<em><strong>Khi sức sản xuất của nền kinh tế được giải
phóng năm 1986, kéo theo hàng loạt các biến đổi sâu rộng của
đời sống xã hội, báo chí cũng có một cuộc lột xác ngoạn
mục và ngày càng giữ vai trò lớn hơn đối với sự phát
triển.</strong></em>
Vai trò đó cũng khiến giới báo chí va chạm nhiều hơn với
phần còn lại của xã hội và không tránh khỏi những mâu
thuẫn phát sinh. Hiện tượng phóng viên bị cản trở tác
nghiệp và bị hành hung tồn tại như là biểu hiện rõ ràng
nhất của những mâu thuẫn này. Trong hoàn cảnh đó, có những
nỗ lực nhất định từ giới báo chí đi tìm một cơ chế
bảo vệ các phóng viên trước các rủi ro nghề nghiệp, mà
một trong số những người có liên quan là Hội Nhà báo Việt
Nam.
Tại diễn đàn Quốc hội ngày 26-10 vừa qua, đại biểu Hà Minh
Huệ - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam bày
tỏ quan điểm cho rằng: "Việc coi báo chí là cơ quan thực thi
công vụ cũng cần được đưa vào luật. Việc này sẽ bảo
vệ cho báo chí, phóng viên. Ví dụ trong quá trình phóng viên
tác nghiệp, nếu người nào cản trở thì sẽ phạm tội danh
chống người thi hành công vụ, có thể chuyển qua xử lý theo
luật hình sự".
Có thể những ai có tâm huyết với việc bảo vệ các phóng
viên sẽ thoáng vui mừng với đề xuất này nhưng điều đó
lại chứa đựng những nhầm lẫn lớn về địa vị pháp lý
của phóng viên.
Tồn tại nhiều định nghĩa khác nhau về khái niệm công vụ
nhưng tựu chung lại, đó là những việc mà một người nhân
danh nhà nước và mang quyền lực nhà nước thực hiện theo quy
định của pháp luật, ví dụ cán bộ hành chính, công an, cảnh
sát, kiểm sát viên,... Trong hầu hết trường hợp, người
thực hiện công vụ là cán bộ, công chức nhà nước và việc
họ làm được bảo đảm thi hành bằng các công cụ trấn áp.
Trong khi đó, báo chí lại là một khái niệm thuộc về xã
hội. Chúng ta có hàng loạt các tờ báo của các tổ chức hội
đoàn, từ đoàn thanh niên, hội sinh viên, hội nông dân, hội
phụ nữ, hội người cao tuổi, báo của Đảng, báo của Mặt
trận Tổ quốc, báo của doanh nhân, báo của công nhân, báo
của cả trẻ em mầm non lẫn tiểu học, trung học,...
Sẽ có những thắc mắc về các tờ báo trực thuộc các cơ
quan nhà nước, theo hình thức là các đơn vị sự nghiệp. Đó
là một hình thức truyền thông của các cơ quan nhà nước
hoặc là một dịch vụ do Nhà nước cung cấp cho công chúng, có
thu tiền thông qua giá báo và quảng cáo. Đó là dịch vụ chứ
không phải công vụ.
Những người sốt ruột cổ vũ cho việc biến cơ quan báo chí
thành cơ quan thực thi công vụ sẽ không thể giải thích
được cho các phóng viên "nhí" của các tờ báo <em>Nhi
Đồng</em>, <em>Thiếu Niên Tiền Phong</em> thế nào là công vụ
và sẽ giải thích cho xã hội thế nào khi gọi các em nhỏ này
là những người thực thi công vụ? Báo của hội sinh vật
cảnh, hội nuôi chim, hội cá cảnh, hội chó cảnh cũng là cơ
quan thực thi công vụ? Và việc họ đến quán thịt chó viết
bài cũng là công vụ? Điều này nghe có vẻ rất hài hước.
Tư duy bám vào Nhà nước vô hình trung đi ngược lại với cái
mà chúng ta đang gọi là "xã hội hóa" các hoạt động của
Nhà nước. Chúng ta đã buông hoạt động công chứng, cho lập
trường tư, bệnh viện tư như một nỗ lực xác lập lại tư
duy xã hội về Nhà nước, rằng có những thứ thực ra không
thuộc về Nhà nước như thói quen nhiều người vẫn nghĩ.
Chính tư duy ôm đồm có từ thời bao cấp này, trớ trêu thay,
lại đang là nguyên nhân cơ bản khiến Nhà nước không thể
tăng lương được theo đúng lộ trình vào 1-5-2013. Cái gì cũng
Nhà nước, nghiên cứu khoa học cũng Nhà nước, dạy học cũng
Nhà nước, đăng ký giao dịch bảo đảm cũng Nhà nước, giới
thiệu việc làm cũng Nhà nước, làm kinh tế cũng Nhà nước.
Vậy thì thật không khó khăn chút nào để tìm nguyên nhân tại
sao lương cán bộ, công chức lại thấp và tại sao họ không
thể được tăng lương đợt này.
Bản thân báo chí chỉ là một tổ chức bình thường như bao
tổ chức khác trong xã hội. Họ bị hành hung? Đã có Bộ luật
Hình sự. Họ bị thiệt hại tài sản? Đã có Bộ luật Dân
sự. Họ có những rủi ro nghề nghiệp? Vậy tại sao không phát
triển dịch vụ bảo hiểm dành riêng cho nhà báo như bao nước
khác đã làm? Nếu hoạt động báo chí được coi như công vụ
vì tính chất nguy hiểm, vậy hoạt động thám tử, hoạt động
luật sư có nguy hiểm không? Và nếu nhốt hết họ vào cái túi
"công vụ" thì liệu cái túi đấy sẽ phải rộng bao nhiêu
cho vừa?
Báo chí cũng có bổn phận và ranh giới như bao nghề nghiệp
khác. Việc họ không được phép vào nơi này hay nơi khác - mà
một số người gọi là cản trở tác nghiệp, trong hầu hết
trường hợp, thuần túy là vấn đề dân sự. Đây là công ty
của tôi, là hội nhóm của tôi, là tài sản của tôi và tôi
không cho phép báo chí tiếp cận, có sao không? Không. Đó là
quyền của họ. Mọi việc chỉ khác đi nếu đó là các cơ quan
nhà nước, với nghĩa vụ và bổn phận phải cung cấp thông tin
cho xã hội, có thể thông qua công cụ của xã hội là báo chí.
Và trong trường hợp đó thì phải điều chỉnh lại các cán
bộ nhà nước, chứ không phải điều chỉnh báo chí.
Ý tưởng coi báo chí là công vụ có thể chỉ vì mục đích
bảo vệ phóng viên nhưng lại vô tình cổ vũ cho tư duy bám vào
Nhà nước và khiến ranh giới giữa Nhà nước và xã hội trở
nên rất khó xác định.
HỮU LONG
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/tin-tuc/20121028/huu-long-hoat-dong-bao-chi-la-cong-vu),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét