Đàm Mai Đạo - Quyền Con Người và Tôi và Chúng Ta

<center><img src="http://danluan.org/files/u1/sub02/anh1_5fd89.jpg"
width="500" height="393" alt="anh1_5fd89.jpg" /></center>

Quyền Con Người là giá trị phổ quát trên toàn thế giới, khi
tạo hóa ban cho ta đời sống làm Người. Quyền Con Người sẽ
mãi là điều phải tranh đấu cho đến khi nào Con Người còn
tồn tại.

Quyền Con Người vượt qua mọi không gian, thời gian, để mãi
như là tặng phẩm vô giá của Thượng Đế ban cho, nhằm
khuyến khích ta luôn đòi hỏi Giá Trị Cao Cả này phải được
tôn trọng. Tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng dành cho nhau; bởi
chúng ta đều là Con Người.

Quyền Con Người là gì? Đó là Quyền đặc trưng cao nhất,
nhân bản nhất mệnh danh Con Người. Cụ thể hơn, ta phải
đối xử và được đối xử với tư cách Con Người bất kể
giới tính, tuổi tác, tôn giáo, địa vị, chính kiến, học
vấn, kể cả khi chúng ta đã bị phán quyết là có tội [*].

Đòi Quyền Con Người trước hết, cao nhất là cho những nhóm
Người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.

Những nhóm Người dễ bị tổn thương nhất hiện nay trong xã
hội Việt Nam: Trẻ em, Tù nhân [**], Người mãi dâm, Người GLBT
(Gay, Lesbian, Bisexual, Transgender), Người bất đồng chính kiến,
Người vị trí xã hội thấp, Người nghiện, Người khuyết
tật. Tiếng nói của những nhóm Người này hầu như không
được lắng nghe và gần như không có một tổ chức hữu hiệu
nào để thật sự là nơi lên tiếng và đòi Quyền Con Người
cho họ. Bên cạnh đó, dường như còn quá ít "mái nhà chung"
để họ cùng sẻ chia, an ủi, nâng đỡ nhau trước khi dư luận
biết đến Quyền Con Người của họ đang bị xâm phạm.

Đặc biệt, nhóm người quan trọng nhất cho bất kỳ xã hội
nào - Trẻ Em, đang bị vi phạm Quyền Con Người tại Việt Nam
ngày càng vô cùng nghiêm trọng, nhất là trẻ em nghèo, bị bỏ
rơi. Tình trạng khai thác bừa bãi và quá độ sức lao động
trẻ em; lạm dụng tình dục trẻ em; bạo hành đối với trẻ
em; thất học, vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, dù xã hội
đã báo động quá nhiều. Quyền Trẻ Em đã được Luật quy
định (1), nhưng đó vẫn là lý thuyết, trong khi tình trạng
Trẻ Em bị ngược đãi dưới mọi hình thức vẫn diễn ra hàng
ngày trên cả nước.

Khi nào Quyền Con Người bị mất? Đó là khi ta bị phân biệt
đối xử, bị xúc phạm nhân phẩm dưới mọi hình thức, đặc
biệt nổi rõ khi Con Người bị hành hạ và tra tấn. Hình ảnh
kinh hoàng nhất tố cáo Quyền Con Người bị dẫm đạp tàn tệ
từ một hài nhi vô tội bị bỏ rơi, dù không biết hài nhi này
chết trước hay sau khi bị kiến, côn trùng gặm nhấm (2)!

Có một số người nhầm lẫn và đồng nhất giữa Quyền Con
Người với khái niệm xót thương và/hoặc đi kèm sự gia ân.
Lòng nhân ái là điều đáng khuyến khích nhưng đó thuộc phạm
trù đạo đức. Cũng có một số người đồng nhất tử tù hay
tội phạm thì dư luận xã hội, thậm chí cơ quan công quyền
có quyền hạ nhục họ(**). Dù cho họ phải ra pháp trường,
thì ngay trước giây phút tiếng súng vang lên, hoặc trong gian
phòng dành cho việc tiêm thuốc độc, họ vẫn là Con Người,
họ vẫn có quyền dùng bữa cơm cuối cùng trong đời làm
Người. Do vậy, họ vẫn nên được đối xử với tư cách Con
Người trước khi kết thúc kiếp Người.

Quyền Con Người và Tôi và Chúng Ta?

Hãy nhìn sâu vào tận đáy tim của từng người chúng ta để
thấy rằng: mỗi người chúng ta, dù nhiều, dù ít, chúng ta
đều đã (và có thể đang) vi phạm Quyền Con Người, dù chúng
ta có tránh né thì "tòa án lương tâm" trong mỗi Con Người đã
tự thân phán xét. Lương tri sẽ làm việc đó, nếu mỗi chúng
ta đều ý thức : "TÔI LÀ CON NGƯỜI".

Hãy đòi Quyền Con Người ngay từ trong gia đình của từng
chúng ta - nơi mà chữ "Hiếu" đã và đang bị lạm dụng quá
nhiều nhằm truất phế Quyền Con Người từ chính bậc sinh
thành ra chúng ta; nơi mà đã trói Quyền Con Người lại để
nhân danh "quyền làm cha làm mẹ" thậm chí nhân danh "quyền lo
lắng tương lai cho con" để áp đặt chúng ta làm những điều
mà không chắc chúng ta đồng ý [****].

<center>***</center>

"Tôi và chúng ta" - một kịch bản của Nhà soạn kịch Lưu Quang
Vũ với trường đoạn một nữ Thanh Niên Xung Phong cùng đồng
đội trong khung cảnh bom rơi đạn nổ, ai cũng lo sợ không dám
xông ra ngoài để cứu những người lính đang bị thương
nặng, cô đã thốt lên: "Cần phải có một người đi trước!"
và sau đó lao ra.

"Cần phải có một người đi trước". Cám ơn "Con Đường
Việt Nam". Quý vị đã xông ra phía trước để gióng lên hồi
còi báo động: QUYỀN CON NGƯỜI - QUYỀN THIÊNG LIÊNG CAO CẢ
ĐANG BỊ VI PHẠM NGHIÊM TRỌNG TẠI VIỆT NAM.

Đàm Mai Đạo
___________

[*] Việc LS. Nguyễn Thị Dương Hà vừa có đơn khiếu nại và
tố cáo chồng bà (Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ) bị ngược đãi trong
tù, là biểu hiện sinh động Quyền Con Người vẫn đang bị
chà đạp nghiêm trọng tại Việt Nam.

[**] Dù là tội phạm dưới hình thức nào.

http://vi.wikisource.org/wiki/Lu%E1%BA%ADt_B%E1%BA%A3o_v%E1%BB%87,_ch%C4%83m_s%C3%B3c_v%C3%A0_gi%C3%A1o_d%E1%BB%A5c_tr%E1%BA%BB_em_n%C6%B0%E1%BB%9Bc_C%E1%BB%99ng_h%C3%B2a_x%C3%A3_h%E1%BB%99i_ch%E1%BB%A7_ngh%C4%A9a_Vi%E1%BB%87t_Nam_2004
(1)

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/84661/hai-buc-anh-tinh-nguoi-roi-nuoc-mat.html
(2). Bức ảnh làm sởn gai ốc, rùng mình, trào nước mắt cho
bất kỳ ai nhìn vào.

[***] Ví dụ: Hình ảnh một nhà báo đã nhếch mép cười khinh
bỉ trước tử tù Nguyễn Đức Nghĩa. Nhà báo này có đang vị
phạm Quyền Con Người với tính chất "phân biệt đối xử"?
http://danluan.org/node/10572 (3)

[****] Thảm cảnh đôi trai gái yêu nhau phải nhảy sông tự tử
vì bị cha mẹ chia uyên rẽ thúy, thật quá đau lòng.
http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/85577/bi-kich-doi-uyen-uong-buoc-tay-nhau--nhay-song--chet.html

Ghi chú: Bài viết hưởng ứng cuộc thi "Quyền Con Người và
Tôi", không để dự thi. Kính tặng conduongvietnam.org
danluan.org. Chúc cuộc thi gặt hái thành công trong công cuộc
"Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh".

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/14088), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét