Nguyễn Văn Trọng - "Tự do của mỗi người là điều kiện đảm bảo cho tự do của mọi người"

<h2>Diễn từ nhận giải thưởng sách hay 2012</h2>

<div class="boxright320"><img
src="http://danluan.org/files/u1/sub02/download.jpg" width="275" height="183"
alt="download.jpg" /></div>Tôi thật bất ngờ và vinh dự được Ban
xét giải thưởng <em>Sách Hay</em> trao giải nghiên cứu năm 2012
cho tôi như người đã dịch tác phẩm <em>Bàn về tự do</em>
của John Stuart Mill. Tôi xin chân thành cảm ơn về đánh giá
khích lệ này cho công việc của tôi.

Tôi vốn không phải là người được đào tạo bài bản về
khoa học xã hội và nhân văn, nhưng trong tư cách là một con
người sống trong xã hội, tôi luôn băn khoăn với một số câu
hỏi nhân sinh; những câu hỏi ấy thôi thúc tôi tìm lời giải
đáp cho chính mình. Thế hệ chúng tôi lớn lên trong những
biến động lịch sử to lớn của dân tộc, dưới ảnh hưởng
tinh thần của những khẩu hiệu đến từ cách mạng Pháp:
<em>Tự do, Bình đẳng, Tình anh em;</em> chúng tôi luôn được
giáo dục phải dấn thân vì xã hội. Thực tiễn cuộc sống cho
tôi thấy rằng, tập thể đông người không phải lúc nào cũng
có ý kiến đúng đắn và thường có thái độ chuyên chế áp
đặt đối với cá nhân trong tất cả mọi chuyện.

Trong lòng tôi xuất hiện câu hỏi: <em><strong>có ranh giới
chuẩn mực nào cho việc áp đặt ý kiến của số đông với
cá nhân để cho việc áp đặt ấy là chính đáng.</strong></em>
Công việc nghề nghiệp và cuộc sống bề bộn đã không cho
tôi có điều kiện thư thả để tìm hiểu chuyện này. Mãi
đến tuổi về hưu tôi mới được đọc tuyệt tác <em>Bàn về
tự do</em> của John Stuart Mill. Cuốn sách đã gây ấn tượng
rất mạnh cho tôi. Vào lúc đó trình độ tiếng Anh của tôi
còn khá thấp, nhưng tôi cũng bắt tay vào việc dịch những
trích đoạn ấn tượng nhất và giới thiệu với bạn bè. Một
người bạn của tôi, ông Chu Hảo, là người đã khích lệ tôi
dịch toàn bộ tác phẩm. Sau khi ông Chu Hảo trở thành Giám
đốc NXB Tri Thức, ông cùng với các cộng sự của mình đã
giúp tôi hoàn tất bản dịch và cho xuất bản cuốn sách.

Tác phẩm <em>Bàn về tự do</em> đã đưa ra lời giải đáp khá
thỏa đáng về ranh giới chính đáng cho sự áp đặt của xã
hội lên tự do cá nhân: <em><strong>vì sự an toàn cho xã hội,
con người cá nhân phải giao nộp một phần tự do của mình;
thế nhưng con người cá nhân không thể giao nộp toàn bộ tự
do của mình vì như thế con người cá nhân tất yếu sẽ tha
hóa, và xã hội sẽ phải chịu tổn thất vì sự tha hóa của
các thành viên của nó.</strong></em> Tự do như thế của cá nhân
trong quan hệ với xã hội thường được gọi là tự do dân
sự. Mặc dù vấn đề tự do dân sự đã được J.S. Mill làm
sáng tỏ từ trước đây một thế kỷ rưỡi, nhưng cho đến
nay tự do dân sự vẫn chưa thành hiện thực trong đại đa số
các xã hội con người. Có những nguyên nhân lịch sử khiến
cho sự phát triển của các xã hội không đồng đều. Người
ta bàn luận rất nhiều về những nguyên nhân ngoại tại tác
động không thuận lợi cho sự phát triển con người cá nhân,
khiến cho mức độ phát triển tinh thần chung của xã hội
phải thấp kém. Người ta nói nhiều đến ảnh hưởng quyết
định của môi trường xã hội đến con người cá nhân. Những
ảnh hưởng của môi trường xã hội đến thế giới tinh thần
của con người cá nhân không nhất thiết mang tính bạo lực và
cưỡng bức, mà thường là dưới dạng thức của những cám
dỗ: cám dỗ vươn tới quyền lực và hùng mạnh, cám dỗ đầy
uy lực của đồng tiền, cám dỗ của danh tiếng... Trong lòng
tôi lại xuất hiện câu hỏi: liệu ảnh hưởng môi trường xã
hội đến con người cá nhân có thật là mang tính quyết định
hay không? Nếu ảnh hưởng ấy không mang tính quyết định, thì
con người cá nhân có những khả năng gì để chống trả lại
những ảnh hưởng tiêu cực đến từ bên ngoài, đặng bảo
vệ phẩm giá con người của mình? Nhà tư tưởng Nga Herzen đã
khẳng định: "<em>Tính độc lập về nhân cách của con người
cũng là chân lý và thực tại hiển nhiên, không khác gì sự
phụ thuộc của con người vào môi trường, với sự khác biệt
là nó ở trong quan hệ ngược lại với môi trường: càng
nhiều ý thức thì tính độc đáo càng lớn; càng kém ý thức
thì sự ràng buộc với môi trường càng chặt chẽ hơn, môi
trường càng nuốt mất bản ngã nhiều hơn</em>". Vậy là ở
đây đặt ra vấn đề con người cá nhân phải bảo vệ tự do
của bản ngã chống lại những cám dỗ ngoài xã hội để giữ
được phẩm giá của mình. Tự do ở đây không có ý nghĩa như
một quyền cần phải giành lấy, mà lại có ý nghĩa như một
trách nhiệm trước bản thân mình, đòi hỏi con người cá nhân
phải có dũng khí nhận lấy trách nhiệm ấy. Cần phải có
dũng khí bởi vì tự do với cám dỗ thì rất khó khăn, còn
chịu khuất phục làm nô lệ cho cám dỗ thì dễ dàng hơn, ít
đau đớn hơn nhiều. Ở đây tôi đang nói tới một thứ tự do
khác với tự do dân sự, tự do này được các triết gia tôn
giáo Nga đầu thế kỷ XX gọi là tự do lương tâm.

Tự do lương tâm có lẽ gắn với phong trào Phục hưng được
thể hiện trong "<em>Diễn từ về phẩm giá con người</em>" của
triết gia Ý Pico della Mirandola (1463-1494) vốn được coi là tuyên
ngôn của chủ nghĩa nhân văn. Ông đã diễn giải ý nghĩa của
việc Thượng đế tạo ra con người như sau: "<em>Ta đặt Mi
giữa thế gian, để cho Mi có thể tự do nhìn ra khắp mọi phía
của thế giới và nhìn đi đâu tùy ý của Mi. Ta tạo ra mi
không phải trần tục, không phải thượng giới, không phải
loài có sinh có tử, không phải bất tử. Bởi vì Mi tự Bản
thân mình, phù hợp theo ý chí của Bản thân mình và theo danh
dự, có thể là Đấng sáng tạo và Người tạo tác của chính
mình và từ vật liệu thích hợp cho Mi mà hình thành nên Bản
thân mình. Như vậy, Mi tự do trong việc đi xuống thấp tới
những thang bậc thấp kém nhất của thế giới thú vật, thế
nhưng Mi cũng có thể nâng cao Bản thân mình lên tới phạm vi
cao cả nhất của Thần thánh</em>".

Trong tác phẩm Anh em nhà Caramazov, đại văn hào Nga Dostoevski đã
dựng nên câu chuyện Viên Đại pháp quan tôn giáo ra lệnh bắt
giam Chúa Kitô khi Ngài xuất hiện trở lại trên thế gian. Viên
Đại pháp quan đã chất vấn Chúa: Chúa đã hứa hẹn với
người đời thứ tự do mà người đời chất phác và bẩm
tính càn rỡ không thể hiểu nổi… Con người quý trọng sự
yên ổn và thậm chí cả cái chết hơn là tự do lựa chọn
trong sự nhận thức thiện ác. Đối với con người không có
gì hấp dẫn hơn tự do lương tâm, nhưng cũng không có gì khổ
ải hơn. Con người yếu đuối sẽ không kham nổi sức nặng
khủng khiếp của tự do lựa chọn, họ sẽ đi tìm ai đó có
phép lạ để trút bỏ gánh nặng tự do lựa chọn ấy mà làm
nô lệ cho kẻ đó. Có thể có mấy chục ngàn người theo Chúa
vì bánh mì trời, nhưng còn có hàng chục triệu người khác
không đủ can đảm coi rẻ bánh mì trần thế; những người
này sẽ mang tự do của họ đặt dưới chân chúng tôi và nói:
"Chẳng thà biến chúng tôi thành nô lệ, nhưng cho chúng tôi
ăn còn hơn". Viên Đại pháp quan yêu cầu Chúa đi khỏi thế
gian, đừng gây phiền nhiễu nữa.

Triết gia Nga N. Berdyaev trong tác phẩm Bàn về nô lệ và tự do
của con người đã diễn giải ẩn dụ trên của Dostoevsky như
sau: "<em>Hai vấn đề nằm trong cơ sở của đời sống xã hội
và không có gì khó khăn hơn việc giải quyết chúng cho thật
hài hòa - vấn đề tự do và vấn đề bánh mì. Có thể giải
quyết được vấn đề tự do bằng cách tước mất bánh mì
của con người. Một trong những quyến rũ mà đức Kitô bác
bỏ ở sa mạc, là quyến rũ biến những hòn đá thành bánh mì.
Ở đây bánh mì biến thành sự nô dịch con người. Tất cả ba
quyến rũ mà đức Kitô bác bỏ, đều nô dịch con người.
Dostoevsky diễn đạt một cách thiên tài điều này trong Huyền
thoại về viên Đại pháp quan. Nhưng sẽ là trá ngụy nếu
diễn giải huyền thoại ấy như vấn đề bánh mì không có
lời giải đáp tích cực và đành phải chỉ có được tự do
thôi mà không có bánh mì. Người ta nô dịch con người bằng
cách tước đoạt bánh mì của họ. Bánh mì là biểu tượng vĩ
đại, và gắn với nó là đề tài xã hội chủ nghĩa, đề tài
mang tính toàn thế giới. Con người không được trở thành kẻ
nô lệ của "bánh mì", không được vì "bánh mì" mà giao nộp
tự do của mình</em>". Ông còn nói: "<em>Cuộc đấu tranh vì
bản diện cá nhân, sự khẳng định bản diện cá nhân là
đầy đau đớn. Tự thực hiện bản diện cá nhân giả định
một sự kháng cự lại, đòi hỏi đấu tranh chống lại quyền
lực nô dịch của thế gian, đòi hỏi không chấp nhận thói
thụ động thích ứng theo. Việc từ bỏ bản diện cá nhân,
việc chấp thuận hòa tan vào thế giới xung quanh có thể làm
giảm bớt nỗi đau và con người dễ dàng đi theo lối đó.
Chấp thuận làm nô lệ sẽ giảm bớt nỗi đau, không chấp
thuận sẽ gia tăng nỗi đau. Nỗi đau trong thế giới con người
là sự khai sinh của bản diện cá nhân, là sự khai sinh cuộc
đấu tranh vì hình tượng của nó. Ngay tính cá thể trong thế
giới động vật đã biết đau đớn rồi. Tự do sinh ra đau
khổ. Có thể giảm bớt đau khổ bằng cách chối bỏ tự do.
Phẩm giá con người, tức là bản diện cá nhân, tức là tự
do, đòi hỏi chấp nhận đau đớn, đòi hỏi khả năng chịu
đựng nỗi đau</em>".

Đến lúc này tôi mới hiểu được câu danh ngôn của Marx:
"<em><strong>Tự do của mỗi người là điều kiện đảm bảo cho
tự do của mọi người</strong></em>".

Tôi xin kết thúc ở đây. Cảm ơn quý vị đã cho tôi cơ hội
được nói ra những điều này.

N.V.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/tin-tuc/20120923/nguyen-van-trong-tu-do-cua-moi-nguoi-la-dieu-kien-dam-bao-cho-tu-do-cua-moi-nguoi),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét