Thành hoàng).
Họ gọi 'chư vị' này là nat. Có thể hiểu nat là thần linh
gần gũi với con người nhất, nat có thể dữ hay hiền, họ có
mặt khắp nơi, cư ngụ ở bất cứ nơi nào độc đáo và cô
độc như một tảng đá lớn bơ vơ trong rừng rậm, hay trụ
trên một cổ thụ chơ vơ giữa triền sông. Nat có thể do vua
phong (thần), một người bị chết oan, một người có công
vừa khuất. Mỗi vị nat đều có một huyền thoại, tựa như
chuyện tích Ông Táo Việt Nam. Tín ngưỡng dân gian của người
Miến Điện không lạ, nhưng tôi có cảm tưởng họ thờ cúng
thần linh kỹ lưỡng, tín tâm mạnh, thể hiện qua nhiều lễ
hội linh đình tổ chức quanh năm để kỷ niệm các vị nat.
Những lễ hội nat, thường linh đình và kéo dài nhiều ngày,
cho thấy phần nào nhân sinh quan của người Miến Điện. Hôm
tôi sắp rời Mandalay, bác xe ôm tình nguyện chở đi xem một
lễ hội đang đang diễn ra tại làng Taungbyon cách Mandalay
khoảng 20 cây số về hướng bắc để tưởng niệm hai vị
thần làng, theo truyền thuyết là hai anh em ruột, tên là Shwe
Phyin Gyi và Shwe Phyin Nghe. Lễ hội này kéo dài trong tám ngày
đêm liên tục, đặc biệt dành cho người đồng tính luyến ái
nam. Đây là lễ hội đồng tính nam lớn nhất châu Á, nhiều
nhà nghiên cứu Miến Điện còn cho rằng đây là lễ hội
đồng tính nam đầu tiên của nhân loại. Dân Miến Điện khắp
nước, và hội viên các câu lạc bộ đồng tính nam ở Thái
Lan, tham dự lễ hội rất đông. Cửa hàng ăn uống, lều nhạc,
nhảy múa diễn ra suốt ngày đêm, những người đồng tính nam
mặc trang phục sặc sỡ, đánh phấn thoa son, họ nhảy nhót và
cúng tiền hay thực phẩm cho những người lên đồng mà người
ta tin là do hai vị nat nhập xác. Bác xe ôm nói người đồng
tính thành tâm cúng dường để xin kiếp sau được làm người
nam hoặc nữ chứ không nửa nọ nửa kia. Ở một đất nước
mà nhiều người cho là lạc hậu và kém văn minh, lại có một
lễ hội tầm quốc gia dành riêng cho người đồng tính, đủ
thấy người Miến Điện khoáng đạt và hiểu biết về kiếp
người hơn nhiều dân tộc tự cho mình có văn hiến.

Núi Popa là điểm duy nhất ở Miến Điện thờ các linh thần,
mỗi vị đều có lai lịch gay cấn và đầy màu sắc. Nổi bật
nhất là câu chuyện hai chị em ruột nat. Vào triều đại Tagaung
có một người thợ rèn rất giỏi. Ông có hai con một gái một
trai. Do danh tiếng quá lừng lẫy của ông nên vua sợ, tìm cách
kết giao với gia đình người thợ rèn, lập người chị làm
chánh cung để tìm cách hãm hại gia đình người thợ rèn. Vua
nhờ người chị cho vời cậu em vào triều để phong tước,
nhưng khi người em vào thì vua ra lịnh cột cậu vào gốc cây
sứ trong vườn thượng uyển để thiêu sống. Người chị nghe
tiếng kêu cứu của em chạy ra thì lửa đã bốc cao. Bà nhảy
vào lửa cứu em, cả hai chị em đều chết cháy. Khi binh lính
thu dọn hài cốt thì lạ thay đầu của hai người còn nguyên.
Họ trở thành thần nat cư ngụ ngay dưới gốc cây mà họ bị
thiêu sống. Họ nguyền ai dựa vào gốc cây hay đứng trong bóng
râm của cây sứ này đều phải chết. Nhà vua sợ hãi, ông ra
lịnh bứng gốc cây ném xuống sông Voi. Thân cây trôi xuống
tấp vào Bagan. Lúc ấy vua Thinligyaung đang trị vì ở đó. Tuy
thân cây đã rời xa chỗ cũ nhưng lời nguyền của hai chị em
vẫn còn hiệu lực, hễ ai đụng phải thân cây đều phải
chết. Hồn hai chị em còn xuất hiện trong hoàng cung để khóc
kể cho vua nghe nỗi oan ức của họ. Vua Thinligyaung sợ hãi, cho
thiết lập một ngôi đền để thờ hai chị em, rồi ban chiếu
chỉ tổ chức lễ hội cúng hai chị em nat hàng năm vào tháng
Sáu thật trọng thể. Từ đó hai chị em mới không phá phách
trả thù. Khi kinh đô Miến Điện dời về Amarapura (cách Mandalay
11 cây số) từ năm 1837 đến 1846, vua Tharrawaddi cho đúc hai cái
đầu bằng vàng và làm lễ rước lên núi Popa thờ phụng. Sau
khi quân Anh chiếm Miến Điện, hai cái đầu bằng vàng lại bị
dời xuống Bagan, và sau đó đem đi đâu mất biệt.

Những câu chuyện dân gian xung quanh các vị thần linh khiến Popa
có một sức hút mãnh liệt đối với người bản địa. Lúc
anh xe ôm dừng xe trong một quán nhỏ dưới chân núi, tôi thấy
cảnh người địa phương lên xuống núi tấp nập, hàng quán
đông người qua lại, dưới đất nhiều con khỉ già khỉ nhỏ
chạy nhảy nghênh ngang chung đụng với người. Cảnh nhộn
nhịp khác hẵn con đường vắng vẻ vừa đi qua dù bầu trời
vẫn vần vũ mây xám, mưa thu lất phất nhuốm một vẻ buồn
rầu.

Tôi leo một mạch mất khoảng nửa giờ là lên tới đỉnh, nơi
có chùa Taung Kala khá lớn. Sau này hỏi lại mới biết mình đã
leo 777 bậc thềm mà không biết và không mệt vì khi leo không
biết có nhiều bậc thềm như thế. Các bậc thềm lên núi
thật dơ bẩn, phân khỉ tùm lum bị dẫm đạp đầy cả nền xi
măng, mùi khỉ và mùi phân hôi hám, lại phải đi chân trần
nên cảm giác càng rùng rợn. Trên bậc cấp và hai bên đường
đi có rất nhiều khỉ nhảy nhót qua lại làm trò khỉ, chúng
bắt chí cho nhau, hoặc một con nằm ngửa lim dim khoái trá để
con kia gải háng, nhiều con lom lom nhìn khách rất khó chịu.
Những người đi lễ còn rải bắp cho khỉ ăn hoặc nhường
lối nên chúng càng ngang nhiên ngồi hay nằm ngay giữa lối đi.
Tôi chỉ muốn tát cho một con một cái nên thân nhưng sợ chúng
đông quá, lỡ chúng nó có tinh thần bè lũ xúm lại 'bề hội
đồng' thì e các thần nat cũng không cứu nổi!

Cũng may lên gần tới đỉnh thì khỉ bớt đi, lối đi cũng
được quét dọn tươm tất hơn. Đứng trên đỉnh nhìn chung
quanh thật không bỏ công leo núi. Hướng đông là các rặng núi
bao quanh tiểu bang Shan, ba hướng kia cũng toàn núi, dưới xa ẩn
hiện những chùm mimosa vàng rươm, những bụi cây xương rồng
xanh mướt, hoa dại đủ sắc màu, những tháp chùa vàng óng
nằm từng cụm hay rải rác, xa nữa là ngôi làng Popa rải rác
mái nhà lợp tôn. Ngôi làng này là chứng nhân lịch sử của
nhiều triều đại khi Pagan (tức Bagan bây giờ) còn là kinh đô
từ năm 839 đến 1298 (459 năm), nơi trốn lánh của nhiều hoàng
tử bị truy nã vì tranh dành ngôi báu, nơi các hoàng tử chiêu
binh mãi mã để tấn công hoàng thành vì ngoài vị trí chiến
thuật, họ tin rằng xuất quân từ núi Popa sẽ tất thắng –
như trường hợp vua Anaurhata, lên ngôi năm 1010 và đem Phật
giáo nguyên thủy vào Miến Điện. Xung quanh núi có nhiều suối
nhỏ, dòng suối lớn nhất là sông Pin chảy ra sông Voi.

Từ chân cho tới đỉnh đều có các ngôi đền nhỏ thờ Phật
chung với các thần linh. Ba mươi bảy vị thần đều có trang
phục khác nhau. Họ mặc áo trắng, vàng, đỏ, tím, nâu, đủ
cả. Mỗi vị một hình tướng, người trông dữ tợn, kẻ
hiền lành hay trầm ngâm. Nhưng ấn tượng chung của tôi khi
nhìn vô một gian phòng có nhiều tượng nat là lạnh lẽo âm
khí dù đèn điện thắp sáng. Giống như nhìn một thế giới
âm binh và lơ lửng âm khí, đôi mắt của các bức tượng
buồn phiền hoặc bất mãn, họ khiến tôi nhớ những hình nộm
bằng tre có dán giấy màu mà người miền Trung đốt đi sau khi
cúng. Người đi lễ sắp trái cây tràn lan xung quanh họ, họ
bỏ tiền vào các thùng kiếng hoặc dán cả lên tượng, kể
cả tượng Phật, rồi thì thụp lạy trong tiếng khấn phụ vang
rõ của một người đàn ông canh đền. Lần đầu tiên tôi
cảm thấy 'không êm' khi đến một nơi thờ phụng, nên ra
hành lang đỉnh núi ngắm cảnh xong là chuồn êm xuống núi. Từ
chân núi, trước khi đi bộ xuống làng để nhìn ngược lên,
tôi mua một hòn đá nhỏ 'hai hòn', đó là một viên đá bên
ngoài có nham thạch bao lại, cầm lên lắc lắc mới biết bên
trong có một hòn nữa.
Từ con đường làng nhìn lên, núi Popa có hình dáng như một
cái tháp bị cắt đầu, triền núi dốc và cân đối như hai
cạnh một tam giác, xung quanh triền núi đá nhiều hơn rêu và
cây. Trên mặt bằng bị cắt ngang ấy là ngôi chùa Taung Kala.
Tôi đứng thật xa để ngắm ngọn linh sơn của Miến Điện,
vì có đọc đâu đó rằng muốn thấy hồn núi thì phải đứng
xa nó, đi quanh nó trong nhiều thời khắc khác nhau. Từ xa, cả
ngọn núi như một cái chuông từ trên trời úp xuống đất,
dáng cô độc, nhưng là nỗi cô độc hiền lành chứ không hùng
vĩ nghêng ngang hay chứa điều gì ẩn mật. Người Miến Điện
ví nó như núi thiêng Tu Di cũng hơi quá. Ở Tây Tạng, núi
Kailas, hay còn gọi là Linh Sơn hay Ngân Sơn, là một trong các
đỉnh núi trong dãy Hi Mã Lạp Sơn mới thật sự là Tu Di Sơn,
vì nó là khởi nguồn của bảy dòng sông lớn của châu Á,
trong đó có sông Hằng, Hoàng Hà và sông Mê Kông. Có lẽ, nếu
ví như núi Tu Di, nó chỉ đúng về mặt tâm linh, tức trung tâm
của mạch sống tâm linh, nơi các linh thần ẩn cư. Tu Di là
ngọn núi chỉ có trong siêu hình học Phật giáo, chứ không
phải là ngọn núi thật thấy bằng mắt thường. Theo Kinh Hoa
Nghiêm, núi Tu Di là trung tâm của tất cả các cõi, được kết
thành bởi toàn vàng, bạc, châu báu và lưu ly, cao đến 505.000
dậm, chỉ có chư thiên cư ngụ, chứ con người không thể
thấy mà cũng không thể đến đó được. Siêu hình học Phật
giáo cho rằng cả núi Tu Di chứa trong một hạt cải, và hạt
cải chứa trong núi Tu Di. Tín ngưỡng dân gian Miến Điện coi
Hoa Sơn như Tu Di có lẽ vì đó là nơi họ thờ các vị thần
nat, đấng quyền năng tối thượng của họ. Điểm khác biệt
nữa, so với Kailas của Tây Tạng hay ý nghĩa Tu Di trong siêu
hình học Phật giáo, Hoa Sơn là trú xứ của nhiều vị được
phong thần sau khi chết bất đắc kỳ tử, có vị nat nguyên là
công chúa bị vua trấn nước, có vị là vua hay hoàng tử, có
vị là vua của voi trắng hay ngựa trắng. Và trong số 37 vị
thần linh này có người rất hung dữ. Vì lẽ đó họ được
thờ cúng để khỏi phá phách chứ không phải để che chở hộ
vệ (không phá phách là đã mừng rồi). Tôi chợt nghĩ rằng
tình cảnh đất nước Miến Điện ngày nay xuất phát (phần
nào) từ nhân sinh quan của họ. Họ sợ hãi các vị thần hung
dữ, không tìm cách triệt tiêu hay dời đi chỗ khác (kính
trọng nhưng xa lánh) mà lại thờ cúng, tránh chọc giận thần
để được để yên. Không biết có nên ví điều này như một
thủ đoạn hối lộ không. Và không biết trong đời sống
thường ngày, họ có áp dụng cách xử thế này khi gặp cường
hào ác bá hay không.



<h2>13. Đổi tên</h2>

Sau khi từ Hoa Sơn trở về vào xế chiều, tôi tranh thủ đạp
xe vô các ngôi làng loanh quanh Nyaung U cho đến tối mịt. Hôm nay
là ngày 14 âm lịch, trăng sáng vằng vặt trên bầu trời xanh
lơ. Mấy ngày qua ăn uống linh tinh, toàn những chỗ dở hơi nên
hôm nay hạ quyết tâm kiếm một chỗ đàng hoàng tử tế. Tôi
phải tự thưởng cho mình vì còn tiền trong khi chỉ còn hai
ngày nữa, tôi sẽ bay về Yangon, ở lại một đêm ở đó để
sáng hôm sau bay qua Bangkok chờ đổi chuyến về Sài Gòn. Tôi
tìm được một nhà hàng (thứ thiệt) bên ngoài khu Bagan Cổ
để ăn tối, có tên 'A Little Bit of Bagan'. Nhà hàng nằm trên
con đường nhỏ, gần ngã ba cắt ngang đường cái Bagan-Nyaung U
và xịch hướng phía khu Nyaung U, ngay góc đường có tấm bảng
chỉ hướng nên dễ tìm. Sau khi bước qua sân trước sẽ thấy
một phòng Internet máy lạnh, nếu bạn muốn lướt tin hay gửi
điện thư thì các cô phục vụ sẽ giúp bạn vượt tường
lửa để vào Yahoo hay Google. Các bạn phượt không nên bỏ qua
nhà hang này vì giá cả không đến nổi nào (tất nhiên nếu so
với các quán ven đường thì nó mắc gấp ba lần). Một lon bia
Myanmar giá một đô rưởi, cơm gà hay mì Ý giá từ hai đô
đến ba đô. Đặc biệt cà phê thứ thiệt, uống rất đã.
Đặc biệt hơn nữa chúng nó có nước mắm ớt ăn với cơm
nóng rật xịn. Sau khi ăn sẽ được tặng đồ tráng miệng là
mấy chục viên kẹo me đựng trong một hộp gỗ nhỏ hình cái
tháp. Ngồi dưới các tàng cây lớn trong vườn, ngắm những
chiếc đèn lồng vàng nhạt, ngó nghiêng qua lá là trăng trắng
soi trời xanh, lai rai với bia quốc doanh, hồi tưởng những tháp
cổ, mở điện thoại cầm tay nghe Diễm Xưa 'mưa vẫn mưa bay
trên tầng tháp cổ' và đừng nhớ ai cả, chỉ nhìn có bóng
mình trên nền đất, tôi thấy rằng quả cái tuổi trai già
của mình vẫn không đến nổi nào.

Sau khi về tới nhà khách đã gần nửa đêm. Có tiếng gõ cửa:
anh bồi phòng trẻ khệ nệ bưng một mâm có đầy đủ bình
thủy nước nóng, ấm trà và cái tách nhỏ. Tôi chưa kịp hỏi
thì cậu ta mỉm cười: 'Bà chủ dặn đem cho anh.' Từ ngày
đem thân vào chốn giang hồ tôi ít khi gặp người tử tế cho
nên rất cảm động, nhắn cậu ta cám ơn bà chủ. Không chừng
bà ta phục kỹ năng 'động khẩu' với ông Tây già của tôi
chăng. Nếu quả vậy thì không uổng công phu tu luyện đấu võ
mồm. Tôi cao hứng nói:

- Mầy uống vài lon với tao không?

Anh ta mỉm cười gật đầu. Tôi nói anh ta đem vài lon bia
Mandalay ra ngồi ở bậc thềm, anh ta cẩn thận đốt thêm cái
nhang muỗi. Tụi tôi vừa uống vừa tán phét. Anh bạn làm bồi
phòng đã tốt nghiệp đại học Mandalay ngành nhân văn. Tôi
không ngạc nhiên khi biết cậu cử nhân đi làm bồi phòng. Ngay
trước nhà khách này, phía bên kia đường có một quán ăn bình
dân. Trên vách quán có treo ba tấm ảnh chụp ba người con trai
lãnh bằng tốt nghiệp, trong đó có tấm hình của anh bồi bàn
ở trần, quấn xà rông. Anh này hãnh diện nói anh cũng tốt
nghiệp đại học Mandalay, hai người kia là anh trai cũng đã xong
đại học, một người làm gì đó cho nhà nước, còn một
người chạy taxi.

Dù đã có nhang mũi nhưng chúng tôi vừa uống vừa đập mũi.
Đêm yên tĩnh, lâu lâu nghe tiếng lóc cóc của xe ngựa ngoài
đường vọng vào. Tôi hỏi anh ta một chi tiết về tên họ
của người Miến Điện. Hôm ở Yangon, tôi hỏi tên một thanh
niên làm việc trong nhà khách và nhờ anh ta viết ra giấy để
khi sắp về lại thì gọi điện thoại để báo trước. Khi tôi
hỏi chữ nào là tên gọi, chữ nào là họ thì anh ta cười
nói: 'Tụi tui đâu có họ.'

Nhờ cậu cử nhân bồi phòng giải thích tường tận, và đọc
thêm một vài tài liệu, nhất là của tác giả Shway Yoe (đã
nói ở chương trước), tôi mới biết rõ hơn người Miến
Điện đặt tên họ rất tự do.

Thông thường sau khi ra đời khoảng hai tuần, đứa trẻ sẽ
được đặt tên. Gia đình sẽ tìm một ông thầy bói, lựa
ngày lành và giờ hoàng đạo, mời bà con và bạn bè đến dự
lễ đặt tên. Hôm ấy đứa bé mới được gội đầu kể từ
khi chào đời. Họ hàng quyến thuộc đem đồ ăn hay tiền bạc
đến tặng. Người mẹ bồng con cha, xung quanh bà con hút thuốc
lá vặt hay nhai trầu để suy nghĩ một cái tên cho đứa bé, ai
nghĩ ra tên thì nói ra để người khác bình luận. Thường đó
chỉ là hình thức vì cha mẹ đã chọn tên trước, bà con cũng
chỉ nói vài cái tên do cha mẹ đã thông báo.
Tên của đứa bé tùy thuộc nó được sinh vào ngày nào trong
tuần. Người Miến Điện rất coi trọng tám ngày trong tuần –
thứ Tư được chia ra làm hai ngày. Họ vào chùa cũng tùy theo
sinh vào ngày nào trong tuần để lựa hướng thích hợp mà cầu
nguyện, vì mỗi ngày trong tuần tương ứng với một hướng.
Khi đặt tên con, họ dựa vào ngày sinh trong tuần để chọn vì
mỗi ngày tương ứng với một nhóm phụ âm đầu, chỉ có Chủ
Nhật mới bắt đầu bằng nguyên âm. Thí dụ đứa con sinh
nhằm thứ Hai, tên nó sẽ bắt đầu bằng một trong các mẫu
tự đầu là K, Kh, G, Gh, Ng, như Ngwe Khaing, Gauk, Khin.

Sinh ngày thứ Ba thì sẽ có tên bắt đầu bằng các phụ âm S,
H, Z, Zh, Nya, như San Nyun. Sinh nhằm thứ Bảy thì tên sẽ bắt
đầu bằng các mẫu tự T, Ht, D, Dh, N, như Ne Htun, Du Wun.

Sinh ngày thứ Năm thì tên bắt đầu với P, Hp, B, Bh, M, như Po
Mya, Bo Gale, Mi Meit.

Vào ngày thứ Tư thì tùy sinh giờ nào. Nếu sinh buổi sáng
trước 12 giờ thì bắt đầu bằng mẫu tự L, W, như Waing Hla.
Từ giữa trưa đến nửa đêm bé sẽ có tên bắt đầu bằng Y
như Yôn, Yauk, Yo.

Sinh vào thứ Sáu thì tên bắt đầu bằng Th hay H: Than, Thet She,
Thin. Theo cách đặt tên này thì Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc
từ năm 1961 đến 1971, ông U Thant người Miến Điện, chắc sinh
vào ngày thứ Sáu ('U' đặt trước tên dành cho đàn ông
lớn tuổi hay có chức tước trong xã hội).

Trong thực tế, người Miến Điện ít khi kêu tên trống không
mà kèm trước trên gọi một chữ chỉ tuổi tác hay giới tính.
Thí dụ 'Maung' để chỉ phái nam và 'Ma' là nữ giới,
như Maung Gauk là cậu Gauk (cậu sinh ngày thứ Hai), Ma Khin là cô
hay bà Khin. Riêng 'U' dành cho đàn ông lớn tuổi và được
kính trọng (do người khác gọi hay do chính đương sự tự
đặt trước tên gọi của mình), còn 'Daw' để bày tỏ sự
kính trọng với phụ nữ có tuổi, vì thế đôi khi đọc báo ta
thấy tên của nữ lãnh tụ đối lập có thêm chữ 'Daw'
đằng trước: Daw Aung San Suu Kyi.

Do đặt tên theo thứ, và việc đổi tên tùy tiện nên người
Miến Điện không có họ. Một người cha có năm đứa con trai
thì cả năm người có thể có tên gọi khác hẳn người cha.
Cậu con có thể thêm chữ Maung (ông), hay Shwe (vàng) trước tên
mình, thí dụ cậu được đặt tên là Lugale Ngè, khi đến
tuổi biết dê gái (thường rất sớm) cậu sẽ tự gọi mình
là Maung Lugale – thêm chữ 'Maung' đằng trước cho bảnh. Khi
qua tuổi ba mươi cậu sẽ tự tiện gọi mình là 'U Ngè' hay
'U Lugale'. Trong trường hợp cậu ghét tên cha mẹ đặt,
hoặc muốn chính thức hóa tên mới thì cậu sẽ gửi thư đến
người quen và bạn bè, báo tin: 'Tên tôi nguyên là Maung Shwe
Pyin, từ nay tôi không dùng tên này nữa, hãy gọi tôi là Maung
Hkyaw.' Thế là xong thủ tục.

Tôi có hỏi anh bạn đang lai rai bia bọt khi muốn đổi tên thì
giấy tờ cá nhân làm sao. Anh ta nói thì chỉ cần báo chính
quyền và có cách làm thủ tục hành chính đơn giản. Thật là
lạ. Đặc biệt phụ nữ ít khi đổi tên. Nhưng nam nữ gì, do
tính ngày sinh theo thứ, nên tuần nào cũng có sinh nhật. Các
trưởng giả hay bợm nhậu Việt Nam nên bắt chước phong tục
này để có chính nghĩa ăn nhậu.

Tập quán đổi tên của người Miến Điện có thể dùng
giải thích hiện tượng chính quyền hiện tại đổi tên nhiều
địa danh. Từ năm 1989, tên tiếng Anh 'Burma' được đổi
thành 'Myanmar'. Trừ Mỹ và Anh, các nước khác công nhận
tên mới. Các địa danh nổi tiếng khác cũng được đổi, như
Pagan thành Bagan, Rangoon thành Yangon, sông Irrawaddy thành Ayeyarwaddy
(sông Voi), cao nguyên May Myo thành Pin Oo Lwin (Phố Mây). Đài BBC
hồi cuối tháng Chín năm 2007 từng có một bài viết bình luận
về việc đổi tên nước 'Burma' thành 'Myanmar', cả trích
dẫn phát biểu của nhà ngữ học Richard Coates thuộc đại học
Western English. Ông này cho rằng chính quyền đổi tên vì muốn
cắt đứt với quá khứ bị thuộc địa. Có lẽ đúng nhưng
chưa chắc người Miến Điện đã quan trọng hóa việc đổi
tên nước hay địa danh. Có một số người vẫn dùng tên cũ
vì lý do chính trị, chứ không phải họ quan trọng hóa quan
niệm 'người quân tử đi chẳng đổi tên ngồi không đổi
họ'. Thích tên gì thì dùng tên ấy. Đó là tinh thần của
ngôn ngữ, vì ngôn ngữ là phương tiện qui ước miễn sao
được số đông đồng ý, chứ không cần câu nệ 'quân
tử' hay 'chính danh' gì đó.


<h2>14. Tắm sông</h2>

Ngày cuối cùng ở Bagan, tôi đạp xe xuyên qua thành phố từ
bờ bắc đến bờ nam sông Voi. Bagan có ba khu chính nằm trên
một trục lộ trải nhựa, hai bên trồng nhiều cây tếch, lề
đường toàn đất đỏ và khô, có các đường đất nhỏ cắt
ngang dẫn vô làng mạc sát bờ sông. Con đường dài chừng 20
cây số, bắt đầu từ phía bến tàu Nyaung U ở cực bắc,
xuyên qua khu Bagan Cổ ở trung tâm, kết thúc ở khu Bagan Mới ở
cực nam. Toàn bộ phố sá, chùa tháp đều nằm phía tả ngạn
sông Voi.

Tôi cột sau yên xe một chai nước, đem theo một gói kẹo để
bổ sung năng lượng cho bắp chân. Đường khá dốc nên mới
đạp lên một đoạn dốc ngắn đã đổ mồ hôi hột, nhưng bù
lại khi xuống dốc lại chạy ro ro khỏe khoắn. Mỗi lần lên
dốc hào hển, tôi nhớ lời cô bạn ở Việt Nam chuyên giang
hồ bằng xe đạp, nói rất triết lý: 'Nó rất công bằng,
lên mệt thì khi xuống dốc sẽ được bù lại xứng đáng.'
Nó ở đây là con đường, mọi con đường đi qua! Chỉ những
người mê chân trời mới nghĩ ra chân lý vô cùng đơn giản
ấy. Khi gồng bắp chân rướn người đạp lên đốc, tôi nhớ
lời, nên tự nhủ: 'Rán lên con, chút xíu nữa mày sẽ
sướng!'

Bagan là kinh đô từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 13. Khu tháp cổ
có diện tích khoảng 40 cây số vuông hiện nay vẫn còn 2.230
chùa, tháp, tự viện, nhưng chỉ bằng một phần năm số đền
đài chùa tháp nguyên thủy. Trong số này có 911 ngôi chùa, trong
đó 347 chùa có tranh vẽ hình tướng bồ tát và chư Phật trên
tường, nhiều tranh tường chỉ còn những nét mờ như phấn
trắng. Ngoài ra còn có 524 tháp và 415 tự viện còn tồn tại.
Tính trung bình cứ 17 mét vuông có một di tích chùa chiền hay
đền tháp.

Lịch sử Bagan ghi nhận ông vua đầu tiên có công xây chùa và
phát triển đất nước là vua Anawratha (1044-1077). Ông xây cụm
chùa tháp trên diện tích mô phỏng cấu trúc mạn-đà-là, ở
bốn góc có bốn chùa lớn, giữa trung tâm mạn-đà-la là đại
tự Shwesandaw. Hai ông vua nối ngôi tiếp tục xây thêm chùa là
Kyanzittha (1084-1112) and Narapatizithu (1170-1211). Thế kỷ 12 vì vậy
không những là Thời Hoàng Kim của Chùa Tháp Bagan, và thời
đại đó đã biến Bagan thành nơi tu học của tăng chúng tứ
phương cho đến ngày nay. Năm 1287, quân Mông cổ xâm lăng, tàn
phá đền đài, vua Narapatizithu phải lánh nạn, Bagan từ ấy tàn
tạ, không còn là kinh đô chính trị, nhưng vẫn là kinh đô
của Phật giáo Miến Điện.

<center>*</center>

Tôi vòng vèo đi qua vô số tháp nhỏ, tháp lớn, tháp nâu, tháp
xám, tháp vàng, có tháp rêu phong đổ nát, có cái mới được
trùng tu, có tháp cỏ cây che khuất, có đền còn tượng Phật,
có nơi bốn mặt đền không còn tượng duy dấu gạch nâu, có
cái trống không. Nhưng không mà có. Có những tượng phải chui
vào mới thấy, rồi những tượng chỉ cần ngừng xe, chống
chân, nghiêng người nhìn vào thấy Phật ngồi buồn sau những
hàng gạch vương vãi. Khác với cảm xúc khi đứng trên cao nhìn
muôn đỉnh tháp vươn trên rừng cây xanh, lần này đi xuyên qua
các miếu đền, tôi có cảm tưởng đi ngược thời gian, đi qua
những ngẩn ngơ, ngậm ngùi. Thời nào như hiện tới, thoắt
lui, một tiếng kinh ngân lên, tắt lịm, con sóc nhỏ băng qua
bụi đường biến vào lùm cây sột soạt, tiếng bò kêu ểu
oải, vó ngựa đâu lóc cóc buồn.

Tôi vào chùa A Nan (Ananda Temple). A Nan là thị giả thân cận
nhất của Đức Phật, nổi tiếng có trí nhớ vô song, nhờ
vậy khi kết tập kinh điển lần đầu tiên (bốn tháng sau khi
Phật nhập niết bàn) ông đọc thuộc lòng các bài thuyết pháp
của Phật để về sau ghi lại thành một trong ba bộ kinh điển
là tạng Kinh.

Tôi thích A Nan vì ông dễ thương và thật thà. Trong Kinh Thủ
Lăng Nghiêm, khi Phật hỏi A Nan nguyên nhân ông xuất gia theo
Phật, A Nan trả lời vì ông thấy ba mươi tướng của Phật
hết bực tốt đẹp, sáng chói như ngọc lưu ly, nên 'tôi
thương Phật, mến Phật, mà đành cạo đầu đi tu'. Tôi rất
'chịu' cách trả lời của A Nan, không quanh co né tránh. Thêm
một điều đáng yêu nữa là ngài A Nan suýt 'tiêu tùng sự
nghiệp' tu hành vì khất thực trúng vào nhà nàng Ma Đăng Già,
'em' này dụ ông vào nhà rờ rẫm vuốt ve, may mà Văn Thù
đem phép Phật đến giải thoát ông đúng lúc. Đoạn kinh này
rất hay cả với người không phải Phật tử, tả cảnh ông A
Nan khất thực và vì sao gặp nàng Ma Đăng Già:

'... Đến chừng trở về giữa đường, lại nhắm bữa không
có ai cúng, ông bèn mang bình bát tới thành phố mà khất thực.

'Trong ý muốn ông trước cầu một người lâu nay chưa có trai
tăng khi nào, mà làm một vị Thí Chủ, bất kỳ giàu hay nghèo,
nhơ hay sạch, nhà nào cũng đặng, chớ ông không lựa.

'Lòng ông muốn làm cái pháp bình đẳng để viên thành cái
công đức vô lượng cho tất cả chúng sanh.

'Vì ông đã từng nghe Phật quở ông Tu Bồ Đề, và ông Đại
Ca Diếp, làm bực A La Hán đi khất thực mà một người bỏ
nhà giàu xin nhà nghèo, còn một người bỏ nhà nghèo xin nhà
giàu, tâm không đặng quân bình, nên chi ông tuân theo lời
Phật, mở lòng lành vô ngại mà độ cái miệng khinh khi của
đời.

'Ông bèn đi trải qua ngoài thành, rồi lần lần rảo bước
vào trong cửa thành, nghiêm chỉnh oai nghi, kính trọng một phép
trì trai vậy.

'Trong khi khất thực, ông đi ngang một nhà tục, bị nàng Ma
Đăng Già dùng phép chú thuật của ngoại đạo mà bắt ông vào
phòng rờ rẫm vuốt ve, toan làm cho ông phá giới.

'Phật đương chứng trai nơi cung Vua Ba Tư Nặc, biết ông bị
nạn, ăn rồi liền cáo về.'

(Đoạn kinh trên khởi đầu Kinh Thủ Lăng Nghiêm, một bộ kinh
thượng thừa tích cực cứu thế của Phật giáo. Và cũng nhờ
nguyên nhân ông A Nan mắc nạn, Phật mới nói kinh này.)

<center>*</center>

Chùa A Nan là một trong các chùa cổ nhất ở Bagan, xây từ năm
1105. Tường thành bao quanh khuôn viên chùa có hàng ngàn hoa văn
khắc chạm, bên trong có nhiều điện thờ lớn nhỏ và vô số
hình tượng chạm lên tường ngoài tường trong. Ngôi điện
chính có đáy vuông, mỗi bề dài 53 mét, phía trên có hai tầng
(sân thượng) nâng một ngôi tháp màu vàng cao 51 mét. Ở bốn
góc của mỗi tầng đều có sư tử đá đứng gác. Lối vào
bên trong qua một hành lang dài, có bốn cửa theo đúng bốn
hướng đông, tây, nam, bắc. Bên ngoài đền trang trí 1.500 hình
tượng. Khi đi trên hành lang vào đến chính sẽ gặp một hành
lang hẹp bao quanh bên ngoài, đi theo hành lang này sẽ thấy 80 ô
hình bán nguyệt nhiều kích cỡ khác nhau đục sâu vào tường,
trong mỗi ô đều có tượng mô tả các sự kiện quan trọng
của cuộc đời Đức Phật, những ô cao quá phải dùng thang leo
lên mới thấy.

Hành lang này đi ngang bốn cửa chính, mỗi cửa đều có tượng
Phật Thích Ca đứng cao 9.5 mét mạ vàng. Hướng dẫn viên du
lịch có thể 'bốc' là bốn pho tượng này bằng đồng
nhưng thật ra bằng gỗ tếch. Trong bốn pho tượng này chỉ có
hai tượng hướng bắc và nam là có từ thời xây chùa, hai
tượng kia mới làm sau này vì bị hư hại trong một lần hỏa
hoạn. Cả hai bức tượng nguyên thủy – hướng cửa bắc và
nam – rất dễ nhận biết vì tay Phật đang bắt ấn thuyết
pháp (để trước ngực). Tượng phía Tây tay Phật bắt ấn vô
úy (lòng bàn tay phải ngửa ra trước ngực), trên hành lang ở
hướng này có khắc hai dấu chân Phật trên đá, mỗi bàn chân
chạm khắc tỉ mỉ 108 tướng tốt nhưng do người ta sờ mó
quá nhiều nên dấu vết chỉ còn lờ mờ. Riêng tượng phía
đông hai tay pho tượng thẳng xuống nắm khẻ vạt áo. Tôi để
ý ở chùa Miến Điện nhiều tượng Thích Ca có hình tướng
này nhưng không hiểu có ý nghĩa gì, nhưng nếu ngắm nhìn lâu
sẽ có cảm tượng như Phật đang đi. Cả bốn tôn tượng
đều sinh động dưới ánh sáng thiên nhiên xuyên qua ô cửa
trên trần điện, riêng tượng nhìn ra hướng nam nếu đứng
gần nhìn lên sẽ thấy một vẻ buồn buồn, nhưng đứng ngoài
cửa nhìn lên lại thấy Phật như mỉm cười hoan hỉ. Thật là
một kiệt tác nghệ thuật.

Mặc dù mật độ chùa tháp dầy nhưng mỗi đền tháp đều
nằm riêng lẻ, không kết nối với nhau. Từ chùa A Nan qua chùa
lớn Thatbyinnyu kề bên chỉ năm phút đi bộ, nhưng mỗi chùa
một vẻ. Cái chung nhất là các chùa lớn đều tường thành bao
quanh, có cổng vào nhìn ra chính hướng, ở giữa là điện
chính, trên điện có tháp cao thường là hình chuông. Còn chùa
và tháp nhỏ thì ngay sát lối đi, gần gũi với con người như
nhà cửa bình thường.

Điểm chung thứ hai là có ba loại kiến trúc ở Bagan, chùa,
tháp, và tự viện. Tháp khác với chùa ở chỗ tháp không có
cửa vào bên trong nội điện, xây kín và bên trong thường cất
dấu xá lợi Phật. Tự viện lớn hơn chùa, gồm một khối
kiến trúc độc lập hoặc một dãy kiến trúc gồm nhiều
điện, phòng ốc và sảnh lớn để tăng sinh tu học. Đây chỉ
là cách phân biệt tương đối vì thường trong chùa đều có
tháp lớn và nhỏ bao quanh.

Đặc tính thứ ba là hầu hết vật liệu dùng xây cất
chùa tháp ở Bagan đều bằng gạch, chỉ có ba ngôi chùa bằng
đá hoặc tường gạch lát đá.

Một kiến trúc khác hẵn và độc đáo còn tồn tại là hoàng
thành bao quanh cung điện. Hoàng thành vuông tương tự như hoàng
thành ở Mandalay, nhưng bờ thành phía sông Voi – hướng bắc
– hoàn toàn biến mất do bị xâm thực, tường thành hướng
tây và nam cũng không còn dấu vết. Loanh quanh hết các chùa
tháp ngoài thành, tôi đạp xe đến cổng thành duy nhất còn sót
lại ở hướng đông (hướng về khu Nyaung U và nằm trên trục
đường chính), cổng Tharaba. Cổng này chỉ còn hai khối gạch
đỏ, mặt trên và bề mặt hai tường thành hai bên đã hư hại
nặng, long lở và trồi sụt hình thù. Bên ngoài và hai bên
cổng có thờ hai vị thần nat. Không có dấu tích gì chứng tỏ
cổ thành đang được trùng tu, nhưng chính nhờ thế nên thành
cổ mang một bầu khí hoài cổ, lặng lẽ và cam chịu ở một
nơi vắng người.

Bên trong nội thành cây cối rậm rạp, nhà cửa hai bên đường
thưa thớt như một vùng đất hoang, dù tận bờ sông có làng
và khách sạn nhiều sao. Lúc này đã giữa trưa, trời nóng
bức, hai bên đường không có quán xá gì để hỏi đường,
chai nước cột sau yên xe rớt từ hồi nào nên cổ họng khô
đắng. Tuy đã nghiên cứu bản đồ nhưng đạp hoài vẫn chưa
tới khu Bagan Mới. Thời may tôi thấy một cái nhà nhỏ chứa
hai lu nước uống bên đường. Khắp Miến Điện nơi nào cũng
có hai hoặc ba lu chứa nước uống xây bên đường đi cho khách
lỡ đường. Người ta xây một trạm xi măng nhỏ giống như
các miếu hay am bên mình, trên có mái che, bên trong đặt hai, ba
cái lu đất có nắp đậy, trên để một ly nhựa. Hằng ngày
có người đạp xe chở nước uống từ đâu đó đến châm vào
lu. Tôi chưa bao giờ nghĩ có lúc mình sẽ cần đến mấy cái lu
này, nhưng vào lúc lỡ đường lỡ xá này mới thấy nó cần
thiết. Giữa trưa, múc một ly nước trong lu uống giữa cơn
khát cháy tưởng như uống từng ngụm chanh đường ngọt lịm.
Trong cái am chứa nước có hai chiếc chiếu nhựa cuộn tròn.
Tôi trải chiếu ra dưới góc cây, làm một giấc ngắn.

Tôi đạp xe đi chừng nửa tiếng nữa thì tới khu Bagan Mới.
Đây là một thị trấn xinh xắn, thanh lịch hơn khu Nyaung U.
Đường phố dốc như cao nguyên, quán xá không nhiều nhưng ngăn
nắp sạch sẽ. Tôi xem bản đồ và đạp tiếp đến cuối
đường để vào một nhà hàng nằm trong công viên Lawkananda ven
sông. Cổng vào có một thanh gỗ chắn ngang, một nữ cảnh sát
đứng gác. Tôi cứ đạp thẳng vào, cô cảnh sát ách lại, ra
dấu không được vào. Tôi ra dấu muốn vào nhà hàng ăn, nhưng
cô ta cứ xua tay đuổi lia lịa. Nhà hàng này chắc chỉ dành cho
khách đặc biệt. Tôi nản chí quay ngược đường cũ, dắt xe
đi ngược lên dốc. May quá thấy một tấm bảng ghi 'Si Thu
Restaurant' nằm bên bờ sông Voi. Đó là một nhà hàng khá lớn
bằng gỗ, không có thực khách nào. Ngồi trong nhà hàng nhìn qua
bên kia sông là rặng núi thấp chạy dài trên một thung lũng
rộng và vắng. Tuy ở vị trí lý tưởng nhưng đồ ăn rẻ,
đặc biệt sạch sẽ và phục vụ như một nhà hàng năm sao.
Thật là một địa chỉ tốt để chăm chăm núi sông miên man.
Một vài chiếc đò giương buồm từ bờ bên kia lửng thửng
trôi về bên này. Tôi chợt nảy ý định thuê một chiếc
thuyền đi ngược dòng sông Voi về lại Nyaung U. Người bồi
nói ở khu này không có dịch vụ đó, vả lại ở đây chỉ có
đò ngang chạy bằng buồm nên không ai đi ngược dòng nước
đến 20 cây số. Tôi không nản, nhờ anh ta coi giùm ba lô rồi
đi xuống một ngôi làng bên ngoài nhà hàng. Đó là một cụm
dân cư nhỏ, nhà lợp tranh, vách nứa. Tôi quanh co tìm lối
xuống bờ sông, thấy một chiếc đò nhỏ vừa cập bến. Tôi
ách ông lái đò, lật bản đồ ra dấu muốn đi ngược về
Nyaung U. Ông ngần ngừ rồi thảo luận với cậu thanh niên
ngồi trước mũi. Mấy cô gái Miến đang tắm sông vừa kỳ cọ
vừa tò mò nhìn. Sau một hồi lưỡng lự cậu thanh niên đưa
hai bàn tay lên ra dấu mười ngàn kyat (10 đô Mỹ).

Tôi lật đật về lại nhà hàng, ăn xong dắt xe ra thì
bác chèo thuyền đã đợi sẵn ngoài cửa. Bác phụ tôi vác
chiếc xe đáp xuống bên vì đường đất khá dốc và xấu
không đạp được. Chiếc thuyền bề ngang khoảng tám tấc, dài
chừng sáu, bảy thước. Tôi để xe đạp lên thuyền, ông lái
đò ngồi đằng sau vừa chèo vừa điều khiển buồm bằng một
sợi dây cước móc vào ngón chân cái, đằng mũi cậu thanh niên
vừa chèo vừa lái.

Tôi ngồi trên thuyền đi ngược dòng sông Voi, buổi trưa gió
hây hây mềm mại đưa đò.

Đò ngược nước không đi nhanh được, lại sát phía
tả ngạn nên cảnh trên bờ rất rõ. Sông Voi dài khoảng 2000
cây số, khởi nguồn từ hướng bắc, do hai con sông nhỏ Maykha
và Malikha hợp lưu ở tiểu bang Kachin. Nguồn của hai con sông
thượng nguồn này từ tuyết của Hi Mã Lạp Sơn đổ xuống.
Khác với sông Mê Kông chảy qua năm nước, sông Voi hoàn toàn
ở bên trong lãnh thổ Miến Điện, khi tới phía nam thì trổ ra
chín cửa chảy vào biển Andaman. Thời chưa có đường bộ,
sông Voi là đường thủy huyết mạch từ Ấn Độ Dương vào
đất liền. Khúc sông chảy qua Bagan mà tôi đang đi ngược dòng
có nhiều cây cổ thụ hình dáng kỳ vĩ, rễ cây to trồi hẵn
lên mặt đất như một cái dù lớn có nhiều chiếc nan cong
quẹo bung ra, nhiều loại hoa dại mọc trên bờ, nổi bật trên
bầu trời xanh lơ nổi trôi mây trắng, cây chập chờn trên
rừng lá, mái chùa màu gạch lặng thinh không.

Năm ngoái tôi đi ngược dòng Mê Kông ở Thượng Lào,
từ cố đô Luang Prabang lên Huay Xay để từ đó băng ngang sông
đến khu Tam Giác Vàng. Cảm giác lúc đó khác bây giờ vì
chiếc thuyền cao tốc ở Lào chạy đến 70 cây số một giờ,
chở tối đa sáu người ngồi co chân, không có mui. Sông Mê
Kông ở Thượng Lào hẹp, nước chảy xiết, hai bên núi dựng
đứng hiên ngang và hoang liêu, không một bóng người. Đường
đi nguy hiểm, nếu người lái thuyền đưa mình tới đâu cũng
không ai biết, cho nên vừa 'đã' vừa sờ sợ. Cảm giác đi
ngược dòng sông Voi khác hẳn. Phía hữu ngạn núi đồi bươn
chải, thung lũng thoai thoải vàng xanh, đàn ngựa trắng ngập
ngừng lượm cỏ. Bờ tả ngạn rải dăm mái tranh, trước mũi
đò sóng nước rộng giăng ngang.

Đời sống làng mạc ven sông chậm rãi. Phụ nữ thường giặt
giụa trên một cục đá, dùng cây gỗ đập áo quần trong khi
con cái trần truồng nô đùa cạnh đó. Một người đàn ông
đang đãi cát tìm vàng, một người khác nón lá sụp kín mặt
buông câu.

Chiều sắp tàn, đò ghé bờ trước một cụm làng nhỏ. Tôi
dắt xe đi xuyên qua bãi cát mịn rồi đạp về nhà khách trả
xe, thay áo quần để ra lại bờ sông cho kịp tắm trước khi
nắng tắt. Con đường nhỏ trong làng ngoằn nghèo đầy bụi
đất và phân heo. Gà, chó, heo và bò qua lại nhởn nhơ chung
với người. Các thiếu nữ Miến Điện mặc xà rông đang tắm
dọc theo mép sông, bên cạnh những chiếc đò nhỏ. Có cô vừa
tắm vừa giặt, cô nào tắm xong cũng đội một thùng nước
trên đầu đi về nhà. Tôi đi trên một thảm cây dại nửa
chừng thì mấy thanh niên đứng gần đó ra dấu tránh xa vì có
nhiều rắn. Lúc đó mặt trời đã khuất sau đỉnh núi bên kia
sông. Trăng rằm đã lên lưng lửng. Tôi ùa xuống dòng nước
ấm áp gợn sóng xuyên qua cây cỏ, màu nước sông Voi xám như
tà áo lam tu sĩ lay động giăng ngang hai bờ, tháng Tám, ở quê
tôi đang mùa giông bão, nơi đây, chiều đã vàng, một chút
nắng níu trên tháp cổ Bagan gợi một mùa thu xa.

<center><img src="https://danluan.org/files/u1/sub03/image016.jpg"
width="574" height="431" alt="image016.jpg" /></center>
<center><em>Hình thể Miến Điện như một ngọn lửa có bốn
ngọn chiếu ra bốn hướng chính, nhưng cũng giống lưỡi mai
cào đất. Ngọn lửa dễ thấy, nhưng bên dưới lưỡi mai còn
nhiều cất dấu.</em></center>

Bút ký này dành cho các bạn 'phượt', từ mới chỉ những
người thích giang hồ vặt, thích đi ngẫu nhiên hay 'đi
bụi', với hy vọng các bạn tìm thấy một vài điều bổ
ích, trước khi lên đường qua Miến Điện.

Tập sách mỏng này, do vậy, là những ghi chép vài kinh nghiệm
nhỏ, có thể nói là những điều khôn vặt, may ra những
người sắp phượt biết thêm một ít thông tin.


_______________________

[1] Shway Yoe (Jame George Scott) (1963) The Burman: His Life and Notions.
New York: W.W. Norton, tr.477-78

[2] Bird, George (1897). Wanderings in Burma. New York: Cornell University
Library.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20121104/tu-khanh-muoi-hai-ngay-o-mien-dien-5),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét