David Williams - Tầm quan trọng của hiến pháp dân chủ

<h2>Người dân có quyền lựa chọn chính quyền của họ</h2>

Trên thế giới hiện nay có rất nhiều chính thể. Mỗi nước
cần một cơ chế chính quyền phù hợp với hoàn cảnh riêng
biệt và truyền thống của nước họ. Vì vậy, nhân dân của
một nước cần có cơ hội chọn một cơ chế nhà nước mà
họ nghĩ là phù hợp với đất nước họ, nếu không, dân chủ
không tồn tại. Dân chủ không chỉ là bầu cử các lãnh đạo
chính trị, mà còn là quyền chọn lựa chính thể phù hợp.
Nhân dân minh định sự lựa chọn này trong một bản hiến
pháp. Những người cầm quyền không có quyền áp đặt một
chính thể khác biệt với những gì chính người dân đã chọn.

<h2>Người dân có quyền quy định những giới hạn bền vững
cho quyền lực nhà nước</h2>

Một khi người dân đã chọn cho mình một chính thể, nhà cầm
quyền không được phép thay đổi nó. Qua việc chọn chính
thể, nhân dân có quyền đề ra những giới hạn cho những
người làm việc trong chính quyền đó. Những quan chức này
không thể vi phạm những quy định do người dân đề ra. Thông
thường, nhân dân đặt ra những giới hạn lên chính quyền như
sau:

Trước tiên, nhân dân phân chia quyền lực cho nhiều thành phần
khác nhau của chính quyền: họ trao cho tổng thống một số
quyền hạn và Tòa án một số quyền khác. Một khi nhân dân
đã phân chia quyền lực như vậy, các quan chức chính quyền
không được phép vượt quá giới hạn quyền lực người dân
đã đặt ra. Chẳng hạn, tổng thống không được phép can
thiệp vào công việc của Tòa án bằng cách phán xử các vụ
kiện, cũng như không thể xen vào công việc của lập pháp
bằng cách tự ra luật. Tam quyền phân lập chính là tên gọi
chuyên môn của sự phân chia quyền lực giữa các thành phần
khác nhau của chính quyền.

Thứ hai, người dân có thể muốn phân định quyền hạn của
chính quyền trung ương với chính quyền địa phương, như cấp
tỉnh chẳng hạn. Thí dụ, nhân dân có thể trao cho chính quyền
trung ương toàn quyền về quân đội, và trao cho chính quyền
địa phương các quyền về giáo dục và trường học địa
phương. Một khi người dân đã phân định như vậy, cả chính
quyền trung ương lẫn chính quyền địa phương đều phải tôn
trọng và không được phép thay đổi. Nghĩa là chính quyền
địa phương không được quyền sử dụng quân đội cho các
vấn đề địa phương, và chính quyền trung ương không thể xen
vào việc giáo dục, học đường của địa phương. Sự phân
chia quyền lực giữa trung ương và địa phương như vậy
được gọi là thể chế liên bang, hoặc có nơi gọi là thể
chế tự trị.

Thứ ba, người dân yêu cầu chính quyền phải tôn trọng quyền
của mỗi cá nhân. Các bản hiến pháp khác nhau bảo vệ các
tập hợp khác nhau đôi chút về quyền cá nhân, nhưng lịch sử
thế giới có xu hướng mở rộng các quyền được bảo vệ,
thay vì hạn chế bớt. Thông thường, các hiến pháp bảo vệ
các quyền cá nhân như quyền tự do tôn giáo, quyền phát biểu,
phê bình hay biểu tình phản đối chính quyền, quyền tự do
hoạt động chính trị, quyền được đối xử công bằng và
quyền được hưởng một quy trình xét xử công bình trước
pháp luật. Một khi các quyền này được nhân dân bảo đảm,
chính quyền không được phép vi phạm, trừ những trường hợp
vô cùng đặc biệt đã được nhân dân nêu rõ trong hiến pháp.

Thứ tư, người dân đòi hỏi chính quyền phải chịu trách
nhiệm với họ thông qua các cuộc bầu cử tự do và định
kỳ. Thông thường dân chủ đòi hỏi những quy định chi tiết
về việc tổ chức bầu cử: thời gian và phương pháp tổ
chức bầu cử; ai có quyền bỏ phiếu, ai có thể ứng cử, v.v.
Các quy định về bầu cử để đảm bảo bầu cử diễn ra
thực sự tự do, công bằng, minh bạch là tối quan trọng. Nếu
không, những người kiểm phiếu chứ không phải cử tri mới
thực sự là những người lựa chọn người đại diện. Đặc
biệt quan trọng hơn nữa là phải có nền dân chủ đa đảng,
nếu không thì người dân sẽ không có sự lựa chọn thực
chất giữa các ứng cử viên đề xuất các chính sách chính
trị khác nhau. Một khi người dân đã đề ra các nguyên tắc
đó, các quan chức chính quyền không được phép vi phạm, như
tìm cách tại vị khi đã hết nhiệm kỳ, hoặc gạt bỏ quyền
bỏ phiếu của một số người, hoặc doạ nạt cử tri, hoặc
từ chối các chính đảng khác đăng ký tham gia tranh cử. Các
quy định đảm bảo bầu cử tự do và công bằng được gọi
chung là Luật bầu cử.

<h2>Một khi đã chọn ra chính thể và đề ra những giới hạn
cho chính quyền, người dân có quyền khẳng định các nguyên
tắc đó trong hiến pháp</h2>

Nhân dân tạo dựng và đặt ra giới hạn cho chính quyền; do
vậy chính quyền được xem là công bộc hay con đẻ của
người dân. Qua hiến pháp, nhân dân hướng dẫn cho công bộc
của mình là chính quyền. Vì thế hiến pháp phải rõ ràng và
cụ thể nhất có thể, nếu không thì những hướng dẫn cho
chính quyền sẽ mơ hồ. Vì lý do này mà hiến pháp thường
được viết thành văn bản. Nghĩa đen của từ hiến pháp là
sự sáng tạo hoặc nền tảng, vì hiến pháp do người dân tạo
ra và đặt nền tảng cho một chính quyền. Có nghĩa là chính
quyền đó sẽ không có quyền lực chính danh nếu quyền lực
của họ không xuất phát từ ý nguyện của người dân và phù
hợp với các quy định hiến pháp. Do vậy, cần phải có những
biện pháp để bảo đảm rằng hiến pháp vận hành hữu hiệu
như một tập cẩm nang hướng dẫn cho chính quyền.

Trước hết, người dân phải đóng vai trò chủ yếu trong tiến
trình soạn thảo và thông qua hiến pháp. Lý tưởng nhất là
bản hiến pháp được soạn thảo bởi một hội đồng lập
hiến do người dân bầu ra, trong đó một phần quan trọng là
đại diện của các nhóm vốn yếu thế về chính trị như nữ
giới hoặc các dân tộc thiểu số. Đồng thời, người dân
phải có quyền đóng góp ý kiến cả trước và sau khi soạn
thảo Hiến pháp. Và bản Hiến pháp chỉ được thông qua khi
người dân phúc quyết phê chuẩn.

Thứ hai, hiến pháp phải khó thay đổi, để chính quyền không
thể sửa đổi một cách độc đoán. Nếu chính quyền có thể
dùng hình thức lập pháp thông thường để sửa đổi hiến
pháp, thì hiến pháp sẽ không thể hạn chế quyền lực của
chính quyền một cách hiệu quả. Ý nghĩa cơ bản của một
bản hiến pháp là hạn chế quyền lực chính quyền một cách
lâu dài và ổn định. Để được như vậy, bản hiến pháp
phải khó sửa đổi và chỉ nên được sửa đổi khi được
toàn dân thông qua qua trưng cầu dân ý, tốt nhất là với đại
đa số phiếu thuận của người dân.

Sau cùng, người dân phải thiết lập một cơ chế thi hành
hiến pháp để bảo đảm chính quyền chú tâm thực thi các
hướng dẫn quy định trong hiến pháp. Nếu hiến pháp không
được thi hành, nó sẽ chỉ là một con hổ giấy. Trong hiến
pháp, người dân không chỉ đặt ra giới hạn cho chính quyền
mà còn cần lập ra cơ chế để bảo đảm những giới hạn
đó phát huy tác dụng. Một trong những cơ chế thi hành hiến
pháp chính là các cuộc bầu cử tự do, công bằng với sự tham
gia của nhiều chính đảng – nếu người dân cảm thấy chính
quyền hiện tại đang hành xử vi hiến, họ sẽ có thể bày
tỏ sự bất tín nhiệm qua lá phiếu và bầu những người khác
lên thay thế. Nhưng thông thường bầu cử tự nó chưa đủ
sức mạnh để kiềm chế chính quyền, vì bầu cử chỉ diễn
ra theo một hạn kỳ cố định, và giữa hai cuộc bầu cử
chính quyền có thể vi phạm hiến pháp nghiêm trọng mà không
bị trừng phạt. Thêm vào đó, không phải người dân nào cũng
hiểu tường tận về luật hiến pháp và nắm hết thông tin
về những hành vi sai phạm của chính quyền. Do đó, cần có
một cơ quan bảo hiến chuyên nghiệp, làm việc toàn thời gian,
có kiến thức sâu rộng về luật hiến pháp và có thể tiếp
cận các thông tin liên quan đến những hành xử của chính
quyền. Về mặt hình thức, cơ quan này là một thành phần của
chính quyền. Nhưng về thực chất, cơ quan này phải tồn tại
độc lập với chính quyền mới có thể xem xét kỹ lưỡng
hành xử của các quan chức. Người dân bình thường cũng có
thể tiếp cận với cơ quan bảo hiến đó và yêu cầu cơ quan
bảo hiến xem xét những hành xử sai trái của chính quyền mà
họ gặp phải trong đời sống hàng ngày. Cơ quan bảo hiến này
thường là một Tòa án, nhưng đó cũng có thể là một hội
đồng hoặc ủy ban bảo hiến độc lập.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20121031/david-williams-tam-quan-trong-cua-hien-phap-dan-chu),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét